Là một danh hiệu đặt cho hết thảy những người nam cai trị Ai-cập thuộc nhà Lagus khởi sự với Ptolémée Soter, một trong các quan tướng của Alexandre Ðại đế, và kéo dài đến tận lúc người La-mã xâm chiếm Ai-cập và lúc Clépâtre chết. Những Ptolémée đầu nhứt là ba vua trước, cai trị cách khôn ngoan và hoàn toàn, nên nâng xứ Ai-cập lên một địa vị cao có thế lực và ảnh hưởng. Các vua đó chiếm nhiều đất ngoại quốc như Phê-ni-xi, Coe le Sy-ri Chíp-rơ và Cyrénaique, và một thời gian cả xứ Pha-lê-tin. Các vua đó giúp đỡ nền mỹ thuật, văn chương và khoa học, cũng nâng Alexandrie, kinh đô mình, làm trường đại học đứng đầu và là nơi trung ương của văn minh Hy-lạp. Các vua đó là bạn của dân Do-thái, khuyến khích họ kiều ngụ tại Alexandrie, ban cho họ nhiều đặc ơn, và cho nhiều người Do-thái giữ chức cao về văn võ.
Trái lại, những vua sau của dòng nầy thì suy nhược và độc ác. Rất hay chiến trận với các nước lân cận, dân sự trong nước thường nổi loạn, phạm tội loạn luân cùng giết người trong hoàng tộc tại triều, và sự mất hết đất ngoại quốc cũng báo trước sự mất chính ngôi vua nữa.
Mấy người trong dòng nầy có chép trong sách Apocryphe là:
1. Ptolémée II Philadelphe là người ai nấy đều tưởng là "vua phương Nam" trong Ða-ni-ên 11:6 mà con gái Bénérice là vị "công chúa sẽ đến cùng vua phương Bắc để kết hòa hảo." Có lời truyền khẩu nói Philadelphe (285-249 T.C.) đã có sáng kiến truyền khởi dịch bản Cựu Ước tiếng Hê-bơ-rơ ra tiếng Hy-lạp gọi là bản Septante. Vua nầy cũng xây tháp đăng (phare) rất danh tiếng tại Alexandrie.
2. Ptolémée IV, gọi là Philopator là người bị tình nghi giết cha, và công việc thứ nhứt khi người lên ngôi là giết mẹ và em út. Ðời trị vì của người chỉ là một chuỗi sự chơi bời vô độ và tội ác. Thấy Ptolémée nầy yếu đuối và buông lung, Antiochus III, vua Sy-ri, khai chiến để định cướp lại xứ Phê-ni-xi khỏi Ai-cập, song bị thất bại tại trận Raphia 217 T.C.. Sau trận nầy, Philopator dâng của lễ tại Giê-ru-sa-lem, song khi bị cản không cho vào nơi chí thánh thì thử giết hết những người Do-thái ở thành Alexandrie để trả thù. Philopator băng năm 205 T.C..
3. Ptolémée VI, gọi là Philométor bắt đầu cai trị năm 181 T.C., hồi bảy tuổi dưới quyền nhiếp chính của mẹ là Cléopâtre. Vua nầy chỉ cai trị một mình mấy năm, và sau đồng trị với em là Physcon, gọi là Ptolémée VII. Sau nước chia ra giữa hai anh em Physcon cai trị trên Sy-ren và Ly-bi, còn Philométor cai trị Ai-cập và Chíp-rơ. Các quan tướng người xông vào Sy-ri và gặp Antiochus Épiphanes nên bị hoàn toàn thất bai tại Pelusium 171 T.C.. Chíp-rơ cũng bị Antiochus chiếm lấy, và chắc Alexandrie cũng vậy; song người La-mã xen vào bắt đầu từ đó lập chính sách bảo hộ trên Ai-cập. Philométor thường xen vào việc của Sy-ri, một hồi kết liên với Alexandre Balas là người tự xưng là vua, sau lại kết liên với kẻ thù của Alexandre Balas là Démétrius Nicator. Trong một cuộc chinh chiến tại Sy-ri, vua ngã ngựa, và vì thương tích nên ít lâu sau qua đời, 145 T.C.. Philométor làm ơn đặc biệt cho người Do-thái cho phép Onias xây một đền thờ Do-thái tại Léontopolis theo kiểu Ðền thờ Giê-ru-sa-lem.
4. Ptolémée VII, Physcon cũng gọi là Evergète, là người trước nhứt đồng trị với anh mình là Philométor (170-164 T.C.), sau khi anh người chết, thì cai trị một mình, 145-117 T.C.. Có khi người ta lẫn lộn Ptolémée nầy với Ptolémée VIII, cháu trai người gọi là Eupator, con của Philométor chỉ cai trị ít ngày sau khi cha chết. Phần đầu cuộc trị vì của Physcon là một chuỗi tội ác đối với chính gia đình mình, và sự ăn chơi quá độ đã làm cho các kẻ tùy tùng chán ghét người, và nổi loạn mấy lần. Giống như Ptolémée trước, Physcon cũng hay xen vào việc xứ Sy-ri, và trước giúp đỡ Zabinas, sau lại nghịch cùng người.
5. Ptolémée quan tướng của Antiochus Épiphanes dự phần trong cuộc chinh chiến mà Lysias tổ chức đánh Judas Macchabée. Có lẽ là một với Ptolémée Makron là người trước hầu việc Ptolémée Philométor tại Chíp-rơ, sau hầu việc Antiochus Épiphanes, rốt đến hầu việc Antiochus Eupator. Cuối cùng bị Eupator chán bỏ, thì uống thuốc độc tự tử, 164 T.C..
6. Ptolémée, con rể của thầy tế lễ Simon. Người đã giết ông gia và hai em rể trong đồn lũy Dok, gần Giê-ri-cô. Xem bài Niên hiệu của Cựu Ước, phần Tiến sĩ Scofield, từ Ma-la-chi đến Ma-thi-ơ.