I. Phao-lô với Hội Thánh Phi-líp.-- Phi-líp là Hội Thánh rất yêu quí của Phao-lô. Trong cuộc lưu hành thứ hai, 52 S.C., Phao-lô bị ngăn trở cách lạ: đau ốm, Ðức Thánh Linh cấm truyền đạo trong cõi A-si, và ngăn trở vào xứ Bi-thi-ni. Không biết làm gì Phao-lô với Si-la và Ti-mô-thê xuống Trô-ách trên bờ biển. Lu-ca đến cùng anh em tại đó (so Công vụ các sứ đồ 16:10, "chúng ta"). Trong sự hiện thấy, Phao-lô thấy một người Ma-xê-đoan nài xin hãy qua xứ mình cứu giúp. Bởi đó, Phao-lô biết ý muốn Chúa. Tức thì, Chúa mở đường đi, Phao-lô và anh em xuống tàu, có gió thuận, khỏi hai ngày tới Nê-a-bô-li, và đi đường đèo độ 15 cây số mà tới Phi-líp. Vì tại đó không có nhà hội, nên ngày sa bát, Phao-lô và anh em đến nơi nhóm họp cầu nguyện của người Do-thái trên bờ sông Gangites. Phao-lô giảng đạo và kết quả là Ly-đi tin Chúa: Rồi sau, gặp sự bắt bớ, Phao-lô và Si-la bỏ tù; song Chúa làm phép lạ mở các cửa ngục. Kết quả là người đề lao và gia đình tin Chúa. Vậy, Phao-lô trong châu Âu được linh hồn tin Chúa thứ nhứt, lập Hội Thánh đầu nhứt, bị đánh đòn, cầm tù, tra chơn vào cùm thứ nhứt, đều tại thành Phi-líp. Các tín đồ Phi-líp cứ giữ lòng ngay thẳng và yêu mến đối với Phao-lô và Chúa mình. Ấy là kết quả rất quí báu của sự bắt bớ. Vậy,không lạ, thấy Phao-lô nhơn mọi dịp tiện đến thăm luôn. Sáu năm sau, lúc ở Ê-phê-sô đợi chờ Tít sang Cô-rinh-tô với thơ, thì Phao-lô hẹn với Tít sẽ gặp tại xứ Ma-xê-đoan để Tít cho mình biết Hội Thánh Cô-rinh-tô hoan nghênh thơ thế nào. Có lẽ trong khoảng đó, Phao-lô thăm Phi-líp lần thứ hai, và chép thơ II Cô-rinh-tô khi Tít về (II Cô-rinh-tô 2:13; 7:6). Phao-lô trở lại Ê-phê-sô và sau sự rối loạn, từ đó sang xứ Ma-xê-đoan mà đến thành Phi-líp lần thứ ba. Có lẽ lúc đó hứa tới Lễ Vượt Qua sẽ trở lại lần nữa. Phao-lô đến nước Hy-lạp, song khỏi ba tháng thì về Phi-líp giữ ngày Phục sanh, năm 58 S.C. (Công vụ các sứ đồ 20:2,6). I Ti-mô-thê 1:3 chép Phao-lô đến xứ Ma-xê-đoan sau khi bị tù ở La-mã. Chắc cũng đến viếng Hội Thánh Phi-líp và các tín đồ đó hiệp với lòng mình. Phao-lô cảm tạ ơn Chúa vì có dịp giao thông với anh em đó từ ngày ban đầu đến bây giờ (Phi-líp 1:5). Phao-lô chép xưng tín đồ hội đó "là những kẻ rất yêu dấu... vâng lời luôn luôn, chẳng những khi có mặt mà thôi, lại lúc vắng mặt" (2:12). Nên trong 4:1, Phao-lô gọi là "anh em rất yêu rất thiết, là sự vui mừng và mão triều thiên" của mình. Suốt cả thơ, Phao-lô tỏ ra tình cảm như vậy.
II. Ðặt sắc Hội Thánh Phi-líp.--
1. Trong các Hội Thánh Phao-lô lập, ấy là hội rất ít người Do-thái, chắc vì tại thành Phi-líp, có ít người đó. Tên các tín đồ hội nầy chép trong Tân Ước, không có tên Hê-bơ-rơ nào. Các người Do-thái phản đối Phao-lô dường như chẳng hề có tại thành nầy.
2. Trong lịch sử hội nầy, dường như các nữ tín đồ dự phần quan hệ đặc biệt. Ấy là thuận hiệp với sự biết về đia vị những đờn bà bấy giờ tại xứ Ma-xê-đoan. Ly-đi dắt đem gia đình mình vào Hội Thánh, và tiếp đãi các anh em cách rộng rãi. Hai chị em Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ cùng Phao-lô vì đạo Tin lành mà chiến đấu, có tên biên vào sách sự sống, nhưng Phao-lô phải khuyên hiệp một ý trong Chúa (4:2). Có lẽ vì các chị em dự phần quan hệ như thế, thì Phi-líp quyên tiền giúp đỡ Phao-lô nhiều hơn các hội khác. Dường như trong hội không có ý khác nhau về lẽ đạo, ấy có lẽ cũng làm chứng phần nhiều tín đồ là đờn bà.
3. Trong số tín đồ Hội Thánh Phi-líp cũng có các anh em rất đứng đắn, vừa là người Ma-xê-đoan, vừa là người La-mã. Hausrath viết rằng: người Ma-xê-đoan là người rất cao thượng và đứng đắn trong thế gian bấy giờ; ấy vì không có tánh lưỡng lự và thay đổi như người phương Ðông, và không có tánh hay vô ý của người Hy-lạp... thật là người nắn nên trong khuôn vững vàng hơn khuôn người Tiểu A-si và xứ Sy-ri. Dầu hầu việc Ngài trong vòng người như thế thật khó hơn, song kết quả vững bền. Vậy, tại Phi-líp, Ngài dùng Phao-lô lập một đội binh có khiên đức tin Ngài móc vào nhau... là tín đồ có lòng ngay thẳng và vững vàng .... bao giờ cũng sẵn lòng vâng phục và hầu việc Ngài. Phao-lô vui mừng vì các tín đồ có đồng một tâm tình như mình. Phần nhiều tín đồ đó có quyền công dân La-mã, nên Phao-lô khuyên "phải ăn ở một cách xứng đáng với đạo Tin lành của Ðấng Christ" (1:27), và nhắc lại cho biết cũng là "công dân trên trời," còn quí hơn. Trong 3:20, Phao-lô cứ nhắc lại Vua mình là Ðức Chúa Jêsus sẽ từ trời xuống để lập đế quốc vinh hiển Ngài, vì Ngài có quyền bắt phục muôn vật. Phao-lô viết cho những tín đồ cựu chiến binh và lực sĩ thuộc linh nầy bằng các danh từ thuộc binh bị và thể thao. Phao-lô cho biết trong 1:13 cả đội lính cận vệ đã nghe đạo vì mình bị tù tại La-mã, và trong 4:22, các thánh đồ người nhà Sê-sa gởi lời chào thăm. Phao-lô khuyên anh em phải một lòng đứng vững giống như một đội binh; "đồng tâm chống cự vì đức tin của đạo Tin lành" (1:27) giống như lực sĩ; phải can đảm không sợ "kẻ thù nghịch ngăm dọa mình" (1:28); và nói về sự từng trải mình như là người vật lộn nơi diễn trường (1:30). Phao-lô lấy sự từ bỏ mình và sự hầu việc bằng đức tin của tín đồ Phi-líp làm sự vui mừng (2:17); chẳng những gọi Ép-ba-phô-đích là bạn cùng làm việc, song cũng là lính cùng chiến trận với mình nữa (2:25). Phao-lô ví sánh đời sống tín đồ như một cuộc chạy đua, mà mỗi người đều cố gắng bươn theo sự ở đằng trước, nhắm mục đích để giựt giải (3:14). Phao-lô xin những tín đồ thành Phi-líp phải bước đều với mình như bước đi của lính (3:16). Những lời bóng nầy có ảnh hưởng lớn đối với những người có tánh như cựu chiến binh và lực sĩ, và cũng tỏ ra Phao-lô tôn trọng các tín đồ đó dường nào. Về tên các nam tín đồ Phi-líp , trừ ra Cơ-lê-măn và Ép-ba-phô-đích, ở đây không chép, song chỉ biết "tên những người đó biên vào sách sự sống rồi" (4:3).
4. Nếu tín đồ Hội Thánh Phi-líp đại biểu cho dân sự thành phố, thì chắc có tín đồ Hy-lạp và La-mã. Ấy vì thành là xứ Ma-xê-đoan, nhưng là thuộc địa La-mã. Vả lại, cả hai người đem đạo Tin lành đến là người Do-thái, công dân La-mã, mẹ là người Do-thái và cha là người ngoại. Trong Công vụ các sứ đồ 16: chép về sự lập Hội nầy, thì nói đến ba người tin Chúa: một là người vào đạo Do-thái từ A-si, một là người bản thổ Hy-lạp, và một là quan La-mã. Các người tin Chúa sau chắc cũng thuộc các dân khác nhau và giai cấp khác nhau như thế. Dầu vậy, trừ ra hai chị em là Ê-vô-đi và Sin-ti-cơ, thảy đều hiệp một ý trong Chúa. Ấy làm chứng rất rõ, trong Ðấng Christ, bất cứ tín đồ thuộc dòng giống hoặc hạn nào trong xã hội, thảy đều có thể hòa hiệp và sống chung với nhau cách bình an.
5. Tín đồ Hội Thánh Phi-líp có lòng rộng rãi. Ấy vì trước hết đã dâng mình cho Chúa và sau cho Phao-lô (II Cô-rinh-tô 8:5), và khi gặp dịp tiện giúp đỡ Phao-lô trong việc giảng đạo, thì tình nguyện và vui lòng quyên tiền theo sức mình, cũng quá sức nữa (II Cô-rinh-tô 8:3). Chính Phao-lô lấy làm lạ vì tín đồ Phi-líp dâng như thế, và chứng rằng "đang khi họ chịu nhiều hoạn nạn, thử thách, thì lòng quá vui mừng, và cơn rất nghèo khó của họ đã rộng rãi ra sự dư dật của lòng rộng rãi mình" (II Cô-rinh-tô 8:2).
Phao-lô khen như thế tỏ ra tín đồ Phi-líp yêu mến Chúa khác thường; Phao-lô từ chối không nhận sự giúp đỡ của các hội khác về phần tài chánh vì tự nuôi mình bằng nghề may trại, song vì yêu tín đồ hội Phi-líp đặc biệt nên chịu họ giúp. Hai lần Hội Thánh Phi-líp giúp Phao-lô sau khi lìa đó qua thành Tê-sa-lô-ni-ca (4:15,16), một lần khi Phao-lô ở Cô-rinh-tô (II Cô-rinh-tô 11:8,9), và mười một năm sau Ép-ba-phô-đích đem lễ vật đến cho Phao-lô trong ngục La-mã (Phi-líp 4:18). Nên chú ý, lời hứa Chúa "sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em" (4:19) là trực tiếp cho tín đồ nào dâng "một của lễ Ðức Chúa Trời đáng nhận, và đẹp lòng Ngài." Bởi vậy, Phao-lô yêu và khoe về các tín đồ đó, và lấy sự sốt sắng, thật thà, và yêu thương của họ làm gương để so sánh với sự yêu thương các tín đồ khác (II Cô-rinh-tô 8:8).
III. Ðặc sắc của thơ.--
1. Là thơ riêng.-- Thơ tín nầy là một bức thơ riêng, không phải là một bài luận thuyết như La-mã và Hê-bơ-rơ và I Giăng; và không phải là một thơ tuần hồi ứng dụng bất cứ thời nào và nơi nào như thơ Ê-phê-sô, Gia-cơ, và Phi-e-rơ. Chỉ là một thơ đơn sơ gởi cho bạn hữu riêng. Trong thơ không có luận đến thần đạo, không có đại cương nghiêm nhặt và không mở mang theo trật tự. Thơ viết cách tự nhiên như có tin tức và tình cảm riêng, và tỏ ra sự yêu nhau giữa bạn thiết.
2. Là thơ yêu thương.-- Các thơ tín khác tỏ tình cảm khác nhau, như II Cô-rinh-tô tỏ sự buồn rầu và tức giận, như Ga-la-ti và La-mã tỏ sự ước ao của Phao-lô thiết lập lẽ thật chống trả với kẻ thù nghịch. Trong các thơ tín khác có lời răn dạy và quở trách, song thơ Phi-líp không có như thế, ngoài truyện hai chi em kia không hiệp nhau. Thơ Phi-líp đầy dẫy khen ngợi các anh em, và Phao-lô cầu xin lòng yêu thương anh em càng ngày càng chan chứa hơn (1:9) mỗi khi nhớ đến anh em thì cảm tạ Chúa (1:3) và lấy làm vui vì có ơn riêng dự phần về tế lễ và của dâng đức tin anh em (2:17). Hội Thánh Phi-líp có lẽ tỏ rõ các ơn tứ thuộc linh như Hội Thánh Cô-rinh-tô, song có bông trái của Ðức Thánh Linh dư dật. Vậy, dường như Phao-lô tưởng rằng Hội Thánh Phi-líp chỉ cần hưởng các ơn thuộc linh nhiều hơn, và tấn tới về ân điển và tâm thần của Ðấng Christ. Sự bình an và trông cậy của Phao-lô thắng hơn sự đau khổ hiện tại, và sự bắt bớ và sự chết tương lai. Nếu thơ Phi-líp là chúc thơ cuối cùng, thì Phao-lô truyền lại lời chúc phước không chừng mực cho anh em mà mình yêu từ đầu chí cuối.
3. Là thơ vui mừng.-- Bengel tóm tắt đại ý cả thơ: tôi vui, anh em hãy vui. Phao-lô chịu mọi sự cách vui luôn. Có lẽ trong thành nầy bị đánh đòn, thành khác bị ném đá, thành thứ ba bị tù, và thành thứ tư bị để cho chết nhưng trong khi Phao-lô còn ý thức, hoặc vừa khi được lại ý thức, thì vẫn vui mừng. Như tại Phi-líp bị đánh đòn, bỏ ngục tối, tra chơn vào cùm, nhưng đến buổi khuya, Phao-lô và Si-la hát ngợi khen Ðức Chúa Trời. Lúc viết thơ nầy thì bị tù tại La-mã, song vẫn vui. Không cứ Phao-lô giảng ở đâu, thì bị khinh dễ và bắt bớ. Người Do-thái nói vu và làm hại, và có tín đồ Phao-lô dẫn đến cùng Chúa cũng không vững vàng và giả dối. Cuối cùng, các kẻ thù nghịch đã bắt Phao-lô và bỏ tù; Ấy cũng như ngày nay người đời tự nhiên không thể vui; thứ nhứt đối với một người có tánh sốt sắng như Phao-lô. Phao-lô bị bỏ tù là như nhốt một chim phụng hoàng vào lồng. Nhiều chim phụng hoàng trong lồng buồn rầu và chết. Phao-lô thật khác, vì trong Phi-líp 1:12,18 chép: "Tôi muốn anh em biết rằng điều xảy đến cho tôi đã giúp thêm sự tấn tới cho đạo Tin lành... vì đó tôi đương mừng rỡ, và sẽ còn mừng rỡ nữa." Ðức tin của Giăng Báp Tít kém thiếu trong tù, song đức tin Phao-lô không lưỡng lự gì, Phao-lô chẳng lo lắng. Có người lính xích với mình, ấy chỉ nhắc lại cho Phao-lô khuyên anh em "hãy cầu nguyện... "để" sự bình an của Ðức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Ðức Chúa Jêsus Christ" (4:7). Sự bình an Ngài giống người lính đứng giữ gìn. Vậy, câu 4:4 là chìa khóa của thơ: "Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn, tôi lại còn nói nữa, hãy vui mừng đi." Phao-lô đã già yếu và bị bỏ tù nhưng hơn hai mươi lần trong thơ ngắn nầy Phao-lô dùng các danh từ: vui mừng, bình an, thỏa lòng, và cảm tạ. Thật là một thơ đầy dẫy sự yêu thương và vui mừng.
4. Là thơ quan hệ về thần đạo.-- Trái với lẽ thường, trong thơ rất đơn sơ, suốt cả có tính cách một thơ riêng, Phao-lô chép một lẽ đạo rất đầy đủ và quan hệ về sự Ðấng Christ thành nhục thể và được tôn lên cao. Phao-lô đang khuyên tín đồ Phi-líp phải khiêm nhường thì chép: "Hãy có đồng một tâm tình như Ðấng Christ đã có,... Ngài đã từ bỏ mình đi,... nên Ðức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao" (2:5-11). Ấy là khúc về thần đạo rất quan hệ trong cả Tân Ước. Ấy cũng là phần bổ trợ cuối cùng của Phao-lô để giải nghĩa sự mầu nhiệm lớn về sự giáng sanh của Cứu Chúa và phương pháp cứu rỗi. Ấy là lời chót của Phao-lô về vấn đề nầy. Phao-lô nói rõ về Ðấng Christ đã từ bỏ mình đi (kenosis), phương pháp được cứu chuộc, sự chắc chắn được tôn lên cao, và sự trông cậy ngày kia sẽ có sự thờ phượng phổ thông khắp cả. Những lẽ thật thiết yếu về Ðấng Christ được tỏ rõ ràng. Chúa Jêsus là một người, không nắm giữ thuộc tánh nào của Ðức Chúa Trời trái với nhơn tánh thật, song hết lòng từ bỏ mình làm của lễ mà chịu những sự hèn yếu và hạn chế cần cho sự thành nhục thể. Chúa Jêsus ngang hàng với Ðức Chúa Trời, song đã trút đổ hết tánh vô sở bất năng, vô sở bất tri, và vô sở bất tại của Ngài trước khi thành nhục thể, lấy hình một người, là người chơn thật và trọn đời vâng lời Ðức Chúa Trời. Ngài vẫn giữ thái độ đó với Ðức Chúa Trời là thái độ tín đồ nên giữ và có thể giữ, vì chính Ngài cũng ngang hàng với loài người. Tín đồ nên có tâm tình Ðấng Christ. Ngài hạ mình xuống và vâng phục trọn đời cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Khúc nầy bày tỏ những lẽ thật rất sâu nhiệm một cách vắn tắt song rõ ràng. Ấy là sự khải thị bao trùm hết về Chúa Jêsus trong các thơ tín Phao-lô.
IV. Chứng cớ thơ là thật.-- Ngày nay ai nấy đều công nhận thơ là thật. Marcion đầu thế kỷ thứ II S.C. công nhận trong bộ Tân Ước riêng mình. Có tên thơ nầy trong danh sách bản liệt kê Muratori làm vào cuối thế kỷ thứ II S.C., và cũng có trong bản Peshito và các bản La-tinh cũ. Giáo phụ Polycarpe nói đến và trích lược, Irénée và Clément ở Alexandrie nói đến. Vì không luận đến lẽ đạo như các thơ khác của Phao-lô, thì trước có người nghi ngờ, song những cớ tỏ ra thơ thật viết bởi Phao-lô rất nhiề?u không thể phản đối được. Như McGiffert viết: Khó tin rằng một người mạo danh Phao-lô đã viết thơ nầy mà trong đó không thể tìm cớ nào hoặc về lẽ đạo, hoặc về Hội Thánh. Trong thơ nầy, phần lớn tỏ tâm sự riêng, và tánh nết của Phao-lô cách rõ ràng và thành tín, đến nỗi phải tin là thật. Vậy, thơ nầy đáng đặt ngang hàng với Ga-la-ti, Cô-rinh-tô, và La-mã vì thật bởi Phao-lô chép. Ấy cũng là kết luận của các nhà học giả ngày nay.
V. Nơi và niên hiệu chép thơ.-- Thơ nầy với ba thơ Ê-phê-sô, Cô-rinh-tô, và Phi-lê-môn, đều cùng viết ở trong ngục La-mã. Sao biết? Vì trong thơ chép: "Chốn công đường," đó chỉ về đội cận vệ của hoàng đế La-mã (Phi-líp 1:13), và "người nhà Sê-sa," đó chỉ về vài hạn người trong cung đình (Phi-líp 4:22). Bởi vậy, biết vòng xiềng xích Phao-lô mắc đó tức là ngục La-mã. Nhưng thử hỏi: thơ Phi-líp làm trước hay sau ba thơ kia? Có người nói thơ nầy làm trước, vì lối văn và đại ý thơ phần nhiều giống thơ La-mã. Trái lại có người nói giọng nói thơ nầy không giống giọng nói với Hội Thánh mới lập, song đã lập từ lâu năm. Khi viết thơ chính nhằm lúc phái tín đồ đảng Do-thái đương khuấy rối (3:2,3). So sánh với ba thơ kia thì lúc chép thơ nầy Phao-lô gần ra khỏi ngục hơn (2:23,24), nên là thơ chót gởi cho các Hội Thánh viết trong ngục. Xét ra, hồi Phao-lô đến La-mã, chừng nhằm năm 61 S.C.. Cứ theo đó mà tính thì thơ Phi-líp viết chừng vào khoảng 63-64 S.C..
VI. Tài liệu của thơ.-- Không thể phân tích thơ cách hợp lý. Song có thể theo trật tự các tư tưởng như sau nầy:
1. Lời đạt (1:1,2).
2. Tạ ơn và cầu nguyện (1:1-11): Phao-lô cảm tạ vì được thông công với anh em ở Phi-líp, và biết chắc anh em sẽ được trọn lành, Phao-lô nghĩ đến và cầu nguyện cho anh em hầu cho sự yêu thương anh em trong sự khôn ngoan có thể nghiệm thử những sự tốt lành mà chọn lấy sự tốt nhứt, đến nỗi được đầy dẫy bông trái sự công bình đến bởi Chúa Jêsus Christ, làm cho sáng danh và khen ngợi Ðức Chúa Trời.
3. Phao-lô chép về những sự từng trải mình (1:12-30): a) Việc truyền đạo (12-14): mọi sự xảy ra đều tốt cả. Phao-lô ở trong tù song cứ siêng năng truyền đạo. Phao-lô bị xiềng chung vối người lính, song ấy cũng cho mình nhơn dịp tiện nói chuyện riêng. Khi người ta nhóm để nghe, thì bất đắc dĩ người lính đó phải nghe; và khi người ta giải tán thì nhiều lần lính đó tỏ lòng tò mò thì cứ nói chuyện với nhau về Ðấng Christ. Vậy, Phao-lô đã có nhiều dịp tiện để thuật sự từng trải mình với những lính đó, và sự tích đó được đồn ra "chốn công đường và các nơi khác." b) Tánh khoang dung (15-18): chẳng những Tin lành được tấn tới cách bất ngờ trong tù, song suốt cả thành, các anh em thảy đều chịu cảm động bởi kết quả của việc truyền đạo Phao-lô mà dạn dĩ rao truyền Ðấng Christ, người thì bởi lòng ghen tị và cãi lẫy, người thì bởi lòng yêu thương. Phao-lô vui vì đạo Ðấng Christ được rao truyền hoặc bởi kẻ thù, hoặc bởi anh em. Phao-lô muốn Tin lành được bày tỏ như mình đã giảng, song cũng có tinh thần rộng lượng đủ để dung chịu mọi ý và phương pháp khác nhau giữa vòng anh em. "Dầu thế nào đi nữa, hoặc làm bộ, hoặc thật thà, Ðấng Christ cũng được rao truyền; ấy vì đó tôi đương mừng rỡ và sẽ còn mừng rỡ nữa (1:18). Ấy là một trong những lời rất cao thượng của những vĩ nhân. Phao-lô tiết người nào không thấy mọi sự đúng như mình, song cũng vui mừng miễn là họ tôn vinh Ðấng Christ. c) Phao-lô sẵn sàng sống hoặc chết (19-26). Phao-lô nói: "Dầu tôi sống hay chết, Ðấng Christ sẽ được cả sáng trong mình tôi. Vì Ðấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy." Ấy là lời độc ngữ của Phao-lô đối diện với sự tử vì đạo hoặc cứ truyền đạo. Ấy nhắc lại lời độc ngữ của Hamlet trong văn thơ Shakespeare: "Một là sống, hai là chết; chỉ có một bề." Ðó là câu hỏi chung cho cả Hamlet và Phao-lô. Hamlet cân nhắc những sự dữ với những sự dữ, và sau hết chọn những sự dữ, kém hơn chỉ bởi hèn nhát. Còn Phao-lô cân nhắc phước với phước, phước sống với Ðấng Christ và phước chết với Ðấng Christ, và sau hết chọn phước kém hơn chỉ bởi không vị kỷ. Cả hai đều chọn sự sống, song những cớ tích dẫn cả hai chọn thì khác hẳn: Phao-lô sống đầy lòng vui mừng, còn Hamlet sống trong sự thất vọng và sỉ nhục. Sứ đồ cao tuổi thà chết còn hơn sống, song thà sống còn hơn chết trước khi việc mình chưa xong. d) Gương sáng (27-30): Phao-lô cũng như anh em ở Phi-líp là công dân La-mã. Phao-lô thử ăn ở cách xứng đáng với quyền công dân mình và các anh em cũng nên như vậy. Song Phao-lô có sự ham muốn cao hơn tức chính mình cùng anh em phải ăn ở như công dân xứng đáng với đạo Tin lành Ðấng Christ. Phao-lô đánh trận như lính giỏi; đứng vững trong đức tin; chẳng sợ kẻ thù nghịch ngăm dọa mình. Vậy, anh em phải theo gương mình, vì cũng dự phần trong sự đánh trận đó, và tin Ðấng Christ, cùng chịu đau đớn vì Ngài. Ðức tin anh em có không phải tự anh em, song là sự ban cho của Ðức Chúa Trời. Sự đau đớn của anh em, không phải tự anh em chọn lựa, song cũng là sự ban cho của Ðức Chúa Trời.
4. Lời khuyên nên theo gương Ðấng Christ (2:1-18): các tín đồ ở Phi-líp phải có đồng trí khôn và tinh thần như Ðấng Christ, thì Phao-lô sẽ vui lòng đổ mạng sống mình làm lễ quán trên sự hy sinh và hầu việc của đức tin anh em. Cũng xem phần III, 4.
5. Lý cớ Phao-lô sai Ti-mô-thê và Ép-ba-phô-đích (2:19-30).
6. Gương của Phao-lô (3:1-21):
a) Phải lìa bỏ mọi sự cậy mình trong xác thịt (1-7). Có "loài chó" và "kẻ làm công gian ác" thuộc Do-thái-giáo tự khoe trong xác thịt. Phao-lô không như thế, chỉ khoe mình trong Ðấng Christ và không cậy xác thịt. Phao-lô có nhiều cớ mà kiêu ngạo về quá khứ mình: vì theo ý họ có thể đặt vào hạng cao. Ấy vì Phao-lô thuộc dòng giống Y-sơ-ra-ên, quan trưởng với Ðức Chúa Trời vì vật lộn cùng Ðức Chúa Trời và được thắng. Phao-lô thuộc chi phái Bên-gia-min, tổ phụ duy nhứt được sanh trong Xứ Thánh. Vua thứ nhứt của Y-sơ-ra-ên được chọn từ chi phái nầy, và chỉ chi phái nầy trung tín với nhà Ða-vít lúc nước chia làm hai. Chi phái nầy chiếm chỗ danh dự trong cơ binh Y-sơ-ra-ên (Các quan xét 5:14; Ô-sê 5:8). Vậy, thuộc về chi phái độc nhứt trung tín và được tôn trọng nầy là điều đáng khoe. Phao-lô là người Hê-bơ-rơ, con của người Hê-bơ-rơ, thuộc phe người Hê-bơ-rơ rất danh tiếng, vì giữ theo mọi lễ nghi của tôn giáo, vì lòng ái quốc và sốt sắng, và vì lòng tin kính và mộ đạo. Giữa những người Pha-ri-si, Phao-lô làm gương rõ về sự hăng hái. Bởi đó, Tòa Công luận chọn Phao-lô để bắt bớ và hủy diệt Hội Thánh Ðấng Christ. Không ai có thể tìm chỗ đáng trách về sự công bình Phao-lô theo Luật pháp, và chính Phao-lô xưng rằng theo khuôn mẫu của họ thì không bị trách. Ấy là điều Phao-lô thuật lại về quá khứ mình. Nào có ai hơn Phao-lô về dòng giống hoặc về sự tin kính đâu? Song mọi sự đó Phao-lô kể là sự lỗ vì cớ Ðấng Christ.
b) Phải nắm giữ và đuổi theo sự trọn lành thuộc linh (8-16). Trong khúc nầy dùng "trọn lành" và "trọn vẹn." "Ấy không phải đã giựt giải rồi, hay là đã đến nơi trọn lành rồi đâu, nhưng tôi đương chạy" (3:12). Nhiều nhà giải nghĩa Kinh Thánh nhờ câu nầy tỏ ra sự khiêm nhường của Phao-lô, vì nói không có trọn vẹn về tánh nết hiện nay, song Phao-lô thú thật rằng mục đích mình là còn sống bao lâu thì còn phấn đấu để đến nơi trọn lành. Nên chú ý, ở đây Phao-lô không nói đến trọn lành về sự nhịn nhục, bình yên, mộ đạo, và tánh nết. Trong 3:15, Phao-lô chỉ về sự trọn lành đó khi chép: "Hễ những người trọn vẹn trong chúng ta, phải có ý tưởng đó." Song sự trọn lành Phao-lô nói đến trong câu 12 chỉ có thể được lúc tín đồ "được đến sự sống lại từ trong kẻ chết," tức là sự sống lại thứ nhứt khi Ðấng Christ tái lâm. Ấy là mục đích sự cố gắng của Phao-lô, tức "nhắm mục đích mà chạy." Trong lúc chờ đợi, Phao-lô nắm giữ sự trọn vẹn về đức tin và sự dâng mình,là hai điều sanh ra trong sự trọn lành về tánh nết tín đồ Ðấng Christ hiện tại; ấy bảo đảm sẽ được sự trọn vẹn lúc Chúa tái lâm. Câu 14 nói "để giựt giải về sự kêu gọi trên trời," giải đó tức là sự thánh khiết trọn vẹn của Ðấng Christ mà tín đồ sẽ mặc lấy khi Ngài đến c) Phải nhớ tín đồ là công dân trên trời (17-21): Phao-lô suy tưởng đến những sự ở trên trời. Có nhiều tín đồ chỉ suy tưởng đến những sự ở dưới đất. Ấy là những kẻ thù nghịch với thập tự giá; song Phao-lô đã thề trung thành mãi mãi với thập tự giá. Sự cuối cùng của những kẻ đó là sự hư mất; còn sự cuối cùng Phao-lô là sự cứu rỗi chắc chắn. Họ lấy bụng làm Chúa, song mục đích của Phao-lô là sự trọn vẹn về tâm thần. Sự vinh hiển họ chỉ là xấu hổ; còn của Phao-lô là chỉ ở trong Ðấng Christ. "Hỡi anh em, hãy bắt chước tôi, lại xem những kẻ ăn ở theo mẫu mực mà anh em thấy trong chúng tôi." Khi Ngài tái lâm, "Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạc chúng ta," tức là thân thể tín đồ khi còn là bộ hành trên đất, cũng là thân thể thường làm cho kẻ chạy đua thiếu sức để tới đích và không thể chạy kịp với sự ao ước của tâm thần. Ngài sẽ biến hóa thân thể đó "giống như thân thể vinh hiển Ngài," tức là thân thể trọn vẹn những người đã được dự phần về sự sống lại từ trong kẻ chết. Nên chú ý, đây thân thể không phải theo ý của tà giáo Manichée và phái Néo-Platon coi vật chất là sự dữ nên thân thể cũng vậy. Plotinus đỏ mặt vì có thân thể; Chúa Jêsus không hề như vậy. Từ khi tin Chúa, tín đồ nên tôn trọng thân thể mình dầu hèn mạt, vì là đền thờ của Ðức Thánh Linh. Cũng phải tôn trọng vì cớ Chúa Jêsus đã thành nhục thể. Nhưng thân thể sửa soạn cho Chúa Jêsus là thân thể của sự tự hạ mình Ngài. Thân thể đó ràng buộc Ngài với đất, làm cho Ngài mệt mỏi lúc quá lo làm việc, và yếu đuối khi Ngài rất cần sức khỏe. Phao-lô nói thân thể tín đồ hiện hay giống như thân thể Chúa Jêsus ở Na-xa-rét, và khi Chúa tái lâm thì sẽ biến hóa giống như thân thể vinh hiển Ngài.
7. Những lời khuyên dạy ngắn (4:1-9). Lời cuối cùng khúc nầy là: "Hễ sự gì anh em đã học, đã nhận, đã nghe ở nơi tôi, và đã thấy trong tôi,hãy làm đi, thì Ðức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở cùng anh em." Những sự khuyên dạy Phao-lô đều nhờ cách cư xử, sự từng trải, và gương của chính Sứ đồ. Các anh em đã thấy những điều đó được tỏ ra bởi Phao-lô nên phải bắt chước và vâng phục. Bởi vậy, khi đọc những lời khuyên đó, thấy phản chiếu tánh nết của sứ đồ đã dạy dỗ, rao giảng, và học tập rồi. Những lời khuyên đó tỏ ra Phao-lô là người thế nào:
a) Có sự vững vàng và tình yêu thương anh em (4:1): Phao-lô có tài kết bạn, vì thắt chặt các bạn với mình bằng những móc sắt, đến nỗi các bạn sẵn lòng hy sinh hết cho mình. Ấy bởi vì Phao-lô hy sinh hết cả mọi sự cho họ, và tình yêu thương Phao-lô đối với bạn đầy tràn đến nỗi sanh ra sự yêu thương trong bạn. Vậy, bạn có thể nhờ cậy Phao-lô luôn.
b) Lòng thiện cảm đối với mọi người nam nữ tốt lành của Phao-lô, và Sứ đồ ước ao anh em ở với nhau cách bình yên (câu 2,3): Kẻ đồng liêu trung tín trong câu 3 nay không biết là ai. Có người tưởng là Ép-ba-phô-đích, Lu-ca, Si-la, Ba-na-ba, Ti-mô-thê, Phi-e-rơ, v.v..
c) Sự vui mừng trong Chúa luôn (câu 4).
d) Nết nhu mì (câu 5), có người dịch nguyên văn là điều độ, nín chịu, tự cầm giữ mình, suy luận dịu dàng, v.v.. Tindale dịch lễ phép. Thật ra, là sự nín chịu, lẫn với duyên, nết na với lễ phép, kính nể với quí chuộng như Ðấng Christ có. Phao-lô cũng có sự nhu mì đến nỗi phẩm cách của Sứ đồ cảm hóa và được lòng nhiều người.
đ) Thoát sự lo lắng (câu 6,7): Phao-lô tin cậy không sợ gì, một mặt là bởi biết chắc Chúa ở gần, còn một mặt có đức tin cầu nguyện. Phao-lô thế nào thoát khỏi sự lo lắng thật vượt quá mọi sự hiểu biết. Ấy thật nhờ quyền phép của sự cầu nguyện, và bởi đó có sự bình an của "Chúa đã gần rồi" gìn giữ lòng Sứ đồ như lính canh gác đồn lũy.
e) Quen suy nghĩ cao thượng (câu 8): Ðem tư tưởng Phao-lô đây mà so với các tôn chỉ của triết học Hy-lạp thì thấy cao thượng hơn biết bao! Phao-lô ưa thích nghĩ đến những điều chơn thật, đáng tôn, công bình, thanh sạch, đáng yêu chuộng, có tiếng tốt, và có nhơn đức đáng khen. Phao-lô biết có đức hạnh trong mọi điều đó, và đáng khen ngợi. Phao-lô đã học biết khi trí đầy dẫy những điều đó thì sống cách tinh khiết và bình an.
8. Sự cảm tạ anh em vì đồ gởi cho (4:10-20): Nên chú ý, lời hứa trong câu 19 về Chúa sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng là nói trực tiếp với anh em đã gởi đồ giúp đỡ Sứ đồ như một thứ hương có mùi thơm, tức là một của lễ Ðức Chúa Trời đáng nhận và đẹp lòng Ngài.
9. Lời chào thăm (4:21,22).
10. Lời chúc phước (4:23).
Thơ nầy không chú trọng về thần học, vậy không phải luận về lẽ đạo Ðấng Christ nhiều. Dầu vậy, trong thơ ngắn nầy có chép danh Ðấng Christ độ 40 lần, và rất nhiều đại danh từ chỉ Ngài nữa. Phao-lô có thể viết gì mà không nói về Ðấng Christ; nên cuối cùng chép: "Nguyền xin ơn điển của Ðức Chúa Jêsus Christ ở trong lòng anh em."
Trích lược D.A.HAYES.
Tiến sĩ Scofield chú thích về thơ Phi-líp:
Tác giả. Sứ đồ Phao-lô (1:1).
Niên hiệu.-- Không thể nhứt định chắc chắn song là một trong các thơ viết trong tù. Hoặc Phao-lô bị tù hai lần tại La-mã, và nếu thật thế, hoặc thơ Phi-líp chép trong khi bị tù lần thứ nhứt hay lần thứ hai, ấy không quan hệ gì với sứ mạng của thơ tín nầy. Ai nấy đều nhận thơ viết năm 64 S.C.. Có viết thơ tỏ rõ trong 4:10-18.
Ðại đề.-- Ðại đề của thơ Phi-líp là sự từng trải của tín đồ Ðấng Christ. Tác giả nhận tín đồ ở Phi-líp theo giáo lý phải; trong hội đó không cần sửa dạy về trật tự. Hội Thánh Phi-líp giống các hội chúng thường chép trong Tân Ước: "Các thánh đồ trong Chúa Jêsus Christ;... cùng các giám mục (trưởng lão) và các chấp sự." Các cảnh ngộ của Sứ đồ khác hẳn với sự từng trải thuộc linh. Về cảnh ngộ, Phao-lô là người tù của Néron; về từng trải có tiếng reo đắc thắng, và tiếng ca vui. Sự từng trải thuộc linh Phao-lô dạy không phải nhờ sự bề ngoài, song nhờ sự bề trong tín đồ Ðấng Christ.
Lời chìa khóa: "Vì Ðấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy" (1:21). Vậy, sự từng trải thuộc linh phải lẽ là sự sống, bổn tánh, và tâm tình Ðấng Christ ngự trong tín đồ, và được tỏ ra, không cứ trong cảnh ngộ nào. (1:6,11; 2:5,13).
Chia thơ.-- Ấy tùy theo số đoạn: I. Ðấng Christ là sự sống tín đồ, vui vẻ trong sự đau đớn, 1:1-30. a) Lời chào thăm, 1:1-7; b) Sự vui vẻ thắng hơn sự đau khổ, 8-30. II. Ðấng Christ là gương mẫu của tín đồ, lấy làm vui trong sự hầu việc hèn hạ, 2:1-30. a) Lời khuyên phải hiệp một và nhu mì, 2:1-4; b) Bảy bước về sự tự hạ của Ðấng Christ, 5-8; c) Sự tôn Chúa Jêsus lên cao, 9-11; d) Sự cứu rỗi bề trong tỏ ra bề ngoài, 12-16; đ) Gương của Sứ đồ, 17-30. III. Ðấng Christ là mục đích của tín đồ, vui mừng mặc dầu có sự bất toàn, 3:1-21. a) Lời cảnh cáo nghịch cùng tín đồ đảng Do-thái; 3:1-3; b) Lời cảnh cáo đừng nhờ sự công bình của Luật pháp, 4-6; c) Ðấng Christ làm mục đích của đức tin tín đồ để được sự công bình, 7-9; d) Ðấng Christ là mục đích của sự ước ao tín đồ để được sự thông công trong quyền phép của sự phục sanh, 10-14; đ) Lời khuyên phải đồng bước đi, 15,16; e) Song không nên lụy mình bỏ lẽ thật vì sự hiệp một, 17-19; f) Ðấng Christ là mục đích của sự trông đợi tín đồ, 20,21. IV. Ðấng Christ là sức lực của tín đồ, vui vì thắng hơn sự lo lắng, 4:1-23. a) Lời khuyên phải hiệp một và vui vẻ, 4:1-4. b) Bí quyết về bình yên Chúa, 5-7; c) Sự hiện diện của Ðức Chúa Trời bình an, 8,9; d) sự thắng hơn lo lắng, 10-23.
2:6.-- "Hình," nguyên văn Hy-lạp en morphe theo Thayer là "hình một người hoặc một vật như thấy được, tức bộ dạng bề ngoài." So Giăng 17:5: "Sự vinh hiển Con vốn có nơi Cha trước khi chưa có thế gian." Không có gì trong khúc nầy dạy rằng Ngôi Lời Vĩnh viễn (Giăng 1:1) đã trút đổ mình, hoặc bổn tánh, hoặc thuộc tánh của Ðức Chúa Trời, song chỉ trút đổ tỏ ra bề ngoài thấy được của Ðức Chúa Trời. Theo Lightfoot: "Ngài đổ mình ra, trút khỏi Ngài dấu tích của sự oai nghiêm." Theo Moorehead: "Khi cần dùng đến, thì Ngài hoạt động các thuộc tánh Ðức Chúa Trời của Ngài." So Giăng 1:1; 20:28.