Sa-bát. Sabbath, (Shabbath, "ngày yên nghỉ," từ shâbath, "thôi làm").

        


      I. Căn nguyên.-- Tên nầy dùng để chỉ mấy lễ trọng, song thường dùng đặc biệt cho ngày thứ bảy trong tuần lễ, và sự bắt buộc giữ ngày đó cách nghiêm nhặt không phải chỉ ở trong bộ luật lệ chung của Môi-se, song cũng trong chính mười điều răn nữa. Sự lập ngày Sa-bát nên ngày thánh là cùng một lúc với cuộc Tạo thành. Kinh Thánh chép lần thứ nhứt về ngày Sa-bát, dầu không gọi bằng tên đó, song tìm được trong Sáng thế ký 2:3 cuối lời chép về sáu ngày tạo thành. Có vài người cho rằng ấy chỉ là một lời trưng dẫn trước về điều răn thứ tư, vì không có thuật lại sự giữ ngày Sa-bát giữa cuộc Tạo thành và ra khỏi Ai-cập. Song ấy đúng hiệp với lối chép Kinh Thánh, vì không hay chép các biến động thường. Không thiếu chứng cớ gián tiếp về sự giữ ngày Sa-bát đó, như khoảng thời gian giữa lúc Nô-ê thả chim ra khỏi tàu, một công việc hiệp với công việc hằng tuần, (Sáng thế ký 8:7-12); và trong tuần lễ về sự cử hành phép hôn phối (Sáng thế ký 29:27,28), song trái lại, khi có một dịp tiện đặc biệt quan thiệp với sự cấm lượm ma na trong ngày Sa-bát, thì sự thiết lập ngày đó được kể như đã biết rồi (Xuất Ê-díp-tô ký 16:22-30). Ấy cũng là một trong các sự Môi-se thiết lập theo từ đời các tổ phụ, và được bày tỏ trong đời Luật pháp nầy: "Hãy nhớ ngày Sa-bát, và giữ làm ngày thánh."
       II. Duyên cớ lập.-- Song nếu chứng cớ đó còn thiếu, thì lý cớ thiết lập ngày Sa-bát được đủ rồi. Ấy là để bày tỏ sự vui mừng về Ðức Chúa Trời làm xong cuộc tạo thành Ngài. Có người nói Môi-se dẫn một lý cớ khác về sự lập ngày Sa-bát, ấy là để kỷ niệm sự giải thoát khỏi vòng tôi mọi ở xứ Ai-cập (Phục truyền luật lệ ký 5:15). Dường như Môi-se trong sự nhắc lại Luật pháp, đã quên duyên cớ mà chính Ðức Chúa Trời phán tại núi Si-na-i (Xuất Ê-díp-tô ký 20:11)! Những lời thêm vào Phục truyền luật lệ ký 5:15 đó là một duyên cớ đặc biệt để giữ ngày Sa-bát cách vui vẻ, và tỏ lòng nhơn từ mở rộng phước hạnh ngày đó cho tôi tớ và những súc vật gánh nặng, giống như chủ nữa. "Hầu cho tôi trai và tớ gái ngươi cũng được nghỉ như ngươi" (Phục truyền luật lệ ký 5:14). Những sự thử hạn chế mạng lịnh về ngày Sa-bát ra từ sự hiểu lầm tinh thần ngày đó, và coi như là ngày tự ép mình nghiêm nhặt hơn là ngày được ơn riêng ban cho. Song thật ra, sự cấm làm việc chỉ là phần phụ vào ý được yên nghỉ vui vẻ và dưỡng sức lại trong sự thông công với Ðức Chúa Trời, là Ðấng "nghỉ và lấy sức lại" (Xuất Ê-díp-tô ký 31:17 so 23:12).
       Lần thứ nhứt, sự ngày Sa-bát được thiết lập rất minh bạch là trong Xuất Ê-díp-tô ký 16:23-29 lập cho dân Y-sơ-ra-ên để họ giữ theo. Ít lâu sau lại được phép trong điều răn thứ tư. Theo gương lập ngày Sa-bát, thì cũng lập tháng thứ bảy, năm thứ bảy và năm hân hỉ. Như một ngày thứ bảy là ngày thánh, thì mỗi tháng thứ bảy và mỗi năm thứ bảy cũng vậy. Về sự giữ tháng thứ bảy, chỉ cần nói ít. Tháng đó mở đầu với lễ Thổi kèn, và trong lễ đó có ngày chuộc tội và lễ Lều tạm,--ngày lễ chót nầy là ngày vui nhứt trong các lễ của người Hê-bơ-rơ. Trung tâm điểm tháng đó là lễ Lều tạm, hoặc Thâu trử mùa, vì năm và công việc năm đó đã xong, và sản xuất hoa mầu. Luật về năm Sa-bát thật rõ rệt. Như cấm làm việc trong ngày thứ bảy, đất cũng phải được nghỉ trong năm thứ bảy. Cứ bốn mươi chín năm thì tận cùng với bảy tuần năm, bởi thế được dẫn và gọi là "năm hân hỉ." Trong Xuất Ê-díp-tô ký 23:10,11, ta thấy năm Sa-bát có quan thiệp chặt chẽ với ngày Sa-bát, và lời dạy về năm Sa-bát cũng giống điều răn thứ tư. Theo sau ngay có lời tuyên bố lần nữa về luật Sa-bát. Bởi thế, phải nhận rằng trong các khúc đó, hai sự thiết lập đều giống như nhau.
       III. Mục đích.-- Mục đích hai sự thiết lập đó, như đây tỏ ra, thật là rất nhơn đức: tức ban quyền lợi cho những hạng người, ngoài đó ra, không thể nào có như vậy, là cho các tôi trai, tớ gái, cũng cho cả thú vật ngoài đồng.-- ấy là mục đích chính ở đây. "Khách ngoại bang" cũng được hưởng quyền lợi đó nữa. Mục đích nhơn đức đó được tỏ rõ hơn trong điều lệ càng đầy đủ hơn của năm Sa-bát chép ở Lê-vi ký 25:2-7. Một mục đích lớn của cả hai sự thiết lập, ngày Sa-bát và năm Sa-bát, thật rõ là ngăn trở người Hê-bơ-rơ có tư tưởng có thể cứ làm chủ hoàn toàn của vật gì. Năm hân hỉ phải coi là làm trọn các điều lệ về Sa-bát, bất luận coi là năm thứ bốn mươi chín, hay là năm thứ bảy của một tuần năm Sa-bát, hoặc coi là năm thứ năm mươi, ấy là vấn đề có nhiều quan niệm khác nhau. Tính cách nhơn đức của điều răn thứ tư được tỏ rất rõ trong Phục truyền luật lệ ký 5:12-15. Dầu vậy, và dầu theo điều răn đó có quyền lợi là được dự phần đặc ơn, nhưng lời tuyên bố trong sách Xuất Ê-díp-tô ký liên lạc với các chỗ khác, cũng có ý cao thượng hơn và rộng rãi hơn.
       Tại đó, phương pháp làm việc và yên nghỉ của Ðức Chúa Trời dự định làm gương cho người nên theo để làm việc và nghỉ. Bởi đó thời gian được trình bày toàn thể cách trọn vẹn, tức khi chia thành từng tuần, theo gương Ngài gồm lại sáu ngày Tạo thành với ngày Sa-bát theo sau. Làm việc sáu ngày và nghỉ ngày thứ bảy làm cho đời sống của người hiệp với phương pháp của Ðấng Tạo hóa. Khi chia thời gian đời sống mình như vậy, người có thể ngước mắt xem Ðấng làm gương cao cả là Ðức Chúa Trời. Cũng nên nhớ rằng điều răn thứ tư không hạn chế về một ngày thôi, song cũng dạy về sự cần phải chia thì giờ trong tuần lễ, và bảo phải làm việc trong sáu ngày cũng như bảo ngày Sa-bát phải yên nghỉ. Nghĩa cao thượng nầy làm cho ngày Sa-bát liên lạc với lẽ đạo Ngài, và bởi vậy, là chứng cớ lớn về đức tin đến Ðức Chúa Trời là Ðấng Tạo hóa của người. Nhưng trong mọi sự nầy, ta chỉ quả quyết về một nguyên lý chung của sự nghỉ ngày Sa-bát, và cần phải tìm chỗ khác các tiểu tiết để cho nguyên lý đó thực nghiệm. Ấy là ngày Sa-bát là một khoảng thời gian thánh trong công việc hằng ngày để người có bánh ăn; sự rủa sả thủy tổ sa ngã phải đình lại một ngày; và khi đã vui mừng nhớ đến các sự thương xót Ðức Chúa Trời trong ngày đó, thì người lại có sức tươi mới mà làm việc mình nữa.
       IV. Thứ việc cấm.-- Có một bẫy lớn bao giờ cũng giấu kín trong danh từ việc làm, vì dường như điều răn thứ tư cấm làm việc và ép phải lười biếng. Nhưng trong điều răn đó tỏ rõ các thứ việc nào bị cấm. Ấy là công việc hèn hạ và buôn bán. Sách Ngũ kinh giải tỏ ba sự ứng dụng về nguyên lý chung nầy (Xuất Ê-díp-tô ký 16:29; 35:3; Dân số ký 15:32-36). Những lời chép trong Ê-sai về ngày Sa-bát không thêm điều gì; song những khúc trong Giê-rê-mi và Nê-hê-mi tỏ rõ rằng nếu đem hàng đi bán và mua hàng đó thật là phạm đến ngày Sa-bát. Trước khi bị phu tù, dường như đánh giặc trong ngày Sa-bát không phải là trái luật pháp; nhưng theo sách Apocryphe chép, dân Do-thái giữ ngày Sa-bát mà nghỉ đánh trận thì hiệu quả thật rất tai hại. Dầu vậy, cũng có sự ích lợi về luật nghỉ ngày Sa-bát, vì dưới đế quốc La-mã, người Do-thái được miễn đi lính. Nhưng ấy không phải là không có sự bất tiện vì khi Pompey vây thành Giê-ru-sa-lem, cũng như lần cuối cùng hoàng tử Tít vây, người La-mã được đắc thắng vì cớ người Do-thái nghỉ theo luật Sa-bát đó.
       Khi xem xét tinh thần của luật pháp và lời phê bình Ðấng Christ, thì thấy rõ là việc thế gian để được lợi bị cấm; bởi đó có câu tiểu dẫn hạn chế mạng lịnh và quả quyết: "Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày," chỉ như vậy mới có thể yên tâm nghỉ ngày Sa-bát. Vậy, vẫn chú trọng về các tôi tớ và thú vật gánh nặng cũng phải dự phần yên nghỉ mà lòng ích kỷ khó chịu cho.
       Ðây nên ôn lại những sự kể trên. Tinh thần ngày Sa-bát là sự vui vẻ, tươi mới, và thương xót, đều từ sự nhắc lại sự nhơn lành của Ðức Chúa Trời là Ðấng Tạo hóa và Ðấng Giải cứu khỏi làm nô lệ. Kế đó, đã thấy tuyển dân có một mạng lịnh, và bởi đó thời giờ và sản nghiệp không được kể là thuộc hẳn riêng của người, vì ngày thứ bảy trong mỗi tuần là riêng biệt ra thánh cho được để người nghỉ theo gương mẫu của sự yên nghỉ Ngài, và để cho mọi người có quyền lợi ngang nhau. Sau đã thấy, bởi luật giữ ngày Sa-bát, những nguyên lý lớn của Ðức Chúa Trời và xã hội đòi thì giờ và sản nghiệp mỗi người được lan rộng và mở mang. Cũng về năm Sa-bát và năm hân hỉ, dân Y-sơ-ra-ên có giữ thế nào? vì cách dân Y-sơ-ra-ên và lời các tiên tri dạy dỗ đều tỏ ra các phương diện kể trên.
       V. Kinh Thánh dạy người Sa-bát nên thế nào.-- Ngày Sa-bát là một dấu và một giao ước đời đời, và sự thánh khiết ngày đó là quan thiệp với sự thánh khiết người: "để thiên hạ biết rằng ta, là Ðức Giê-hô-va làm cho các ngươi nên thánh" (Xuất Ê-díp-tô ký 31:12-17; Ê-xê-chi-ên 20:12). Sự vui mừng là dấu hiệu của sự hầu việc. Môi-se tuyên bố rằng dân sự sẽ có nơi tế lễ, và "các ngươi sẽ ăn tại đó, trước mặt Giê-hô-va Ðức Chúa Trời, vui vẻ cùng gia quyến mình" (Phục truyền luật lệ ký 12:7; 14:26; 16:14,15; 26:11). Tác giả Thi Thiên cũng có tiếng vang dội lại: "Nầy là ngày Ðức Giê-hô-va làm nên, chúng tôi sẽ mừng rỡ và vui vẻ trong ngày ấy" (Thi Thiên 118:24). Ê-sai quở trách những lễ kiêng ăn chỉ giữ bề ngoài thay thế cho những công việc làm phúc, và bởi lời hứa rằng người nào gọi ngày Sa-bát là ngày vui vẻ tôn trọng Ðức Chúa Trời mà làm công việc Ngài trong ngày đó, thì sẽ được thỏa mãn trong Ngài (Ê-sai 58:3-14). Nê-hê-mi truyền dân sự, trong ngày thánh cho Ðức Giê-hô-va : "Chớ để tang, cũng đừng khóc lóc... Hãy đi ăn vật gì béo, uống đồ gì ngọt, và hãy gởi phần cho những người không có sắm sửa gì hết" (Nê-hê-mi 8:9-13).
       Ngày Sa-bát được gọi là ngày thò phượng riêng trong nơi thánh (Lê-vi ký 19:30; 26:2). Cũng gọi là ngày nhóm họp thánh (Lê-vi ký 23:3). Trong ngày Sa-bát, sự thờ phượng công khai cốt là gấp đôi của lễ buổi sáng và buổi chiều, và thay bánh trần thiết mới trong nơi thánh. Về sau, sự thờ phượng trong nơi thánh cũng thêm âm nhạc làm cho hoạt động (Thi Thiên 68:25-17, v.v..) Ngày nay, dân sự có thói quen thăm viếng các đấng tiên tri (II Các vua 4:23) và dạy các con cái những lẽ thật mà ngày đó nhắc nhở, bởi thế liên lạc với bổn phận cha mẹ; ấy là "ngày Sa-bát của Ðức Giê-hô-va," không phải chỉ ở trong nơi thánh song cũng "trong các nơi ngươi ở" (Lê-vi ký 23:3).
       VI. Luật về ngày Sa-bát được giữ thế nào.
       1. Trong đời Cựu Ước.-- Trong Kinh Thánh không chép nhiều về ngày Sa-bát giữ thế nào bởi dân sự. Trong Cựu Ước chỉ những trường hợp đặc biệt nói đến là quan hệ đến sự dọn đồ ăn. Bánh ma na không ban cho dân sự trong ngày Sa-bát, song ngày trước người ta phải lượm một phần gấp đôi (Xuất Ê-díp-tô ký 16:22-30), giống như sự yên nghỉ năm Sa-bát được bù lại bởi sự phong phú lạ lùng trong năm trước. Không được nhen lửa trong ngày Sa-bát, ai phạm tội đó phải bị xử tử (Xuất Ê-díp-tô ký 35:2,3; so 31:14), và một người đi lượm củi trong ngày Sa-bát thật đã bị ném đá (Dân số ký 15:35). Khi mùa màng có bông và trong mùa gặt là lúc người ta dễ bị cám dỗ và thử chữa mình vì bận việc cũng phải giữ ngày Sa-bát (Xuất Ê-díp-tô ký 34:21). Các tiên tri thường quở trách dân sự cả các thầy tế lễ về sự phạm đến luật nầy (Ê-sai 56:2; 58:13; Ê-xê-chi-ên 22:26 so 44:22), và thúc giục lòng sốt sắng cải cách của Nê-hê-mi sau khi từ Ba-by-lôn về (Nê-hê-mi 13:15-19). Từ đó không có chứng cớ người Do-thái lãng bỏ ngày Sa-bát chỉ trừ những người bội đạo cách công nhiên như chép trong các sách Apocryphe.
       2. Trong đời Ðấng Christ.-- Trong Tân Ước chú trọng đến ngày Sa-bát lắm. Bất luận cách nào người Do-thái có thể sai lầm về ngày Sa-bát, nhưng không thôi giữ ngày đó. Không cứ đi đâu, sự nghiêm giữ ngày Sa-bát vẫn là một dấu rất rõ, tỏ ra người là thuộc dân Do-thái-giáo. Lối Ðấng Christ giữ ngày Sa-bát là một việc chính trong đời Ngài mà những kẻ thù nghịch là phe Pha-ri-si hết sức rình để chỉ trích. Họ đã đặt ra nhiều cấm lệ về ngày Sa-bát mà thật không có trong luật đó. Trong số cấm lệ đó có nhiều điều kỳ khôi và độc đoán như về số "những gánh nặng nề và buồn thảm phải mang" mà những kẻ giải nghĩa Luật pháp sau "đã đặt trên vai loài người" so Ma-thi-ơ 12:1-13; Giăng 5:10). Trong đời Chúa, sự bại hoại ngày Sa-bát đã trở nên rất thường, ấy được tỏ ra trong cả những sự phản đối về công việc Ngài trong ngày đó, và cả về cách Ngài cư xử trong các dịp mà người rình xem chắc chắn sẽ phản đối (Ma-thi-ơ 12:1-15; Mác 3:2; Lu-ca 6:1,5; 13:10-17; Giăng 5:2-18; 7:23; 9:1-34).
       Vậy, ta thấy phe Pha-ri-si tố cáo Chúa Jêsus, vì Ngài chữa lành người bịnh trong ngày Sa-bát; dầu nếu bò, lừa, hay chiên sa xuống hố ngày đó, mà họ kéo lên khỏi lập tức thì không kể là trái luật pháp. Họ cũng dẫn súc vật ra ngoài suối cho uống trong ngày đó cũng như trong những ngày thường (Ma-thi-ơ 12:9-13; Mác 3:2; Lu-ca 13:10-17). Khi những môn đồ Chúa trong ngày Sa-bát đi qua đồng lúa mì bứt mấy bông, tuốt trong bàn tay mà ăn vì đang đói, những người Pha-ri-si tố cáo dường như là gặt, quạt, và giã lúa vậy. Chúa đáp lại: "Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chớ không phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người" (Mác 2:23-28). Ngày Sa-bát được lập lên là ích cho loài người, những sự bó buộc ngày đó cứ có trong khi người còn cần dùng như trong cuộc tạo thành và Con Người không phải là tôi mọi, song "làm chủ ngày Sa-bát."
       3. Trong đời các Sứ đồ.-- Các thơ tín Tân Ước, chỉ trừ một vài chỗ, đều yên lặng về vấn đề ngày Sa-bát. Các Sứ đồ chẳng bao giờ đặt luật lệ giữ ngày Sa-bát, không bao giờ tố cao sự phạm ngày đó, và trong những danh sách kẻ phạm pháp không gồm lại những người phạm ngày Sa-bát. Cô-lô-se 2:16,17 dường như là một cớ xác đáng để hủy bỏ ngày Sa-bát trong thời đại Tin lành; câu Hê-bơ-rơ 4:9 có lẽ cũng chỉ bóng về sự yên nghỉ ngày Sa-bát. Ngày các nhà hội Do-thái-giáo thờ phượng là ngày thứ bảy trong tuần lễ (Ma-thi-ơ 12:9,10; Công vụ các sứ đồ 13:14). Hội Thánh Ðấng Christ trong đời các Sứ đồ lập từ ban đầu nhóm họp thờ phượng ngày thứ nhứt của tuần lễ, là ngày Ðấng Christ sống lại từ trong kẻ chết, vì sự xưng công bình của chúng ta (Công vụ các sứ đồ 2:1; và có lẽ 20:7). Ngày đầu tuần lễ đó, Phao-lô chỉ dẫn cho người tín đồ ở hội Ga-la-ti và Cô-rinh-tô quyên tiền giúp Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 16:1,2). Ngày thứ nhứt đó được gọi là "ngày của Chúa" (Khải Huyền 1:10). Ngày nay, giống sự chỉ định trước về ngày thứ bảy, biệt riêng cả ngày trong số bảy ngày để làm ngày Sa-bát cho Chúa. Ngày đó cũng nhắc lại sự Chúa cứu chuộc dân Ngài. Sau lại có chứng cớ Chúa ban phước cho ngày nầy về phần vật chất và thuộc linh.
       4. Trong Hội Thánh đầu tiên.-- Khi nhờ những đài kỷ niệm của Hội Thánh đầu tiên còn lại, ta cũng được chỉ dẫn ý kể trên. Lại nữa, đối với những tín đồ đầu tiên, dường như không lẫn lộn sự giữ "ngày của Chúa," là ngày đầu tuần lễ, với ngày Sa-bát Do-thái-giáo. Có khi các giáo phụ đầu tiên nói đến ngày của Chúa, vì so sánh với ngày Sa-bát. Chiếu chỉ cấm xử án trong ngày của Chúa bởi Constantin, có lẽ vì muốn cho ngày đó của các tín đồ Ðấng Christ ngang sự tôn trọng với các ngày lễ của người ngoại đạo, hơn là có ý chỉ về ngày Sa-bát hoặc điều răn thứ tư. Song nhiều hoàng đế theo sau cấm nhiều việc khác mà ngày thường cho là vô tội. Bởi thế, và vì hay đọc điều răn thứ tư trong ngày Chúa nhựt tại các nhà thờ, thì có tín đồ lẫn lộn ngày Sa-bát với ngày của Chúa, dầu vẫn khác nhau luôn, vì ngày Sa-bát theo luật pháp, và ngày của Chúa theo ơn điển. Vậy, trong Hội Thánh Ðấng Christ, ngày của Chúa đã thế cho ngày Sa-bát của người Do-thái.
Rút ở sách William Smith, LL.D.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về ngày Sa-bát:
       Nê-hê-mi 9:14.-- Khúc quan hệ nầy nhứt định rất chắc chắn thời gian khi ngày Sa-bát, sự yên nghỉ của Ðức Chúa Trời, được ban cho loài người (Sáng thế ký 2:1-3). So Xuất Ê-díp-tô ký 20:9-11. Trong Xuất Ê-díp-tô ký 31:13-17, ngày Sa-bát là một dấu hiệu giữa Ðức Giê-hô-va và Y-sơ-ra-ên.
       Sáng thế ký 2:3.-- Trong Cựu Ước, một tiếng Hê-bơ-rơ "qodesh" dịch là làm nên thánh, biệt riêng, dâng cho, và thánh khiết. Trong câu nầy, có nghĩa là để ngày thứ bảy riêng ra thờ phượng Chúa.
       Ma-thi-ơ 12:1. 1) Ngày Sa-bát ("nghỉ việc") tỏ ra trong Kinh Thánh là ngày của Ðức Chúa Trời yên nghỉ khi Ngài đã làm xong công cuộc tạo thành (Sáng thế ký 2:2,3). Trong vòng 2.500 của lịch sử loài người, tuyệt nhiên không nói gì về ngày đó. Tại núi Si-na-i, ngày Sa-bát được tỏ ra (Nê-hê-mi 9:13,14), làm một luật pháp (Xuất Ê-díp-tô ký 20:8-11), và mặc lấy tánh cách là một "dấu hiệu" giữa Ðức Giê-hô-va và Y-sơ-ra-ên, để luôn luôn nhắc lại cho Y-sơ-ra-ên về sự biệt mình riêng ra cho Ðức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô ký 31:13-17). Giữ ngày đó tức là hoàn toàn yên nghỉ (Xuất Ê-díp-tô ký 35:2,3); và bởi lịnh đặc biệt Ðức Giê-hô-va truyền phải xử tử một người vì đã lượm củi trong ngày Sa-bát (Dân số ký 15:32-36). Ngoài việc cứ giữ của lễ thiêu tiếp theo (Dân số ký 28:9) và sự quan thiệp với những ngày lễ hằng năm (Xuất Ê-díp-tô ký 12:16; Lê-vi ký 23:3,8; Dân số ký 28:25), ngày thứ bảy chẳng bao giờ là ngày dâng của lễ thờ phượng, hoặc một cách nào làm lễ theo tôn giáo. Ấy chỉ là một ngày hoàn toàn yên nghỉ cho người và vật là sự sắm sẵn nhơn đạo cho những sự cần dùng của người. Lời của Ðấng Christ là: "Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chớ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người" (Mác 2:47). 2) Chúa Jêsus thấy luật giữ ngày Sa-bát bao bọc bằng lớp vỏ tức những điều khỏi giữ theo mà các thầy Ra-bi thêm vào (Ma-thi-ơ 12:2), và những điều hạn chế không thấy gì cả trong Luật pháp, đến nỗi chính Ngài cũng bị kể là phạm ngày Sa-bát bởi những nhà cầm quyền tôn giáo thời bấy giờ. Ngày Sa-bát cũng sẽ được giữ trong thời đại của nước (Ê-sai 66:23). 3) Ngày thứ nhứt của tín đồ Ðấng Christ còn giữ mãi, trong thời đại ơn điển, nguyên lý về một phần bảy thời giờ được kể là thánh đặc biệt, song trong mọi phương diện khác hẳn với ngày Sa-bát. Một đàng là ngày thứ bảy, đàng khác là ngày thứ nhứt. Ngày Sa-bát kỷ niệm Ðức Chúa Trời yên nghỉ công việc tạo thành; ngày thứ nhứt kỷ niệm Ðấng Christ sống lại. Ngày thứ bảy Ðức Chúa Trời yên nghỉ, còn ngày thứ nhứt Ðấng Christ không thôi hoạt động. Ngày Sa-bát kỷ niệm một cuộc sáng tạo đã xong xuôi, ngày thứ nhứt kỷ niệm sự cứu chuộc đã hoàn thành. Ngày Sa-bát là ngày của Luật pháp bắt buộc, ngày thứ nhứt là ngày tình nguyện thờ phượng và hầu việc. Ngày Sa-bát nói đến trong Công vụ các sứ đồ chỉ quan thiệp với người Do-thái, cả Tân Ước còn lại chỉ nói đến hai lần thôi (Cô-lô-se 2:16; Hê-bơ-rơ 4:9). Trong hai khúc nầy; ngày thứ bảy là ngày Sa-bát được giải nghĩa cho tín đồ Ðấng Christ không phải giữ, song là một hình bóng về sự yên nghỉ hiện tại mà tín đồ vào đó khi "đã nghỉ công việc mình" (Hê-bơ-rơ 4:10), và tin cậy Ðấng Christ.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.