I. Ðịa dư.-- Một thành ở phía Ðông xứ Ma-xê-đoan, cách biển độ 16 cây số, phía Tây bắc cách đảo Thasos từ cửa biển Nê-a-bô-ni nay gọi là Kavalla chừng 18 cây số. Thành ở trên đường cái thông suốt từ La-mã đến A-si, gọi là Via Egnatia và trên bờ sông Gangites, nay gọi là Angista. Phi-líp là một trong các thành đứng đầu xứ Ma-xê-đoan xưa.
II. Lịch sử.-- Thành Phi-líp nguyên gọi là Krenides, tức nơi có nhiều suối nhỏ, và trong địa phận Thrace xưa. Song năm 356 T.C. vua Phi-líp II của Ma-xê-đoan mở rộng bờ cõi mình đến tận sông Nestus và sáp nhập vào thành làm cho rộng và mạnh thêm, đặt cho chính tên mình. Miền xung quanh thành có nhiều mỏ vàng và bạc, sản vật đó giúp đỡ Phi-líp đạt đến những tham vọng của mình. Phi-líp không những dùng vàng đó để tăng cường binh bị, song cũng dùng để làm hối lộ như vua nói rằng không có đồn lũy mạnh nào không chiếm được miễn là con lừa chở vàng có thể vào phía trong tường. Năm 168 T.C. chấp chính quan La-mã Paulus AEmilius đánh bại Perseus, vua cuối cùng của Ma-xê-đoan, và Phi-líp cùng cả xứ sa vào tay người La-mã. Năm 42 T.C. hai trận quyết liệt xảy ra vùng lân cận thành, giữa Brutus và Cassius, hai người đứng đầu vụ ám sát Sê-sa, và Octave và Antoine, hai người báo thù chính. Rồi sau, Octave đã trở nên Augustus Sê-sa, thì chú trọng đến nơi mình đã chiến thắng nên gởi một số thực dân tới Phi-líp. Không những Lu-ca chép là một thuộc địa (Công vụ các sứ đồ 16:12), song còn những đồng tiền có đề chữ Colonia Augusta, Jul. Philippensis. Lúc đó Phi-líp là thành đứng đầu miền đó, song kinh đô là Amphipolis. Nê-a-bô-li, cửa biển Phi-líp, mới nhập vào tỉnh Ma-xê-đoan đế quốc La-mã trong đời vua Vespasien .--
III. Lần đầu Phao-lô đến Phi-líp.-- Trong cuộc lưu hành thứ hai Phao-lô đi thuyền với Si-la (tức Sin-vanh, II Cô-rinh-tô 1:19; I Tê-sa-lô-ni-ca 1:1; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:1), Ti-mô-thê và Lu-ca và hôm sau tới cửa biển Nê-a-bô-li (Công vụ các sứ đồ 16:11). Ấy là lần đầu Phao-lô đặt chơn lên châu Âu. Từ đó đi đường tới Phi-líp, trước phải qua một đèo cao độ 500 thước qua dốc núi Symbolum và sau tới đồng bằng có thành Phi-líp. Công vụ các sứ đồ 16:12-40 chép những sự từng trải Phao-lô ở đó: tức ngày sa bát sau tới, Sứ đồ và các đồng bạn ra ngoài cửa thành đến bờ sông Angites, vì là nơi nhóm họp cầu nguyện, và giảng đạo cho những đờn bà nhóm lại. Trong số đó có người Do-thái và Hy-lạp nhập vào đạo đó. Ly-đi, một đờn bà Hy-lạp nhập Do-thái-giáo quê ở thành Thi-a-ti-rơ (so Khải Huyền 2:18-29) làm nghề buôn hàng sắc tía, kính sợ Ðức Chúa Trời, nghĩa tên gợi ý là tôi mọi được giải phóng, nghe Sứ đồ giảng thì tin Chúa Jêsus và chịu lễ báp-têm với người nhà mình. Vì không nói đến chồng, và bà Ly-đi có gia đình thì dường như là một đờn bà góa. Bà Ly-đi ép mời Phao-lô và các đồng bạn hãy ở nhà mình trong khi còn ở tại thành.
Phao-lô cứ ở Phi-líp giảng, song một ngày kia có sự phản đối nổi lên. Có một đứa đầy tớ gái bị quỉ bói khoa ám theo Phao-lô nhiều ngày và kêu lên: "Những người đó là đầy tớ của Ðức Chúa Trời rất cao rao truyền cho anh em sự cứu rỗi." Cuối cùng Phao-lô lấy làm phiền, thì nhơn danh Chúa Jêsus bảo quỉ ra khỏi đầy tớ. Các chủ đầy tớ thấy mất lợi, bắt Phao-lô và Si-la, kiện trước các thượng quan là người làm rối loạn và dạy trái với thói tục người La-mã. Ðoàn dân cũng nổi nghịch nữa, nên thượng quan bảo phải đánh đòn nhiều và bỏ Phao-lô và Si-la vào ngục tối, tra chơn vào cùm. Buổi tối khuya, trong lúc Phao-lô và Si-la hát ngợi khen và cầu nguyện, bỗng chốc có cơn động đất, mở các cửa ngục, xiềng tù phạm thảy đều tháo cả. Người đề lao thấy vậy, tưởng tù đã trốn hết, thì toan tự tử, song Phao-lô khuyên đừng làm, cho biết các tù còn y nguyên. Người đề lao chịu cảm động, hỏi Phao-lô và Si-la mình phải làm chi chọ được cứu rỗi, và khi nghe hãy tin Ðức Chúa Jêsus thì chính giờ đó người và cả nhà tin và chịu lễ báp-têm. Sau, người đề lao mời Sứ đồ lên nhà và đãi ăn.
Ngày hôm sau, thượng quan muốn thả ra, song Phao-lô không chịu như thế vì mình và Si-la là công dân La-mã, nên theo luật khi chưa định tội, họ không có phép đánh đòn giữa thiên hạ, (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:2) bỏ vào ngục như đã làm rồi. Vậy, Phao-lô nói chính các quan phải tới thả mới phải. Nghe nói, các quan sợ thì đến nói với Phao-lô và Si-la, thả đi và xin lìa khỏi thành. Song khi đã về nhà Ly-đi, hai anh em thăm và khuyên bảo anh em, rồi bỏ thành đi tới thành Tê-sa-lô-ni-ca. Không biết rõ hai anh em ở thành Phi-líp được bao lâu, song Công vụ các sứ đồ 16:18 chép "nhiều ngày." Ramsay tưởng Phao-lô trước bỏ Trô-ách trong tháng Octobre 50 S.C. và cứ ở Phi-líp cho đến gần hết năm.
Trong mấy truyện kể trên, nên chú ý về mấy điều. Thứ nhứt, tại Phi-líp số người theo Do-thái-giáo và tín đồ người Do-thái ít lắm. Không có một nhà hội ở đó như ở Sa-la-min, An-ti-ốt, xứ Bi-si-đi, v.v. (Công vụ các sứ đồ 13:5; 14:43; 14:1 v.v.) người Do-thái họp lại trên bờ sông và phần nhiều là đờn bà (16:13). Bởi đó thấy trong thơ Phi-líp dường như không có tín đồ đảng Do-thái, vì chỉ một lần Phao-lô tố cáo: "Hãy coi chừng phép cắt bì giả" (Phi-líp 3:2-7). Thứ nhì, thấy Phi-líp không phải là thành Hy-lạp hay Do-thái song là một thuộc địa La-mã. Vì Vì vậy, khi Phao-lô tỏ ra là công dân La-mã tức thì các quan sợ. Thứ ba, Ramsay gợi gợi ý chính Lu-ca vốn là người Phi-líp dầu truyền khẩu nói là người An-ti-ốt. Thấy trong Công vụ các sứ đồ 16:10 chép "chúng ta" thì tỏ ra ở đây Lu-ca đến cùng Phao-lô, và vì đó có người tin Phao-lô cứ ở Phi-líp trong khoảng giữa lần thứ nhứt và lần thứ ba mà Phao-lô viếng thăm nầy.
IV. Mấy lần sau Phao-lô đến Phi-líp.-- Phao-lô và Si-la, có lẽ có Ti-mô-thê cùng đi (dầu không nói đến trong Công vụ các sứ đồ 16:1-17:14), lìa thành Phi-líp mà qua thành Tê-sa-lô-ni-ca. Song dường như Lu-ca ở lại, vì "chúng ta" trong Công vụ các sứ đồ 16:10-17 không có nữa cho đến 20:5, lúc Phao-lô bỏ thành Phi-líp lần nữa để sang Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng. Vì Lu-ca tại đó trong khoảng 5 năm đó chắc có giúp đỡ lập Hội Thánh Phi-líp và làm vững vàng trong cơn bắt bớ (II Cô-rinh-tô 8:2; Phi-líp 1:29,30). Phao-lô không đến thăm thành Phi-líp cho đến cuộc lưu hành thứ ba thì trở về xứ Ma-xê-đoan, và có Ti-mô-thê và Ê-rát đi trước hai năm, sau khi Sứ đồ ở Ê-phê-sô hai năm (Công vụ các sứ đồ 19:22; 20:1). Không chép chắc chắn Phao-lô có đến Phi-líp lần nầy không, nhưng có lẽ ông đợi chờ Tít tại đó (II Cô-rinh-tô 2:13; 7:5,6), và chép thơ Cô-rinh-tô thứ hai nữa (II Cô-rinh-tô 8:1 tt; 9:2-4). Sau ba tháng tại nước Hy-lạp, vì cớ mưu hại mình thì Phao-lô không đi đường thủy mà đi đường bộ qua xứ Ma-xê-đoan sang xứ Sy-ri (Công vụ các sứ đồ 20:3). Nơi cuối cùng Phao-lô ở lại trước khi sang A-si là Phi-líp, và ở đó qua những ngày ăn bánh không men, sau với Lu-ca tới Trô-ách mà gặp bảy đồng bạn đang đợi mình (20:4-6). Dường như Phao-lô đến viếng Phi-líp lần nữa giữa lần thứ nhứt và thứ nhì bị tù tại La-mã. Trong Phi-líp 2:24 Phao-lô nói muốn làm như thế, và I Ti-mô-thê 1:3 nói đến Phao-lô qua Ma-xê-đoan, chắc là dịp tiện cho Phao-lô viếng Phi-líp lần nữa.
Lúc Phao-lô lần thứ nhứt ở Tê-sa-lô-ni-ca, thì đã nhận lãnh hai lần tiền quyên giúp của tín đồ thành Phi-líp (Phi-líp 4:16), và khi Sứ đồ bỏ Ma-xê-đoan sang nước Hy-lạp cũng nhận lần nữa (II Cô-rinh-tô 11:9; Phi-líp 4:15). Khi Phao-lô bị bỏ tù lần thứ nhứt tại La-mã, thì Hội Thánh Phi-líp nhờ Ép-ba-phô-đích gởi một lần nữa (Phi-líp 2:25; 4:10, 14-19). Ép-ba-phô-đích ở lại với Phao-lô và sau khi đau ốm nặng (2:27), thì mang thơ của Phao-lô viết về để cảm ơn Hội Thánh Phi-líp (Phi-líp 1:1). Dường như có thơ khác giữa Phao-lô và Hội Thánh Phi-líp, song chỉ có thơ tín Phi-líp còn lại. Polycarpe nói đến những thơ đó.
V. Lịch sử sau của Hội Thánh Phi-líp.-- Sau Phao-lô chết, ta chỉ nghe ít về Hội Thánh và thành Phi-líp. trước năm 117 S.C.. Giám mục An-ti-ốt là Ignace, vì là tín đồ Ðấng Christ nên bị lên án và giải đến La-mã và bị quăng cho thú dữ, khi qua thành Phi-líp thì Hội Thánh tỏ lòng hoan nghênh và kính trọng. Khi giám mục đi rồi, Hội Thánh Phi-líp gởi thơ cho Hội Thánh An-ti-ốt tỏ lòng chia buồn, và gởi một thơ khác cho Polycarpe, giám mục tại Si-miệc-nơ, xin ông gởi những bản sao của các thơ giám mục đã nhận từ Ignace. Polycarpe làm như lời và cũng gởi một thơ đầy sự giục lòng, khuyên, và răn dạy cho Hội Thánh Phi-líp. Theo thơ đó, Hội Thánh Phi-líp vẫn đáng khen, dầu có một trưởng lão tên là Valens với vợ bị quở trách vì cớ tội tham lam. Trong các biên bản giáo hội nghị tại Sardica (344 S.C.), Ê-phê-sô (431), và Chalcedon (451), có tên các giám mục Phi-líp và Hội Thánh đó vẫn còn sống sót cho đến đời cận kim, mặc dầu thành không còn ngoài những di tích như là một cổng lớn mà Sứ đồ có lẽ dùng để đi ra ngoài bờ sông mà giảng.