Ru-bên. Ruben (nầy, một con trai).

     


      Con đầu lòng của Gia-cốp (Sáng thế ký 29:32), con của Lê-a, dường như không sanh ra cho đến khi trải qua một thời gian lâu đặc biệt sau khi cưới (câu 31). Những điều đáng chú ý về tổ phụ Ru-bên trong sách Sáng thế ký và những lời truyền khẩu sớm người Do-thái thì rất nhiều và thảy đều có ý tốt về tánh nết Ru-bên. Sự gìn giữ mạng sống của Giô-sép, chính cốt ở Ru-bên chỉ mình Ru-bên thôi. Sự lo mất em, sự thất vọng về mưu kế cốt để cứu em (Sáng thế ký 37:22), những tư tưởng đau đớn về việc đó nhắc lại nhiều năm sau (42:22), sự xin một mình đảm nhận trách nhiệm bảo toàn em mình là người nối chỗ của Giô-sép trong gia đình (42:37), hết thảy đều chứng tỏ một bổn tánh nóng nảy và nhơn từ. Về tội ô uế đã làm tổn thương tiểu sử của Ru-bên, và tội đó đã đổi lời chúc phước của người cha hấp hối thành một lời rủa sả, là sự tà dâm với nàng Bi-la, Kinh Thánh chỉ cho thấy thực sự (Sáng thế ký 35:22). Những điều mô tả đó dầu đơn sơ, song cũng tỏ ra một người nóng nảy, gấp rút và không có thăng bằng, song có lòng đại lượng, chẳng ác và quỉ quyệt như Si-mê-ôn và Lê-vi; thật ra, như lời nói bóng của Gia-cốp, là "sôi trào" giống như một nồi nước trên những khúc củi khô đang cháy mau trong lều của người du mục, mà cũng chóng nguội lạnh khi than củi rút khỏi lò.
       Hồi Gia-cốp xuống xứ Ai-cập, Ru-bên có bốn con trai (Sáng thế ký 46:9; I Sử ký 5:3). Khi tu bộ dân sự tại núi Si-na-i (Dân số ký 1:20,21; 2:11), thì tỏ ra rằng lúc ra khỏi ra Ai-cập, dân số của chi phái là 46.500 người nam ngoài 20 tuổi, và có thể hoạt động ra trận được. Trong cuộc hành trình qua đồng vắng, chỗ của Ru-bên là ở giữa phía Nam Hội mạc. "Trại quân" dưới cờ tên hiệu Ru-bên, họp lại bằng chính chi phái đó như chi phái Si-mê-ôn và chi phái Gát. Những người Ru-bên, giống như những bà con và những người lân cận trong cuộc hành trình là người Gát, bởi sự đi đến Ca-na-an, cũng giữ được nghề xưa của các tổ phụ.
       Bầy vật đi theo họ trong sự chạy trốn khỏi Ai-cập (Xuất Ê-díp-tô ký 12:38). Sau đó, lẽ tự nhiên là khi dân sự đã đi đến các bãi cát ở phía Ðông sông Giô-đanh, thì ba chi phái Ru-bên, Gát và nửa chi phái Ma-na-se xin nhà lãnh tụ cho phép ở lại một nơi nào hoàn toàn thích hợp với sự cần thiết của họ. Phần mà Ru-bên chọn lúc bấy giờ tên đặc biệt là "Mishor" có lẽ chỉ là nơi đồng vắng. Nay gọi là Belke, và những người chăn chiên A-rạp vẫn coi là tốt hơn hết các chỗ khác. Thật vậy, khi những người Ru-bên và các đồng bạn đến gần mà xin Môi-se, thì nhà lãnh tụ từ chối viện cớ rằng như vậy sẽ làm nản lòng con cái Y-sơ-ra-ên không muốn vượt qua sông Giô-đanh mà vào trong xứ Ðức Giê-hô-va đã thề ban cho họ (Dân số ký 32:7). Chỉ khi họ bằng lòng làm xong phần của họ về sự chiếm lấy xứ miền Tây (sông Giô-đanh) là xứ Ca-na-an chính, thì Môi-se mới thuận cho điều họ xin.
       Từ lúc nầy dường như có một sự phân rẽ không phải chỉ vì xa, hoặc vì sông núi hiểm trở, song cũng vì cớ khác nhau về tình cảm và thói quen, lần lần lớn lên giữa những chi phái ở tả ngạn và hữu ngạn sông Giô-đanh. Ðống đá mà họ chất lên trên bờ phía Tây sông Giô-đanh để phân chia giới hạn là lập lên tùy theo những tục của người Bédouins giữ trước và sau. Những người ấy làm một việc giống như La-ban và Gia-cốp khi từ giã nhau ngày nay người Bédouins luôn luôn làm như vậy. Song về phần người Y-sơ-ra-ên ở phía Tây sông Giô-đanh, chống bỏ những thói tục du mục và những tình cảm cho những người định cư mãi mãi, điều đó thật hoàn toàn bị hiểu lầm và bởi đó mới có sự thử lập một bàn thờ ganh đua với Hội mạc của Ðức Giê-hô-va. Không có quan xét, không có tiên tri, không có anh hùng nào ra từ chi phái Ru-bên. Khi nghe sự khiếp sợ của các anh em miền Bắc dưới Ðê-bô-ra và Ba-rác thì chi phái Ru-bên chỉ lấy sự bàn luận làm đủ, và sự nguy biến của các anh em ở xa chẳng cảm động lòng Ru-bên để họ giúp đỡ; họ cứ quyến luyến các bầy chiên, và ưa tiếng sáo của người chăn và tiếng kêu của bầy chiên hơn là tiếng kèn thổi và tiếng ồn ào đánh trận. Tánh cách cá nhơn của Ru-bên chóng tàn héo hơn của người Gát. Không có người, không có biến động nào thuật lại để có thể đặt Ru-bên vào chỗ đặc biệt hơn là một người thường trong hội chúng. (I Sử ký 12:37). Vì ở cách xa nơi có chính phủ trung ương, và xa tôn giáo của quốc dân nên ta không lạ tại sao Ru-bên chối bỏ đức tin đến Ðức Giê-hô-va. Truyện cuối cùng chép về lịch sử người Ru-bên thuật lại rằng người Ru-bên, người Gát và nửa chi phái Ma-na-se bị phung và Tiếc-la Phi-lê-se, Vua Sy-ri bắt sang làm phu tù (I Sử ký 5:26).
       Số phận của chi phái Ru-bên giống hệt như của Si-mê-ôn, vì dường như Si-mê-ôn cũng nhập vào chi phái Giu-đa. Quyền trưởng tử vốn thuộc về Ru-bên sang qua hai con Giô-sép (I Sử ký 5:1); và hai con Giô-sép cũng chiếm chỗ của Ru-bên và Si-mê-ôn trong dân Y-sơ-ra-ên, như làm ứng nghiệm lời nói trước của Gia-cốp (Sáng thế ký 48:5).
       Ê-xê-chi-ên trong bức tranh tả vẽ Y-sơ-ra-ên được lập lại (Ê-xê-chi-ên 48:6), cũng nói đến Ru-bên. Khải Huyền 7:5 cũng có chép về chi phái Ru-bên sau chi phái Giu-đa thôi.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.