Ra-háp. Rahab.

     



      Người kỵ nữ ở thành Giê-ri-cô đã tiếp rước các thám tử của Giô-suê. Ra-háp có một nhà riêng biệt khỏi cha, mẹ, anh, em, và chị em, có lẽ là một nhà tiện cho khách qua đường trọ, "vì nhà nàng ở tại trên vách thành." Cộng gai nàng trải trên mái nhà và sợi chỉ điều tỏ ra nàng dệt gai và nhuộm, như những người Phê-ni-xi, so (áo choàng Ba-by-lôn" (7:21). Thành Giê-ri-cô ở gần mấy chỗ nông cạn của sông Giô-đanh, làm một thị trường giữa Phê-ni-xi Ba-by-lôn, và Ai-cập. Vì vậy, Ra-háp biết những thực sự của sự ra khỏi Ai-cập, sự đi qua Biển đỏ cách lạ lùng, và sự diệt hai vua Si-hôn và Óc; Ðức Chúa Trời lấy sự thật làm cho Ra-háp tin quyết rằng Y-sơ-ra-ên sẽ chiếm lấy Ca-na-an và "Giê-hô-va Ðức Chúa Trời Y-sơ-ra-ên là Ðức Chúa Trời ở trên trời cao kia, và ở dưới đất thấp nầy" (2:11). Ðức tin đã thúc giục Ra-háp liều sự sống mình, mà giấu hai thám tử dưới cộng gai trên mái nhà. Nàng lừa dối vua Giê-ri-cô, nói rằng: "Hai người ấy đi ra tôi không biết đi đâu," là điều Kinh Thánh không cho phép, song duy chỉ bởi đức tin khiến nàng cư xử vậy. Kinh Thánh cấm nói dối hoặc "làm sự dữ cho được sự lành" (Rô-ma 3:7,8). Sau, nàng nói cùng các thám tử sự kinh khủng vì cớ người Y-sơ-ra-ên gây nên giữa vòng đồng bào mình, và được lời hứa rằng khi Y-sơ-ra-ên chiếm lấy thành Giê-ri-cô, thì cha mẹ, anh em, chị em Ra-háp sẽ được cứu.
       Sợi dây điều mà nàng dòng các thám tử xuống sẽ cột nơi cửa sổ làm bằng cớ. Theo lời khuyên của Ra-háp, hai thám tử đi đến núi (Quarantana, có nhiều hang, và một tường đá cao độ 360 thước), làm giới hạn phía Bắc Giê-ri-cô, ở đó ba ngày cho đến khi những người đuổi theo mình trở về, thì xuống núi đi qua mấy chỗ nông cạn của sông Giô-đanh mà về trại người Y-sơ-ra-ên. Những tin mừng của họ chắc giục lòng đạo binh nhiều. Khi hủy phá thành Giê-ri-cô, Giô-suê trung tín giữ lời hứa với Ra-háp, truyền hai người đi do thám: "Hãy vào trong nhà kỵ nữ , biểu nàng và mọi người thuộc về nàng đi ra." Vậy, hai người đem hết thảy gia quyến nàng ở trong nhà có sợi dây điều ra, và để ở ngoài trại quân Y-sơ-ra-ên.
       Sanh-môn, là người trai trẻ, cưới Ra-háp, có lẽ một trong hai người nàng đã cứu, sự biết ơn dẫn đến sự yêu thương và quên bỏ hết sự xấu hổ trong cuộc đời quá khứ nàng. Ðức tin nàng được thưởng rất nhiều, nàng trở nên mẹ của Bô-ô (Ru-tơ 4:21), một nữ tổ phụ của Ðấng Mê-si; là một trong số bốn người nữ ngoại bang: Tha-ma, Ra-háp, Ru-tơ, và Bát-sê-ba, ghi trong gia phổ chép bởi Ma-thi-ơ. Trong đó "không một người nữ thánh nào được kể đến, chỉ những người mà Kinh Thánh quở trách, hầu cho Ðấng đến vì các tội nhơn, sẽ sanh ra bởi các tội nhơn, có thể trừ khử những tội lỗi của hết thảy" (Jérôme). Có lẽ 345 "người Giê-ri-cô" là dòng dõi của người nhà nàng ở trong Y-sơ-ra-ên (E-xơ-ra 1:34). Làm kỵ nữ không kể là "tội" giữa người ngoại, dầu không tốt; song khi Ra-háp đã nhận một đức tin tinh sạch, thì cũng bắt đầu một cuộc đời tinh sạch. Sự hiểu biết tin chắc mục đích Ðức Chúa Trời về Y-sơ-ra-ên và Giê-ri-cô, làm cho Ra-háp bỏ phận sự thấp, tình ái quốc mà theo phận sự cao trọng hơn, lòng tin kính; Ra-háp có thể trung tín với xứ mình, song bất trung với Ðức Chúa Trời. Nàng bỏ những sự ô uế của thần tượng nơi quê mình, mà chắc chính nghề kỵ nữ có quan thiệp đến. Sự lo cho cha mẹ và bà con được yên ổn tỏ ra không phải Ra-háp chỉ chăm lo phần mình thôi. Sự tiếp đãi các thám tử trong nhà là vì cớ Chúa (Ma-thi-ơ 10:40-42). Hê-bơ-rơ 11:31 chép: "Bởi đức tin, kỵ nữ Ra-háp không chết với kẻ chẳng tin, vì nàng đã lấy ý tốt tiếp rước các kẻ do thám, "tức là không để cho họ bị thương tích. Lúc đó là bốn ngày trước Lễ Vượt Qua, "ngày mồng mười tháng giêng" (4:19), là mùa gặt lúa mạch, khi sông Giô-đanh tràn lên khỏi bờ. Mùa lúa mạch cũng chung với mùa gai, như thấy trong Xuất Ê-díp-tô ký 9:31. Cũng nhờ đó biết Ra-háp có thể "giấu các thám tử dưới cộng gai" chắc vừa chặt và trải trên mái nhà (Giô-suê 2:6; 3:15; 4:19; 5:10,11).
       Tác giả thơ Hê-bơ-rơ lấy Ra-háp làm gương của "đức tin." Gia-cơ (2:25) trích Ra-háp làm gương về "cậy việc làm mà được xưng công bình",tức "việc làm"làm chứng về đức tin nàng đã có (so 2:22). Bởi đó, sự xưng công bình chỉ bởi đức tin của Phao-lô, chỉ về một đức tin không phải chết, "song làm ra bởi sự yêu thương" (Ga-la-ti 5:6). Lần nữa, việc của Ra-háp không thể làm chứng được xưng công bình bởi việc làm như vậy, vì nàng là người xấu nết. Song như một ví dụ về ơn điển, tức được xưng công bình bởi đức tin làm việc ra, trái với đức tin chỉ xưng ra thôi, chớ không có ai đáng làm gương tốt hơn "kỵ nữ" được cứu đó. Ra-háp tin và làm ra bởi lòng tin, dầu các đồng bào mình không tin; và đó đối diện với mọi sự không thể có: tức là một đạo quân không quen chiến đấu có thể thắng hơn một đạo quân có khí giới và đông hơn nhiều. Ra-háp tin nơi lòng (Rô-ma 10:9,10), xưng ra bởi miệng, và liều mạng sống mình để làm như mình tin. Một người nữ buông lung và là một người ngoại cũng được xưng công bình như Áp-ra-ham tổ phụ người Do-thái, bạn Ðức Chúa Trời. Ấy làm chứng rằng trong các hạng người đức tin được xưng công bình và làm việc ra cũng được tỏ ra. Tính cách của những việc được tỏ ra, không phải việc từ thiện hoặc công đức song việc có giá trị, vì là chứng cớ về đức tin, ấy tỏ ra Gia-cơ đã trích làm những lẽ minh chứng cho đức tin; là đức tin tỏ ra bởi việc làm. "Chúng ta được xưng công bình bởi việc làm" có ý rằng chúng ta được xưng công bình bởi một đức tin bao giò cũng làm việc tùy theo dịp tiện. Sợi dây điều chỉ bóng về huyết Ðấng Christ để cứu người ngoại, cả đến những kỵ nữ và tội nhơn, khỏi thạnh nộ (Ma-thi-ơ 21:31,32), trong Hội Thánh như sự rảy huyết chiên con lễ Vượt qua cứu Y-sơ-ra-ên trong nhà mình, và chỉ bóng về huyết cứu chuộc hết. Ra-háp là một ví dụ về sự kêu gọi dân ngoại trong thời đạo Tin lành.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.