Tên của mấy thành có lẽ gọi như thế vì sản xuất trái lựu.
I. Một thành của Sa-bu-lôn thuộc về người Lê-vi, con cháu Mê-ra-ri (I Sử ký 6:77). Ðim-na có lẽ xưa là Rim-môn, vì chữ D và R trong tiếng Hê-bơ-rơ dễ lẫn lộn.
II. Một thành trong phần đất phía Nam của Giu-đa (Giô-suê 15:3), chia cho Si-mê-ôn (Giô-suê 19:7; I Sử ký 4:32). Trong mỗi danh sách trên tên đó đặt sau tên A-in, cũng là một trong các thành của Giu-đa và Si-mê-ôn. Trong biểu kê những nơi người Giu-đa ở, sau khi từ Ba-by-lôn trở về (Nê-hê-mi 11:29, thì hai tên đó hiệp với nhau, bản quốc văn đọc là Ên-Rim-môn.
III. Hòn đá Rim-môn, một dốc đá tự nhiên rất khó trèo lên, trong đó có 600 người Bên-gia-min trốn khỏi sự tàn sát tại Ghi-bê-a đến ẩn mình (Các quan xét 20:45,47; 21:13). Nơi nầy được tả như trong "đồng vắng" tức là miền hoang vu không cày cấy, ở phía Ðông cao nguyên của chi phái Bên-gia-min, tại đó có Ghi-bê-a giữa cao nguyên đó và sông Giô-đanh. Tại đây, còn tìm được một làng cheo leo trên đỉnh đồi đá vôi.
IV. Một người Bên-gia-min, có hai con làm đội trưởng cho Ích-bô-sết, và sau bày mưu giết chủ (II Sa-mu-ên 4:2).
V. Một vị thần người Sy-ri tại Ða-mách mà Na-a-man cùng chúa mình thường thờ lạy, vì tại đó có đền thờ (II Các vua 5:18). Rim-môn là một lối tắt viết tên Ha-đát Rim-môn, Ha-đát là thần mặt trời của người Sy-ri. Lẫn lộn thần nầy với trái lựu là hình bóng thần đó, Ha-đát Rim-môn là thần của mặt trời cuối mùa Hè, làm chín những trái lựu và các trái khác.