Sa-lô-môn. Salomon.

       


      I. Ðời thơ ấu và sự lên ngôi.-- Là con vua Ða-vít lúc tuổi già, con chót trong số các con trai Ða-vít (I Sử ký 3:5). Tình cảm của Ða-vít và của đấng tiên tri dẫn dắt tự bày tỏ trong các tên khi hoan nghênh sự ra đời của Sa-lô-môn. Những sự khát vọng của "người chiến sĩ" nay dẫn đến sự đặt cho con mới sanh mình tên Sa-lô-môn (Shêlômôh, nghĩa là người bình an). Tiên tri Na-than, với sự trưng dẫn đến ý nghĩa của chính tên vua (Ða-vít, nghĩa là người được yêu, kẻ được yêu dấu) gọi con trẻ là Giê-đi-đa (Jedidyah, nghĩa là người Ðức Giê-hô-va thương yêu, II Sa-mu-ên 12:24,25). Từ hồi còn nhỏ, Sa-lô-môn đã được Na-than coi sóc.
       Thoạt đầu, dường như không có mục đích đặc biệt đặt Sa-lô-môn làm kẻ kế tự. Áp-sa-lôm vẫn còn là con quí của vua (II Sa-mu-ên 13:37; 18:33); được cả dân sự coi là kẻ kế nghiệp (II Sa-mu-ên 14:13; 15:1-6). Sự chết của Áp-sa-lôm, khi Sa-lô-môn mời chừng mười tuổi, khiến bỏ chỗ trống không, và Ða-vít đã hứa cách kín đáo với Bát-Sê-ba rằng Sa-lô-môn sẽ là kẻ kế tự (I Các vua 1:13). Lời nói ít lâu về sau, chắc tỏ ra mục đích cai trị cả đời Ða-vít (I Sử ký 28:9,20). Ða-vít không muốn đời sống của Sa-lô-môn giống như của mình, là đời nặng nhọc và chiến trận, những tội ác đen tối và những sự ăn năn thống hối, nhưng muốn từ đầu chí cuối, là đời trong sạch, không vết, bình an, đầy dẫy lý tưởng của vinh hiển và công bình. mà chính Ða-vít hết sức tìm kiếm nhưng vô hiệu. Những sự hiện thấy vẻ vang trong Thi Thiên 72: có thể coi là lời tiên tri mở rộng về những hy vọng trong lúc tuổi già của Ða-vít. Ðến đây, mọi việc đều tốt đẹp. Song ta không thể không biết rằng những năm sau của đời Ða-vít có một sự thay đổi nên xấu hơn cũng như nên tốt hơn. Ta không thể tin rằng ảnh hưởng của Ða-vít trên các con trai mình đều là tốt cả. Không có gì biết về Bát-Sê-ba khiến ta tưởng rằng bà có thể nung đúc trí và lòng của con mình đến một trình độ cao hơn. Dưới những ảnh hưởng đó, Sa-lô-môn lớn lên. Chừng 10 hoặc 11 tuổi, Sa-lô-môn phải qua sự loạn nghịch của Áp-sa-lôm, và dự phần sự đày đọa với cha (II Sa-mu-ên 15:16). Chắc Sa-lô-môn được mọi sự hết thảy thầy tế lễ và người Lê-vi, hoặc tiên tri có thể dạy. Dầu hết thảy mọi sự đó là tốt, song đời sống của người chăn chiên giống như của cha vua, có thể cung cấp, như ta tin, một nền học vấn tốt hơn cho chức vị vua (Thi Thiên 78:70,71).
       Sự yếu đuối của Ða-vít lúc tuổi già dẫn đến sự thử cất ngôi khỏi Sa-lô-môn mà Ða-vít đã quyết định cho. A-đô-ni-gia sanh ra kế sau Áp-sa-lôm, giống như Áp-sa-lôm "là người rất đẹp" (I Các vua 1:6); trong lúc tuổi đã tưởng thành trở lòng nghịch bởi những người bạn già nhứt và các mưu sĩ của vua. Ði theo đường lối của Áp-sa-lôm, A-đô-ni-gia sắm sẵn cho mình xe và một đội thị vệ như làm vua. Cuối cùng, người ta chọn một kỳ để tôn người làm vua cách tỏ tường. Một sự kiêng ăn tại Ê-Rô-ghên khánh thành cuộc trị vì. Bởi thế, người có quyền lợi bị nguy hiểm phải làm cách vội vàng. Bát-Sê-ba họp bàn với Na-than. Vua được nhắc tới lời thề mình. Sa-lô-môn đi xuống Ghi-hôn, và được xức dầu để được tôn làm vua năm 20 tuổi. Những tiếng kêu của người theo hộ vệ Sa-lô-môn đến tai những khách ngồi trong bàn tiệc của A-đô-ni-gia. Lần lượt, họ lập tức đứng dậy, và đi. Âm mưu đã thất bại, ít tháng sau, khi Ða-vít băng, Sa-lô-môn làm vua một mình trên ngôi. Ðịa vị của Sa-lô-môn sau đó là duy nhứt. Chưa từng thấy và sau cũng không hề có, nước Y-sơ-ra-ên có một địa vị như bấy giờ giữa các nước quân chủ lớn ở phương Ðông. Những kho tàng lớn lao chứa chất trải qua nhiều đời để lại cho Sa-lô-môn.
       Về hình dung người của Sa-lô-môn, không thấy tả trực tiếp như ta thấy các vua trước. Dầu vậy, cũng có tài liệu để làm cho đầy đủ. Bất luận ý nghĩa mầu nhiệm nào ngấm ngầm trong Thi Thiên 45:, hoặc trong sách Nhã Ca, ta buộc phải nghĩ rằng các bài ca đó ít nhứt phải có khởi điểm từ lịch sử. Các bài nầy cho ta biết Sa-lô-môn là người thế nào dưới con mắt người đời bấy giờ: "Ðệ nhứt trong muôn người," mặt "trắn và đỏ" như cha vua (Nhã Ca 5:10 so I Sa-mu-ên 17:42), "lọn tóc người quăn đen như quạ," dầu vậy, song có ánh vàng lóng lánh, mắt mềm mại như "mắt bò câu," "tướng mạo người tợ như núi Li-ban, xinh tốt như cây hương nam," "thật toàn thể cách người đáng yêu đương" (Nhã Ca 5:9-16). Thêm vào đó, mọi thiên tài của người quí phái, rất mực trí thức, sẵn lòng thương rộng rãi, tánh người vui, môi "đầy tràn ơn điển," linh hồn được xức dầu "bằng dầu vui vẻ" (Thi Thiên 45:), như vậy, ta có thể biết Sa-lô-môn lúc rạng đông của đời vàng ngọc là thế nào.
       Vì vậy, truyện kể những thực sự rất sớm trong đời trị vì mới ở I Các vua 2: thì hơi khó hiểu. Bát-Sê-ba trước đã xui giục Ða-vít nghịch cùng A-đô-ni-gia, bây giờ tỏ ra cầu thay cho người, xin Sa-lô-môn cho phép A-đô-ni-gia cưới A-bi-sác, vợ bé đồng trinh của Ða-vít, làm vợ. Cho đến nay Sa-lô-môn vẫn tỏ lòng tôn kính mẹ mình, song khi nghe điều đó thình lình bừng nổi giận. Lời xin nầy được coi là một phần âm mưu mà Giô-áp và A-bi-a-tha có dự phần. A-đô-ni-gia bị xử tử lập tức. Giô-áp bị giết ngay ở trong châu vi của Hội mạc, là nơi người đã ẩn trốn. A-bi-a-tha bị cách chức, và đày đi, sống một đời nghèo khổ và sỉ nhục (I Các vua 2:31-36), và chức thầy cả thượng phẩm được phong cho chi họ khác. Xem bài Sa-đốc.
       II. Ðời trị vì.-- Lịch sử đời Sa-lô-môn trị vì chép kỹ ở I Các vua 1:-11:; I Sử ký 28:; 29:; II Sử ký 1:-9:. Song những điều ghi chép đó đều lượm lặt ở trong sử ký đồng thời bấy giờ, như "sách hành trạng của Sa-lô-môn" (I Các vua 11:41), "sách truyện của tiên tri Na-than," "sách tiên tri của A-hi-gia," và "sách dị tượng của Giê-đô" (II Sử ký 9:29). Từ đó có thể biết rằng: a) Thời gian Sa-lô-môn trị vì là 40 năm, 1015-975 T.C. (I Các vua 11:42) b) Khởi đầu xây Ðền thờ, năm thứ tư trong đời trị vì, và làm xong năm thứ XI (I Các vua 6:1,37,38). c) Khởi đầu xây cung điện riêng mình năm thứ VII và làm xong năm thứ XX trong đời trị vì (I Các vua 7:1; II Sử ký 8:1). d) Chinh phục Ha-mát Xô-ba và sau đó lập những thành ở miền Bắc xứ Pha-lê-tin, sau năm thứ XX trị vì (II Sử ký 8:1-6). Nhờ tài liệu kể trên, nay xin sắp đặt những việc chính vào một trật tự để có thể hiểu rõ hơn.
       III. Chính sách ngoại giao.--
       1. Với Ai-cập.-- Khi mới lên ngôi, công việc ngoại giao thứ nhứt đối với phần lớn Y-sơ-ra-ên là một việc rất đỗi ngạc nhiên. Sa-lô-môn cầu thân với Pha-ra-ôn, vua Ai-cập, bởi cưới công chúa xứ đó (I Các vua 3:1). Những kết quả ngay sau đó có lẽ cũng có vẻ tốt. Hoàng hậu đem theo với mình một thành trên biên giới Ghê-xe làm của hồi môn, là thành đã ngăm đe sự yên lặng của Y-sơ-ra-ên, và cũng còn một số dân Ca-na-an sót lại, mà chính Pha-ra-ôn đã dẫn quân đi đánh. Công chúa được tiếp đãi với tất cả sự long trọng. Khỏi ít lâu, Sa-lô-môn xây cho công chúa cung điện riêng rất nguy nga, ở ngoài thành Ða-vít (II Sử ký 8:11). Kết quả cuối cùng của cuộc kết liên đó ra rỗng không và không hợp chính trị. Có lẽ có sự cải cách trong xứ Ai-cập. Thế nào về sau cũng có sự thay đổi chính sách. Có thảo một âm mưu trước hết dẫn đến sự phản loạn của 10 chi phái, và sau Si-sắc, vua Ai-cập, đánh nước hèn yếu và không phòng thủ của con Sa-lô-môn.
       2. Ty-rơ.-- Sự kết giao với vua Phê-ni-xi là nhờ mấy cớ khác nhau: Ấy là một phần của chính sách từ hồi Ða-vít bắt đầu trị vì. Hi-ram, vua Phê-ni-xi, bao giờ cũng vẫn là bạn yêu dấu của Ða-vít. Vì nghe Sa-lô-môn lên ngôi, thì Hi-ram sai sứ giả đến chúc mừng. Có một sự bang giao giữa hai vua, tận cùng với một hòa ước về thương mại. Mở cửa Joppa, như là một hải cảng lập lên cho các bờ biển thông thương, và những vật liệu từ Ty-rơ chở bằng tàu đến Gia-phô và sau từ đó đến Giê-ru-sa-lem (II Sử ký 2:16). Ðể đáp lại những cuộc xuất cảng đó, người Phê-ni-xi rất vui nhận thóc gạo và dầu của đất đai Sa-lô-môn. Những kết quả của cuộc liên minh đó không hết ngay ở đây. Bấy giờ, lần thứ nhứt trong lịch sử của Y-sơ-ra-ên, dân sự học nghề thương mại. Họ theo người Phê-ni-xi trong các cuộc hành trình qua biển Ðịa-trung-hải đến Y-pha-nho. Bờ biển xứ Ê-đôm là thuộc Sa-lô-môn, nên vua có thể mở cho đồng minh mình một thế giới thương mại mới. Những cảng Ê-lát và Ê-xi-ôn Ghê-be đầy dẫy người tàu Ta-rê-si, những tàu buôn, phần chính là bởi người Phê-ni-xi trông coi, song đóng bằng tiền chi phí của Sa-lô-môn, giương buồm đến vịnh Aelanitic trong Biển Ðỏ, cứ đi tới Ấn-độ-dương, đến những xứ mà trước kia tên cũng ít biết đến.
       Theo lời kể lại của các văn sĩ người Phê-ni-xi mà Josèphe trích lại, sự giao hiếu giữa hai vua cũng có sự vui vẻ và thiết nghĩa. Hai vua ưa thích đố nhau bằng những câu hỏi khó và đặt giải thưởng cho người có thể đáp được. Khúc lịch sử xen vào trong I Các vua 9:11-14 chép rằng Sa-lô-môn nhường cho Hi-ram 16 thành, mà Hi-ram không thỏa lòng, có lẽ cũng quan thiệp với những giải thưởng đó.
       3. Ấy là hai cuộc giao thông quan hệ nhứt. Sự không chép đến Ba-by-lôn và A-sy-ri với thực sự rằng sông Ơ-phơ-rát được công nhận là giới hạn của nước Sa-lô-môn (II Sử ký 9:26) gợi ý rằng vào hồi đó các hoàng đế Mê-sô-bô-ta-mi đã suy nhược. Các nước lân cận khác đều bằng lòng hằng năm nộp thuế làm của tiến cống (II Sử ký 9:24).
       4. Sự kiểm soát ảnh hưởng Sa-lô-môn trên các nước lân cận khó xem xét hết, nếu ta bỏ qua ảnh hưởng trực tiếp riêng -- danh tiếng về sự vinh hiển và khôn ngoan của người. Bất cứ nơi nào tàu Ta-rê-si đến, họ cũng đem về, không bỏ sót gì trong khi đi qua, những sự mà thủy thủ đã thấy và nghe. Cuộc hành trình của nữ vương Sê-ba, dầu những cảnh ngộ rất rõ rệt, không phải chỉ là duy nhứt. Bà đã nghe về sự khôn ngoan của Sa-lô-môn, có quan thiệp đến "danh của Ðức Giê-hô-va" (I Các vua 10:1). Bà đến đem những câu hỏi khó để thử sự khôn ngoan Sa-lô-môn và những lời giải đáp đúng có thể chiếu sự sáng trên các câu hỏi đó là thế nào. Những sử gia của Y-sơ-ra-ên ưa thích lời xưng nhận của bà, tức là sự thật còn hơn tiếng đồn "Kìa... người ta chẳng thuật cho tôi nghe phân nửa sự khôn ngoan lớn lao của vua" (II Sử ký 9:6).
       VI. Lịch sử trong nước.--
       1. Quang cảnh đặc biệt thứ nhứt trong đời Sa-lô-môn trị vì là một cảnh bày tỏ mặt cao thượng nhứt của tánh tình Sa-lô-môn. Có hai nơi thánh đã chia sự sùng bái của dân chúng, hòm giao ước và hội mạc tạm tại Giê-ru-sa-lem, với Ðền tạm nguyên của hội chúng, sau khi lưu lạc nhiều nơi, bấy giờ đóng tại Ga-ba-ôn. Vậy, Sa-lô-môn theo lẽ phải nên dâng những tế lễ trọng thể tại cả hai. Sau những tế lễ ở Ga-ba-ôn, thì có sự hiện thấy ban đêm, khi Sa-lô-môn cầu nguyện, không xin sự giàu có, hoặc sống lâu, hoặc đắc thắng hơn kẻ thù, song xin "một tấm lòng thông sáng" để có thể xét đoán dân sự. "Lời của Sa-lô-môn đẹp lòng Chúa." Sự khôn ngoan cầu xin được ban cho rất rộng rãi, và có hàng lối khác nhau. Cõi thiên nhiên rộng rãi của các loài động vật hoặc bất động vật, đời sống và tính cách người, ở trước Sa-lô-môn, và người học hiểu hết. Nhưng sự khôn ngoan nhứt là cốt để làm việc cao thượng nhứt, để cai trị và dẫn dắt, và sử gia vội vàng chép một truyện minh chứng. Gương mẫu, trong mọi tình tiết truyện đó, hoàn toàn thuộc phương Ðông (I Các vua 3:16-28).
       2. Nói về tài chánh của vua, cảm tưởng thứ nhứt cho ta là sự đầy đủ dư dật. Rất nhiều loài kim khí quí được nhập cảng từ Ô-phia và Ta-rê-si (I Các vua 9:28). Hết thảy các vua và các quan trưởng của các tỉnh đã hàng phục nộp thuế làm đồ tiến cống, bằng tiền hoặc bằng đồ vật "cứ hằng năm theo lệ định" (I Các vua 10:25). Những con buôn của vua nộp thuế cho kho bạc (I Các vua 10:28,29). Những đất thuộc về vua dường như cho thuê với một thuế huê lợi hằng năm (Nhã Ca 8:11). Mỗi tỉnh trong nước cũng buộc phải lần lượt cung cấp lương thực cho hoàng gia đông đúc (I Các vua 4:21-23). Như vậy, số tiền tổng cộng bằng vàng nộp trong kho, trừ hết thảy mọi thuế bằng vật, là 666 ta lâng (I Các vua 10:14).
       3. Dầu vậy, khó có một nền tài chánh nào chịu được lòng hâm mộ sự sung sướng của vua. Tiền chi phí xây Ðền thờ, thật ra, sắm sẵn bởi công quỹ của Ða-vít và những của lễ của dân sự; song trong khi đang xây và sau khi xong, còn thêm nhiều nhà khác nữa rất mau chóng đến nỗi tổn hại. Hết thảy những sự lộng lẫy của cung điện, "cách ăn mặc" của các đầy tớ cũng chỉ như vậy, một đội thị vệ theo hầu vua, có "sau mươi người mạnh dạn," cao và đẹp nhứt trong dân Y-sơ-ra-ên. Có 4000 ngựa cho các xe, và 12.000 lính kỵ, ấy làm tượng trưng sự sang trọng của vua (I Các vua 4:26). Vì cớ kho bạc trở nên rỗng thì thuế càng tăng, và những con buôn của vua càng khó nhọc. Dân sự phàn nàn không phải vì vua thờ hình tượng, song vì gánh nặng, vì "ách nặng quá" (I Các vua 12:4). Dân sự ghen ghét A-đô-ni-ram hơn hết vì người coi sóc việc thuế má.
       4. Sự mô tả Ðền thờ mà Sa-lô-môn xây cất chép ở trong bài khác. Sau bảy năm rưỡi công việc hoàn thành và ngày đến, hết thảy người Y-sơ-ra-ên ngoảnh lại thấy vinh hiển tuyệt đối của nước họ. Hòm giao ước từ Si-ôn, Ðền tạm tại Ga-ba-ôn, thảy đều dời đến Ðền thờ mới (II Sử ký 5:5). Trong dịp lễ khánh thành Ðền thờ cách trọng thể, riêng vua là mục đích trung ương, cả đến thầy tế lễ và các tiên tri bấy giờ chỉ là phụ thuộc. Vua dâng lời cầu nguyện cao trọng, lời cao thượng nhứt của sự tin kính Y-sơ-ra-ên, giãi bày sự xa và sự gần của Giê-hô-va Ðức Chúa Trời, là Ðấng Ðộc-nhứt, không thể hiểu được, không ở trong các Ðền thờ bởi tay người làm ra, dầu vậy, Ngài còn cai trị người, nghe lời người cầu nguyện, và cho người mọi sự tốt lành, khôn ngoan, bình an, công bình.
       5. Không thể không biết thực sự rằng cả đến lúc nầy cũng còn có mấy bóng tối tăm hơn trên bức tranh. Sa-lô-môn bắt "những khách lạ" trong xứ, phần sót lại của dân Ca-na-an, làm tôi mọi, và khiến cho đời họ "cay đắng hơn" với những gánh nặng. Có 153.000 cả vợ và con, tính trung bình, bị chia lìa khỏi gia đình và sai đến mỏ đá và rừng Li-ban (I Các vua 5:15; II Sử ký 2:17,18). Vua chẳng bao lâu từ nơi cao nhứt của đời đạo đức mình sa xuống vực sâu thẳm nhứt. Khỏi ít lâu, các thầy tế lễ và các tiên tri phiền não về những đền ganh đua cho các thần Mo-lóc, Kê-mốt, Át-tạt-tê, là những nghi lễ không những chỉ về hình tượng, song cũng hung dữ, tối tăm và ô uế. Sự xấu xa nầy là kết quả của "các hoàng hậu ngoại" (I Các vua 11:1-8); vì "Sa-lô-môn tríu mến những người nữ ấy." Chính mình vua cũng bị mê hoặc và dẫn đến sự thờ các thần lạ. Có lẽ có một sự gì trong chính "tấm lòng rộng rãi" của Sa-lô-môn, đi trước cả sự hiểu biết bởi truyền khẩu của đời mình, và những tư tưởng cao và rộng về Ðức Chúa Trời, đến nỗi Sa-lô-môn sẵn sàng sa ngã. Khi nhận biết điều gì chơn thật trong những đạo khác, thì Sa-lô-môn không còn gớm ghiếc điều dối trá tại đó. Có lẽ còn có chứng cớ chính trị lẫn lộn với sự khuynh hướng đó. Có lẽ Sa-lô-môn đã hy vọng, bởi chính sách tự do tín ngưỡng, làm hòa với những vua lân cận, để dẫn họ đến sự thông thương rộng rãi hơn, song có lẽ cũng có một ảnh hưởng khác ít thường thấy. Sự tuyên truyền đức tin ở phương Ðông trong những tài ma thuật của Sa-lô-môn không phải không có nền tảng của sự thật. Khỏi ít lâu, có những tàn hại tiếp theo làm kết quả tự nhiên của sự sai lầm về chính trị cũng như tội lỗi về tôn giáo. Sức mạnh của dân Y-sơ-ra-ên là căn cứ ở sự hiệp một và sự hiệp một là nhờ đức tin của quốc dân. Bất luận lễ nghi về phần xác mà Sa-lô-môn dẫn vào có những hấp lực gì đối với phần lớn dân sự, song những thầy tế lễ và người Lê-vi chắc không vui khi thấy những sự thờ lạy ganh đua đó.Bởi thế, sự sốt sắng của ban thứ tiên tri bấy giờ bừng lên phản đối hết sức (I Các vua 11:28-39). Vua thử ngăn trở cuộc vận động mạnh mẽ nghịch cùng mình song vô hiệu. Những sự ghen ghét giữa các chi phái xưa bấy giờ trở lại. Ép-ra-im một lần nữa sửa soạn tranh với Giu-đa về địa vị đứng đầu. Tiên tri A-hi-gia tỏ cho Giê-rô-bô-am là người Ép-ra-im, "trẻ tuổi và có tài nghệ," biết Ðức Chúa Trời sẽ xé 10 chi phái khỏi tay Sa-lô-môn mà cho người (I Các vua 11:28,29), và Giê-rô-bô-am từ đó trở nên người phản đối Sa-lô-môn, song chỉ lên ngôi cai trị 10 chi phái khi Sa-lô-môn băng và Rô-bô-am nối ngôi. Bên trong có sự suy nhược lại thêm sự công kích bên ngoài. Vua bấy giờ, chóng "già yếu," chắc đã thấy trước sự chia rẽ mau chóng của nước quân chủ lớn mà mình kế vị. Về những sự thay đổi trong trí và lòng đi đôi với sử ký nầy, Kinh Thánh chỉ nói đến ít. Có thể biết một đôi điều từ những sách có tên của vua, và từ ít tài liệu còn lại ở các bài hát, châm ngôn và bài luận thuyết mà sử gia nói đến (I Các vua 4:32,33). Chỉ có những lời rút còn lại từ 3000 câu Châm Ngôn. Về 1005 bài hát ta không biết chút gì cả. Những bài kể trên tỏ ba bậc trong đời sống Sa-lô-môn: a) Nhã Ca tỏ ra sự sáng láng của thời niên thiếu. b) Kế đến sách Châm Ngôn ở bậc tư tưởng thực hành và cẩn thận. Thi sĩ đã trở nên nhà triết học, người thông biết sự thuộc linh từ Chúa trở nên một nhà luân lý. Người vượt qua cả hai bậc, song không có lợi gì mãi mãi. Hai bậc đó dường như chỉ là những sự đã biết trong đời sống mình tức "thảy đều hư không" (Truyền đạo 1:; 2:). c) Bởi đó như tỏ ra trong những lời xưng nhận của nhà Truyền đạo, thấy có sự báo ứng lớn.
       V. Những chuyện hoang đường.-- Quanh những thực sự của lịch sử, như trung tâm điểm, còn thâu họp được rất nhiều phù ngôn kỳ khôi của người Do-thái, tín đồ Ðấng Christ, và Hồi giáo. Nay ở trong Targums về sách Truyền đạo, cũng thấy nhiều truyện lạ về tính cách Sa-lô-môn để lại những thuật, những phép chữa bịnh và trừ các quỉ. Sự khôn ngoan của vua khiến có thể thông giải tiếng của loài thú, loài chim. Sa-lô-môn biết những đức tánh bí mật của đá quí và cây cỏ. Trí tưởng tượng của người A-rạp cũng bày nhiều sụ còn lạ hơn. Sau một cơn chiến đấu mạnh mẽ với Afreets và Jinns, Sa-lô-môn chinh phục chúng và ném chúng xuống biển, Sa-lô-môn có một nhẫn ma thuật tỏ cho mình biết quá khứ, hiện tại và tương lai. Nữ hoàng Sê-ba đến thăm viếng Sa-lô-môn cũng hiến ba hay bốn tiểu thuyết nữa.
       Ta qua từ những truyện hoang đường của người Do-thái và những phù ngôn đến một điều khác hoàn toàn trái ngược hết thảy. Sự dạy dỗ của Tân Ước không thêm gì cho vào tài liệu để viết tiểu sử Sa-lô-môn. Sự dạy dỗ đó giúp đỡ ta biết lượng thật của đời sống đó. Chúa Jêsus có phán đoán về sự sang trọng của vua: "Dẫu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không mặc áo tốt như hoa nào trong giống đó" (Ma-thi-ơ 6:29). Chỉ Con thật của Ða-vít sanh ra sau, có thể làm ứng nghiệm những sự ước ao của lời tiên tri đã tỏ ra lúc Sa-lô-môn ra đời. Chúa là Shelomôn thật, Chúa bình an, Giê-đi-đia thật, Ðấng Ðức Cha yêu dấu.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.