Quyền tư pháp. Pouvoirjudiciaire.

        Quyền tư pháp.   Pouvoirjudiciaire.



      Quyền tư pháp của người Y-sơ-ra-ên có thể chia làm ba bước:
       Bước thứ nhứt.-- Người tư pháp là gia trưởng một nhà, có quyền đoán định điều phải hay quấy, điều thẳng hay cong queo; cũng có quyền khép con trai, con gái vào tội chết nữa (Sáng thế ký 38:24). Song người trong một nhà phải giữ quyền lợi cho nhau, binh vực lẫn nhau. Nếu một người trong nhà bị người ngoài làm hại, ắt cả nhà phải báo thù cho người đó (so Sáng thế ký 34:).
       Bước thứ hai.-- Người tư pháp từ bực gia trưởng một nhà trở nên tộc trưởng một họ, như Môi-se theo lời Giê-trô khuyên, lựa chọn bảy mươi người lập làm trưởng lão và trưởng tộc làm quan xét cho dân chúng (Xuất Ê-díp-tô ký 18:13-27). Số là trong xứ Ai-cập dường như dân Hê-bơ-rơ không có người đồng bào làm quan xét riêng, điều đó, tự nhiên, là nguồn sanh ra nhiều sự lầm lỗi. Khi bỏ xứ Ai-cập, Môi-se cầm quyền tư pháp, song thật khó lòng xét lẽ công bình không tây vị cho hai triệu năm mươi vạn người; bởi đó, nên mới lập ra chế độ phán lệ (système de jurisprudence). Môi-se lập ra các quan xét trên mười, năm mươi, một trăm, một ngàn người,--tổng số độ 78.600 quan xét. Những tòa án nầy, dầu chia từng trật, song không cho dịp tiện chống án. Tòa thấp hơn nếu gặp việc khó thì giải lên tòa cao hơn. Nếu việc dễ dàng, thì quan xét trên mười người định lấy, song nếu khó xử quá cho người, thì chuyển lên một tòa cao hơn, và cứ thế cho đến khi tới Môi-se. Có mấy loại vấn đề kia, tòa trên mười, năm mươi và trăm người không định gì hết, thì dân sự đệ lên tòa cao hơn vì quyền tài phán gốc (tức Môi-se). Nếu tòa án nào đã nhứt định, thì vụ đó kết liễu, không thể chống án (Xuất Ê-díp-tô ký 18:25,26). Về sau đến đời Phục-truyền, thì khuôn phép tư pháp càng mở rộng, phàm con ngỗ nghịch phải bắt đến trước mặt các trưởng lão, nếu quả có tội thì phải phải bị ném đá chết (Phục truyền luật lệ ký 21:18-21). Bấy giờ, gia trưởng không có quyền xử tử con cái nữa. Khi trưởng lão gặp vụ án khó xử, thì có thể cầu xin Chúa xử đoán cho (Xuất Ê-díp-tô ký 22:8,9, xem Phục truyền luật lệ ký 21:1-9). Hồi chiếm lấy xứ Pha-lê-tin, các quan xét được lập lên trong mỗi thành và miền phụ cận (Phục truyền luật lệ ký 16:18), như vậy cho Y-sơ-ra-ên một phương pháp quyết định lanh chóng và rẻ. Dầu hiến pháp không định đoạt, song các quan xét thường được lựa chọn giữa vòng người Lê-vi và hạng học thức. Chức vụ được lựa chọn bởi cách bầu cử. Josèphe giải nghĩa rõ, và mấy khúc Kinh Thánh cũng chứng quyết thật có (xem Phục truyền luật lệ ký 1:13). Sự chọn lựa Giép-thê là bởi dân sự bỏ thăm (Các quan xét 11:5-11).
       Bước thứ ba.-- Quyền tư pháp từ trưởng lão mà thuộc về quốc vương. Trưởng lão bấy giờ dầu có quyền phán xét (I Các vua 21:8-13), song đã có hai bộ phận tư pháp mới là vua và thầy tế lễ, nên quyền của trưởng lão tất ngày một rút hẹp lại.
       a) Quyền tư pháp của vua.-- Phàm việc lớn lao quan trọng trong dân đều thuộc vua cai quản (I Sa-mu-ên 8:20; II Sa-mu-ên 15:2-6; I Các vua 3:9; II Các vua 15:5). Như vua Sa-mu-ên xây riêng một hiên để làm nơi xét đoán (I Các vua 7:7). Song, hàng trăm vụ án, mình vua không xét xuể, nên lập quan án để xét xử theo lẽ phải. Quyền tư pháp đã do các quan án nắm giữ, mối tệ bèn nhơn đó mà sanh ra nhiều. Rất đỗi, có kẻ ăn hối lộ, trái pháp luật gieo hại cho dân. Cứ xét trong sách các tiên tri cũng đủ rõ (Ê-sai 1:23; 5:7,20,23; Mi-chê 3:11; 7:3; Ê-xê-chi-ên 22:12,13).
       b) Quyền tư pháp của thầy tế lễ.-- Nếu có vụ án nào khó xử, người ta nhờ đến thầy tế lễ, thì thầy tế lễ lại cầu xin Ðức Chúa Trời xét đoán cho (Phục truyền luật lệ ký 17:8-13; 19:15-21).
       Sau khi từ Ba-by-lôn về nước, trưởng lão các thành vẫn có quyền tư pháp (E-xơ-ra 7:25; 10:14). Thành nào nhỏ thì có bảy trưởng lão, thành lớn có hai mươi ba. Vụ án nào các trưởng lão không xử đoán được thì giao lại cho Tòa Công luận tại thành Giê-ru-sa-lem quyết định. Ấy là một đoàn thể có quyền lập hiến và tư pháp, hành động với quyền tự trị rất rộng đến nỗi không những cầm quyền trên các vụ công dân hiệp với luật Do-thái,--nếu không có quyền đó không thể có Tòa án Do-thái,--song cũng giữ quyền lớn trong sự hình phạt trọng tội. Tòa Công luận hành quyền độc lập về sự tuần phòng, bởi đó có chép phái những quân lính lùng bắt tội nhơn (Ma-thi-ơ 26:47; Mác 14:43; Công vụ các sứ đồ 4:3; 5:17,18). Về các vụ không nặng đến án tử hình, thì sự phán xét tòa Công luận đủ kết liễu (Công vụ các sứ đồ 4:2-23; 5:21-40). Chỉ có án tử hình cần phải có quan tổng đốc ưng thuận, không những nói rõ trong Giăng 18:31 mà cũng tỏ trong sự tra án Chúa Jêsus như thuật trong ba sách Tin lành đầu. Bằng lòng hay không, trong các trường hợp đó, quan tổng đốc có thể nhứt quyết theo ý mình ứng dụng luật pháp hoặc Do-thái, hoặc La-mã làm phương châm. Tòa Công luận có thể khép án tử hình những công dân La-mã, là người không phải người Do-thái dám bước qua giới hạn mà vào nơi thánh Ðền thờ. Ngay trong vụ đó cũng phải có quan tổng đốc ưng thuận, nhưng dường như các quan La-mã thường để mặc luật pháp hành động khép án những người xúc phạm đến tình cảm người Do-thái như thế (xem Công vụ các sứ đồ 21:28,29; Công vụ các sứ đồ 22:-26:). Những ai có quốc tịch La-mã thì không có phép hình phạt trước khi chưa thành án (22:25); bằng chẳng, thì người tư pháp trái phép (16:37). Án nào không giải oan được thì được phép kêu lên hoàng đế La-mã xét xử (25:10-12). Tóm lại, phàm người có quốc tịch La-mã đều được đối đãi cách đặc biệt vậy.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.