Phung. Lèpre.

      

      Bịnh phung chép nhiều trong Kinh Thánh là thứ trắng, bao phủ toàn thân thể, hoặc một phần lớn, gọi là lepra Mosaica. Ấy là bịnh phung của Môi-se, Mi-ri-am, Na-a-man và Ghê-ha-xi (Xuất Ê-díp-tô ký 4:6; Dân số ký 12:10; II Các vua 5:1,27; so Lê-vi ký 13:13). Song luật Môi-se, triệu chứng cú bịnh phung (Lê-vi ký 13:; 14), thứ nầy khi bao phủ cùng hết thịt, dường như được kể là tinh sạch (13:12,13,16,17).
       Người Hê-bơ-rơ làm tôi mọi tại xứ Ai-cập, chịu thiếu thốn, cực khổ, nhứt là khi làm gạch dưới mặt trời thiêu đốt của xứ đó thì dễ sanh chứng bịnh đó; bởi vậy Manètho xưa quyết rằng người Ai-cập đuổi người Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập vì dân đó mắc bịnh phung. Thật là một sự phản động lạ của những chuyện Môi-se thuật về các tai vạ tại xứ Ai-cập, dầu vậy có lẽ cũng chứa một chút lẽ thật. Thình lình có sự thay đổi hết cả về đồ ăn, không khí, chỗ ở, và cách sanh hoạt bởi sự ra khỏi Ai-cập gây nên, đối với một dân bằng tôi mọi mới được giải phóng, sau có lẽ có thể dễ sanh chứng bịnh ngoài da, nên cần lập những phương pháp nghiêm nhặt trong trại quân nơi đồng vắng để gìn giữ sức khỏe cho dân chúng, hoặc để làm cho bịnh khỏi lây. Bởi đó, chắc nhiều hoặc một phần lớn kê trong sổ các triệu chứng bịnh, có lẽ đã mất đi trong hồi ra khỏi Ai-cập, và chỉ có bịnh phung trắng đã có từ trước vẫn còn lại về sau.
       Ðáng chú ý, trong số các chứng bịnh chép trong Lê-vi ký, sự lên vảy và sự tróc vảy trên mặt da không chỗ nào chép, cũng không thấy trong nguyên văn Hê-bơ-rơ về sự tróc vảy của lớp da mỏng trên hết. Chứng bịnh nguy kịch nhứt là vít sưng, mụt lở, chỗ đém trắng bóng (Lê-vi ký 13:2). Song nhứt là chỗ đém trắng sưng ở ngoài da, và lông chỗ vít đó từ màu đen tự nhiên đổi sang màu trắng hay vàng (Lê-vi ký 13:3,4,10,20,25,30), hoặc một lằn thịt chín đỏ nơi chỗ sưng đó, là những dấu nguy hiểm ô uế. Chỉ sưng lên, hay ghẻ lở, hay có đém trắng, thì phải giam trong 7 ngày vì tình nghi (4,21,26,31), và khi thầy tế lễ khám thấy vít ngừng lại không ăn trên da, thì phải giam lần thứ hai thế (câu 5). Song nếu vít ăn lan ra (7:22,27,35), thì nhứt định là bị ô uế. Sau một thời kỳ thứ hai ở riêng, nếu vít lặn đi và không tỏ triệu chứng lan ra, thì chỉ là một vết lở và bịnh nhơn được kể là tinh sạch (6,23,34). Dường như phải chú ý đặc biệt về sự lan rộng ra mới biết đúng. Một vít, dầu về các mặt khác không có gì, nhưng nếu ăn lan trên da nhiều thì kể là ô uế; và như đã nói trên, nếu một người có vít bao phủ hết da, khắp cả thịt, thì lại được kể là tinh sạch (12,13). Cả hai tiêu chuẩn đối nhau đó dường như tỏ ra, khi bịnh đang hoạt động, thì luật Môi-se kể người đó là ô uế bị cầm giữ một chỗ riêng; song tới điểm mà chỗ đó được coi là xong cuộc chạy, thì là một dấu để được nhập vào hội chúng. Cũng thấy rõ ràng bịnh phung chép trong Lê-vi ký 13:; 14: có nghĩa chỉ về một bịnh ăn lan trên khắp thân thể, và thấy gớm ghiếc, hoặc nghi là có thể lây, nên dân chúng cần phải để người đó ở riêng ra.
       Nay bịnh phung ở xứ Sy-ri hiện nay lan sang cả Tây-ban-nha, Hy-lạp, Na-uy chắc là thứ Elephantiasis Graecorum. Người ta nói là mấy người thập tự quân đã đem về vào trong mấy xứ ở Tây và Bắc Âu. Ấy chắc không phải là thứ phung trắng, và các chứng bịnh kể trong sách Lê-vi ký 13: cũng không chỉ về Elephantiasis. Bịnh phung của Na-a-man như dính vào Ghê-ha-xi "trắng như tuyết" (II Các vua 5:27), không thể chỉ về Elephantiasis cũng như không chỉ về lên đậu mùa.
       Còn một vấn đề lạ là nhận có bịnh phung về quần áo (Lê-vi ký 13:47-59) và nhà cửa (14:32-57). Nói về áo và tường nhà như mắc bịnh phung của người, khi trước ấy chỉ làm cho ngạc nhiên hoặc chê cười. Nhưng nay khoa học chứng rõ Luật Môi-se có lẽ phải, vì bây giờ biết có mấy bịnh sanh bởi cái ghẻ, hoặc bịnh khác sanh ra từ mốc ở chỗ ẩm (fungie). Bởi đó, có thể quyết vấn đề trên, khi so sánh vi trùng sống dưới lượt da ngoài là vi trùng hoạt động dưới áo che da đó, lại so sánh giữa vít các khe của lớp da ngoài và chỗ nứt nẻ trên tường cũ mối xông, thì thấy thật gần nhau để hiệp với mục đích luật lệ Môi-se. Cũng biết rõ tật bịnh của người sanh ra bởi các ghẻ hoặc một fungie có thể lây được, vì duyên cớ sanh ra bịnh có thể chuyển từ người nầy sang người khác.
       Về phần thuộc linh, bịnh phung làm hình bóng về tội lỗi, cách đối xử và phân rẽ ra cũng như tội lỗi phân rẽ giữa tội nhơn và thánh đồ. Luật pháp như người được soi dẫn bởi Chúa để thông giải các lẽ thật trong cõi thiên nhiên. Người phung là "mồ mả đang đi" "ví dụ về sự chết," và về tội lỗi "mà tiền công là sự chết." Như vậy, người phung phải xé quần áo, đầu trần, che râu lại và bị kể như một người chết rồi (Lê-vi ký 13:45; Dân số ký 12:12). Người đó phải là rằng: "Ô uế, ô uế" để cảnh cáo cho những người đến gần mình biết (so Lu-ca 17:13). Bịnh cũng có khi cha truyền cho con, giống như tội (Xuất Ê-díp-tô ký 20:5). Sự hư nát lần lần của thân thể trước nhứt ở ngoài da, rồi đến xương, thịt, chỉ có sự sống sót lại, ấy tỏ ra linh động về cách của một người hư nát bởi tội. Trong Ê-sai 53:4, bản Vulgate của Jérôme, dịch "mà chúng tưởng người như kẻ phung bị Ðức Chúa Trời đánh và đập." Bịnh phung là sự đoán phạt trực tiếp của Ðức Chúa Trời trên tội, chỉ Ngài có thể chữa kẻ phung và tội nhơn. Kẻ hầu việc Chúa xưa phải giữ mấy lễ để làm chứng công khai rằng một người phung được sạch, và như vậy người phung đó lại được thông công với anh em mình (Lê-vi ký 14:9-20). Ðấng Christ tỏ ra chức vụ Ngài từ Ðức Chúa Trời bởi chữa lành kẻ phung, và cũng truyền cho người đó phải tỏ cho anh em mình cùng thầy tế lễ và giữ theo lễ mà luật Môi-se đã phán dạy (Ma-thi-ơ 11:5; Mác 1:14; Ma-thi-ơ 8:4). Bịnh phung về người, về áo, và về nhà thí dụ về tội trong lòng, trong thói quen, và trong gia đình.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.