Phu tù. Captivité.

       

      Là địa vị bị bó buộc phục kẻ thù nghịch nhứt là trong một xứ ngoại bang. Trong đời Cựu Ước, người A-sy-ri đề xướng, và người Ba-by-lôn theo, thói tục bắt đi đầy toàn thể hay ít nhứt những người đứng đầu thuộc mỗi xứ họ chiếm lấy, và cho ở trong các miền mà những người đó dời khỏi những nơi quen biết, những ký ức ái quốc, và ở dưới quyền của chính phủ trung ương. Sự đày phu tù là một cách cuối cùng bấc đắc dĩ phải dùng đến, khi không còn lối nào khác. Nước mạnh hơn thừờng hay đánh thuế. Nếu nước yếu cầm lại không chịu nộp thuế thì bị coi là bội nghịch, và bị hình phạt bởi một cuộc xâm lấn và cướp bóc xứ. Những cách đối phó gay go đó vô hiệu mới dùng đến sự đày đi.
       Có hai sự bắt phu tù chính chép trong Kinh Thánh:
       I. Sự bắt mười chi phái làm phu tù.-- Theo tháp tiêm bi đen (Black obelisque). Rất sớm vào năm 842 T.C., Giê-hu nộp thuế cho Sanh-ma-na-se, vua A-sy-ri, chừng 803 T.C., Rammannirari thuật lại có nhận thuế của người Y-sơ-ra-ên nộp. Song chỉ đến đời Tiếc-la-Phi-lê-se 745-727 T.C., người A-sy-ri mới khởi sự bắt hết dân cư ở trong xứ của mười chi phái, tức nước Y-sơ-ra-ên làm phu tù. Tiếc-la-Phi-lê-se nhận thuế của Mê-na-hem nộp (II Các vua 15:20). Trong đời Phê-ca, vua A-sy-ri nầy chiếm những thành ở Nép-ta-li, và đem dân cư sang A-sy-ri (II Các vua 15:29). Vua cũng trải qua khắp xứ bên Ðông sông Giô-đanh và bắt các chi phái Ru-bên, Gát, nửa chi phái Ma-na-se sang làm phu tù tại Mê-sô-bô-ta-mi (I Sử ký 5:26). Cũng bởi vua nầy hiệp ý nên Phê-ca cuối cùng bị giết và Ô-sê lên ngôi. Sanh-ma-na-se kế vị Tiếc-la-Phi-lê-se mà vây thành Sa-ma-ri; thành bị chiếm năm vua Sa-gôn lên ngôi; 722 T.C. và số đông dân bị đem sang xứ Mê-sô-bô-ta-mi, và Mê-đi (II Các vua 17:5,6), còn dân sót lại phải nộp thuế. Dân sót lại nầy kết liên với Ha-mát và Ða-mách, khỏi ít lâu thử gở mình thoát ách người A-sy-ri, song Sa-gôn chà nát những kẻ bội nghịch, và khởi đem những người ngoại bang vào xứ Sa-ma-ri, một phương pháp mà những vua kế tiếp cũng theo cho đến chừng có một dân mới khác giống ngụ trong xứ trước của mười chi phái. Cuối cùng người Y-sơ-ra-ên trở về Giê-ru-sa-lem (Lu-ca 2:36), song phần nhiều ở lại những xứ họ đã bị đem đến, vẫn còn giữ sự phân biệt của nòi giống, cứ giữ những lễ nghi tôn giáo, và thỉnh thoảng lên Giê-ru-sa-lem (Công vụ các sứ đồ 2:9; 26:7).
       II. Sự bắt dân Do-thái làm phu tù.-- San-chê-ríp đã thuật lại rằng mình đem 200.000 phu tù dời khỏi xứ Giu-đa (so II Các vua 18:13), song bởi sự bắt Giu-đa làm phu tù có ý là bị đày sang xứ Ba-by-lôn. Sự phu tù của Giu-đa có dự ngôn một thế kỷ rưỡi trước khi xảy ra (Ê-sai 6:11,12; 11:12), và Ba-by-lôn là nơi nói trước bởi Mi-chê (4:10), và Ê-sai (11:11; 39:6). Tiên tri Giê-rê-mi báo trước dân sẽ phục sự vua Ba-by-lôn trong 70 năm (Giê-rê-mi 25:1,11,12). Ấy là Nê-bu-cát-nết-sa làm ứng nghiệm lời đó. Năm 605 T.C., năm thứ III hay thứ IV đời Giê-hô-gia-kim, tùy theo lối tính, thì Nê-bu-cát-nết-sa đến thành Giê-ru-sa-lem, lấy các khí dụng ở Ðền thờ sang Ba-by-lôn, và bắt ít người trong hoàng tộc làm phu tù (II Sử ký 36:2-7; Ða-ni-ên 1:1-3). Bảy năm sau, Nê-bu-cát-nết-sa đem Giê-hô-gia-kim, mẹ và các vợ người, các quan tướng, 7.000 người mạnh dạn và 1.000 thợ (II Các vua 24:15,16) đến Ba-by-lôn. Mười một năm sau, đạo binh người thiêu hủy Ðền thờ, hủy phá Giê-ru-sa-lem, đem phần sót lại của dân sự đi, chỉ để những người nghèo nhứt trong xứ làm người trồng nho và cày cấy (II Các vua 25:2-21). Năm năm sau khi phá thành cũng đem một phần dân Do-thái nữa sang Ba-by-lôn (Giê-rê-mi 52:30).
       Trong sự bị lưu đày, người Do-thái cũng được nhiều đặc ơn. Người Do-thái được phép xây nhà mà ở, giữa tôi tớ, và buôn bán (Giê-rê-mi 29:5-7; E-xơ-ra 2:65), và không có gì ngăn trở họ tới địa vị cao nhứt trong chính phủ (Ða-ni-ên 2:48; Nê-hê-mi 1:11). Các thầy tế lễ và các giáo sư cũng ở với họ (Giê-rê-mi 29:1; E-xơ-ra 1:5), và họ được dạy dỗ và giục lòng bởi Ê-xê-chi-ên (1:1). Năm 539 T.C., Ða-ni-ên bởi các sách hiểu biết cuộc phu tù 70 năm, và kỳ gần mãn, bắt đầu cầu nguyện xin Ðức Chúa Trời phục lại quyền Ngài cho dân sự (Ða-ni-ên 9:2). Năm 538 T.C., vua Si-ru ra chiếu chỉ cho phép người Do-thái trở về xứ của Tổ phụ họ và xây lại Ðền thờ (E-xơ-ra 1:1-4). Chừng 43.000 người nhơn dịp trở về (E-xơ-ra 2:64). Dầu vậy, có nhiều người bằng lòng ở lại xứ Ba-by-lôn và Ðông phương cùng với người Y-sơ-ra-ên ở Mê-sô-bô-ta-mi và Mê-đi lập thành một dân mới gọi là Diaspora (dân Do-thái lưu lạc ngoài xứ Phê-lê-tin).
       Lời chú thích của William Smith về mười chi phái Y-sơ-ra-ên:
       Có nhiều người thử tìm mười chi phái nay còn như một đoàn thể riêng sống chung với nhau. Dầu lịch sử không làm chứng về họ như thế, song ta cũng có thể theo dấu chơn của nòi giống trước trong bốn phương sau kỳ làm phu tù: 1) Số ít trở về và ở lẫn lộn với người Do-thái (Lu-ca 2:36; Phi-líp 3:5. v.v.). 2) Ít người ở lại Sa-ma-ri, lẫn lộn với người Sa-ma-ri (E-xơ-ra 6:21; Giăng 4:12) và trở nên những kẻ thù cay đắng của người Do-thái. 3) Nhiều người ở lại A-sy-ri và được công nhận là một phần hoàn toàn của Dân Tản lạc (xem Công vụ các sứ đồ 2:9; 26:7). 4) Nhiều nhứt có lẽ đã bội đạo ở A-sy-ri theo thói tục và sự thờ tượng của các dân nơi họ sống, và hoàn toàn bị các dân đó nuốt mất.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.