Sách Các quan xét. Le livre des Juges.

        


      I. Tên sách.-- Ấy dịch từ tên Hê-bơ-rơ Shophetim là sách Các quan xét. Trong số những sách Origène công nhận thuộc Cựu Ước bằng tiếng Hy-lạp tên Hê-bơ-rơ dịch là Sapheteim, nghĩa là "các sự phán xét" hơn là "các quan xét," và Philon tỏ ra hiệp ý đó. Vì sách nầy phần nhiều chép về lịch sử các quan xét thì tỏ ra đúng với nhan đề của sách. Sách vốn gồm cả sách Ru-tơ trong bản Hê-bơ-rơ cổ, đặt sau sách Giô-suê và trước sách Sa-mu-ên như hiện nay.
       II. Trước giả.-- Trong sách không chép là ai. Vì bốn lần chép: "Trong lúc đó không có vua nơi Y-sơ-ra-ên" (17:6; 18:1; 19:1; 21:25), thì có thể biết sách nầy chép sau khi lập vua trị vì Y-sơ-ra-ên. Theo truyền khẩu của sách Talmud, có lẽ là tiên tri Sa-mu-ên, Quan xét cuối cùng của Y-sơ-ra-ên, chép lúc tạm nghỉ sau khi Sau-lơ được tôn làm vua. Nếu thật vậy, khi chép lời chối từ lớn của Ghê-đê-ôn, thì Sa-mu-ên vui dường nào (xem 8:22,23).
       III. Phận sự các quan xét.-- Các quan xét là những người giải cứu tạm thời và đặc biệt mà Ðức Chúa Trời sai đến giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi những kẻ hà hiếp, chớ không phải là những quan án cao cả kế tiếp quyền của Môi-se và Giô-suê. Quyền các quan xét đó chỉ lan rộng trên mấy phần xứ, và có khi mấy quan xét sống đồng thời. Tên các quan đó bằng tiếng Hê-bơ-rơ là Shophetim nghĩa là những quan án thường, không có ý khác. Dầu công việc thứ nhứt của các quan xét là giải cứu và cầm quân đánh trận, sau cũng xét lẽ công bình cho dân sự, và quyền của họ thế cho sự khuyết một chính phủ. Song đây chỉ công nhận một quyền trung ương là đền của Ðức Chúa Trời ở tại Si-lô, quyền đó đã chìm đắm trong sự suy nhược của thầy tế lễ Hê-li và các con trai mình, cả đến khi Sa-mu-ên cai trị cũng có một sự tựa như chính phủ lập ở miền nam, có những chiến công bất thường của Sam-sôn xảy ra trên địa giới dân Phi-li-tin. Cuối cùng Sa-mu-ên tự lập làm quan xét và tiên tri, song vẫn còn là đầy tớ của Ðức Giê-hô-va; sau vì cớ sự hà lạm của các con trai Sa-mu-ên làm cho dân sự không thể nhịn nhục được nữa, nên đòi một vua theo gương các nước xung quanh.
       IV. Thời gian của sách.-- Ấy là lịch sử từ khi Giô-suê qua đời cho đến Sam-sôn qua đời, và có lẽ cũng thêm "trọn lúc đền Ðức Chúa Trời ở tại Si-lô" (18:31 so I Sa-mu-ên 1:3). Dầu dường như trước giả nhờ truyền khẩu mà chép theo một trật tự thời gian nhứt định, nhưng thật khó tính gồm lại bao lâu, và không tính đúng được. Trong I Các vua 6:1, tổng cộng 480 năm là thời gian từ khi ra khỏi Ai-cập cho đến sự cất đền của Ðức Giê-hô-va trong năm thứ IV đời trị vì Sa-lô-môn . Song ấy gồm lại 40 năm lưu lạc trong đồng vắng, thời chiếm lấy và kiều ngụ trong Xứ Thánh, và một thời gian không chắc chắn, sau Giô-suê qua đời (Các quan xét 2:10). Cũng có 40 năm Hê-li làm quan xét (I Sa-mu-ên 4:18), thời không chắc mà Sa-mu-ên xét đoán (7:15), số năm Sau-lơ trị vì 40 năm Ða-vít trị vì (I Các vua 2:11), và 4 năm Sa-lô-môn trị vì trước khi xây Ðền thờ. Vậy, chắc chỉ có độ 300 năm còn lại là thời gian của các quan xét. Có lẽ trước giả không kể các thời rối loạn, khổ sở và ức hiếp.

 Ðây là các niên hiệu như sách tỏ ra: 
                     Năm 
              Thời ức hiếp của Cu-san-Ri-sa-tha-im (3:8).       8
              Thời giải cứu bởi -t-ni-ên, và hòa bình (3:11).       40
              Thời ức hiếp của Éc-lôn, vua Mô-áp (3:14).       18
              Thời giải cứu bởi Ê-hút và hòa bình (3:30). 
              Sau Ê-hút có Sam-ga làm quan xét (3:31).       80
              Thời ức hiếp của Gia-bin vua Ca-na-an (4:3).       20
              Thời giải cứu bởi Ðê-bô-ra và Ba-rác, và hòa bình (5:31).       40
              Thời ức hiếp bởi dân Ma-đi-an (6:1).       7
              Thời giải cứu bởi Ghê-đê-ôn và hòa bình (8:28).       40
              Thời nội loạn A-bi-mê-léc cai trị Y-sơ-ra-ên (9:22).       3
              Thời giải cứu bởi Thô-la (10:2).       23
              Thời Giai-rơ làm quan xét (10:3).       22
              Thời ức hiếp bởi dân Phi-li-tin và Am-môn (10:8).       18
              Thời giải cứu bởi Giép-thê (12:7) làm quan xét.       6
              Thời Iếp-san làm quan xét (12:9).       7
              Thời Ê-lôn làm quan xét (12:11).       10
              Thời Áp-đôn làm quan xét (12:14).       8
              Thời ức hiếp của dân Phi-li-tin (13:1).       40
              Thời Sam-sôn làm quan xét (15:20; 16:31).       20
       Tổng cộng là 410 năm, song nếu bớt các năm Y-sơ-ra-ên bị ức hiếp và A-bi-mê-léc cướp quyền thì chỉ còn lại 296 năm.
       Có người tưởng có mấy quan xét đồng thời với nhau, và bởi đó, số năm các quan xét cai trị phải giảm bớt nữa. Nhưng phải nhớ, trước giả mỗi lần nói "làm quan xét nơi Y-sơ-ra-ên" chắc có ý tỏ ra mỗi quan xét cai trị theo trật tự trên cả Y-sơ-ra-ên. Số 296 là gần số chép trong I Các vua 6:1. Nhưng phải nhắc lại không thể nào tính đúng được (so Các quan xét 11:26).
       V. Nội dung.-- Sách Các quan xét có ba phần chính được tỏ rất rõ:
       1. Tiểu dẫn.-- (1:-2:5) là phần tóm tắt và ôn lại những biến động khi chiếm lấy miền Tây Pha-lê-tin, và phần nhiều đồng thời với các truyện kể trong Giô-suê, song thêm một ít tiểu tiết và mấy điều khác nhau, thứ nhứt nói rõ về toàn thể dân Y-sơ-ra-ên không đuổi hết các thổ dân ra khỏi xứ Ca-na-an (1:27-36), ấy tỏ ra phạm đến giao ước của Ðức Giê-hô-va (2:1-3), gây nên cho dân sự đau đớn và sự yếu đuối mãi mãi. Câu đầu sách (1:1) nói đến sự chết của Giô-suê như đã xảy ra rồi, dường như có ý chỉ cách chung về thời kỳ lịch sử của cả sách, và ít nhứt mấy biến động kể trong 1:-2:5 đã xảy ra trong đời Giô-suê.
       2. Phần trung tâm và chính (2:6-16:). Một loại truyện về 12 "quan xét," lần lượt từng người, bởi sự mộ đạo và lòng dũng cảm, có thể giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi sự tôi mọi và hà hiếp, và trong một thời hạn dài hay ngắn thì cai trị dân mà mình đã giải cứu khỏi kẻ thù. Mỗi lần dân sự ăn năn liên tiếp, thì có sự giải cứu theo sau; song khi quan xét chết rồi, lại bội đạo, kết quả là có sự khốn khổ và tôi mọi mới, rồi lại được cứu giúp khi Chúa đáp lời cầu nguyện mà "dấy" cho họ một quan xét giải cứu khác. Vậy, cả lịch sử trong sách dường như đặt vào một khuôn của sự dạy dỗ và cảnh cáo về phần đạo đức và tôn giáo vẫn phản hồi. Bài học rõ rệt là vì tội lỗi của dân, vì sự từ bỏ Ðức Giê-hô-va, và vì cứ cố ý thờ hình tượng, gây nên cho họ sự tai hại mà chỉ có sự nhẫn nhục và lòng khoan dung của Chúa mới mở cho họ một đường giải thoát.
             a) 2:6-3:6. Có lời tiểu dẫn vắn tắt thứ hai, theo tinh thần những truyện thuật sau, dường như liên lạc với cuối sách Giô-suê, và một phần ôn lại, hầu bằng lời về sự chết và chôn vị lãnh tụ của Y-sơ-ra-ên (Các quan xét 2:6-9 so Giô-suê 24:28-31). Sau cứ mô tả tình hình trong xứ và dân đời tiếp theo, nói sự khó khăn là do sự thờ hình tượng, và nhắc lại sự lãng bỏ lời cảnh cáo và mạng lịnh của các quan xét; kết cuộc có một bảng kê các dân còn lại trong xứ. Sự hiện diện các dân đó là một sự thử thách lòng Y-sơ-ra-ên tình nguyện vâng theo Ðức Giê-hô-va, và cùng một lúc ngăn trở Y-sơ-ra-ên sa vào địa vị lười biếng, ngủ mê, và ăn chơi.
             b) 3:7-3:11. Quan xét là -t-ni-ên, người giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi tay Cu-san Ri-sa-tha-im.
             c) 3:12-30. Sự thắng trận của Ê-hút trên dân Mô-áp là dân bắt Y-sơ-ra-ên làm tôi mọi trải qua 18 năm. Ê-hút giết Ê-lôn vua Mô-áp, và xứ được hòa bình lâu dài.
             d) 3:31. Mấy lời vắn tắt nói Sam-ga là người giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi tay dân Phi-li-tin. Danh hiệu "quan xét" không đặt cho người, cũng không nói đã cai trị dân. Không biết ý của trước giả có coi Sam-ga như một quan xét không?
             đ) 4:-5:. Sự đắc thắng của Ðê-bô-ra và Ba-rác trên Gia-bin, vua Ca-na-an và Si-sê-ra, quan tổng binh người, bị giết bởi tay Gia-ên, vợ một người Kê-nít, theo sau có bài ca đắc thắng mô tả và kỷ niệm biến động.
             e) 6:-8:. Bảy năm ức hiếp bởi tay người Ma-đi-an được mô tả như rất nghiêm nhặt, đến nỗi xứ trở nên hoang vu vì cớ kẻ thù xông vào xứ luôn luôn. Sau một hồi lưỡng lự và ngừng lại, Ghê-đê-ôn đánh bại những lực lượng hiệp tác của người Ma-đi-an, dân A-ma-léc, và các "con cái phương Ðông" tức là những đoàn Bédouins đến từ các đồng vắng phương Ðông, trong trũng Gít-rê-ên. Nơi và cơn chiến trận, tác giả có tả vẽ, song không thể theo truyện từng tiểu tiết, vì không thể biết những nơi có ghi tên đó. Sau sự đắc thắng, dân dâng hiến cách trọng thể quyền cai trị cho Ghê-đê-ôn và dòng dõi người, song Ghê-đê-ôn từ chối; dầu vậy, Ghê-đê-ôn có gây một ảnh hưởng ngăn trở dân làm dữ, dầu chính người và nhà người dường như vì lòng tham dục mà xây bỏ sự thành tín của Ðức Giê-hô-va (8:27-33). Xem bài Ghê-đê-ôn.
             g) 9:. Truyện A-bi-mê-léc, con Ghê-đê-ôn, bởi một vợ bé, là người đã giết hết trừ một, các anh em con dòng chính của Ghê-đê-ôn, để làm vững ngôi mình tại Si-chem, và cai trị 3 năm. Sau khi đã dẹp yên cuộc nổi loạn nghịch mình tại Si-chem, người bị giết khi vây thành hoặc tháp Thê-bết vì trúng phải tảng đá của một người nữ trên thành ném xuống.
             h), i), 10:1-5. Thô-la và Giai-rơ cũng vắn tắt được kể tên như hai quan xét tiếp nhau trên Y-sơ-ra-ên; Thô-la 23 năm, và Giai-rơ 22 năm.
             k) 10:6-12:7 Dân Phi-li-tin và Am-môn hà hiếp Y-sơ-ra-ên 18 năm.
       Giép-thê giải cứu cả dân sự, vì không phải là con dòng chính của Ga-la-át nên đã bị đuổi khỏi nhà, và làm đầu đảng một bọn côn đồ. Giép-thê giao hẹn cùng các trưởng trong thành Ga-la-át rằng hễ mình đánh được dân A-ma-léc thì được phép cai trị họ; và theo sự ưng thuận, khi đắc thắng người làm quan xét trên Y-sơ-ra-ên (11:9; 12:7). Xem bài Giép-thê.
             l) m) n) 12:8-15. Ba người có khi gọi là "tiểu" quan xét, Iếp-san, Ê-lôn, Áp-đôn, đoán xét Y-sơ-ra-ên kế tiếp nhau, người thứ nhứt 7 năm, người thứ nhì 10 năm, người thứ ba 8 năm. Vì không nói họ giải cứu dân khỏi một tai vạ hoặc một sự hà hiếp nào, có lẽ trọn cả thời đó có sự yên lặng bình an.
             o) 13:-16:. Truyện của Sam-sôn. Xem bài Sam-sôn.
       3. Phần phụ thêm (17:-21:). Phần chót, là phần phụ thêm, gồm có hai truyện dường như biệt lập với phần chính của sách và biệt riêng với nhau. Cả hai không chỉ niên hiệu, trừ 4 lần chép: "Trong lúc đó, không có vua nơi Y-sơ-ra-ên (17:6; 18:1; 19:1; 21:25). Trong câu đó tự nhiên chỉ rằng hai truyện chép trong đời quân chủ song chính những biến động đó, sử gia cho rằng xảy ra trong đời các quan xét, hoặc ít nhứt cũng có trước khi lập nền quân chủ. Tình hình xã hội không luật pháp, sự hà hiếp và lộn xộn giữa các chi phái cũng gợi ý đó. Không có tên một quan xét, vả lại, cũng không nói trực tiếp đến chức vụ, hoặc quyền trung ương quản trị nào. Sử gia Josèphe cũng dường như cho rằng truyện thứ hai là ở trước, và cả hai đặt vào trước những lịch sử của chính các quan xét, chớ không phải ở cuối sách. Nếu theo trật tự như hiện nay có, chắc hai truyện gồm lại những phần rất cổ.
             a) 17:-18:. Truyện Mi-ca, người Ép-ra-im, và người trai trẻ Lê-vi được dùng làm thầy tế lễ trong nhà mình. Trong khi di dân lên miền Bắc, một bọn người chi phái Ðan ưa chiến trận dùng lời ngăm đe và hứa hẹn dỗ dành người Lê-vi theo họ cũng đem theo cái Ê-phót của thầy tế lễ, những đồ đạc của chủ, và tượng chạm quí mà Mi-ca đã sai làm. Mi-ca cố sức đòi lại những vật đó song vô hiệu. Sau người Ðan thiêu đốt và cướp bóc thành La-ít, miền cực Bắc Pha-lu-tin, lập lại thành trên chỗ cũ và đặt tên mới là "Ðan." Tại đó, họ lập tượng họ đã cướp lấy và lập chức tế lễ và sự thờ phượng ganh đua "trọn trong lúc đền Ðức Chúa Trời ở tại Si-lô" (18:31). Xem bài Mi-ca.
             b) 19:-21. Những người Bên-gia-min ở Ghi-bê-a lăng nhục vợ bé của một người Lê-vi, là người ở trọ một đêm trong thành trên con đường đi từ Bết-lê-hem đến miền núi Ép-ra-im. Những chi phái hiệp lại, sau khi thất bại hai lần bởi tay người Bên-gia-min thì báo thù đích đáng. Cả chi phái Bên-gia-min hầu bị diệt, các thành họ, kể cả Ghi-bê-a, bị hủy phá. Muốn cho chi phái không bị hư mất hẳn, thì lập hòa ước với 600 người sống sót, và bày mưu và dùng sức mạnh cho họ được vợ, vì những người Y-sơ-ra-ên đã thề cách trọng thể sẽ không gả con gái cho những người thuộc chi phái phạm tội đó.
       VI. Mục đích.-- Mục đích không phải là chép lại lịch sử liên tiếp của thời kỳ giữa Giô-suê và Sa-mu-ên, song để minh chứng, trong những sự giải cứu đặc biệt, nguyên lý của Ðức Chúa Trời đối đãi với Y-sơ-ra-ên như chép trong Các quan xét 2:16-19. Các quan xét không hoàn toàn làm thực hiện tôn chỉ đó. Mỗi người chỉ giải cứu một phần Y-sơ-ra-ên: Sam-ga miền hướng xứ Phi-li-tin, Ðê-bô-ra và Ba-rác miền Bắc Y-sơ-ra-ên, (4:10); Ghê-đê-ôn cũng vậy (6:35); Giép-thê miền Ðông Y-sơ-ra-ên; Sam-ga miền Nam Giu-đa, và Ðan miền giáp Phi-li-tin, Ghê-đê-ôn đã làm bại hoại sự thờ phượng Ðức Giê-hô-va; Sam-ga nhường bước cho tình dục; Giép-thê hứa nguyện vô lý và báo thù Ép-ra-im. Người nhận những ơn tứ của Chúa có khi không hằng làm theo cách phải lẽ luôn, như những tín đồ tại Cô-rinh-tô lạm dụng những ơn thuộc linh (I Cô-rinh-tô 14:). Ấy cũng tương tự cách Ðức Chúa Trời đối xử với những thiên tài đã phú cho; ta không phải là những người xét đoán công việc Chúa làm, song là kẻ học những điều Ngài làm khi Ngài đẹp lòng mà tạo nên người tự do làm theo ý mình. Thời gian đây là liên điểm trước đổi sang đời quân chủ. Cho đến đây, dân Y-sơ-ra-ên tự mình mở mang dưới luật Môi-se và thần quyền, song "ai nấy làm theo ý mình lấy làm phải" bởi thế mở cửa cho sự thạnh vượng hoặc sự khốn khó tùy theo sự vâng phục hay không vâng phục, không phải chỉ về dân, song cả về chi phái, họ hàng nữa (1:1-19, 21-33). Những quan xét là người thay quyền Ðức Chúa Trời mà tỏ ra ý Chúa là trái với những sự thờ hình tượng của các dân ngoại xung quanh. Những thực sự không phục với ý định Ðức Thánh Linh thì bỏ qua, như sự thắng trận của Ép-ra-im trên Ô-rếp và Xê-ép (8:3; Ê-sai 10:26). Hê-li và Sa-mu-ên không kể đến trong sách nầy, vì Hê-li là thầy tế lễ thượng phẩm, theo chức phận thì là quan xét, không phải, như các người khác, được gọi đặc biệt là quan xét. Sa-mu-ên là tiên tri của Ðức Chúa Trời giải cứu Y-sơ-ra-ên, không phải bởi gươm, song bởi lời khuyên, và sự cầu nguyện (I Sa-mu-ên 7:3-10). Sam-sôn là quan xét đặc biệt sau hết. Sam-sôn sanh ra trong thời Hê-li làm thầy cả thượng phẩm, vì trước lúc đó, dân Phi-li-tin cai trị Y-sơ-ra-ên như chép "Sam-sôn sẽ khỏi sự giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi tay Phi-li-tin" (Các quan xét 13:5). Sa-mu-ên làm xong việc giải cứu Y-sơ-ra-ên mà Sam-sôn bắt đầu.
       Suốt cả sách, trước giả thấy lịch sử Y-sơ-ra-ên trong ánh sáng luật pháp Ðức Chúa Trời. Y-sơ-ra-ên không trung tín bị phạt bởi sự hà hiếp của kẻ thù, và Ðức Giê-hô-va thành tín nên dấy lên các quan xét giải cứu khi họ kêu cầu; ấy là hai bản lề mà lịch sử quay trên đó (keil). Vậy, trước giả chỉ kể đến những chi phái bị hà hiếp trong một thời dặc biệt, còn các chi phái đi theo luật pháp thì bình yên không cần xét đến. Sự cưới gả lẫn lộn với những người ngoại đạo thờ hình tượng, những sự hội hiệp với dân ngoại, sắc đẹp của người nữ Ca-na-an, sự huy hoàng, vui vẻ, và sự buông lung của thói tục họ, hy vọng học biết tương lai bởi bói khoa, những sự sợ hãi vì dị đoan các thần nơi họ ở đều là cho Y-sơ-ra-ên thêm vào sự thờ Ðức Giê-hô-va các hình tượng của dân ngoại (vì Y-sơ-ra-ên có chứng cớ rất rõ nên không thể bỏ hẳn cả luật pháp Chúa). Cả quan xét đặc biệt, theo sau những sự sửa phạt nghiêm nhặt bởi chính dân mà họ đã bắt chước phạm tội, ấy là sự sửa dạy mà họ cần và Ðức Chúa Trời dùng đến. Ba lần Ðức Giê-hô-va ngăm đe Y-sơ-ra-ên nếu bội đạo sẽ bị ức hiếp: tại Bô-kim (2:1-4), khi người Ma-đi-an xông vào xứ (6:7-10); khi dân Am-môn và Phi-li-tin hà hiếp (10:10-14). Ngài làm ứng nghiệm lời ngăm đe khi kẻ thù hà hiếp nặng nề hơn, cuối cùng đến người Phi-li-tin và mất sự hợp nhứt giữa các chi phái Y-sơ-ra-ên. Dưới -t-ni-ên và Ê-hút, hết cả Y-sơ-ra-ên nổi lên nghịch cùng kẻ thù; dưới Ba-rác, Ru-bên, Ga-la-át, Ðan và A-se không dự phần (5:15-17). Ghê-đê-ôn dẹp yên lòng ghen tương của Bên-gia-min vừa phải. A-bi-mê-léc cướp lấy chức vua tại Si-chem làm thí dụ về dân sự đã suy đồi đến bực nào. Ép-ra-im đánh với Giép-thê và các chi phái miền Ðông, song bị thiệt hai nặng nề. Người chi phái Giu-đa bại hoại đến nỗi bắt Sam-sôn, người giải cứu mình, nộp cho người Phi-li-tin (15:9-14).
       Thiên sứ của Ðức Giê-hô-va, Con Ðức Chúa Trời, khi kêu gọi Môi-se thì hiện đến cùng người, kế đó Thánh Linh của Ðức Giê-hô-va làm cho Môi-se đủ tư cách (Xuất Ê-díp-tô ký 3:1-6; 13:21). Cũng vậy, Thiên sứ của Chúa 4 lần hiện ra và theo sau có Thánh Linh đến để làm cho các quan xét đủ tư cách giải cứu Y-sơ-ra-ên: 1) Các quan xét 2:1-5; 3:10; 2) 6:11,34; 3) 10:10-16 so Ê-sai 63:8,9; Các quan xét 11:29; 4) 13:3-25.
       Ba cuộc bị ức hiếp đầu thì dân Y-sơ-ra-ên dưới quyền mấy dân tộc chỉ định trong lịch sử sau để đánh phạt mình: Mô-áp, Phi-li-tin, và Mê-sô-bô-ta-mi hay Ba-by-lôn. Cuộc ức hiếp thứ tư (Ma-đi-an), thứ năm (Am-môn), và thứ sáu (Phi-li-tin) cứ càng tuần tự thêm nghiêm nhặt, từ 7, đến 18 rồi đến 40 năm. Sự suy đồi càng thêm của Y-sơ-ra-ên như tỏ ra trong sách nầy làm chứng thật cần thiết lập nước theo sau đó, vì thấy Y-sơ-ra-ên theo xác thịt rất không xứng đáng.
       VII. Mấy điều đặc biệt.-- Sách có mấy điều đáng chú ý: 1) Có hai chỗ bắt đầu (1:1; 2:6). 2) Có thí dụ rất cổ trong thế gian (9:8-15). 3) Có bài ca thắng trận rất danh tiếng và tôn trọng trong thế gian (5:). 4) Có chép lần thứ nhứt trong Lịch sử về một người nữ anh hùng và đứng đầu một dân, có lẽ là bà góa (4:). 5) Thầy tế lễ thứ nhứt thờ hình tượng trong Y-sơ-ra-ên là cháu Môi-se (18:30).
       Tiến sĩ Scofield chú thích về sách Quan xét:
       Tiểu dẫn.-- Tên đặt cho sách nầy do 13 người mà Chúa dấy lên để giải cứu Y-sơ-ra-ên, trong thời suy đồi và không hiệp với nhau, sau khi Giô-suê qua đời. Bởi những người đó, Ðức Giê-hô-va cứ tiếp nối cuộc cai trị riêng của Ngài trên Y-sơ-ra-ên. Câu chìa khóa chỉ về địa vị Y-sơ-ra-ên là: "Mọi người cứ làm theo ý mình tưởng là phải" (17:6). CÓ hai thực sự tỏ ra: sự thất bại hoàn toàn của Y-sơ-ra-ên, và ơn điển Ðức Giê-hô-va còn mãi. Trong sự chọn các quan xét thì tỏ ra lời của Xa-cha-ri 4:6, "Ấy chẳng phải bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn bởi Thần ta, Ðức Giê-hô-va phán vậy;" và lời của Phao-lô trong I Cô-rinh-tô 1:26, "Không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng... được gọi."
       Sách thuật 7 cơn bội đạo, 7 cuộc bị dân ngoại ức hiếp, 7 phen được giải cứu. Sự thuộc linh tương đương có thể tìm thấy trong lịch sử Hội Thánh bề ngoài từ đời các Sứ đồ, bởi có sự lập phe đảng, và mất sự hiệp nhứt của một đoàn thể (I Cô-rinh-tô 12:12,13).
       Sách Các quan xét chia làm hai phần: 1) 1:1-16:. Câu chìa khóa là 2:18. 2) 17:-21:. Câu chìa khóa là 21:25.
       Các quan xét 2:18.-- Các quan xét là người thuộc những chi phái Y-sơ-ra-ên mà Ðức Giê-hô-va chất trên họ gánh nặng sự bội đạo và địa vị ức hiếp của Y-sơ-ra-ên. Họ là những tổ thuộc linh của đấng tiên tri, tức là những người Ðức Chúa Trời, Vua thần quyền, dấy lên để làm đại biểu Ngài trong dân tộc. Họ rất ái quốc và là người cải lương tôn giáo, vì sự yên ổn và sự thịnh vượng của dân có liên lạc không dứt được với sự ngay thẳng và sự vâng phục Ðức Giê-hô-va. không có một người nào được chọn để giải cứu đó có cớ mà khoe mình trong xác thịt. -t-ni-ên chỉ là con của em út Ca-lép Ê-hút là người thuận tay tả và là người ám sát; Sam-ga là người nhà quê dùng một cây đót bò; Ðê-bô-ra là đờn bà; Ghê-đê-ôn thuộc một họ hàng, không danh tiếng gì trong chi phái nhỏ nhứt, v.v.. Mỗi hạng nói đến trong I Cô-rinh-tô 1:27,28 được tỏ ra trong Các quan xét.
       Ê-sai 1:26.-- Dưới nước Chúa, phương pháp cai trị theo chính phủ thần quyền xưa trên Y-sơ-ra-ên sẽ được lập lại. So Các quan xét 2:18; Ma-thi-ơ 19:28.
       Ma-thi-ơ 19:28.-- Tỏ ra lời hứa (Ê-sai 1:26) sẽ được ứng nghiệm cách nào khi nước Chúa được lập. Các Sứ đồ sẽ cai trị Y-sơ-ra-ên trong nước Ngài, theo thần quyền các quan xét như đời xưa (Các quan xét 2:18).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.