Rô-ma tức La-mã đế quốc. Empire Romain.

      


      I. Niên hiệu 753 T.C. được công nhận bởi các sử gia trứ danh là năm theo truyền khẩu mà Romulus lập thành La-mã và trở nên vua thứ nhứt. Nước nhỏ đó càng lan rộng và quan hệ, sáp nhập các nước lân cận trực tiếp trong đời trị vì bảy vua, cho đến khi sự tham tàn của Tarquinius Superbus (trị vì 534-510 T.C.) ép dân phải cầm quyền chính trong tay mình và lập nước dân chủ. Ban đầu quyền hoàn toàn ở trong tay mấy chi họ thuộc giai cấp quí tộc, còn giai cấp bình dân chỉ có quyền ưng thuận những điều đã quyết định. Những giai cấp bình dân đòi và được đặc quyền nầy đến đặc quyền khác, cho đến mỗi công dân La-mã cũng dự phần về chính phủ. Trong cuộc dân chủ nầy, đế quốc La-mã càng mở rộng, trước hết trên cả xứ Ý-đại-lợi, và cuối cùng trên khắp thế gian bấy giờ người ta biết đến.
       II. Ðế quốc La-mã quan thiệp với Kinh Thánh.--
       Những điều đáng chú ý về lịch sử La-mã trong Kinh Thánh hạn chế trong một thế kỷ rưỡi cuối cùng của nền dân chủ, và thế kỷ thứ nhứt của nền quân chủ. Trong sách I Macchabée thuộc Apocryphe, chép độ 161 T.C., Judas Macchbée nghe về người La-mã đã thắng Philip, Perseus, và Antiochus, nên xin đồng minh với La-mã để có thể binh vực mình chống với Démetrius, vua Sy-ri. Giao ước đó sau lập lại bởi Jonathan và Simon (Macchabée). Trong năm 65 T.C., khi Pompey lập Sy-ri thành một tỉnh La-mã, thì người Do-thái còn được cai trị bởi một vua dòng Macchabée (cũng gọi là Asmonéens). Aristobulus trước đã đuổi anh mình là Hyrcanus (Macchabée) cách chức thầy cả thượng phẩm, và nay đến lược mình bị Aretas, vua Arabia Petraea, đồng minh của Hyrcanus đánh. Quan tướng của Pompey là Aemilius Scaurus, xen vào cuộc đánh nhau 64 T.C., và năm sau chính Pompey dẫn một đạo binh vào xứ Giu-đê và chiếm lấy Giê-ru-sa-lem. Từ đó, người Do-thái thật ở dưới quyền chính phủ La-mã. Hyrcanus cứ giữ chức tế lễ thượng phẩm và chức vua thực thụ, song phải phục quan thượng thư mình là Antipater, là người đại biểu quyền La-mã. Cuối cùng, con Antipater, là Hê-rốt lớn, nhờ Antony được lập làm vua năm 40 T.C., và nhờ César Auhuste chứng quyết cho mình cứ làm vua 30 T.C.. Khi vua A-chê-la-u bị đày đi năm 6 S.C. thì xứ Giu-đê chỉ là một phần thuộc tỉnh Sy-ri, và được cai trị bởi một quan tổng đốc La-mã ngụ tại thành Sê-sa-rê. Ấy là sự quan thiệp của dân Do-thái với đế quốc La-mã vào thời Tân Ước bắt đầu. Trong sự minh chứng về Kinh Thánh, cũng nên nói cách chung về chức phận hoàng đế La-mã, sự mở rộng đế quốc đó và sự cai trị các tỉnh trong đời Chúa và các Sứ đồ Ngài.
       1. Chức phận hoàng đế.-- Khi Au-gút-tơ (César Auguste) trở nên người cai trị một mình thế giới La-mã, thì theo thuyết lý người chỉ là công dân thứ nhứt trong nước dân chủ, được tạm giao cho các quyền chính để dẹp yên những sự rối loạn trong đế quốc. Nhưng chức quan tòa xưa còn giữ lại, song những quyền chung và quyền riêng của nước đó giao lại cho Au-gút-tơ. Quan hệ hơn hết Au-gút-tơ thật là Hoàng đế (Impérator). Danh từ nầy nguyên dùng chỉ về một người được giao cho toàn quyền binh bị trên quân đội La-mã, thì thêm nghĩa mới khi Jules César lấy làm một tước hiệu mãi mãi. Bởi sự dùng tước hiệu đó trong thành và trại, thì Jules César cách tỏ tường xưng mình có quyền cao cả về binh bị trong đế quốc La-mã. Dầu chức hoàng đế (Impérator) theo thường lệ phải được công cử, song thực hành là một chức kế thừa, và cho đến đời Néron (54-68 S.C.), dường như là một chức cha truyền con nối.
       2. Sự mở rộng đế quốc.-- Cicéron tả vẽ những xứ và thuộc địa của nước dân chủ Hy-lạp như là "một tua trên các giới hạn của xứ mọi rợ," cũng được dùng để tả vẽ những nơi thuộc người La-mã cai trị trước cuộc chinh chiến của Pompey và César. Ấy vì đế quốc La-mã còn hạn chế trong một giải đất hẹp xung quanh bờ biển Ðịa-trung-hải. Pompey thêm xứ Tiểu A-si và Sy-ri; Jules César thêm xứ Gaule. Các quan trưởng của Au-gút-tơ vượt qua miền Tây bắc xứ Y-pha-nho, và xứ giữa các núi Alpes và sông Danube. Bấy giờ những địa giới của đế quốc là: Tây giáp Ðại tây dương; Ðông giáp sông Ơ-phơ-rát; Nam giáp những sa mạc Phi châu, những thác nước sông Ni-lơ, và những sa mạc A-ra-bi; Bắc giáp biển Manche, sông Rhin, sông Danube, và biển Ðen. Những cuộc chinh phục quan hệ sau đó là một phần lớn nước Anh bởi hoàng đế Cơ-lốt và xứ Dacie bởi hoàng đế Trajan. Những cường quốc quan hệ còn lại chỉ là thuộc người Bạt-thê ở ngoài địa giới phía Ðông, và người Gemanie ở ngoài địa giới phía Bắc. Có người tính dân số của đế quốc La-mã trong đời Au-gút-tơ là độ 85 triệu.
       3. Những tỉnh.-- Số phận mỗi xứ mà người La-mã chinh phục là trở nên một tỉnh thần phục, có các quan La-mã sai đến cai trị. Có khi những vua nhỏ dường như được phép cứ giữ chức nhưng phải phục La-mã. Au-gút-tơ chia các tỉnh làm hai hạng: một thuộc hoàng đế, một thuộc thượng nghị viện; và giữ lấy cho mình những tỉnh có cần một quân đội lớn và giao những tỉnh bình yên cho thượng nghị viện. Trước nhứt, trong những tỉnh của hoàng đế có xứ Sy-ri, Phê-ni-xi, Si-li-si, Chíp-rơ, v.v., và trong những tỉnh thuộc nghị viện có Bắc Phi, A-sy, A-chai Ða-ma-ti, Ma-xê-đoan, Sicile, Cơ-rết, Si-ren, Bi-thi-ni, Bông, v.v.. Sau cũng thay đổi nhiều. Các tác giả Tân Ước vẫn chép tên đúng Anthúpatoi cho các quan cai trị các tỉnh thuộc thượng nghị viện, quốc văn dịch là "quan trấn thủ" (Công vụ các sứ đồ 13:7; 18:12; 19:38). Về quan cai trị một tỉnh của hoàng đế chép tên đúng là "hegemon," (trên chữ e thứ nhất và chữ o có dấu -) quốc văn dịch là "quan tổng đốc." Những tỉnh bị đánh thuế nặng cho La-mã. Người ta nói các tỉnh thà được cai trị bởi đế quốc còn hơn bởi dân chủ, và thà bởi hoàng đế còn hơn bởi thượng nghị viện. Ðế quốc lập hai điều mới: các tổng đốc nhận một số tiền lương nhứt định, và được cai trị lâu hơn.
       III. Ðế quốc La-mã dọn đường cho đạo Ðấng Christ.-- Người ta hay nói địa vị đế quốc La-mã ở thời sơ khai của đạo Ðấng Christ làm một thí dụ về câu Phao-lô chép "Kỳ hạn đã được trọn, Ðức Chúa Trời bèn sai Con Ngài" (Ga-la-ti 4:4). Sự bình an chung trong giới hạn của đế quốc La-mã, lập nhiều đường cái cho binh bị, trừ diệt trộm cướp, quân đội đi đây đi đó, cuộc vượt biển của các tàu chở lúa mì, thông thương mở mang, tiếng La-tinh lan rộng ở miền Tây cũng như tiếng Hy-lạp lan rộng ở miền Ðông, sự thống nhứt bề ngoài của đế quốc, đều dọn đường từ trước chưa từng có để truyền đạo Ðấng Christ trong khắp thế gian. Vả lại, khuynh hướng của quyền độc đoán như trong đế quốc La-mã làm cho những kẻ phục tùng mình đứng trên một trình độ bằng nhau, là một lợi khí mạnh để phá sự kiêu ngạo của các dân có đặc quyền và các tôn giáo của mọi quốc dân, ấy khiến cho người ta quen với lẽ thật "Ðức Chúa Trời đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất" (Công vụ các sứ đồ 17:24,26). Song còn một sự đáng chú ý hơn đều sửa soạn bề ngoài cho sự truyền bá Tin lành, ấy là có sự bại hoại sâu xa và lan rộng trong đế quốc, và dường như loài người không phương cứu chữa.
       Về phần tôn giáo, đế quốc La-mã cũng dọn đường cho đạo Ðấng Christ; vì mình không thể lập một tôn giáo để thỏa lòng người. Khi chinh phục xứ nào thì người La-mã hay mượn tôn giáo xứ đó. Như mượn thần Jupiter, Juno, Minerve của xứ Etrurie, mượn thần Hercules và Castor của Latium, và mượn các Livres Sibullins (sách thuộc các thần để được biết số phận), và 493 T.C. trong cơn đói kém thì xây một đền để cầu ba thần Hy-lạp Demeter, Dionysus và Persephone, lại 433 T.C. mượn thần Apollon, và sau thần Bacchus v.v.. Rồi sau, La-mã khởi sự đặt các thứ triết lý, phần nhiều của người Hy-lạp thay thế tôn giáo và cũng thờ thần Mithra của tôn giáo người Ba-tư. Gần hết thời dân chủ, các nhà chính trị cầm quyền tôn giáo, và ảnh hưởng tôn giáo suy đồi nhiều. Trong thời các hoàng đế, triết lý cứ chiếm chỗ tôn giáo. Sau, hoàng đế Au-gút-tơ thử cải cách tôn giáo để cho mình đứng đầu, nhưng cuối cùng người ta hay thờ chính các hoàng đế làm thần. Dầu vậy, trong cả đế quốc La-mã, người ta ít tin tôn giáo nữa, và thử nhờ triết lý, ma thuật, chiêm tinh học, các lễ ngoại quốc để tìm được sự bình yên trong lòng. Có một truyện tỏ ra sự vô tín, và sự bi quan trong đế quốc La-mã trước khi có đạo Ðấng Christ. Ðể phạt mấy người dấy loạn kia, Sê-sa quyết định bỏ tù chung thân, vì thật sự chết nhẹ quá chỉ đem sự hủy diệt cho những tội nhơn đó, ấy vì không có đời sau. Nhà triết học Cato cũng hiệp với ý Sê-sa Cicéron tình nguyện để lại vấn đề về đời sau. Ấy cũng như các nhà triết lý chê cười Sứ đồ Phao-lô tại Athène khi nói về sự sống lại. Ấy là thái độ khác hạn người La-mã và Hy-lạp lúc khởi sự lập đạo Tin lành. Bởi vậy, có nhiều người đế quốc La-mã không thỏa lòng về tôn giáo mình, nên ấy dọn đường cho đạo Ðấng Christ.
       IV. Ðế quốc La-mã đối với các tôn giáo.-- Trong đế quốc La-mã, các tôn giáo chia làm hai hạng: có chép và không có chép. Song nói cách chung, mọi người tại La-mã có thể thờ lạy cách tự do, miễn là không làm rối cuộc trị an hoặc làm cho dân bại hoại. Một lần (168 T.C.), thượng nghị viện cấm nghiêm nhặt sự thờ lạy thần Bacchus, ấy vì cớ trái đạo đức. Có khi cấm các nghi lễ và sự dị đoan ngoại quốc, và những người theo bị trục xuất song sau cũng trở về càng đông hơn trước, vì đế quốc La-mã chẳng hay bắt bớ tôn giáo nào luôn. Tôn giáo người La-mã trở nên một tôn giáo chính trị và binh bị để lợi dụng cho nước được phú cường, không phải để cho cá nhơn được rỗi linh hồn. Ðế quốc chỉ đòi cá nhơn phải làm mấy lễ nghi kia để cất tai họa khỏi xứ. Vậy, đối với các tôn giáo có phép hay không, đế quốc La-mã hay giữ thái độ dung thứ. Các tôn giáo trong đế quốc đối với nhau cũng vậy. Bởi vậy, một người có thể thờ mấy vị thần, và có thể làm tế lễ cho hai hoặc nhiều hơn. Có ít người thờ Ðức Chúa Trời của người Do-thái chung với tà thần Mithra, Isis, và Adonis. Có người nói hoàng đế Hadrien định xây các đền khắp đế quốc cho vị thần không ai biết.
       Dầu không có dân nào tự cậy mình và cứng cổ hơn dân Do-thái, nhưng từ ngày Jules César đạo của dân ấy có phép trong đế quốc La-mã. Có khi chính phủ La-mã phải che chở người Do-thái khỏi tay dân ghen ghét. Cho đến năm 70 S.C., người Do-thái có tự do gởi những của lễ mình về Giê-ru-sa-lem, và được ơn tự trị và lập luật pháp riêng của mình. Sau cuộc nổi loạn từ 68-70 S.C., lúc thành Giê-ru-sa-lem bị người La-mã phá, dầu người Do-thái buộc phải nộp thuế cho đền thần Jupiter nhưng không có sự bắt bớ về tôn giáo mình.
       V. Ðế quốc La-mã đối với đạo Tin lành.
       1. Khoảng từ khởi lập đạo cho đến Néron băng (68 S.C.).-- Chúa Jêsus giáng thế trong đời Au-gút-tơ trị vì, và chức vụ công khai, sự chết và sự sống lại của Ngài là trong đời Tibère trị vì, (băng 37 S.C.). Trong đời trị vì ngắn của Gaius (37-41 S.C.), "đạo mới" chưa biệt riêng khỏi tôn giáo Do-thái có phép, nhưng chỉ được coi như một phái. Khác với các hoàng đế trước, Gaius bắt bớ người Do-thái-giáo và bảo phải đặt tượng mình trong Ðền thờ Giê-ru-sa-lem. Giữa đời trị vì Claude (41-54 S.C.), người Do-thái bị bắt bớ và tạm bị trục xuất khỏi thành La-mã, song khỏi ít lâu được đối đãi tử tế như trước.
       Lần đầu Hội Thánh bị bắt bớ là khi người Do-thái-giáo kiện các tín đồ trước tòa án La-mã, song người La-mã không bằng lòng lên án và cũng che chở các tín đồ (Công vụ các sứ đồ 21:31). Phao-lô khuyên các tín đồ tại La-mã "phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình" (Rô-ma 13:1), cả chính mình cũng "kêu nài đến Sê-sa" (Công vụ các sứ đồ 25:12). Khi bị tù tại La-mã, người La-mã đối với Phao-lô thật tử tế, và chắc Phao-lô nhớ khi các lính La-mã đã cứu mình khỏi dân Do-thái ghen ghét mình tại Giê-ru-sa-lem. Bởi thấy Phao-lô chịu cảm động. Theo Công vụ các sứ đồ 18:12; 24:1; 25:14, thấy chính phủ không lo về phần tôn giáo nhiều, nhận biết người bị cáo đó về luật mình là vô tội. Ấy tỏ ra người La-mã còn coi tín đồ Hội Thánh như là một phái của Do-thái-giáo. Song rồi sau người Do-thái kiện cáo tín đồ Hội Thánh là "nghịch cùng Sê-sa, và nói có một vua khác là Jêsus" (Công vụ các sứ đồ 17:7; 25:8). Vậy, người Do-thái tỏ ra đạo Tin lành không dự phần trong giáo mình. Vả lại, vì nhiều người ngoại trở nên tín đồ vào Hội Thánh và Phao-lô, một công dân La-mã, bị Do-thái-giáo kiện cáo, là hai chứng cớ tỏ ra cho chính phủ La-mã biết đạo Tin lành là một đạo riêng biệt.
       Lần đầu tiên Hội Thánh Ðấng Christ bị bắt bớ không phải vì chính sách đã định của đế quốc, song vì cớ bất thường xảy ra, tức là thành La-mã bị đốt cháy Juillet năm 64 S.C.. Cho đến lúc đó, không có hoàng đế nào chú ý về đạo Tin lành, dầu có sử gia xưa dường như làm chứng hoàng đế Claude (41-54 S.C.) cũng gồm lại tín đồ Ðấng Christ trong cơn bắt bớ người Do-thái. Trong đời Néron, sau cơn hỏa tai tại La-mã, chính phủ mới bắt bớ tín đồ Ðấng Christ một cách rất hung dữ chưa từng có. Có tin đồn ra chính Néron đã thiêu đốt La-mã, song để binh vực mình thì đổ tội trên tín đồ Ðấng Christ (Xem bài Néron).
       Tại sao chỉ tôn giáo Ðấng Christ bị bắt bớ? Trong đế quốc La-mã, tôn giáo Ðấng Christ không có phép, song cứ tấn tới và thêm số tín đồ người ngoại, lại được truyền ra trong cung điện Sê-sa. Dầu vậy, ấy không đủ cớ cắt nghĩa vì cớ nào chỉ tôn giáo Ðấng Christ bị bắt bớ. Còn có mấy cớ sau nầy.
       1.-- Tôn giáo Ðấng Christ giảng về "sự lập nước Ðức Chúa Trời" làm cho dân ngoại tưởng là chống nghịch với đế quốc. Người La-mã lẫn lộn nước thuộc linh với nước hình thức. Các tín đồ làm chứng về Chúa Jêsus sắp tái lâm lập nước Ngài trên đất, và như thế đế quốc La-mã sẽ hết. 
       2--Ðạo Ðấng Christ giảng thế gian sẽ bị hủy diệt bởi lửa và nhường chỗ cho trời mới đất mới, thành La-mã vĩnh viễn sẽ đổ, một vua sẽ đến từ trời để cai trị,và các tín đồ sẽ bình an giữa cơn đại nạn. 
       3.-- Dầu đã lâu chính phủ La-mã không phân biệt đạo Do-thái với đạo Ðấng Christ, nhưng bỗng chúc thấy một đạo mới lập ra với nhiều người tin theo, thì sợ nguy hiểm cho đế quốc. 
       4.-- Ðạo Ðấng Christ cần hoàn toàn biệt lập, không dung thứ một tôn giáo khác ganh đua với mình, tự xưng là độc nhứt, và không chịu lẫn lộn với đạo khác. 
       5.-- Có khi tín đồ phải họp ban đêm để thờ phượng, nên những kẻ thù dùng dịp đó để nói vu những điều xấu như loạn dâm và giết trẻ con, v.v.. Sử gia Aurelius viết về sự can đảm các tín đồ tử vì đạo thật là "hoàn toàn bởi sự cứng cỏi," và Aristides viết là "ương ngạnh." 
       6.-- Tín đồ Ðấng Christ công kích các đạo khác về sự thờ tượng coi thật là thờ ma quỉ, và cũng phản đối với sự thờ thần của hoàng đế; vậy, theo ý người ngoài các tín đồ là người vô đạo và không trung thành với đế quốc. 
       7.-- Khi những tai hại bắt đầu đổ xuống trên thành La-mã, thì dân sự đổ tội trên các tín đồ, và kêu: "Hãy quăng tín đồ Ðấng Christ cho sư tử," như trong đời Néron. 
       8.-- Sự dạy dỗ cao thượng của đạo Ðấng Christ bị người ta rất ghen ghét, nên không có tên nhạo báng nào đủ xấu hổ đặt cho tín đồ được, như gọi là Asinarii là phái thờ đầu lừa; như người Do-thái gọi là phái người Na-xa-rét; như Tacite kể đạo Ðấng Christ là "độc ác và gớm ghiếc;" như Phiny nói là "hèn hạ và xấu nết;" và Justus viết "các tín đồ ghen ghét và mang tiếng bởi cả nhơn loại." 
       9.-- Triết lý từ lâu vẫn đứng riêng không chịu để ý đến đạo của một người Ga-li-lê bị đóng đinh như Phao-lô chứng rằng "không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt... được gọi" (I Cô-rinh-tô 1:26). Khi đạo Tin lành đã lập vững vàng, các nhà triết lý mới chú ý đến, thấy triết lý mình thật yếu đuối, nên bắt đầu cải cách, để cho thành ra một tôn giáo. Song vẫn thiếu vì không chỉ cho người người biết phải làm gì để được cứu. Ấy đủ cắt nghĩa vì cớ nào trong thế kỷ thứ II S.C., nhà triết lý Celse hết sức công kích đạo Ðấng Christ, song không ngăn trở được. 
       10.-- Sau đó, trong Hội Thánh có những người mạo xưng là tín đồ vẫn còn theo Do-thái-giáo, và dân ngoại cũng cứ theo thói tục ngoại đạo, ấy sanh ra nhiều tà giáo.
       Cơn bắt bớ đầu tiên bởi chính phủ La-mã (64 S.C.), trong đời Néron trị vì, cũng xảy ra vì mấy cớ trực tiếp khác nữa là: 
             1) vợ Néron là Poppée (Néron đã chết năm 65 S.C.), là người nhập vào Do-thái-giáo, nên hết sứ ghen ghét đạo Chúa và xui giục Néron nghịch cùng tín đồ. 
             2) Ðạo Tin lành mới có nên rất tiện làm mồi để Néron có thể làm hòa với các thần và dân sự. 
             3) Số tín đồ tại La-mã đông và phần nhiều không phải là công dân La-mã. Cơn bắt bớ nầy là quan hệ trong lịch sử Hội Thánh, vì đứng trước phòng xử án, chỉ cần xưng nhận là có đạo Ðấng Christ cũng là một tội đáng xử tử. Lúc ban đầu, còn có sự tra án, song về sau, chỉ cần biết người nào xưng nhận mình là tín đồ thì đủ rồi. Không có chứng cớ chắc chắn rằng sự bắt bớ bởi Néron lan rộng ngoài thành La-mã, song gương xấu đó cũng chỉ dẫn cho sự hành động của các quan La-mã tại các nơi khác. Như vậy, Néron bắt đầu chính sách hình phạt các tín đồ Ðấng Christ, và cũng mở đường trước cho những kẻ kế vị sau. Néron là người thứ nhứt bắt bớ tín đồ và giống như Hê-rốtạ c-ríp-ba bị trùng đục chết, cũng chết một cách khốn nạn.
       2. Khoảng gọi là Flavien (68-96 S.C.).-- Trong khoảng nầy, đế quốc La-mã cứ theo chính sách của Néron đối với tín đồ Ðấng Christ. Hoàng đế Vespasien phản đối, song không biết có bắt bớ không. Titus cũng vậy. Domitien tỏ ra là hoàng đế hết sức bắt bớ bổn đạo như Néron trong khoảng trước: song những tín đồ thuộc thượng lưu hay kiện, là người vô đạo vì kiện là tín đồ không đủ mà dám phạt. Lúc đó, các quan án hay thử tín đồ phải thờ thần của hoàng đế, thì đủ biết là tín đồ Ðấng Christ đáng phạt không.
       3. Khoảng gọi là Antonins (96-192 S.C.).-- Khi Domitien băng, thì Hội Thánh được bình yên trong đời Nerva trị vì (96-98), và 13 năm đầu trong đời Trajan. Sau lúc Pline làm quan tổng đốc cai trị tỉnh Bi-thi-ni (111 S.C.), dầu bị bó buộc phải theo chính sách trước, nhưng quan nầy sai giải các tín đồ là công dân La-mã sang La-mã để bị lên án, và cũng gởi cho Trajan bức thơ gởi gắm cách giấu kín dặn phải dung thứ người bổn đạo. Nên hoàng đế định rằng: 
             1) Không cần phải cứ cố ý tìm kiếm tín đồ, song nếu có thật tỏ ra là tín đồ công khai mới phải phạt. 
             2) Sự kiện cáo các nặc danh kể là không hợp lệ; 
             3) Tín đồ nào chịu bỏ đạo được tha. Adrien (117-138) giữ thái độ rộng rãi đó và quyết định: 
                   (1) Khi có tin người nào là tín đồ thì phải tra xét cẩn thận kẻo e kẻ kiện cáo chỉ vì ghen ghét hoặc tham lam; 
                   (2) Người kiện phải có đủ chứng cớ; 
                   (3) chỉ có một đơn kiện không đủ; 
                   (4) nếu người kiện bị thua thì phải phạt. Antonin le Pieux (138-161) cứ làm như Adrien và truyền cho các quan phải binh vực các tín đồ nào chưa thành án phạt mà bị dân nổi loạn nghịch cùng. Marc Aurèle (161-180) đối đãi với các tín đồ nghiêm nhặt lắm. Vì cớ có dân ngoại thử xông qua các địa giới La-mã, có cơn ôn dịch, và chính sách người là quay về thói tục cũ nên muốn phục hưng tôn giáo xưa của đế quốc. Vậy thấy trong đời hoàng đế nầy có sự bắt bớ và nhiều tín đồ tử vì đạo. Dầu vậy, hoàng đế có gởi thơ quở trách một quan tổng đốc tại Lugdunum, vì ức hiếp tín đồ quá lẽ, nên Tertullien gọi hoàng đế nầy là "người bảo hộ các tín đồ Ðấng Christ." Trong đời Commode trị vì thì các bổn đạo được yên nghỉ. Dầu bị bắt bớ và chưa được phép, nhưng tôn giáo Ðấng Christ cứ tấn tới luôn.
       4. Khoảng các hoàng đế thay đổi luôn (192-284).-- Trong khoảng ngót 100 năm, đế quốc La-mã có độ 20 hoàng đế, và phần nhiều mỗi hoàng đế bắt đấu một dòng mới. Bởi thế trong thời thay đổi, đạo Ðấng Christ cứ tấn tới cách bình yên. Vì không lẫn lộn với chính trị, thì khỏi nhiều sự lôi thôi. Vả lại, nhiều hoàng đế trong khoảng nầy là người ngoại quốc, không tôn sùng tôn giáo cũ của La-mã mấy; và trong số đó lại có vài người kết bạn với đạo Ðấng Christ. Năm 202, Séptime-Sévère khởi sự bắt bớ bổn đạo ở Phi châu, song Caracalla lập lại sự bình yên. Héliogabale giúp đỡ bổn đạo vì giảm bớt giá trị tôn giáo cũ của La-mã và dong thứ bổn đạo. Alexandre Sévère cũng như vậy, vì trong đền riêng lập tượng Orpheus, Apollonius, Áp-ra-ham và Christ. Maximin thuộc Thrace bắt bớ, Décius càng thêm, song có hai điều đặc biệt là dùng một phương pháp để dẫn tín đồ bỏ đạo, và các quan hết sức bắt mà phạt các người chức viên trong Hội Thánh. Gallus còn bắt bớ. Valérien trước không bắt bớ, song sau hết sức tìm thế ngăn trở tín đồ nhóm họp thờ phượng, đuổi các giám mục và đóng cửa các nhà thờ, cuối cùng phạt chết. Gallien là hoàng đế thứ nhứt ra nghị định phải dung thứ đạo Chúa, cấm bắt bớ, và lập lại tài sản của Hội Thánh Ðấng Christ. Bởi thế, có 40 năm bình yên trong Hội Thánh, nhưng bớt sự nguy hiểm bao nhiêu, thì số người không xứng đáng nhập vào Hội Thánh càng đông bấy nhiêu. Nên Hội Thánh dầu sung sướng, song giống như thế gian.
       5. Khoảng từ Dioclétien cho đến chiếu chỉ chung thứ nhứt phải dung thứ (284-311).-- Cứ như thế cho đến đời Dioclétien, là một hoàng đế có giá trị. Dầu trước không nghịch với Hội Thánh, song vì con rể là Galère ép, thì làm khó cho Hội Thánh. Chiếu chỉ thứ nhứt của hoàng đế nầy, 24 tháng 2 năm 303, có ý giảm bớt sự tấn tới và ảnh hưởng chính trị của Hội Thánh, thứ nhứt nghịch cùng sự phát ra Kinh Thánh và sự nhóm họp trong các nhà thờ. Chiếu chỉ thứ hai phản đối sự tổ chức Hội Thánh. Chiếu chỉ thứ ba thả những tín đồ bỏ đạo, song cho phép dùng sự tra khảo để ép, bởi vậy, khỏi đổ máu. Song chiếu chỉ thứ tư bởi Maximin phạt tín đồ phải chết và ép phải thờ các thần, v.v.. Năm 304 Dioclétien thấy không thể thắng thì bỏ sự phạt chết, và năm sau từ chức. Sau cơn bắt bớ 8 năm đó, Galère mắc một thứ bịnh ô uế thì từ Nicomédie, cùng với Constantin và Licinius, ra một chiếu chỉ thứ nhứt phải dung thứ đạo Ðấng Christ, là ngày 30 tháng 4 năm 311. Từ đó, đạo Ðấng Christ mới được phép trong đế quốc La-mã.
       6. Khoảng từ chiếu chỉ thứ nhứt cho đến Tây quốc đổ (311-476).-- Trong khoảng nầy các tôn giáo lần đầu phấn đấu với nhau, đạo Ðấng Christ được công nhận ngang hàng với các tôn giáo ganh đua với mình; sau đắc thắng và trở nên tôn giáo của cả Tây quốc và Ðông quốc. Một khi được phép, thì đạo Ðấng Christ lại trở nên hẹp hòi, bắt bớ tôn giáo cũ La-mã và tà giáo. Constantin trở nên hoàng đế của Tây quốc, cùng Licinius, hoàng đế Ðông quốc, ra chiếu chỉ dung thứ rất danh tiếng từ thành Milan, 30 tháng 3 năm 313, và bởi đó mỗi tôn giáo đều như nhau, gồm cả đạo Ðấng Christ. Constantin làm vậy là bởi chính trị, và chỉ muốn dự phần với tôn giáo đắc thắng. Hoàng đế muốn các tôn giáo ở dưới một luật pháp chung, và không cấm các tôn giáo ngoại. Khi thành lập Constantinople, thì tôn giáo Ðấng Christ trở nên tôn giáo đế quốc, là sự liên lạc sanh ra nhiều sự không xứng đáng. Tôn giáo Ðấng Christ khởi bỏ sự tự do về đạo, và bắt bớ người ta. Các con Constantin kế vị hoàng đế thừa hưởng bổn tánh cha và bắt đầu phá tán các tôn giáo khác. Constantius bị cám dỗ bởi các giám mục, ra những chiếu chỉ cấm cúng tế các thần và đóng cửa các đền nữa. Sau các con của Constantin có Julien l'Apostat cũng thuộc dòng đó. Julien thử lập lại tôn giáo cũ của La-mã, dầu tuyên bố dong thứ tôn giáo Ðấng Christ, nhưng bởi lời nhạo báng phá các lẽ đạo, và cũng cất các đặc ân của các linh mục, cấm Hội Thánh nhận tài sản bởi chúc thơ, cách chức người nào là tín đồ, và cấm dạy văn chương trong các nhà trường của Hội Thánh, và cuối cùng thêm sự sung sướng về sự thờ tà thần. Song đạo Ðấng Christ đắc thắng. Lúc chết trận, thì Julien xưng rằng: "Hỡi người Ga-li-lê! Ngài đã đắc thắng." Sau đó, vì Ambroise thú giục, nên Gratien cải lương, cấm những sự thuộc tôn giáo cũ của La-mã, như cất tượng đắc thắng trong thượng nghị viện, cấm cúng tế, v.v.. Théodose cũng vì Ambroise cứ phả đối tôn giáo cũ. Năm 381 hoàng đế cấm không cho phép người chối đạo Christ làm chúc thơ, năm 383 cấm hưởng gia tài, năm 391 cấm thờ tà thần, và năm 392 thêm sự phạt càng nặng hơn nữa. Song trong Hội Thánh suy đồi nhiều, có nhiều sự không xứng đáng: trộm cắp, mọi thứ hung dữ, và tịch thâu tài sản bởi các linh mục các thầy tu. Các con của Théodose I cứ bãi bỏ sự thờ tà thần Honorius trong Tây quốc (408 S.C.) cấm những người thờ tà thần không được nhận chức nhà nước, đến nỗi đến năm 423 dường như không còn sự thờ tà thần nữa. Valentien III (423-455) và Théodose II lập luật phá các đền, hoặc đổi làm nhà thờ. Trong Tây quốc bắt bớ người cứ thờ tà thần, cho đến khi sụp đổ (476 S.C.). Ðông quốc có Justinien đóng cửa các trường triết lý ngoại đạo tại Athène (529 S.C.), và cấm sự thờ tà thần cách kín giấu, bắt được sẽ xử tử.
       Bấy giờ, trong cả Ðông quốc và Tây quốc La-mã đều nhận đạo Ðấng Christ là tôn giáo mình. Ðạo Ðấng Christ cũng vượt qua bờ cõi Tây quốc và truyền cho các dân mọi rợ đó. Merivale viết có bốn cớ cắt nghĩa sự đắc thắng nầy: (1) Chứng cớ bề ngoài tỏ ra lời tiên tri trong Kinh Thánh được ứng nghiệm, và chứng cớ của phép lạ. (2) Chứng cớ bề trong, đạo Chúa làm thỏa sự thiếu thốn thuộc linh và tỏ ra một Ðấng Cứu thế. (3) Gương đời sống tinh sạch và sự chết anh hùng vì đạo của các tín đồ đầu tiên. (4) Chính hoàng đế Constantin tin theo. Sử gia Gibbon nói có năm cớ: (1) Sự sốt sắng và hăng hái của các tín đồ đầu tiên (2) Tín ngưỡng của đạo Ðấng Christ về linh hồn không chết, với sự thưởng và sự phạt đời sau. (3) Các phép lạ. (4) Luân lý cao thượng và đạo đức tinh sạch của các tín đồ. (5) Hội Thánh được tổ chức vững vàng. Nhưng các cớ kể trên chưa đủ. Ðạo Tin lành là "quyền phép của Ðức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin," và các tôn giáo khác với triết học không hề có. Các tín đồ chẳng những sẵn lòng truyền ra khắp thế gian lúc đó biết, song cũng làm chứng Ðấng Christ đã chết, đã sống lại, đã lên trời, sắp trở lại để lập nước Ngài khắp thế gian.
       VI. Ðế quốc La-mã đối với lời tiên tri Kinh Thánh.-- Theo nhiều nhà giải nghĩa kinh thánh, thì Phục truyền luật lệ ký 28:49-57 cũng là tiên tri về đế quốc La-mã. Phần nhiều tiên tri về La-mã chép trong sách Ða-ni-ên và sách Khải Huyền.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về đế quốc La-mã như sau nầy:
       Ða-ni-ên 2:31.-- Xem bài Nê-bu-cát-nết-sa (về pho tượng), phần Scofield; bài Ðá đánh vỡ.
       Ða-ni-ên 2:41.-- Từ cái "đầu bằng vàng" (câu 38) cho đến "sắt" của "đế quốc thứ tư" La-mã, sự đẹp đẽ hư hỏng, song sức mạnh thêm lên (câu 40). Kế đến sự hư hỏng của "đế quốc thứ tư" về chính sức mạnh đó. (1) Hư hỏng bởi chia ra: đế quốc chia làm hai, tức hai chơn (Ðông quốc và Tây quốc La-mã), và sau lại chia ra các nước, khi Hòn đá đập vỡ pho tượng thì số sẽ là mười (ngón chơn, câu 42; so Ða-ni-ên 7:23,24). (2) Hư hỏng bởi pha lộn tức sắt của quyền nguyên thủ hoàng đế La-mã, lẫn lộn với đất sét tức chủ nghĩa dân chủ, hay thay đổi và dễ nắn. Ðiều đó thật đang xảy ra vì trong các nước quân chủ lập hiến, tại phạm vi đế quốc La-mã xưa có nước Pháp dân chủ và nước khác độc đoán.
       Ða-ni-ên 7:8.-- Sự hiện thấy về kỳ cuối cùng cường quốc thế giới ngoại bang. Ðế quốc La-mã xưa (đế quốc sắt của Ða-ni-ên 2:33-35, 40-44; 7:7), sẽ có 10 sừng (tức vua, Khải Huyền 17:12), hiệp với mười ngón chơn của pho tượng. Ðang khi Ða-ni-ên suy gẫm về sự hiện thấy của 10 vua, thì trong số đó có mọc ra một "sừng nhỏ" (vua) bắt phục ba trong số 10 vua đó cách hoàn toàn đến nỗi không thấy sự phân biệt giữa các nước đó nữa. Bảy trong 10 vua còn lại và "sừng nhỏ." Ấy là "vua có mặt hung dữ" tức Antiochus Épiphanes (Ða-ni-ên 8:23-25); "vua hầu đến" của Ða-ni-ên 9:26,27; "vua" của Ða-ni-ên 11:36-45; "sự gớm ghiếc" của Ða-ni-ên 12:11, và Ma-thi-ơ 24:15; "người tội ác" của II Tê-sa-lô-ni-ca 2:4-8, và "con thú" của Khải Huyền 13:4-10.
       Ða-ni-ên 7:26.-- Sự cuối cùng của cường quốc thế giới ngoại bang. (1) Trong sự hiện thấy về con thú của Ða-ni-ên 7:, con thú thứ tư (câu 7) tỏ ra là "đế quốc thứ tư" tức đế quốc La-mã là đế quốc "sắt" của Ða-ni-ên 2:. "Mười sừng" trên con thú thứ tư (đế quốc La-mã), (câu 7) được kể là "mười vua sẽ dấy lên từ nước đó (câu 24), hiệp với mười ngón chơn của sự hiện thấy về pho tượng Ða-ni-ên 2:. Mười nước bao phủ các miền xưa thuộc La-mã cai trị, sẽ lập nên hình thể của đế quốc thứ tư hay đế quốc La-mã, khi toàn thể chủ quyền thế giới ngoại bang sẽ bị đập vỡ bởi "hòn đá chẳng bởi tay người làm ra" tức là Ðấng Christ (Ða-ni-ên 2:44,45; 7:9). (2) Song Ða-ni-ên thấy một "sừng nhỏ" mọc lên và bắt phục ba trong mười vua (câu 24-26). Dấu đặc biệt của nó là sự ghen ghét Ðức Chúa Trời và các thánh đồ. Không nên lẫn lộn nó với "sừng nhỏ" của Ða-ni-ên 8:, là tiên tri đã được ứng nghiệm trong Antiochus Épiphanes (Ða-ni-ên 8:9) trong Khải Huyền 12: cũng thêm về "sừng nhỏ" của Ða-ni-ên 7:. Xem Khải Huyền 13:1.
       Khải Huyền 13:1.-- Xem bài Khải Huyền, phần Scofield.
       Khải Huyền 13:3.-- Các phần của đế quốc La-mã xưa bằng các nước biệt riêng bao giờ cũng còn. Chỉ là quyền nguyên thủ của hoàng đế đình chỉ; là cái đầu bị thương đến chết. Ðiều chép tiên tri trong Khải Huyền 13:3 là sự lập lại quyền nguyên thủ đó, dầu ở trên một đế quốc liên hiệp bởi mười nước; "đầu" được "lành," tức lập lại; có hoàng đế lần nữa, tức con thú.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.