Rắn. Serpent.

     


      I. Tiếng Hê-bơ-rơ Nâchâsh là tên đặt chung cho các loài rắn. Kinh Thánh nói đến rắn như sau nầy: Về sự quỉ quyệt (Sáng thế ký 3:1); sự khôn ngoan (Ma-thi-ơ 10:16); có nọc độc (Thi Thiên 58:4; Châm Ngôn 23:32, v.v.); lưỡi nhọn của thứ rắn mà người Hê-bơ-rơ xưa tin rằng bởi đó sanh ra nọc độc (Thi Thiên 140:3; Gióp 20:16), "lưỡi của rắn lục sẽ giết nó;" dầu trong các câu khác như Châm Ngôn 23:32; Truyền đạo 10:8,11; Dân số ký 21:9 nói rõ hơn nọc là do ở vết cắn còn Gióp 20:14 nói mật là nọc độc của rắn; rắn có thói quen nằm giấu mình nơi hàng rào hay vách tường (Truyền đạo 10:8; A-mốt 5:19); nơi rắn ở là những chỗ đất cát khô khan (Phục truyền luật lệ ký 8:15); lối rắn bò trên hòn đá là một trong ba việc diệu kỳ của tác giả Châm Ngôn 30:19. Phần nhiều loài rắn sanh trứng như nói trong Ê-sai 59:5.
       Thuật nuôi và làm mê hoặc rắn có từ đời thái cổ nói đến trong Thi Thiên 58:4,5; Truyền đạo 10:11; Giê-rê-mi 8:17, và chắc Gia-cơ 3:7 gồm lại rắn trong các loại "bị loài người trị phục." Các rắn người ta ếm chú được, cả ở Phi Châu và Ấn độ, là hai thứ đặc biệt. Có cớ tin rằng phần nhiều người ếm chú rắn thường đề phòng cạo nọc rắn trước đã. Có người thường nói đến thói quen đó trong Thi Thiên 58:6. "Hỡi Ðức Chúa Trời, xin hãy bẻ răng trong miệng chúng nó." Ðồ dùng của người ếm chú rắn thường là cái sáo.  Ma quỉ mượn hình rắn đến cám dỗ Ê-va; bởi đó, trong Kinh Thánh gọi Sa-tan là "con rắn xưa" (Khải Huyền 12:9 so II Cô-rinh-tô 11:3). Có người cho rằng trước khi thủy tổ loài người sa ngã, rắn đi mình dựng đứng, song nếu thật vậy, thì không hiệp với hình thể rắn ngày nay. Một điều chắc thật là từ khi loài người sa ngã thì coi hình lối bò của rắn một cách ghen ghét và gớm ghiếc, vì đã "bị rủa sả trong vòng các loài súc vật," và có dấu sự đoán phạt ghi trên mãi mãi "Sáng thế ký 3:14,v.v.). Kinh Thánh nói rắn "ăn bụi đất" (xem Sáng thế ký 3:14; Ê-sai 65:25; Mi-chê 7:17); giống vật đó phần nhiều khi bắt mồi trên đất thì cũng nuốt một phần lớn cát và bụi đất. Suốt cả Ðông phương, rắn làm hình bóng về nguyên lý sự dữ, tinh thần bất phục, và ngạo mạn. Có nhiều người viết về "rắn lửa" trong Dân số ký 21:6,8 mà thường lầm kể là một với "rắn lửa bay" của Ê-sai 30:6; 14:29. Chữ "lửa" có lẽ nghĩa "đốt cháy" ngụ ý về cảm giác khi bị rắn đó cắn. Mấy thứ rắn độc nay thường ở sa mạc A-ra-bi có thể gọi là "rắn lửa," song "rắn lửa bay" trong Ê-sai không có. Trên các tường chạm xứ Ai-cập xưa, có nhiều hình rắn với cánh chim, hình quái gở.
       II. Tiếng Hê-bơ-rơ Eph'eh chép trong Gióp 20:16; Ê-sai 30:6 và 49:5 dịch là rắn lục. Tiếng đó từ một nguyên gốc có nghĩa "xịt," dầu Kinh Thánh không nói là thứ rắn thể nào. Con rắn quấn trên tay Phao-lô khi ở cù lao Man-tơ (Công vụ các sứ đồ 28:3), có lẽ là thứ rắn lục thường thấy là Pelias berus.
       Khi Ðức Chúa Trời phạt dân Y-sơ-ra-ên trong nơi đồng vắng, thì sai những rắn đến và ai bị rắn cắn thì chết. Khi ăn năn, Chúa truyền cho Môi-se lấy một con rắn bằng đồng đánh bóng chiếu sáng như lửa, đặt trên một cây sào giữa dân sự và ai đã bị rắn cắn chỉ cần nhìn đến thì được sống (Dân số ký 21:4-9 so Giăng 3:14; 12:32). "Xưa, Môi-se treo con rắn lên nơi đồng vắng thể nào, thì con người cũng phải treo lên dường ấy, hầu cho hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời". Môi-se tỏ ra hình con rắn mất quyền làm hại, treo như một của cướp của kẻ đắc thắng, ấy là xưng ra sự dữ, về phần xác thịt và thuộc linh, đã bị thắng hơn và bởi thế giúp đỡ thêm sức mạnh cho đức tin yếu đuối của Y-sơ-ra-ên để thắng. Có người nhờ lối Ai-cập xưa thờ con rắn, thì gợi ý hình con rắn đó làm hình bóng về sức khỏe và sự sống. Ý đầu nhứt về con rắn trong truyện loài người sa ngã và suốt cả Kinh Thánh là sự khôn ngoan (Sáng thế ký 3:1; Ma-thi-ơ 10:16; II Cô-rinh-tô 11:3). Sự khôn ngoan, trừ ra sự vâng phục Chúa, liên lạc với tánh xác thịt người thì trở nên sự quỉ quyệt, và bổn tánh người bị đầu độc và bại hoại. Song sự khôn ngoan, là quyền để hiểu, khi phục Ðức Chúa Trời, thì trở nên cách để được chữa bịnh và bổ sức lại, và bởi thế hình con rắn trở nên hình bóng về sự giải cứu và sức khỏe.
       Hình rắn đồng đó còn giữ làm di vật, được gọi là Nê-hu-tan, thì đã trở nên vật thờ lạy như hình tượng, có lẽ liên lạc với sự thờ hình tượng trong đời vua A-cha, rồi sau, bởi lòng sốt sắng vua Ê-xê-chia đập bể con rắn đồng đó (II Các vua 18:4). Dầu vậy, năm 971 S.C. một người từ Milan đến thành Constantinople mà chọn làm quà lễ một rắn bằng đồng mà người Hy-lạp quyết rằng đó là từ rắn đồng Ê-xê-chia đã đập bể, nên con rắn đó vẫn được bày ra trong nhà thờ St. Ambroise tại Milan ngày nay.
       Hình bóng.-- Phần nhiều những câu trưng dẫn trong Kinh Thánh về rắn có ý bóng, và thường chỉ về loài rắn độc: kẻ ác (Thi Thiên 58:4); kẻ toan mưu ác (Thi Thiên 140:3); kẻ thù (Giê-rê-mi 8:17); Sa-tan (Sáng thế ký 3:; Khải Huyền 12:9; 20:2.). Hiệu quả của rượu ví sánh với rắn cắn (Châm Ngôn 23:32). Giăng Báp Tít dùng "dòng dõi rắn lục" mà chỉ về người Pha-ri-si và người Sa-đu-sê (Ma-thi-ơ 3:7), hoặc đoàn dân (Lu-ca 3:7) đến nghe mình; Chúa Jêsus cũng dùng nói về thầy thông giáo và người Pha-ri-si (Ma-thi-ơ 12:34; 23:33). "Ðan sẽ là con rắn trên đường... cắn vó ngựa" (Sáng thế ký 49:17). Những rắn cũng là sự kinh khiếp trong đồng vắng (Phục truyền luật lệ ký 8:15; Ê-sai 30:6). Trong số các dấu lạ tín đồ sẽ được có sự "bắt rắn trong tay" (Mác 16:18 so Công vụ các sứ đồ 28:5). Có lời chép về người tin cậy Ðức Giê-hô-va rằng: "Ngươi sẽ bước đi trên sư tử và rắn hổ mang, còn sư tử tơ và con rắn, ngươi sẽ giày đạp dưới chơn" (Thi Thiên 91:13). Trong kỳ Ngàn năm bình an, "trẻ con đương bú sẽ chơi kề ổ rắn hổ mang, trẻ con thôi bú sẽ thò tay vào hang rắn lục" (Ê-sai 11:8). Rắn lục thì điếc (Thi Thiên 58:4).
       Tiến sĩ Scofield chú thích về rắn:  Sáng thế ký 3:1.-- Trước sự rủa sả. Hình thù rắn trong vườn Ê-đen không phải là một loài bò sát quấn cong queo. Ấy là hiệu quả của sự rủa sả (Sáng thế ký 3:14). Vật thọ tạo đã hiến mình cho quỉ Sa-tan có thể là đẹp nhứt mà cũng là "quỉ quyệt" nhứt trong các loài dựng nên kém người. Mặc dầu có sự rủa sả, song vẫn còn dấu vết vẻ đẹp của rắn. Mỗi sự cử động của rắn thật uyển chuyển và nhiều loài có màu rất đẹp. Trong con rắn, Sa-tan lần đầu tiên hiện ra "làm thiên sứ sáng láng" (II Cô-rinh-tô 11:14).
       Sáng thế ký 3:14. Bị rủa sả.-- Con rắn là đồ dùng của Sa-tan bị rủa sả (3:14), và trở nên thí dụ của Ðức Chúa Trời trong cõi thiên nhiên về kết quả của tội lỗi,--từ chỗ đẹp nhứt và quỉ quyệt nhứt trong các loài thọ tạo hạ xuống một loài bò sát ô uế gớm ghiếc. Lẽ mầu nhiệm sau nhứt về sự chuộc tội tỏ ra ở đây. Ðấng Christ "trở nên tội lỗi vì chúng ta" và gánh sự đoán phạt cho ta là hình bóng bởi rắn bằng đồng (Dân số ký 21:5-9; Giăng 3:14,15; II Cô-rinh-tô 5:20). Ðồng chỉ về sự đoán xét, trong bàn thờ bằng đồng chỉ về sự đoán xét của Ðức Chúa Trời, và trong thùng rửa tay, chỉ về sự tự xét mình.
       Dân số ký 21:9.-- Hình bóng. Xem Sáng thế ký 3:14. Rắn là hình bóng về tội lỗi đã bị đoán xét rồi; đồng chỉ về sự đoán xét của Chúa như trong bàn thờ bằng đồng (Xuất Ê-díp-tô ký 27:2), và sự tự xét mình như trong thùng bằng đồng rửa tay. Con rắn bằng đồng là một hình bóng chỉ về Ðấng Christ "trở nên tội lỗi vì chúng ta" (Giăng 3:14,15; II Cô-rinh-tô 5:21), gánh lấy sự đoán phạt của chúng ta. Về phương diện lịch sử, ấy là lúc Chúa Jêsus kêu lên: "Ðức Chúa Trời tôi ôi! Ðức Chúa Trời tôi ôi! sao Ngài lìa bỏ tôi?" (Ma-thi-ơ 27:46).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.