Sa-ma-ri. Samarie.

        



      I. Thành.-- Kinh đô của mười chi phái trong thời kỳ dài nhứt của lịch sử các chi phái đó. Thành Sa-ma-ri được lập lên bởi Ôm-ri, vua của Y-sơ-ra-ên, trên một đồi mua với giá hai ta lâng bạc. Tên của người chủ đất trước là Sê-me, có nghĩa là sự tỉnh thức, canh gác, giữ lấy, thì gợi ý là tên thích hợp với thành ở trên núi. Theo ý đó, Ôm-ri đặt tên thành nầy là Shomeron, nơi canh gác (I Các vua 16:24). Chỗ cao nhứt mà thành bao trùm có khi gọi là núi của Sa-ma-ri (A-mốt 4:1; 6:1). Thành nầy ở giữa một trũng phì nhiêu (Ê-sai 28:1). Nơi đó rất khéo lựa chọn đến nỗi thành cứ tiếp tục là kinh đô của nước cho đến khi mười chi phái bị bắt làm phu tù, những vua liên tiếp cai trị, và khi chết được chôn tại đó (I Các vua 16:28,29; 20:43; 22:10,37,51, v.v.).
       Thành Sa-ma-ri được xây cất vừa xong trước khi có chiến tranh giữa Bên-ha-đát I, vua Sy-ri với Ôm-ri. Bên ha-đát, nếu người con đã nói thật, được thắng hơn, và muốn đẹp lòng người thắng trận, Ôm-ri phải làm những phố riêng trong Sa-ma-ri cho các nhà thương mại Sy-ri (I Các vua 20:34). Trong đời vua A-háp trị vì, là con của Ôm-ri và là người kế tự, Bên-Ha-đát II có vây thành song vô hiệu (I Các vua 20:1-21). Trong hoặc gần thành có một hồ chứa nước, trên bờ hồ đó, những người theo hầu vua A-háp rửa xe vấy máu đã dùng mang xác vua từ Ra-mốt Ga-la-át về nhà (I Các vua 22:38). Trong đời trị vì có lẽ của Giô-ram, Bên-Ha-đát II lại vây thành song không hạ được (II Các vua 6:8-7:20). Những trưởng lão ở tại Sa-ma-ri sợ mất lòng Giê-hu, thì vâng lịnh người mà giết 70 con A-háp (10:1-10).
       Từ buổi khởi lập, thành đã mang tiếng về sự thờ hình tượng. A-háp dẫn đường cho sự thờ thần ngoại bằng cách xây dựng một đền thờ và bàn thờ cho Ba-anh (I Các vua 16:32), và như trong đời vua trị vì có nói đến 400 tiên tri của thần A-sê-ra ăn tại bàn của hoàng hậu Giê-sa-bên (18:19), có lẽ thần tượng gọi bằng tên đó còn lại cho đến đời Giê-hu (II Các vua 13:6). Sùng bái thần tượng đó cũng có sự bại hoại về đạo đức (Ô-sê 7:1-8; 13:16; A-mốt 4:1; 8:14). Chống với những sự thờ lạy đó có tiên tri Ê-li (I Các vua 18:) Ê-li-sê cũng lấy thành phố làm trụ sở của mình (II Các vua 5:3-9; 6:32), và chắc chắn tiên tri Ô-sê cũng làm việc tại đó. Nhiều tiên tri ngăm đe Sa-ma-ri và nước sẽ bị đoán phạt (Ê-sai 7:9; 8:4; Giê-rê-mi 31:5; Ê-xê-chi-ên 16:46,51,53,55; 23:33; Ô-sê 8:5,6; 13:16; A-mốt 3:12; Mi-chê 1:5-9). Cuối cùng, sự khốn khổ đã ngăm đe xảy đến. Người A-sy-ri dưới quyền Sanh-ma-na-se, 724 T.C., khởi sự xây thành và ba năm sau, 722 T.C., vua A-sy-ri chiếm được thành (II Các vua 17:3-6). Vinh hiển của sự hạ được thành thì Sa-gôn nhận thuộc về mình. Người kế vị Sanh-ma-na-se và người lên ngôi năm đó (Xem bài Sa-gôn). Những kẻ chinh phục lại đem những người ngoại bang đến ngụ tại thành (II Các vua 17:24). Năm 332 hay 331 T.C., Alexandre le Grand chiếm lấy thành Sa-ma-ri, và dời dân cư tới Si-chem, đem những người Sy-rô-Ma-xê-đoan thay thế cho. Chừng năm 109 T.C., Jean Hyrcan vây thành Sa-ma-ri, xây một tường bọc quanh thành dài chừng 80 Ếch-ta-đơ hoặc độ 15 cây số. Thành chống giữ được một năm, song cuối cùng vì đói kém nên buộc phải hàng. Người đắc thắng phá hủy hết cả thành, và cố thử xóa bỏ những chứng cớ tỏ ra chẳng bao giờ có một thành ở trên núi. Vào đời Alexandre Jannaeus thì thành lại có người ở. Pompey lấy thành làm phụ cận của tỉnh Sy-ri. Gabinius sau lại xây đồn lũy. Cuối cùng, thành được xây lại và làm cho vững chắc bởi Hê-rốt Lớn, gọi là Sebaste, một tiếng Hy-lạp đối ngang với chữ Augustus, tên của chủ Hê-rốt, là hoàng đế La-mã thứ nhứt.
       Tại Sa-ma-ri Phi-líp giảng Tin lành làm việc có kết quả (Công vụ các sứ đồ 8:5-8) và Si-môn, người thuật sĩ dường như trở lại tin Chúa (9-13). Muốn xem xét kết quả của Phi-líp, Phi-e-rơ và Giăng có một lần từ thành Giê-ru-sa-lem đến (14-25).
       Nay, người ta đều tin nơi có thành Sa-ma-ri xưa là một với es-Sebustieh, một làng và nơi đổ nát trên một núi độ 9 cây số Tây bắc thành Si-chem, trung ương xứ Pha-lê-tin. Hai sườn núi thì dốc, đỉnh núi là một mặt bằng phẳng, từ Ðông sang Tây chừng 1 cây số rưỡi. Có những trụ đã gãy, lớn, có khi chạm, bằng đá, chắc là từ những nhà quan hệ và những đống dơ dáy. Có ít rác đổ xuống từ chỗ cao hơn, gợi ý lời tiên tri của (Mi-chê 1:6).
       II. Nước.-- Xem II Các vua 19:24. Vì là địa giới của mười chi phái hay là nước Y-sơ-ra-ên, thì lúc đó Sa-ma-ri cũng được nói đến như là nước đó (I Các vua 13:32; 21:1; II Các vua 17:24; Nê-hê-mi 4:2; Ê-sai 7:9; Giê-rê-mi 31:5; Ê-xê-chi-ên 16:46; A-mốt 3:9).
       III. Xứ.-- Ðịa phận của Sa-ma-ri, chiếm giữ miền trung ương Pha-lê-tin, ở giữa Ga-li-lê phía Bắc và Giu-đê phía Nam. Josèphe không mô tả rõ các giới hạn của Sa-ma-ri song nói rõ giới hạn phía Bắc đi qua "một làng tức là đồng bằng lớn gọi là Ginea." Nơi nầy dường như là Ên-ga-nim (Giô-suê 19:21; 21:29) ở góc Nam đồng bằng Esdraelon. Ðịa giới miền Nam là Acrabattene, chừng 10 hoặc 11 cây số ở phía Nam Si-chem. Sa-ma-ri lan rộng đến sông Giô-đanh ở phía Ðông, song không tới Ðịa-trung-hải ở phía Tây. Accho thuộc về xứ Giu-đê. Sách Talmud nói Antipatris là giới hạn phía Tây. Sa-ma-ri bao gồm cả những phần đất của Ma-na-se xưa ở phía Tây sông Giô-đanh, và của Ép-ra-im với một phần của Y-sa-ca và Bên-gia-min. Pompey, năm 63 T.C., liên lạc xứ nầy vào tỉnh Sy-ri. Năm 6 S.C., hoàng đế Au-gút-tơ lập Giu-đê, Sa-ma-ri và Y-đu-mê trong một phần của quận Sy-ri gọi là tỉnh Giu-đê và đặt ở dưới quyền các quan tổng đốc, và sự sắp đặt nầy thấy trong đời Cứu Chúa Jêsus.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.