Ra-chên. Rachel (chiên cái).

       



      Là con gái út La-ban, là vợ Gia-cốp, là mẹ Giô-sép và Bên-gia-min, nàng qua đời vì đẻ khó. Sự tích đời nàng chép rõ trong Sáng thế ký 29:-35: Vẻ đẹp của Ra-chên đã làm cho Gia-cốp rất yêu quí nàng, từ buổi gặp gỡ đầu, bên giếng tại Cha-ran, khi Gia-cốp tỏ cho Ra-chên những sự lịch thiệp của đời sống nơi đồng vắng, hôn Ra-chên, và nói mình là con trai Rê-bê-ca. Gia-cốp cố nhịn nhục chịu giúp việc bảy năm để được Ra-chên xong "bởi yêu nàng nên coi bảy năm chừng đôi ba bữa" (29:30). Cuối cùng hai người cưới nhau. Ra-chên chết chính nhằm lúc một con trai khác sanh ra, là điều mà nàng đã lâu ước ao mong đợi vừa thực hiện, làm cho chồng nàng càng yêu quí hơn; Gia-cốp buồn bã vô cùng và bao giờ cũng nhớ tiếc sự mất nàng (Sáng thế ký 48:7): những điều nầy khiến cho truyện riêng và gia đình Ra-chên càng thêm cảm động.
       Dầu vậy, theo điều chép trong Kinh Thánh, tánh nết nàng cũng không được cao quí và đáng kính phục bao nhiêu. Sự không thỏa lòng và tánh khó chịu tỏ ra trong sự buồn bực vì cớ một hồi lâu không sanh đẻ, làm cho cả đến chồng yêu quí nàng cũng phải giận (Sáng thế ký 30:1,2). Dường như nàng cũng dự phần trong những sự lừa gạt và giả dối của gia đình nàng. Hãy coi, ví như, Ra-chên ăn cắp hình tượng của cha nàng, và nhờ sự khôn khéo và lanh trí mà che đậy tội ăn cắp (Sáng thế ký 31:). Bởi đó, có thể biết Ra-chên không hoàn toàn thoát khỏi dị đoan và hình tượng đã lan tràn khắp xứ mà Áp-ra-ham từ đó được kêu gọi (Giô-suê 24:2,14). "Ra-chên qua đời, được chôn bên con đường đi về Ê-phơ-rát, tức là Bết-lê-hem. Gia-cốp dựng một mộ bia; ấy là mộ bia của Ra-chên đến ngày nay hãy còn di tích" (Sáng thế ký 35:19,20). Nơi mồ mả của nàng có một nhà nhỏ giống đền Hồi giáo, có vòm, cách phía Nam Giê-ru-sa-lem ba cây số, và phía Bắc Bết-lê-hem độ một cây số rưỡi.
       Tiên tri Giê-rê-mi tả sự Ra-chên than khóc con mình, tức các dòng dõi của Giô-sép là con trai nàng, là dân sự tại Ép-ra-im và Ma-na-se bị bắt làm phu tù (Giê-rê-mi 31:15 so 9:18). Tại thành Ra-ma, người ta nghe tiếng Ra-chên; không phải vì tiên tri thấy trước rằng những phu tù của Giu-đa và Bên-gia-min sẽ đem đến Ra-ma trước khi bị đày đi (40:1), vì Ra-chên không khóc trên người Giu-đa; song có lẽ vì một thành tên là Ra-ma ở gần mộ Ra-chên (so I Sa-mu-ên 10:2), hoặc có lý hơn vì Ra-ma ở một nơi cao trong phần đất mà con cái Ra-chên còn sót lại, dòng dõi Bên-gia-min, và gần giới hạn của chi phái Ép-ra-im không người ở, từ đó càng thấy sự hoang vu rõ rệt. Bức tranh tiên tri vẽ Ra-chên khóc được ứng nghiệm trong sự tàn sát các con trẻ vô tội tại thành Bết-lê-hem, trong xứ Do-thái (Ma-thi-ơ 2:18), mặc dầu dòng dõi của Lê-a, không phải Ra-chên khóc. Ra-chên nhìn trên đất Ép-ra-im bị bỏ hoang, than khóc các con bị giết và bị phu tù, làm chứng dân khởi sự bị bắt làm phu tù và dứt khi Xứ Thánh bị người ngoại bang chiếm cứ, ngôi bị chiếm bởi người Am-môn, kẻ giết các con trai Lê-a khi cố sức tìm kế giết vua dòng chính, và đã định làm Cứu Chúa trên cả Y-sơ-ra-ên: Ép-ra-im, Bên-gia-min và cả Giu-đa. Trái lại, bức tranh cũng phản ứng trong sự buồn rầu của các bà mẹ tại thành Bết-lê-hem. Ðã thấy sự ứng nghiệm rồi, lại thấy sự thực hiện mới nữa. Ra-chên khóc nữa, lần nầy với Lê-a. Ra-chên hy vọng các con cái mình sẽ trở về cùng Ðức Chúa Trời và Ða-vít, vua mình (Giê-rê-mi 30:9), và được thắt chặt khi Lê-a ao ước thấy Con của Ða-vít trong ngày Giu-đa sẽ được cứu và Y-sơ-ra-ên ở yên ổn (23:6). Tiếng Ra-chên kêu là tiếng than vãn đầu tiên còn tiếp nối trải qua các thế kỷ, và nghe rõ tại Bết-lê-hem, khi một vua ngoại bang, ghen ghét Con vua Ða-vít, Vua dòng chính của người Giu-đa, đến nỗi sai lính đến thành Ða-vít mà giết các con trẻ. Bức tranh nầy còn đang chờ đợi sự ứng nghiệm cuối cùng.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.