Sa-mu-ên. Samuel ("được bởi lời cầu xin Ðức Chúa Trời," hay có lẽ "được Ðức Chúa Trời nghe lời cầu xin").

      


      Sa-mu-ên là quan xét cuối cùng, và là đấng tiên tri tiếp nối thứ nhứt (Môi-se là một tiên tri, Phục truyền luật lệ ký 18:15, song đúng hơn là người ban dố luật pháp; Công vụ các sứ đồ 3:24 chép "Hết thảy các đấng tiên tri đã phán, từ Sa-mu-ên và các đấng nối theo người;" 13:20 tỏ rằng Sa-mu-ên là người nối theo trước nhứt); là người sáng lập nền quân chủ. Sa-mu-ên là tên đặt cho hai sách kỷ niệm sự lập nền nước thứ nhứt dưới Sau-lơ, và sự vững lập trong đời Ða-vít và dòng dõi người.
       I. Thời thơ ấu.-- Sa-mu-ên là con của Ên-ca-na, ở Ra-ma-tha-im Xô-phim, trên núi Ép-ra-im, và An-ne, vợ bé người. Cha của Sa-mu-ên, dầu ra từ dòng Cô-rê, người Lê-vi, nhưng sống ở trên núi Ép-ra-im và nhập vào chi phái Ép-ra-im. Ấy cũng như người Lê-vi trong Các quan xét 17:7 là "về nhà Giu-đa" bởi sự nhập vào. Trên đỉnh núi của Ra-ma-tha-im Xô-phim, có thành Sa-mu-ên sanh ra, sau ở tại đó, dưới chơn núi có một giếng chứa nước lớn (I Sa-mu-ên 19:22). Ðang khi ngủ trong nơi thánh, Sa-mu-ên nghe tiếng gọi thứ nhứt của Ðức Chúa Trời, song Sa-mu-ên "chưa biết Ðức Giê-hô-va" tức bởi sự khải thị riêng (I Sa-mu-ên 3:7 so 1; Công vụ các sứ đồ 19:2). Mãi đến lần kêu gọi thứ ba (so Gióp 33:14), và bởi sự dạy dỗ của Hê-li, Sa-mu-ên đáp lời: "Xin hãy phán, kẻ tôi tớ Ngài đang nghe." Vì nghĩ đến tình cảm của Hê-li, nên Sa-mu-ên, nằm đến sáng không thuật lại sự hiện thấy của Ðức Giê-hô-va, song chỉ khi Hê-li xin thì người thuật lại hết cả. Sự mềm mại của con trẻ Sa-mu-ên càng tăng thêm sự gớm ghê của lời đoán phạt bởi con trẻ báo cho thầy tế lễ già đó. Từ đó, cả Y-sơ-ra-ên, từ Ðan phía cực Bắc cho đến Bê-e-Sê-ba phía cực Nam, nhận rằng Sa-mu-ên được lập làm tiên tri của Ðức Giê-hô-va vì "ấy là tại Si-lô mà Ðức Giê-hô-va hiện ra cùng Sa-mu-ên khiến cho người biết lời của Ngài" và "Ngài chẳng để một lời nào của người ra hư."
       Chức vụ.-- Hai mươi năm qua sau khi tôn giáo và nhà nước đã sụp đổ tại chiến trận tai hại ở Ê-bên-Ê-xe, và sự hủy Si-lô và chỗ thờ phượng Ðức Chúa Trời (I Sa-mu-ên 7:2,3, v.v.). Kế đến, Sa-mu-ên lại hiện ra và khuyên Y-sơ-ra-ên, than thở với Chúa, xin "trừ bỏ" những thần tượng, nhứt là Át-tạt-tê (mỗi người ngoài những tội chung, còn có tội riêng dễ phạm), và "hết lòng theo Ðức Giê-hô-va." Nhóm họp dân sự tại Mích-ba, Sa-mu-ên đổ nước trước mặt Ðức Giê-hô-va và xưng tội, và làm dấu về sự yếu đuối hoàn toàn không có quyền phép của họ (II Sa-mu-ên 14:14), sự tan chảy trong lòng họ bởi sự đau khổ (Thi Thiên 22:14; 58:7; Ê-sai 12:3; Giăng 7:37). Thật biết mình yếu đuối ấy là điều kiện cần thiết để được sức mạnh cao cả (Ê-sai 40:29,30; II Cô-rinh-tô 12:9,10). Dân sự nghe rằng các chúa của dân Phi-li-tin đến nghịch cùng họ thì xin Sa-mu-ên "chớ vì họ mà ngừng kêu cầu Ðức Giê-hô-va Ðức Chúa Trời để Ngài giải cứu họ khỏi tay người Phi-li-tin." Chúa đã nghe (Thi Thiên 119:6; Giê-rê-mi 15:1). Khi Sa-mu-ên đang dâng của lễ thiêu thì dân Phi-li-tin đến gần đặng đánh trận; và Giê-hô-va làm cho họ thua vỡ chạy bởi có sấm sét nổ vang, Y-sơ-ra-ên đuổi họ cho tới Bết-cạt. Chính nơi đó, hai mươi năm trước, Y-sơ-ra-ên đã bị thua, nay Y-sơ-ra-ên lập hòn đá Ê-bên-Ê-xe để kỷ niệm thắng trận hơn người Phi-li-tin bởi có Ðức Giê-hô-va giúp đỡ (I Sa-mu-ên 7:7-14). Những người Phi-li-tin trả lại các thành và các quận liền nhau mà họ đã chiếm của Y-sơ-ra-ên, gần Éc-rôn và Gát, những thành của người Phi-li-tin; và công hiệu của sự đắc thắng Y-sơ-ra-ên đối với người A-mô-rít, là họ giữ sự bình an với Y-sơ-ra-ên (so Giô-suê 10:6; Các quan xét 1:34,35). Sa-mu-ên đi vòng quanh làm quan xét tại Bê-tên, Ghinh-ganh, và Mích-ba, ba thành chính ở phía sông Giô-đanh. Nhà của Sa-mu-ên và nơi trung ương của người đoán xét là Ra-ma, và tại đó người lập một bàn thờ.
       Thật là lạ mà nói, mặc dầu có sự cảnh cáo gớm ghê về Hê-li không biết sửa dạy con mà Sa-mu-ên và hai con là Giô-ên và A-bi-gia là người Sa-mu-ên đã làm quan xét tại Bê-e-Sê-ba, chúng không giống như Sa-mu-ên, song chiều "theo lòng tham của, nhận lấy hối lộ, làm trái lệch sự công bình" (I Sa-mu-ên 8:1-3). Người cha dường như đáng quở trách, song ấy là tì vít duy nhứt của Sa-mu-ên. Ðây là dịp cho các trưởng lão trong dân Y-sơ-ra-ên đòi một vua. Không thỏa lòng nghe tiếng kêu nài, Sa-mu-ên có một nguồn không hề thiếu, người cầu nguyện Ðức Giê-hô-va, Ðức Giê-hô-va phạt họ bằng cách cho điều họ ước ao (Thi Thiên 106:15); ấy vì không phải chỉ là chối bỏ Sa-mu-ên thôi song thật là chối bỏ chính Ðức Giê-hô-va. Dầu vậy, Chúa không chịu thoái vị, vẫn giữ thần quyền, vua chỉ là người thay mặt Ðức Giê-hô-va hành chức và chỉ có một điều kiện là phải ngay thẳng với Ðấng ở trên cao. Y-sơ-ra-ên, dưới sự bất trung của Sau-lơ, tại Ghinh-bô-a, bởi sự từng trải cay đắng học biết rằng nhờ vua binh vực là vô ích, chỉ phản chiếu tánh xác thịt vô tín của họ. Mặc dầu sự cảnh cáo của Sa-mu-ên về những sự tàn bạo của vua, Y-sơ-ra-ên cố nài xin cho được một vua, vì "muốn như các dân tộc khác," để "đoán xét" và "đánh giặc cho" họ. Họ ưa một bàn tay xác thịt hơn là sự bảo hội thuộc linh của Ðức Giê-hô-va dưới Sa-mu-ên. Bởi vậy, Sa-mu-ên phải xức dầu cho Sau-lơ theo sự chỉ dẫn của Ðức Chúa Trời, và sau khi Sau-lơ đắc thắng hơn Na-hách thì làm mới lại nước tại Ghinh-ganh; tại đây, Sa-mu-ên nhắc nhở cho dân sự biết sự thanh liêm trong đời quá khứ mình khi hành chức, là lúc sự hối lộ rất nhiều. Dân chúng làm chứng sự thanh sạch của Sa-mu-ên, và bởi đó người được gọi là Aristide của dân Y-sơ-ra-ên. Ðức Chúa Trời làm sấm sét đến trong lúc bất thường, bấy giò là tháng 5 hoặc tháng 6, mà tuyên bố cả hai điều: lòng thanh liêm của Sa-mu-ên cà tội lỗi của dân sự. Sa-mu-ên làm cho vững lòng họ, nói rằng thế nào Chúa cũng tha tội và ban phước cho họ, miễn là họ ngay thẳng với Ngài; trái lại, thì Ngài sẽ hủy diệt họ lẫn vua họ (I Sa-mu-ên 9:-12:).
       Về chức Tiên kiến của Sa-mu-ên, xem bài Tiên tri. Dân sự thường cầu hỏi đấng tiên kiến về mọi việc khó khăn (I Sa-mu-ên 9:6-10), và các trưởng lão run sợ trước người đến, vì làm đại biểu cho quyền phép và sự thánh khiết siêu nhân (16:4,5). Công việc thuộc linh đặc biệt của người là không thôi cầu nguyện Ðức Giê-hô-va, "cả đêm" bằng sự cầu nguyện thay (I Sa-mu-ên 15:11; 7:7,8). Vậy, Ðấng người làm hình bóng cũng "thức thâu đêm cầu nguyện Ðức Chúa Trời" (Lu-ca 6:12). Việc đặc sắc khác là Sa-mu-ên làm chứng dạn dĩ về luật pháp Ðức Chúa Trời, như đấng tiên tri, cả trước Sau-lơ khi vua phạm luật đó. Sa-mu-ên giữ lấy quyền cao cả về sự cai trị của Ðức Chúa Trời trên việc cai trị của người, ngay từ hồi khởi lập nước. Của lễ hy sinh của Sa-mu-ên không phải như của thầy tế lễ, song như của người Lê-vi và tiên tri được Ðức Chúa Trời kêu gọi đặc biệt để làm điều đó, dầu không phải là thuộc về nhà A-rôn, ấy là triệu chứng của một thời đại tốt hơn, trong đó không phải chỉ có một chi họ hoặc giai cấp được hưởng ơn, song hết thảy đều có đặc quyền làm vua kiêm chức tế lễ cho Ðức Chúa Trời. Tội lỗi của Sau-lơ không phải ở chỗ cướp chức thầy tế lễ, song là bởi sự không vâng phục Ðức Chúa Trời mà Ðấng tiên tri làm đại biểu (I Sa-mu-ên 10:8; 13:8; 15:). Vào dịp nầy, Sa-mu-ên tuyên đọc nguyên tắc vĩnh viễn "sự vâng lời tốt hơn của tế lễ," tức là không phải không cần đến của lễ, vì Ðức Chúa Trời truyền lịnh như vậy, song không thể lấy của lễ làm áo che sự nhãng bỏ mục đích đạo đức thuộc linh vì sự đó mà có mạng lịnh cần đến của lễ. Sa-mu-ên lìa xa Sau-lơ, là người ưa có bộ mặt tiên tri trước dân sự. Người xé áo làm hình bóng về sự xé nước khỏi Sau-lơ. Sa-mu-ên không thấy Sau-lơ nữa, song vẫn phiền não về người tự đưa mình đến chỗ đoán phạt mà không thể cất khỏi được, cho đến khi Ðức Giê-hô-va phải hỏi: "Ngươi buồn rầu về việc Sau-lơ cho đến chừng nào? Ta đã từ bỏ nó hầu cho nó không còn làm vua trên Y-sơ-ra-ên nữa" (16:1 so Thi Thiên 139:21,22). Lòng thiện cảm mềm mại chẳng bao giờ để Sa-mu-ên công nhận Sau-lơ trước dân sự, song nay Sa-mu-ên được kêu gọi đến xức dầu cho người khác thế cho Sau-lơ, và là người đồng tâm tình với Ðức Chúa Trời trong mọi việc Ngài làm.
       Sa-mu-ên mở "trường các tiên tri" có con các đấng tiên tri theo học tại đó, sự dạy dỗ, ngoài luật pháp, còn có âm nhạc thánh, ca hát và rước (I Sa-mu-ên 10:5,10; 19:19,20; I Sử ký 25:1,6). Ða-vít trốn đến trường nầy như là nhà thuộc linh mình. Kế đến, Sau-lơ sai sứ giả đến bắt người trước mặt Sa-mu-ên, ấy thật sỉ nhục đấng tiên tri, song chính Sau-lơ cũng được ở dưới quyền của Thánh Linh. Tại đây, Ða-vít học những điều thuộc về thi ca thánh và tiên tri sau người trở nên đại biểu lớn vậy.Như vậy, Sa-mu-ên là Cha thuộc linh của người, và là người sáng lập những trường thuộc linh mà các trường đại học của đạo Ðấng Christ ngày nay là chồi hậu tự. Khi Sa-mu-ên chết (I Sa-mu-ên 25:1) hết thảy người Y-sơ-ra-ên hội họp lại và than khóc, rồi chôn Sa-mu-ên tại Ra-ma nơi nhà người.
       Sau trong lịch sử của Sa-mu-ên được nói đến như có hiện ra với Sau-lơ trong dị tượng tại Ên-đô-rơ trước ngày Sau-lơ qua đời (I Sa-mu-ên 28:11-20). Bà bóng cũng thấy đấng tiên tri, và rất sợ hãi. Sa-mu-ên được tả vẽ hiện ra như một ông già "mặc một cái áo tơi" (câu 14). Bằng một giọng nghiêm nghị và đắn đo, Sa-mu-ên nhắc lại án phạt chết nghịch cùng vua, vì không vâng phục Ðức Giê-hô-va, và báo rằng mai sẽ là ngày hành hình; các con của Sau-lơ cũng chết với người (câu 19), và cả dân sự cũng phải dự phần trong án phạt và đau khổ bởi có giữ một phần trong tội đó.
       III. Tánh nết.-- Sa-mu-ên chiếm một chỗ cao trong tư tưởng các văn sĩ, trong lời truyền khẩu, và trong sự quí chuộng của dân, ấy được tỏ ra suốt cả lịch sử. Sa-mu-ên là quan xét lớn nhứt và sau chót, là người thứ nhứt trong các tiên tri kế tiếp, và khánh thành nước Y-sơ-ra-ên và dòng dõi nhà Ða-vít dưới sự chỉ dẫn của Chúa. Bởi đó, không phải không có cớ nhìn nhận rằng Sa-mu-ên về nhân cách và quan trọng chiếm địa vị thứ hai sau Môi-se đối với dân sự. Trong những lời khuyên dạy và cảnh cáo của Sa-mu-ên có phản chiếu và nhắc lại những bài giảng của Môi-se trong Phục truyền luật lệ ký. Sa-mu-ên giải cứu dân sự khỏi tay người Phi-li-tin như Môi-se khỏi tay Pha-ra-ôn và người Ai-cập, và mở cho quốc dân một kỷ nguyên mới, có sự tấn bộ và trật tự dưới quyền cai trị của các vua mà họ đã ước ao. Như vậy, giống như Môi-se, Sa-mu-ên đóng trật tự cũ, mà lập dân sự trước quang cảnh sáng láng hơn, trên những nền tảng của sự thạnh vượng và lớn lao của quốc gia. Tánh nết và lời nói đều cao thượng, trung tín với Ðức Giê-hô-va, Sa-mu-ên không phải không xứng đáng đặt ngang hàng với đấng lập luật pháp. Truyện tích về đời của Sa-mu-ên không bị hư xấu bởi một công việc hoặc lời nói nào không xứng đáng với chức vụ và quyền lợi người. Mấy lời trưng dẫn về Sa-mu-ên trong văn chương đời sau là: Thi Thiên 99:6; Giê-rê-mi 15:1; I Sử ký 6:28; 9:22; 11:3; 26:28; 29:29; II Sử ký 35:18 đều tỏ ra danh và kỷ niệm của Sa-mu-ên được những đồng bào trong các đời sau quí chuộng biết dường nào!

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.