Nghề nấu rượu trở ngược lại đời Nô-ê (Sáng thế ký 9:20,21), là người dường như đã sáng kiến ra cách nấu, dầu Kinh Thánh không nói rõ ràng như vậy. Về cây nho và cách trồng nho, xem bài Nho, cây. Kinh Thánh chỉ chép về một thứ cây khác mà trái có thể nấu thành rượu là trái lựu (Nhã Ca 8:2).
Trong xứ Pha-lê-tin, mùa gặt nho nhằm tháng chín, và được cử hành một cách rất vui vẻ. Ấy là lễ lớn hằng năm (Ê-sai 16:10; Giê-rê-mi 25:30; 48:33 so Các quan xét 9:27); và những câu hát lúc hái nho còn giữ lại trong Ê-sai 27:2; 65:8. Trái nho chín được lượm vào trong những giỏ (Giê-rê-mi 6:9), như tả vẽ trên các bức tranh tại xứ Ai-cập, và được đem đến bàn ép rượu nho. Kế đó, được kể vào một trong hai thùng của bàn ép, và người ta đạp dưới chơn, đó là cách thường thấy trong các nước phương Ðông và Nam Âu châu (Nê-hê-mi 13:15; Gióp 24:11; Ê-sai 16:10; Giê-rê-mi 25:30; 48:33; A-mốt 9:13; Khải Huyền 19:15). Có một ít nước nho chảy từ trái nho chín quá trước khi bị đạp. Thứ nước nho đó để riêng và làm thứ "rượu mới" chép trong Công vụ các sứ đồ 2:13. Sự đạp nho là bởi một hoặc mấy người tùy theo bàn ép lớn hay nhỏ. Họ khuyến khích nhau bằng những tiếng kêu (Ê-sai 16:9,10; Giê-rê-mi 25:30; 48:33). Chơn và áo họ nhuộm đỏ vì cớ rượu nho (Sáng thế ký 49:11; Ê-sai 63:2,3). Nước nho chảy ra bởi một lỗ xuống một thùng dưới và lập tức được đổ vào trong các bình (A-ghê 2:16). Trong xứ Ai-cập, người ta cũng có khi dùng tay mà ép, song Kinh Thánh không có chép. Về sau người ta lấy nước nho chế gì, Kinh Thánh ít chép. Có khi cứ giữ nguyên, không pha men, và uống như mới đạp, song thường người ta đổ vào chai sau khi lên men, và nếu có ý để lâu, thì thêm một ít cặn hay bã (Ê-sai 25:6). Sau, rượu nho cần phải lọc kỹ cho "trong sạch" trước khi dọn ra bàn (Ê-sai 25:6).
Rượu nho làm cho "mắt đỏ" (Sáng thế ký 49:12), lưỡi "nhạo báng" (Châm Ngôn 20:1; Ê-sai 28:7), tâm thần "phát nóng" (Châm Ngôn 31:6; Ê-sai 5:11; Xa-cha-ri 9:15; 10:7), ưa thích như nghiện (Ô-sê 4:11), làm hư hoại sự phán đoán (Châm Ngôn 31:5; Ê-sai 28:7), làm cho mất nết (Ha-ba-cúc 2:15,16), và vì cớ sức nóng thì làm đau yếu (Ô-sê 7:5). Những lời ngụ ý đến kết quả của tirosh (rượu mới), Ô-sê 4:11 là khúc nói rõ nhứt "Sự dâm dục, rượu cũ và rượu mới cất lấy hết trí khôn chúng nó." Tại đây, rượu mới dường như còn tai hại hơn, so sánh với rượu cũ (yayin).
Nay luận về rượu nho của người Hê-bơ-rơ xưa có lên men hay không, cảm tưởng đối với các điều kể trên là, tiếng Hê-bơ-rơ chỉ về rượu là có ý lên men, một thứ rượu làm cho say. Những điều chép về sự lên men không rõ lắm. Rượu làm phồng những bầu da, và khi rượu mới đựng vào trong thì có thể làm bể bầu da cũ,--ấy tỏ ra có men. Vì cớ đó, rượu mới chỉ là nước nho chưa lên men thì đựng trong các thùng, và sau đó chôn dưới đất. Sự pha lộn vào rượu là có ý để thêm hoặc giảm sức mạnh của rượu, tùy theo thứ thuốc thơm hoặc nước là phần thêm vào. Những điều chép trong Kinh Thánh tỏ cốt thêm lên: vì những rượu có pha sửa soạn cho các bữa tiệc lớn (Châm Ngôn 9:2,5), và những cuộc chơi quá độ (Châm Ngôn 23:30; Ê-sai 5:22). Không phải chỉ cốt để thêm sức mạnh; song "rượu cũng pha với một dược" đưa cho Chúa Jêsus để ngăn trở sự đau đớn (Mác 15:23); nàng dâu cũng sửa soạn rượu lựu thơm (Nhã Ca 8:2) có tính cách êm dịu. Trong Tân Ước, tính cách của "rượu mới" chép ở Công vụ các sứ đồ 2:13 cũng đáng chú ý. Ấy thật là đúng nghĩa rượu mới, biết rằng trải qua giữa mùa gặt nho và Lễ Ngũ Tuần là tám tháng. Sự giải nghĩa của các nhà làm tiểu tự điển nói rằng đó là chỉ về sự rất dịu ngọt, không phải là mới làm, song là do nước rất trong từ các chùm nho.
Những rượu nho trong xứ Pha-lê-tin có nhiều thứ khác nhau, và đặt tên tùy theo nơi chế ra. Chỉ những rượu có chép đặc biệt là thuộc Sy-ri, ấy là rượu nho ở Hên-bôn (Ê-xê-chi-ên 27:18), và rượu nho ở Li-ban có danh tiếng về mùi thơm (Ô-sê 14:7).
Về sự dùng rượu trong đời tư, không thấy chép mấy: dùng trong sự tiếp đãi khách (Sáng thế ký 14:18), và trong bữa tiệc như tiệc cưới (Giăng 2:3). Theo luật Môi-se, rượu làm thứ lễ quán thường theo sau lễ hằng hiến (Xuất Ê-díp-tô ký 29:40) sự dâng trái đầu mùa (Lê-vi ký 23:13), và các của lễ khác (Dân số ký 15:5). Phần mười được trả bằng rượu nho, như các thứ sản vật khác. Những thầy tế lễ cũng nhận trái nho đầu mùa, như các trái khác (Phục truyền luật lệ ký 18:4; Xuất Ê-díp-tô ký 22:29). Sự dùng rượu trong lễ Vượt qua không phải đúng với luật pháp, song là một tục lệ đã thành lập sau khi từ Ba-by-lôn về. Về Tiệc Thánh, chén phước lành (I Cô-rinh-tô 10:16), gọi là "trái nho" trong Ma-thi-ơ 26:29. Rượu cũng có khi pha với nước nóng trong những dịp đó. Bởi vậy, Hội Thánh đầu tiên quen pha rượu nho thánh với nước.
Kinh Thánh cấm uống rượu quá độ, chớ không phải cấm dùng, song vì cớ sự yêu thương thì kiêng uống là phải lẽ, vì có lời khuyên: "Ðừng uống rượu... là dịp vấp phạm cho anh em mình" (Rô-ma 14:21).