Phước. Bénédiction.

       

      Danh từ nầy thấy trong Cựu Ước nhiều hơn trong Tân Ước, và dùng trong những sự quan thiệp khác nhau:
       1. Trước hết ta thấy trong Sáng thế ký 1:22, khi dẫn sự sống sanh vật vào trong thế gian, thì có chép: "Ðức Chúa Trời ban phước cho các loài đó mà phán rằng: Hãy sanh sản thêm nhiều." Thượng hạ văn cung cấp cho ta chìa khóa ý nghĩa danh từ đó, tức là sự ban cho phước lành, và trong câu đặc biệt nầy, chỉ về sự vui lòng và quyền sanh sản thêm nhiều. Ấy là lời thường dùng trong cả Tân Cựu Ước, và thượng hạ văn bao giờ cũng nhứt định tính cách ban cho (khi chép là người nhận lãnh hoặc phước lành thuộc vật chất hay thuộc linh, hoặc cả hai).
       Nhưng thỉnh thoảng cũng có một nghĩa khác, như "Ðức Chúa Trời ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh" (Sáng thế ký 2:3). Tại đây, phước lành là ở chỗ để riêng và dâng ngày thánh để Ngài dùng.
       2. Trong mấy khúc trước, Ðấng Tạo hóa là nguồn của phước lành và vật thọ tạo nhận lãnh, song trật tự có khi đổi ngược lại, và vật thọ tạo (người) là nguồn và Ðấng Tạo hóa là Ðấng nhận. Trong Sáng thế ký 24:48, đầy tớ của Áp-ra-ham nói: "Ðoạn, tôi cúi đầu xuống mà sấp mình trước mặt Ðức Giê-hô-va, ngợi khen Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của chủ Áp-ra-ham tôi" tại đó dịch là "ngợi khen" cho chúng ý thờ phượng, tôn vinh, ngợi khen Chúa.
       3. Có một lối dùng thứ ba là chỉ người chúc phước cho nhau. Trong Sáng thế ký 24:60, các bà con chúc phước cho Rê-bê-ca, mà rằng: "Hỡi em gái chúng ta, chúc cho em được trở nên mẹ ức triệu người...", tại đó, lời chúc phước tỏ ra sự mong ước được như lời phước lành chỉ định đó. Người nầy được chúc phước cho kẻ khác có khi có ý dự ngôn về tương lai, như Y-sác chúc phước cho Gia-cốp (Sáng thế ký 27:4,27), đặt mình vào địa vị Ðức Chúa Trời, có ý nhờ cậy Ngài vùa giúp mà tuyên bố lời lành. tại đây lời đó trở nên một phần là cầu nguyện, một phần là lời dự ngôn về phước lành đã định. Lời của Ba-la-am chỉ là tiên tri về số phận Y-sơ-ra-ên (Dân số ký 23:9,10,11,23,24).
       Ở Cựu Ước nói về các phước giàu, sống lâu, khỏe mạnh, yên ổn, và sanh con cái hứa cho kẻ vâng phục lời Chúa, tuân giữ các Ðiều răn Ngài (Phục truyền luật lệ ký 28:1-14). Cũng xem Thi Thiên 1:1-2; Thi Thiên 32:1,2 v.v., có lời chứng rằng xưa sự đọc lời chúc phước là một thói tục thường thấy. Lời chúc phước làm mẫu phép trong Dân số ký 6:22-27. Câu trưng dẫn về sự chúc phước là Lê-vi ký 9:22; Phục truyền luật lệ ký 10:8; II Sử ký 30:27. Nhưng sau Do-thái-giáo thêm nhiều điều kiện như: mọi người A-rôn, đúng tuổi có phép làm lễ chúc phước, miễn là không phạm mấy tội kia và thân thể không có tật nguyền. Trước thầy tế lễ phải rửa tay mình, rồi giơ tay lên, cả dân sự đứng yên, sau đó mới đọc lời chúc phước. Ý chính là đặt danh Giê-hô-va trên dân sự. Sau người ta tưởng là có một phước nào trong lời đó, nhưng các thầy tế lễ thuộc linh phản đối ý đó. Lời chúc phước chung ngày nay trong Hội Thánh là II Cô-rinh-tô 13:13.
       Còn Tân Ước luận về phước thì cốt ở trong lòng, chớ không cốt ở bề ngoài (Ma-thi-ơ 5:10,11; Lu-ca 6:22; Gia-cơ 1:12). Có người nói cùng Chúa Jêsus: "Phước cho dạ đã mang Ngài..." (Lu-ca 11:27; 14:15). Ðó là phước bề ngoài. Chúa Jêsus bảo cho họ biết phước trong lòng còn cần yếu hơn. Phước đó rõ ràng là phước mà tín đồ ngày nay đang hưởng, tức là sự sống đời đời (Lu-ca 17:20,21; Giăng 3:36; 6:47). Lời chúc phước cho bánh mà ta đọc trong Tân Ước là đồng nghĩa với sự tạ ơn khi nhận lãnh, ý là của đã nhận một cách biết ơn đến như một phước lành (so Ma-thi-ơ 14:19; 15:36; với I Cô-rinh-tô 11:14).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.