Sách Các Vua I, II. Livre des rois, I, II.

      


      Theo nguyên văn Hê-bơ-rơ, hai sách nầy vốn là một quyển sau dịch ra tiếng Hy-lạp mới chia làm hai; Bản tiếng La-tinh vẫn theo thế. Nên lưu truyền đến nay, bản nào cũng chia làm hai.
       I. Thể lệ sách.-- Hai sách nầy biên năm và chép việc thường nói cặp theo Giu-đa với Y-sơ-ra-ên. Trong sách ghi chép tóm tắt việc lớn trong vòng hơn 400 năm, tức gồm lại, trừ ra thời vua Sau-lơ và Ða-vít trị vì, cả thời quân chủ. Tựu trung có việc chép hơi phiền phức, có việc chép rất giản dị, như chép về việc vua Sa-lô-môn cộng tới 11 đoạn, hầu choán một phần tư sách. Ma-na-se ở ngôi lâu hơn Sa-lô-môn, thế mà chỉ chép vỏn vẹn có 18 câu là hết! Vả, văn viết không theo một lối, trước sau có phần hay mâu thuẫn nhau: như nói vua Sa-lô-môn "chiêu mộ" người Y-sơ-ra-ên làm "phu dịch" (I Các vua 5:13; 12:4); lại nói không khiến người Y-sơ-ra-ên làm "tôi mọi" (I Các vua 9:22). Như nói Rô-bô-am muốn đánh với Giê-rô-bô-am, nhưng vì tiên tri khuyên can lại thôi (I Các vua 12:21-24) lại nói Rô-bô-am hằng đánh với Giê-rô-bô-am (I Các vua 14:30; 15:6). Bởi vậy, sách nầy dường như không phải từ tay một người làm ra, song là rút trong các sách mà biên tập nên. Các sách mà sách nầy thường trưng dẫn là chuyện các vua Giu-đa và chuyện các vua Y-sơ-ra-ên; lại cũng lượm lặt trong sách hành trạng của vua Sa-lô-môn nữa (I Các vua 11:41). Còn chỗ nói đến việc Ðền thờ thì chừng chép ở một sách khác. Ngoài đó ra còn có các sách như chuyện Ê-li và Ê-li-sê, lịch sử tiên tri, và hành trạng Ê-sai nữa. Xem sách Ê-sai và sách II Các vua, thấy lời văn thỉnh thoảng giống nhau. Hoặc giả hai sách nầy cùng ra từ một bản gốc chăng?
       II. Tôn chỉ của sách.-- Xem suốt cả sách thì biết tác giả giữ tôn chỉ chẳng những chỉ chuyên biên tập quốc sử, mà lại lặt lấy các việc thuộc sử ký để phát minh về tôn giáo và ngụ ý khuyên răn. Xem I Các vua 22:41-43, 45-46 thấy chỗ phàm lệ nói rằng hễ việc gì không quan hệ về tôn giáo thì chỉ chép tên tuổi và họ nhà mẹ của vua luôn với ngày tháng trị vì thôi, chớ không tường thuật đến việc làm. Hễ đã tường thuật việc làm của ai thì đoán định ngay người đó là thiện hay ác. Mà gọi là thiện hay ác là tùy theo người đó đối với tôn giáo thế nào, nghĩa là có hay chăng trừ bỏ được cái nghi thức nhơn dân thờ lạy ở trên núi. Ý chỉ rất cốt yếu của sách nầy là thờ lạy Ðức Chúa Trời phải đến Ðền thờ Giê-ru-sa-lem; bằng chẳng vậy thì trái với luật pháp của Ðức Chúa Trời. Như vậy, hơi giống với lẽ đạo cốt yếu trong sách Phục truyền luật lệ ký. Trong Phục truyền luật lệ ký hằng nói dân chúng tuân giữ luật pháp thì được phước; không thì phải chịu tai vạ. Tác giả hai sách Các vua nầy lấy việc sử ký để chứng tỏ là chơn thật không dối. Cái cớ nước Y-sơ-ra-ên phải diệt vong là vì vua và dân nước đó không thờ phượng ở Giê-ru-sa-lem, nhưng thờ lạy bò vàng. Nói về nước Giu-đa cũng vậy: Vua Ða-vít kính thờ Ðức Chúa Trời, thì Ngài ban phước cho. Sa-lô-môn xây Ðền thờ cũng được ơn phước. Còn việc lập bàn thờ, tin theo thần khác, thì trong sách cũng có lời chê. Vậy, càng biết rằng địa chỉ sách nầy là cốt dẫn dắt người ta làm lành.
       III. Lúc làm sách.-- Một việc sau chót của sách nầy là khi vua Giê-hô-gia-kin được ra khỏi ngục nhằm năm 561 T.C., trong có câu "cho người ăn đồng bàn với mình trọn đời người." Cứ coi hai chữ "trọn đời," thì chắc sách nầy làm vào sau khi Giê-hô-gia-kin qua đời, chừng lối năm 550 T.C.. Nhưng mới bắt đầu khởi thảo có lẽ vào năm 600 T.C.. Bấy giờ thành Giê-ru-sa-lem còn chưa bị diệt, tác giả muốn khuyên lơn mong cho hối cải chăng? Coi vậy, chừng năm 600 T.C., có lẽ bản cảo đã thảo được đến II Các vua 23:25 hoặc 28, thì thôi. Sau đó 50 năm, người Y-sơ-ra-ên ở Ba-by-lôn lại làm tiếp theo cho trọn chăng.
       IV. Tác giả.-- Về vấn đề ai chép sách nầy hơi khó giải quyết. Truyền khẩu của người Do-thái, nói Giê-rê-mi là tác giả, tỏ ra bởi chứng cớ nội dung, lại thêm ngôn ngữ dùng nữa. Ðoạn chót so sánh với đoạn chót sách Sử ký đều tỏ dấu tích rằng đã được viết bởi một người không đi làm phu tù, song ở lại xứ Giu-đê sau khi hủy phá Ðền thờ. Ấy hiệp với Giê-rê-mi. Những biến động lựa chọn trong các truyện đều là truyện người đó có sự hiểu biết riêng và trong đó người lấy làm quan hệ. Người chép sách Các Vua không nói gì về người Do-thái hoặc người Canh-đê trong xứ Do-thái, ấy hiệp đúng với ức thuyết rằng tác giả là Giê-rê-mi, vì ta biết Giê-rê-mi đã được đem xuống Ai-cập bởi những người trốn tránh. Thật vậy, niên hiệu sách và địa vị của tác giả dường như được tỏ rất rõ bởi sự tận cùng truyện ở II Các vua 25:26, như trường hợp sách Công vụ các sứ đồ. Sự hiệp đoạn 25 nầy với sách Giê-rê-mi mà làm thành Giê-rê-mi 52: (Thêm một khúc 28-30) là một chứng cớ rất cổ, nếu không phải là chứng cớ đồng thời, rằng Giê-rê-mi là tác giả của sách. Trở ngược lại đến đoạn II Các vua 24:, ta thấy trong câu 14, có kể ra người phu tù với Giê-hô-gia-kin, là một với người trong Giê-rê-mi 24:1; và trong II Các vua 24:13 có trưng dẫn đến các khí dụng của Ðền thờ giống như trong Giê-rê-mi 27:18-20; 28:3,6. Dầu truyện là vắn tắt song cũng chỉ rõ những điểm quan hệ trong các biến động chính trị trong thời gian ta biết rất nhiều trong trí Giê-rê-mi; và dầu vậy, rất đáng chú ý là không nói đến tên Giê-rê-mi lần nào (như chép tên trong II Sử ký 36:12,21), dầu lối của tác giả nhiều lần liên lạc sự đau đớn của Giu-đa với tội lỗi và sự chểnh mảng với lời Ðức Chúa Trời, II Các vua 17:13; 24:2,3, v.v.. Song le, phải công nhận rằng có quan thiệp với đời Giê-hô-gia-kim trị vì, nhứt là phần sau, con đường người đã đi mà chết, truyện kể rất sơ sài hơn là khi người ta tưởng có thể từ một văn sĩ đồng thời, sống ở chỗ đó. Song cũng có một lối chép ít lời về tin tức đó trong nhiều điểm đáng chú ý về các biến động đồng thời rải rác trong các lời tiên tri Giê-rê-mi. Khi đã suy tưởng rằng tác giả II Các vua là người đồng thời, và nếu không phải là Giê-rê-mi, phải là người có một phương pháp biệt lập biết tin tức, thì sự hiệp nhau đó có quan hệ lắm. Trở ngược lại đến đời Giô-si-a trị vì, trong đoạn 23: và 22:, sự quan thiệp hủy phá thành Giê-ru-sa-lem với tội phạm của Ma-na-se, và sự so sánh đều đó với sự hủy phá Sa-ma-ri, câu 26,27, dẫn ta trở ngược lại 21:10-13, và khúc đó dẫn đến Giê-rê-mi 7:15; 15:4; 19:3,4, v.v.. Truyện đặc biệt về lễ Vượt qua trong đời Giô-si-a, song việc tốt lành khác của người, lời trưng dẫn trong câu 24,25 đến luật pháp Môi-se, và sự tìm ra sách bởi thầy tế lễ Hinh-kia, với truyện đầy đủ hơn về sự tìm tòi đó trong đoạn 22: đều có hiệp đúng với Giê-rê-mi, khởi sự chức vụ tiên tri của mình trong năm thứ XIII đời Giô-si-a, mà Giê-rê-mi 11: lặp lại lời trưng dẫn đến cuốn Sách tìm được như vậy; người tỏ lòng quyến luyến với Giô-si-a, viết lời ca thương khi vua qua đời (II Sử ký 35:25), và sách người tỏ ra đã dùng sách Phục truyền luật lệ ký tìm được đó chừng nào. Khi Giô-si-a hết trị vì rồi thì không còn chứng cớ tỏ rõ Giê-rê-mi là tác giả nữa.
       Tiến sĩ Scofield viết tiểu dẫn cho I Các vua như sau nầy:
       Sách I Các vua thuật lại sự chết của Ða-vít, đời Sa-lô-môn trị vì, sự xây cất Ðền thờ, sự chết của Sa-lô-môn, sự phân chia nước dưới đời Rô-bô-am và Giê-rô-bô-am, và lịch sử của hai nước cho đến đời Giô-ram trị vì trên Giu-đa, và A-cha-xia trên Sa-ma-ri. Sách gồm lại chức vụ quyền năng của Ê-li.
       Sách chia làm 7 phần: (I) Từ sự phản loạn của A-đô-ni-gia cho đến sự chết của Ða-vít, 1:1-2:11. (II) Từ sự lên ngôi của Sa-lô-môn cho đến sự khánh thành Ðền thờ, 2:12-8:66. (III) Từ sự chứng quyết giao ước Ða-vít cho đến sự chết của Sa-lô-môn, 9:1-11:43. (IV) Từ sự phân chia nước cho đến sự chết của Giê-rô-bô-am, và Rô-bô-am 12:1-14:31. (V) Các nước cho đến khi A-háp lên ngôi, 15:1-16:28. (VI) Sự lên ngôi của A-háp cho đến lúc người qua đời, 16:29-22:40. (VII) Từ sự trị vì của Giô-sa-phát đến khi Giô-ram lên ngôi cai trị Giu-đa, và A-cha-xia trên Sa-ma-ri, 22:41-53.
       Tiến sĩ Scofield viết tiểu dẫn cho II Các vua như sau:
       Sách nầy tiếp nối lịch sử của hai nước cho đến đời phu tù. Sách gồm lại sự cất Ê-li lên trời và chức vụ của Ê-li-sê. Trong thời kỳ nầy, A-mốt và Ô-sê nói tiên tri trong Y-sơ-ra-ên, và Áp-đia, Giô-ên, Ê-sai, Mi-chê, Na-hum, Ha-ba-cúc, Sô-phô-ni và Giê-rê-mi trong Giu-đa.
       Sách II Các vua chia làm 7 phần: 
             (I) Chức vụ cuối cùng của Ê-li và người được cất lên, 1:1-2:11. 
             (II) Chức vụ của Ê-li-sê từ khi Ê-li được cất lên cho đến sự xức dầu của Giê-hu, 2:12-9:10; 
             (III) Ðời trị vì của Giê-hu trên Y-sơ-ra-ên, 9:11-10:36. 
             (IV) Ðời trị vì của A-tha-li và Giô-ách trên Giu-đa, 11:1-12:21. 
             (V) Ðời trị vì của Giô-a-cha và Giô-ách trên Y-sơ-ra-ên và chức vụ cuối cùng của Ê-li-sê 13:1-25. 
             (VI) Từ sự chết của Ê-li-sê cho đến sự phu tù của Y-sơ-ra-ên, 14:1-17:41. 
             (VII) Từ lúc Ê-xê-chia lên ngôi cho đến khi Giu-đa làm phu tù, 18:1-25:30.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.