Một số người Do-thái phản đối phe Pha-ri-si. So sánh hai phe, thì người Sa-đu-sê ít hơn, song đều là những người có học thức, và hầu hết là giàu có và có địa vị cao quí. Tên Sa-đu-sê, tùy theo lối viết, là từ Sa-đốc mà ra, bằng tiếng Hy-lạp thường viết là Saddouk. Các thầy Ra-bi nói rằng phe nầy gọi theo tên người sáng lập là Sa-đốc, sống chừng 300 T.C., song vì tỏ ra số người thuộc phe nầy là những thuộc viên và những người theo quí tộc của các thầy tế lễ, nên nay thảy đều tin rằng tên chỉ về thầy tế lễ thượng phẩm Sa-đốc, người hành chức trong đời vua Ða-vít (I Các vua 2:35). Trong chi họ người, chức vị thầy tế lễ thượng phẩm cứ còn mãi cho đến kỳ lộn xộn về chính trị trong đời họ Macchabées. Những dòng dõi và người theo là người Sa-đốc, hoặc người Sa-đu-sê.
I. Sự tin kính.-- Trái với người Pha-ri-si là kẻ chú trọng về lời truyền khẩu của các bậc trưởng lão, những người Sa-đu-sê hạn chế sự tin kính mình trong các lẽ đạo mà người ta thấy ở trong chính lời Cựu Ước. Người Sa-đu-sê cho rằng chỉ lời trong Luật pháp đã chép mới bị bắt buộc giữ theo. Họ binh vực quyền giải nghĩa luật pháp theo ý riêng mình. Họ giữ theo từng chữ trong Cựu Ước, cả đến sự đó dẫn đến phải nghiêm khắc khi xét xử lẽ công bình. Khác hẳn với người Pha-ri-si, họ chối: (1) Sự sống lại và sự báo ứng trong đời tương lai tại Âm phủ (Sheol), quyết rằng linh hồn chết luôn với thân thể, (Ma-thi-ơ 22:23-33; Công vụ các sứ đồ 23:8). (2) Sự thực hữu của thiên sứ và các thần (Công vụ các sứ đồ 23:8). (3) Số mệnh tranh đấu để được có sự tự do về ý muốn, dạy rằng hết cả mọi sự hành động của chúng ta là tự quyền ta tự chủ; như vậy thì chính chúng ta là duyên cớ của sự lành, và nhận lấy sự dữ từ chính sự dồ dại của ta, lại quả quyết rằng Ðức Chúa Trời không có quan thiệp gì về sự làm lành của ta, hoặc không làm điều dữ vậy.
Khi chối bỏ sự không hề chết của linh hồn và sự sống lại, thì họ căn cứ vào chỗ luật pháp Môi-se không nói rõ ràng về các lẽ đạo đó, và họ không chịu giữ lấy đức tin của các bậc trưởng lão về âm phủ (Sheol), là điều dầu chưa được mở mang, song trong Cựu Ước cũng có chứa sẵn mầm về lẽ đạo sự sống lại về phần thân thể và sự báo ứng tương lai. Không thể nói khác, các tổ phụ tin rằng linh hồn cứ sống sau khi thân thể chết. Song Ðấng Christ (Ma-thi-ơ 22:31,32; Lu-ca 20:37) tỏ ra rằng trong chính Xuất Ê-díp-tô ký 3:6,16 đủ chứng cớ sự sống lại, và Hê-bơ-rơ 11: trích rõ ràng các tổ phụ đã làm gương cho ta về đức tin nhìn qua cõi hiện tại tới sự ban thưởng đời sau. Gióp 19:26; Ê-sai 26:19; Ða-ni-ên 12:2, và Ða-vít (Thi Thiên 16:; 17:) tỏ ra cùng một đức tin, mà mầm mọc từ Ngũ kinh. Khi quả quyết rằng hoặc không có thiên sứ, hoặc không có thần, những người Sa-đu-sê tự mình chống trả với học thuyết về các thiên sứ của người Do-thái trong thời họ đã khó nhọc làm ra, song họ đi quá về thái cực kia và lần nữa không hiệp với sự dạy dỗ của luật pháp (Xuất Ê-díp-tô ký 3:2; 14:19). Vì họ hết sức công nhận Ngũ kinh Môi-se, và tại đó chép rất rõ về các thiên sứ (Sáng thế ký 16:7; 19:1; 22:11; 28:12; Xuất Ê-díp-tô ký 23:20; Dân số ký 22:23); vả lại, Josèphe và sách Mishna không nói họ không tin có thiên sứ, bởi đó có lẽ Công vụ các sứ đồ 23:9 chỉ chỉ về họ không tin thiên sứ thông tin trực tiếp với người trong thời mình như phe Pha-ri-si gợi ý đã xảy ra cho Phao-lô. Trước hết, có lẽ họ chú trọng lẽ thật Ðức Chúa Trời chỉ dẫn các công việc đối với phép cư xử của loài người, thưởng hoặc phạt trong đời nay tùy theo những công việc của người là tốt hay xấu. Nếu họ thật dạy theo Josèphe chứng quyết, rằng Ðức Chúa Trời không quan thiệp đến sự làm lành của ta, hoặc không làm điều ác, thì họ chối bỏ sự dạy dỗ rõ ràng của luật pháp Môi-se chép mà họ xưng rằng mình tin (Sáng thế ký 3:17; 4:7; 6:5-7). Có lẽ họ khởi sự chối bỏ điều không dạy rõ ràng từng chữ trong Cựu Ước song khi họ chiều theo ảnh hưởng Hy-lạp thì họ nhận những nguyên lý của triết học Aristote, và từ chối không tin lẽ đạo nào mình không thể chứng tỏ bởi lý trí hoàn toàn.
II. Lịch sử.-- Về căn nguyên và sự lớn lên của phe Sa-đu-sê, Schurer gợi ý rằng nhà thầy tế lễ Sa-đốc là người đứng đầu công việc trong thế kỷ thứ IV và thứ III T.C., dưới đời trị vì của các vua Ba-tư và Hy-lạp, bắt đầu, có lẽ vô tình, đặt những việc chính trị lên trên tôn giáo. Vào đời E-xơ-ra và Nê-hê-mi, chi họ thầy tế lễ thượng phẩm hướng về thế gian, bởi có ý chống lại sự phân rẽ nghiêm nhặt người Do-thái khỏi các dân ngoại bang. Vào đời Antiochus Epiphanes một số đông các thầy tế lễ kết bạn với văn học Hy-lạp, các thầy tế lễ cả là Jason, Menelaus và Alcimus được gọi là những người Hê-lê-nít. Dân sự nhứt định về phe họ Macchabées để binh vực sự tinh sạch của tôn giáo Y-sơ-ra-ên, và khi phe nầy đắc thắng và họ Macchabées đã bảo toàn được chức thầy tế lễ cả, thì những người thuộc nhà Sa-đốc phải lui đi và lo về việc chính trị, họ cứ sẵn sàng mà bỏ qua những thói tục và lời truyền khẩu của các bậc trưởng lão, cùng ủng hộ văn hóa và ảnh hưởng Hy-lạp. Jean Hyrcan, Aristobule, và Alexandre Jannaeus (135-78 T.C.), binh vực phe Sa-đu-sê, và quyền chỉ dẫn về việc chính trị phần lớn ở trong tay họ dưới đế quốc La-mã và triều đình Hê-rốt, vì những thầy tế lễ cả về thời kỳ nầy đều là người Sa-đu-sê (Công vụ các sứ đồ 5:17). Những người Sa-đu-sê cũng như người Pha-ri-si, đã đến thăm Giăng Báp Tít nơi đồng vắng, thì Giăng gọi là dòng dõi rắn lục (Ma-thi-ơ 3:7). Họ hiệp với người Pha-ri-si mà xin Chúa cho một dấu lạ từ trời (Ma-thi-ơ 16:1-4), và Chúa Jêsus cảnh cáo các môn đồ phải cẩn thận đề phòng cả hai (câu 6-12). Những người Sa-đu-sê thử làm Chúa bối rối, đặt một câu hỏi làm bẫy về sự sống lại, song Ngài bác bỏ những cớ tích của họ, và làm họ phải ngậm miệng (Ma-thi-ơ 22:23-33). Họ hiệp với những thầy tế lễ và các quan cai đền thờ mà bắt bớ Giăng và Phi-e-rơ (Công vụ các sứ đồ 4:1-22). Cả hai phe Pha-ri-si và Sa-đu-sê đều ở trong Tòa Công luận xét xử Phao-lô, và Sứ đồ, biết rõ điều đó, thì khéo làm cho hai phe đó bất hòa với nhau (23:6-10).
Sau khi Giê-ru-sa-lem bị hủy phá (70 S.C.), thì lẽ đạo của người Sa-đu-sê cũng không còn, ấy vì những người Do-thái buồn bực tự nhiên quay mặt khỏi cõi hiện tại buồn thảm tới hy vọng sáng láng về một đời tương lai để được yên ủi. Người Sa-đu-sê, người Pha-ri-si, cùng phe Hê-rốt trong đời Chúa Jêsus làm đại biểu cho ba trường phản đối lẽ cốt yếu của đạo Ðấng Christ trong đời bây giờ: bất trung, dị đoan, phép gọi hồn, và kiêu ngạo thuộc linh, tức lòng khuynh hướng thế gian. Chúa Jêsus cảnh cáo "men" nầy (Xem Lê-vi ký 2:11; I Cô-rinh-tô 5:8); gọi là "đạo", trong Ma-thi-ơ 16:12, "giả hình" trong Lu-ca 12:1; "men của Hê-rốt" (Mác 8:15); sự chống trả Ba Ngôi Ðức Chúa Trời của Antichrist, ba ếch nhái ra từ miệng con rồng, tiên tri giả, và con thú (Khải Huyền 16:13,14).
Tiến sĩ Scofield chú thích về người Sa-đu-sê như sau nầy:
Ma-thi-ơ 3:7.-- Không hẳn là một phe, song thật ra chỉ là những người giữa vòng dân Do-thái chối bỏ sự thực hữu của các thiên sứ hoặc các thần khác,và mọi phép lạ, nhứt là sự sống lại. Họ là những người tin tôn giáo bằng lý trí của thời bấy giờ (Ma-thi-ơ 12:18-23; Công vụ các sứ đồ 4:15-17; 23:8), và rất có thế lực trong Tòa Công luận và chức thầy tế lễ (Công vụ các sứ đồ 4:1; 5:17). Họ không có một lẽ đạo nào nhứt định về mặt phải, chỉ là những người chối bỏ sự siêu nhiên.