I. Quân đội Do-thái.-- Sự tổ chức đạo binh Do-thái bắt đầu với sự đi khỏi Ai-cập, và hợp với tính cách của cuộc hành trình đó. Mỗi người trên 20 tuổi phải ra lính (Dân số ký 1:3), mỗi chi phái hợp thành một cơ binh có cờ riêng và một người đứng đầu (Dân số ký 2:2; 10:14). Ðịa vị của họ lúc đóng trại hoặc lúc đi đều nhứt định (Dân số ký 2:). Cả đạo binh đi và ngừng lại khi tiếng kèn thổi (Dân số ký 10:5,6): như vậy, họ lìa xứ Ai-cập, sẵn sàng đánh trận (Xuất Ê-díp-tô ký 13:18). Khi đạo binh thù tới gần, thì buộc toàn thể phải đăng lính dưới sự chỉ dẫn của một quan trưởng (Phục truyền luật lệ ký 20:5; II Các vua 25:19), và bởi quan trưởng đó, các tướng được lập nên (Phục truyền luật lệ ký 20:9). Ðạo binh, sau chia từng ngàn, từng trăm tùy theo quan chỉ huy (Dân số ký 31:14), và sau còn chia từng chi họ (Dân số ký 2:34; II Sử ký 25:5; 26:12), một chi họ được kể là phần định theo chính thể Do-thái.
Ðến đời các vua mới nổi lên thói tục giữ một đội thị vệ làm trung tâm đạo binh. Như vậy, Sau-lơ có một đoàn 3.000 người chiến sĩ lựa chọn (I Sa-mu-ên 13:2; 14:52; 24:2) vì Ða-vít trước khi lên ngôi có 600 người (I Sa-mu-ên 23:13; 25:13). Ðoàn đó, Ða-vít giữ lại sau khi làm vua và thêm người Kê-rê-thít, người Phê-lê-thít (II Sa-mu-ên 15:18; 20:7), cùng một hạng khác Shalishim, các tướng có chức cao cấp, mà người đứng đầu (II Các vua 7:2; I Sử ký 12:18) ở liền ngay với vua. Ða-vít sau cũng tổ chức một đạo binh của quốc dân, chia làm 12 đạo, dưới 12 tướng, mỗi đạo được cắt ra một tháng trong một năm (I Sử ký 27:1); đứng đầu đạo binh, khi có chiến tranh, Ða-vít cử một quan tổng binh (I Sa-mu-ên 14:50).
Cho đến nay, đạo binh chỉ gồm có bộ binh (I Sa-mu-ên 4:10; 15:4), sự dùng ngựa bị hạn chế bởi mạng lịnh Chúa (Phục truyền luật lệ ký 17:16). Song vì cớ sự giao thông với các nước lân cận được mở mang nên ngựa có quan hệ. Ða-vít dành sẵn 100 cỗ xe là của cướp từ đạo binh Sy-ri (II Sa-mu-ên 8:4); những cỗ xe đó dùng làm nền tảng cho quân đội mà sau Sa-lô-môn mở rộng ra bởi sự giao kết với Ai-cập (I Các vua 10:26,28,29). Dường như các vua Do-thái không giữ chính thể của Ða-vít lập, song trong Y-sơ-ra-ên thì rất cần có một đạo binh vì cớ nước Sy-ri lân cận hay xông vào xứ. Có khi đạo binh được gọi ra trong thời hòa bình, (II Sử ký 14:8; 25:5; 26:11) song ấy là trường hợp đặc biệt. Trái lại, đội thị vệ dường như vẫn giữ luôn (I Các vua 14:28; II Các vua 11:4,11). Thỉnh thoảng có nói đến xe ra trận (II Các vua 8:21); song trong đời Ê-xê-chia không thể gìn giữ như thế, và người Do-thái buộc phải nhờ người Ai-cập giúp đỡ ngựa và xe (I Các vua 18:23; Ê-sai 31:1). Sự gìn giữ và phát khí giới cho lính là tiền chi của công quỹ kể từ khi đạo binh thành lập. Không biết có bao giờ lính ăn tiền vua trả không. Không thể biết đúng lực lượng đạo binh Do-thái chắc chắn.
II. Quân đội La-mã.-- Dầu người lính thứ nhứt chép trong Tân Ước là người Do-thái chớ không phải người La-mã (Lu-ca 3:14; Mác 6:27), và dầu thấy Hê-rốt cùng lính "lính hầu vua" hiệp lại mà giễu cợt Chúa Jêsus (Lu-ca 23:11) song phần nhiều Tân Ước chép về đạo binh La-mã. Quân đội của La-mã có độ 6.000 người mà người Do-thái rất quen biết, nên danh từ đó chỉ số đông (Ma-thi-ơ 26:53; Mác 5:9). Trong các sách Tin lành và công-vụ, chức đội trưởng đều tôn trọng (Mác 15:39; so Ma-thi-ơ 8:5; Lu-ca 23:47; Công vụ các sứ đồ 10:1; 22:25,27). "Nơi công đường" (pratorium) là dinh của quan tổng đốc La-mã tại Giê-ru-sa-lem và tại Sê-sa-rê (Ma-thi-ơ 27:27; Công vụ các sứ đồ 23:35), hoặc chốn công đường tại thành La-mã (Phi-líp 1:13). Ðội binh của Âu-gu-ta và đội binh Ý-đại-lợi (Công vụ các sứ đồ 10:1; 27:1), là những cơ binh La-mã tòng quân tại Sê-sa-rê. Trong đời Phao-lô tại Giê-ru-sa-lem, có một đạo binh dưới quyền quản cơ (Công vụ các sứ đồ 22:24), và từ đạo binh đó chọn một đội lính cầm giáo, để đưa Phao-lô đến thành Sê-sa-rê cách bình an, đó là những người có tài ném lao.
III. Hình bóng.-- Phao-lô vào cuối đời mình sống giữa những lính La-mã nên dùng những hình bóng về binh bị, chỗ thì nói những khí giới của lính La-mã, chỗ thì nói về sự sửa trị, cách đi đứng và sự đánh trận. Như vậy, có nói đến việc "tranh chiến" (II Ti-mô-thê 2:3,4; II Cô-rinh-tô 10:3-6); thứ tự hẳn hoi và hàng ngũ tề chỉnh mặc binh phục đi ra (Cô-lô-se 2:5); "sự đắc thắng khải hoàn" về đền chiến thần ở La-mã với một đoàn tù binh và khói của hương liệu (II Cô-rinh-tô 2:14-16); "lúc tiếng kèn chót" sẽ thổi thì các chiến sĩ trung tín của Ðấng Christ ai nấy sẽ đứng vào chỗ mình theo trật tự riêng trong đội bằng người được sống lại của Ðức Giê-hô-va các cơ binh (II Cô-rinh-tô 15:52,53). Những đạo binh ở trên trời (Khải Huyền 19:14,19) là đạo binh thiên sứ hầu việc Chúa. Thành nhục thể trong khi Ngài còn trong xác thịt, và khi Ngài được tôn lên thì sẽ mặc áo vải gai mịn trắng và tinh sạch, cỡi ngựa bạch theo Ngài.