Sa-tan. Satan.

       



      Tên nầy bằng tiếng Hê-bơ-rơ là satan tức "kẻ đối địch" do động từ Sàtan tức "rình đợi trước cửa" (Sáng thế ký 4:7). Bằng tiếng Hy-lạp là satán hoặc Satanás, tức "kẻ đối địch;" cũng gọi là ó diabolos tức "ma quỉ," kẻ đối địch hoặc kẻ kiện cáo; chỉ một lần Khải Huyền 12:10 dùng Katégor tức kẻ kiện cáo. Chúa cũng dùng tên Sa-tan theo nghĩa "cừu địch" khi trách Phi-e-rơ trong Ma-thi-ơ 16:23. Trong Cựu Ước chỉ dùng Sa-tan làm tên riêng trong I Sử ký 21:1; Gióp 1:6-12; 2:1-7; Thi Thiên 109:6; Xa-cha-ri 3:1,2. Về các tên của Sa-tan (xem bài Ma quỉ). Trong bài nầy ta chỉ luận về Sa-tan (ma quỉ) như Chúa đã tỏ ra trong Kinh Thánh, vì Cựu Ước chép ít nên phải nhờ Tân Ước có chép nhiều hơn.
       I. Sa-tan là một ngôi vị thực hữu.-- Kinh Thánh tỏ rõ thật có một Ác thần, song chỉ dần dần được khải thị theo phương pháp mở mang của Chúa. Lần đầu tiên sự giữ nhập vào thế gian, chỉ chép sự cám dỗ do con rắn. Suốt cả thời kỳ của các tổ phụ và dân Do-thái Kinh Thánh chỉ tỏ ra cách mờ mờ như thế về Nguồn của sự dữ. Sách Gióp lần thứ nhứt minh chứng đặc biệt về Sa-tan tỏ ra thật là kẻ cừu địch. Song nên chú ý, tại đó tỏ ra Sa-tan phải suy phục Chúa, chỉ có quyền đại biểu, thật không có sự kinh khiếp và vĩ đại. Ấy vì Sa-tan chỉ có quyền về tình cảnh bề ngoài, song không có quyền ảnh hưởng trên tâm linh người có Chúa cai trị.
       Khi dân Y-sơ-ra-ên bị bắt làm phu tù sang Ba-by-lôn thì được biết về thần thoại Ba-tư, tức sự tranh đấu giữa hai vị thần thiện (Ormazd) và ác (Ahriman). Trong các sách viết sau khi dân Y-sơ-ra-ên từ phu tù về, có dẫn tên Sa-tan hai lần (I Sử ký 21:1; Xa-cha-ri 3:1,2); song ai cũng công nhận Sa-tan chép trong Kinh Thánh không giống Ahriman của người Ba-tư. Kinh Thánh cứ mô tả địa vị suy phục và hạ đẳng của Sa-tan.
       Trong khoảng giữa Cựu và Tân Ước, dầu chưa chép nhiều, nhưng dân Do-thái đã để trí về ảnh hưởng thuộc linh của sự dữ. Dầu vậy, trong các sách Apocryphe (Tobie, Judith, v.v.) chỉ nói đến các "quỉ dữ" chớ không nói đến Sa-tan. Josèphe cũng thế. Các chuyện bịa và mê tín càng thêm về ảnh hưởng thuộc linh của sự dữ; song sự thực hữu và bổn thể của quỉ Sa-tan còn giấu, chỉ được cảm biết mà không hiểu được. Tân Ước là trước nhứt chép rõ về Sa-tan. Bắt đầu từ sách Tin lành chép Sa-tan hiện ra như kẻ cám dỗ Chúa, và suốt các sách Tin lành, thơ tín và Khải Huyền vẫn chép hay tỏ ra như thế, tức là lẽ thật rất quen biết và quan hệ. Ðây không cần nhờ đến các lời chép khác, chỉ những lời chính Chúa phán trong Giăng 8:44 thì đủ rồi.
       II. Bổn thể và địa vị ban đầu của Sa-tan.-- Về phần nầy Kinh Thánh chỉ tỏ ít mà thôi. Ê-phê-sô 2:2 chép Sa-tan là "thần," là "vua cầm quyền chốn không trung," (là kẻ cai quản các quỉ dữ (Ma-thi-ơ 12:24-26), và có "quỉ sứ" dưới quyền nó (Ma-thi-ơ 25:41; Khải Huyền 12:7-9). Theo Kinh Thánh mô tả quyền phép Sa-tan chỉ về một bổn thể thuộc linh và ảnh hưởng thuộc linh. Bởi vậy, có thể kết luận Sa-tan có bổn thể như thiên sứ, là một vật thọ tạo thuần lý và thuộc linh, có quyền phép, khôn ngoan, và nghị lực trổi hơn người; chẳng những thế thôi, còn là thiên sứ trưởng, một trong những thiên sứ đứng đầu trên trời. Tự nhiên, ta không thể nhận rằng Ðức Chúa Trời đã tạo ra một vật gì nguyên có thể yếu dữ. Bởi đó, chỉ có thể định rằng Sa-tan là một thiên sứ sa ngã, đã qua một thời gian thử, song bây giờ sự đoán phạt đã nhứt định chẳng hề thay đổi.Về thời kỳ, duyên cớ và cách sa ngã của Sa-tan, Kinh Thánh chỉ chép vừa đủ điều ta phải biết. Có người tin Ê-xê-chi-ên 28:12-15 mô tả Sa-tan như vốn được dựng nên, và tin Ê-sai 14:12-14 mô tả sự sa ngã và thế nào tội lỗi bắt đầu trong vũ trụ nầy. Khúc mà lời truyền khẩu và văn chương hay dùng đến nhiều là Khải Huyền 12:7-9, song đó không chỉ về sự sa ngã đầu tiên của Sa-tan. II Phi-e-rơ 2:4 và Giu-đe 6 chép về các thiên sứ sa ngã, song dường như không gồm có Sa-tan và các quỉ nó, vì chúng trói buộc bằng xiềng nơi tối tăm để chờ sự phán xét, trái lại Sa-tan còn có phép đi dạo như kẻ cám dỗ và kẻ cừu địch cho đến kỳ nhứt định của nó đã tới.
       Ngoài các câu kể trên, cũng phải xét lời Chúa phán trong Lu-ca 10:18 "Ta đã thấy quỉ Sa-tan từ trời sa xuống như chớp." Ðây chắc chỉ về sự sa ngã đầu tiên của Sa-tan song không nói vì cớ nào và cách nào. Chúa cũng nói đến trong Giăng 8:44, song chắc ngụ ý đến việc đầu nhứt Sa-tan hành động trên người. I Ti-mô-thê 3:6 chép rõ hơn hết: "e người tự kiêu mà sa vào án phạt của ma quỉ chăng." Ấy kết luận rằng sự kiêu ngạo là duyên cớ Sa-tan bị án phạt.
       Kinh Thánh mô tả rất rõ bổn tánh đạo đức của kẻ Ác tức Sa-tan. Lý tưởng của sự thiện bằng ba đặc sắc lớn thuộc Ðức Chúa Trời là: sự yêu thương, lẽ thật và thanh sạch; cả ba đều liên lạc vối đức tin của thần linh người, là người thọ tạo hữu hạn, đã vâng phục Ðức Chúa Trời. Các đặc sắc trái với ba đức tánh đó đều thuộc về Sa-tan tức ma quỉ.
       III. Quyền Sa-tan trên linh hồn.-- Quyền ấy được hành động cách trực tiếp hoặc bởi các cơ quan của nó. Ảnh hưởng trực tiếp đó là từ một bổn thể có quyền và ác trên những người nào sẵn có đồng một mầm ác với nó. Vả lại, Kinh Thánh dạy Sa-tan đứng đầu chỉ huy một cơ binh gồm ác thần và quỉ sứ đều dự phần vào việc ác nó, mà "lửa đời đời đã sắm sẵn cho" (Ma-thi-ơ 25:41). Về căn nguyên và sự sa ngã của chúng Kinh Thánh không nói rõ. Chúng chắc không phải đồng một với các thiên sứ sa ngã và bị tù chép trong II Phi-e-rơ 2:4 và Giu-đe 6, song là một với "các quỉ" có quyền ám linh hồn người như chép trong Ma-thi-ơ 12:24-26. Kinh Thánh thường nói về quỉ ám song Ê-phê-sô 6:12 tả vẽ chúng như "chủ quyền," "thế lực," "vua chúa của thế gian mờ tối nầy," và "các thần dữ ở các miền trên trời," và như chúng tranh chiến với linh hồn người. Khải Huyền 12:7,9 chép chúng hiệp với "con rắn xưa, gọi là ma quỉ và Sa-tan" mà đánh với "Mi-chên và các sứ người," và bị quăng xuống với chủ mình. Vậy, vì dự phần về bổn thể Sa-tan, nên chúng thù nghịch với Ðức Chúa Trời và loài người luôn. Sa-tan chẳng những là chủ các quỉ, nhưng cũng gọi là "vua chúa của thế gian," (Giăng 12:31; 14:30; 16:11), là "chúa đời nầy" (II Cô-rinh-tô 4:4). Sa-tan chỉ có quyền đại biểu, như nói trong sự cám dỗ Chúa, nó nói như thế tỏ ra sự cám dỗ đó là thật (Lu-ca 4:6).
       Ðể thấy rõ việc hành động cách gián tiếp của Sa-tan, nên xét kỹ tên mà Kinh Thánh cũng đặt cho là Ó diabolos tức là ma quỉ. Cội rễ của tên đó chỉ có ý là bứt đứt các dây liên lạc giữa những người khác và làm cho họ "phản đối với nhau," song cách thường dùng cũng thêm một ý đặc biệt nữa là cho các người đó "phản đối nhau bằng sự phao vu." Và khi đặt tên ma quỉ cho Sa-tan, phải nhớ luôn cả hai ý đó. Mục đích chung là bứt đứt những dây giao thông giữa Ðức Chúa Trời với người và những dây lẽ thật và yêu thương ràng buộc người với nhau. Sự phao vu về Chúa với người thấy rõ trong Sáng thế ký 3:4,5 vì có ý nói "Ðấng ban cho mọi ân điển tốt lành" là ích kỷ và tham lam. Sự phao vu về người với Ðức Chúa Trời được tỏ ra trong sách Gióp 1:9-11; 2:4,5. Ma quỉ cũng gọi là "kẻ thù của anh em" (I Phi-e-rơ 5:8) và ấy thấy rõ trong Xa-cha-ri 3:1,2, và Khải Huyền 12:10 thêm nữa: "kẻ kiện cáo anh em ngày đêm trước mặt Ðức Chúa Trời." Thật khó hiểu vì cớ nào cần có kiện cáo hoặc phao vu dưới con mắt của Ðức Chúa Trời là Ðấng xem xét mọi sự. Mặc dầu, ấy tỏ ra cách hành động của Sa-tan trong lòng người tức tóm tắt bằng hai lời: cám dỗ và ám ảnh.
       Vấn đề cám dỗ chẳng những Kinh Thánh dạy mà chũng chép hai chuyện cám dỗ A-đam và Chúa Jêsus tỏ ra là thế nào. Như Gia-cơ 1:2-4, Kinh Thánh chép rõ cơn cám dỗ, nói cho đúng là sự thử thách là rất cần yếu cho người được trọn lành toàn vẹn, nên đã định trước và Chúa cho người bị thử như thế (Sáng thế ký 22:1). Vậy, Kinh Thánh tỏ ra người có thể bị thử ngay ở trong bổn tánh, ấy là dịp cho Sa-tan hành động điều ác. Bởi đó gọi Sa-tan là "quỉ cám dỗ" (Ma-thi-ơ 4:3; I Tê-sa-lô-ni-ca 3:5). Sa-tan có quyền, thứ nhứt: để bày ra một cách rất sung sướng những sự ước ao và ham mê mà hãm bắt người; thứ nhì: để hành động trên sự ao ước giả dối của ý muốn người tức muốn được độc lập. Ấy là một quyền người có thể chống cự được vì có quyền cao cả Chúa kiểm soát và cai trị (I Cô-rinh-tô 10:13; Gia-cơ 4:7, v.v.). Quyền Sa-tan về mặt tiêu cực có nói đến trong ví dụ người gieo giống, còn mặt tích cực thì tỏ ra trong ví dụ về lúa mì và cỏ lùng. Nó có quyền cám dỗ mặc dầu là một bổn tánh vô tội như sự cám dỗ Chúa. Song khi cám dỗ một bổn tánh đã hư hoại vì nguyên tội thì Sa-tan có quyền lớn hơn. Mỗi lần phạm tội thì người trở nên "tôi mọi của tội lỗi" (Giăng 8:34; Rô-ma 6:16), và bởi thế mở đường cho Sa-tan cám dỗ dễ dàng và công hiệu hơn.
       Về sự ám ảnh xem bài Quỉ ám.
       IV. Sự hữu hạn và số phận của Sa-tan.-- Trong II Phi-e-rơ 2:4 và Giu-đe 6 chứng quyết rằng Ðức Chúa Trời đã bỏ các thiên sứ phạm tội xuống Tartare tức vựa sâu tối tăm để chờ ngày phán xét. Ấy tỏ ra Chúa luôn kiểm soát các quyền loạn nghịch và chỉ ngày tận diệt chúng. Vậy sự trói buộc Sa-tan dường như hằng có và tuần tự. Sự hạn chế nước Sa-tan và sự lật đổ cuối cùng tả bóng trước trong Gióp 38:-41; và trong bốn đoạn đó cũng thấy quyền phép Chúa ngự trị trên Ác-thần.
       Theo ba sách Tin lành đầu ngay sau khi chịu lễ Báp-têm (Ma-thi-ơ 4:), Chúa bị cám dỗ, gặp, và tạm chinh phục Sa-tan như kẻ cừu địch của chính Ngài. Ấy là của cầm về sự đắc thắng trọn vẹn. Theo Lu-ca 10:18, khi 70 môn đồ trở về cách rất vui vì sự đắc thắng trên các quyền lực của sự dữ, thì Chúa phán: "Ta đã thấy quỉ Sa-tan từ trời sa xuống như chớp."Mỗi lần thắng quyền sự dữ, Chúa vẫn thấy sự sa ngã của Sa-tan: như khi Ngài gặp mấy người Hy-lạp kia, thì phán: "Hiện bây giờ, có sự phán xét thế gian nầy, và hiện nay vua Chúa của thế gian nầy phải bị xua đuổi" (Giăng 12:31); đối với sự thương khó, Ngài phán: "Vua chúa thế gian nầy hầu đến, người chẳng có chi hết nơi ta" (Giăng 14:30); về lời hứa Ðức Thánh Linh, Ngài phán: "Ðức Thánh Linh sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi,... vì vua chúa thế gian nầy đã bị đoán xét" (Giăng 16:8,11). Trong Hê-bơ-rơ 2:14,15 thấy Ðấng Christ lấy hình người "hầu cho Ngài bởi sự chết mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ." Trong I Giăng 3:8 chép "Con Ðức Chúa Trời đã hiện ra để hủy phá công việc của ma quỉ." Trong Khải Huyền 12:9 dầu chép Sa-tan với các sứ nó đều bị quăng xuống đất nhưng sự đoán phạt nó chưa trọn vẹn và cuối cùng.
       Khi so sánh các câu trên thì đủ biết không thể lập một chương trình theo thứ tự thời gian nhứt định, nhưng có thể hiểu rõ những đặc điểm về Sa-tan. Từ lúc ban đầu. Sa-tan bị hạn chế, lên án, cầm giữ; để dành lại cho ngày phán xét cuối cùng. Dầu lần lần nhưng sự án phạt là chắc chắn. Sự đắc thắng của Ðấng Christ tức là thất bại của Sa-tan: một, vì Ngài làm Ðầu và Cứu Chúa người (Giăng 14:30); hai, cũng là sự đắc thắng cho tín đồ (Lu-ca 22:31,32; Công vụ các sứ đồ 26:18; Rô-ma 16:20; Gia-cơ 4:7; I Giăng 2:13; 5:4,18); ba, vì ma quỉ sẽ bị quăng xuống hồ lửa và diêm nên cũng cho cả thiên hạ nữa (Khải Huyền 20:10).
       Tiến sĩ Scofield chú thích về Sa-tan:
       Ê-xê-chi-ên 28:12.-- Trong câu 12-15 cũng như trong Ê-sai 14:12, ngôn ngữ ngụ ý xa hơn vua Ty-rơ tức chỉ Sa-tan; là kẻ cảm hóa và quản trị vô hình những sự xa xỉ và tự cao như vua Ty-rơ đã có. Hai lần khác trong Sáng thế ký 3:14,15 và Ma-thi-ơ 16:23 chỉ đến Sa-tan cách gián tiếp như thế. Ðây Ê-xê-chi-ên., tả vẽ địa vị Sa-tan vốn có trước sa ngã, và Ê-sai 14:12-14 mô tả sự sa ngã đó. Lại nữa, sự hiện thấy đây không phải tỏ ra Sa-tan trong chính ngôi mình, song Sa-tan tỏ mình ra trong và bởi một vua thế gian cố đói cho mình những sự tôn trọng thuộc riêng về Chúa, đến nỗi vua Ty-rơ đó tả bóng con thú chép trong Ða-ni-ên 7:8; Khải Huyền 19:20.
       Ê-sai 14:12-14.-- Ðây "sao mai" (bản Anh: Lucifer) chắc chỉ về Sa-tan, là vua chúa tổ chức chính thể thế gian nầy (xem Giăng 7:7 và bài thế gian, lời chua Khải Huyền 13:8), thật là kẻ cai trị, dẫu vô hình, trên các cường quốc kế tiếp trong thế gian: Ty-rơ, Ba-by-lôn, Mê-đi Ba-tư, La-mã, v.v. (Ê-xê-chi-ên 28:12-14). Lucifer, tức "sao mai" ngoài Sa-tan không thể chỉ ai nữa. Khúc Kinh Thánh nầy rất quan hệ vì tỏ ra khởi điểm tội lỗi trong vũ trụ. Khi Lucifer nói "Ta sẽ..." thì mới bắt đầu có tội. Xem Khải Huyền 20:10, chua. Hai lần khác nói với Sa-tan bởi người khác là Sáng thế ký 3:15; Ma-thi-ơ 16:22,23.
       Sáng thế ký 3:1.-- Hình ảnh của rắn, trong vườn Ê-đen, không nên tưởng là một loài bò sát cong queo. Ấy là hiệu quả của lời rủa sả Chúa (3:14). Vật thọ tạo đã cho Sa-tan mượn thân mình có lẽ là tốt đẹp nhứt như là "quỉ quyệt" nhứt trong các loài thú, chỉ kém người. Mặc dầu lời rủa sả, còn có vết tích sự tốt đẹp đó. Mỗi cử động của rắn thì đẹp, và nhiều thứ rắn có màu sắc tốt. Nên nhớ, trong con rắn, lần thứ nhứt "chính quỉ Sa-tan mạo làm thiên sứ sáng láng" (II Cô-rinh-tô 11:4).
       Ma-thi-ơ 7:22.-- Xem bài Quỉ dữ.
       Khải Huyền 13:8.-- Xem bài Thế gian.
       Khải Huyền 20:10.-- Tóm tắt về Sa-tan. Sanh vật đáng kinh khiếp nầy dường như được tạo nên làm một trong các Chê-ru-bin (Ê-xê-chi-ên 1:5; và lời chua 28:12 ở trên), và được xức dầu để giữ một địa vị có quyền lớn, có lẽ trên cuộc tạo thành đầu nhứt (Sáng thế ký 1:2; Ê-xê-chi-ên 28:11-15), sa ngã bởi tự cao (Ê-sai 14:12-14). Chữ "Ta sẽ..." của nó trong Ê-sai 14:13 tỏ ra sự dẫn tội vào vũ trụ. Bị đuổi khỏi cõi trời (Lu-ca 10:18), nó lấy trái đất và khoảng không làm nơi hoạt động không mỏi mệt (Ê-phê-sô 2:2; I Phi-e-rơ 5:8). Sau khi Chúa dựng nên người, nó nhập vào con rắn, (Sáng thế ký 3:1), và lừa dối Ê-va bởi sự quỉ quyệt, để khiến A-đam sa ngã và bởi A-đam cả dòng dõi; bởi thế tội lỗi vào trong thế giới nhơn loại (Rô-ma 5:12-14). Giao ước với A-đam (Sáng thế ký 3:14-19) hứa Chúa sẽ tận diệt Sa-tan bởi "Dòng dõi người nữ." Kế đó, bắt đầu cuộc chiến đấu lâu dài của nó nghịch cùng công việc Ðức Chúa Trời làm cho người, nay hẳn còn. Chính thể trong thế gian hiện tại (Khải Huyền 13:8), tổ chức trên nguyên tắc của võ lực, ước muốn ích kỷ, dục vọng và sự sung sướng tội lỗi đều là công việc nó và là vật nó dùng hối lộ cho Ðấng Christ (Ma-thi-ơ 4:8,9). Ðối với chính thể thế gian, Sa-tan là "vua chúa" (Giăng 14:30; 16:11), và "chúa" (II Cô-rinh-tô 4:4). Như "vua cầm quyền chốn không trung" (Ê-phê-sô 2:2), nó đứng đầu một cơ binh lớn bằng các quỉ (Ma-thi-ơ 7:22), Nhờ phép Ðức Chúa Trời, nó cầm quyền sự chết trên đất (Hê-bơ-rơ 2:14). Bị quăng khỏi cõi trời, là phạm vi chính đáng và địa vị đầu tiên nó cũng còn được phép lên nơi Chúa ngự như là "kẻ kiện cáo anh em" (Khải Huyền 12:10), và được một quyền kia để sàng sảy hay thử rèn những tín đồ xác thịt hay tự ỷ sức mình (Gióp 1:6-11; Lu-ca 22:31,32; I Cô-rinh-tô 5:5; I Ti-mô-thê 1:20). Song quyền đó chỉ là quyền Chúa cho phép và hạn chế,và các tín đồ bị sàng sảy như thế vẫn giữ được đức tin là nhờ lời cầu thay của Ðấng Christ (Lu-ca 22:31,32; I Giăng 2:1). Khởi đầu cơn tai nạn, đặc ơn Sa-tan đến nơi ngai Chúa để kiện cáo sẽ bị cất đi (Khải Huyền 12:7-12). Khi Ðấng Christ tái lâm trong sự vinh hiển, Sa-tan sẽ bị xiềng trong một ngàn năm (Khải Huyền 20:2); sau đó lại được thả ra "một ít lâu" (Khải Huyền 20:3,7,8), và sẽ trở nên đầu của một sức mạnh cuối cùng để lật đổ nước Chúa. Khi đã bị thất bại, nó sẽ bị quăng xuống hồ lửa là án phạt cuối cùng của nó. Ý nó cai trị trong địa ngục theo văn sĩ Milton, chớ không phải theo Kinh Thánh, Sa-tan là vua Chúa tổ chức chính thể thế gian hiện nay, song sẽ bị khổ hình trong hồ lửa.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.