Có thể chia sách làm ba phần. Xin thử thuật sơ đại ý của từng phần ra như sau nầy:
I. Ðoạn 1 đến 35.-- Chép lời tiên tri của Ê-sai, có ba ý dạy dỗ.
1. Luận về Ðức Chúa Trời. Ê-sai thực lòng tin Ðức Chúa Trời là Ðấng có một không hai, nên nói: Hình tượng không phải là Ðức Chúa Trời, vì do tay người làm ra (Ê-sai 2:8,20; 17:8; 31:7). Ông ghét nhơn dân lập bàn thờ ở trong rừng và thờ tượng A-sê-ra (Ê-sai 1:29; 17:10,11). Khi giảng đạo, ông thường nhớ đến sự hiện thấy trong lúc được Chúa sai đi, nên nói: "Thánh thay là Ðức Giê-hô-va vạn quân! Khắp đất đầy dẫy sự vinh hiển Ngài" (Ê-sai 6:3). Lại nói: Ðức Chúa Trời cai trị muôn nước, có mực thước nhứt định (Ê-sai 10:23; 14:24-27). Hoặc gây dựng nước A-si-ri, hoặc phó Giu-đa sa vào tay A-si-ri, đều vì Chúa muốn làm trọn công việc thánh của Ngài. Còn những chỗ luận về sự khôn ngoan, sự kỵ tà và cơn thạnh nộ của Chúa thì giống các tiên tri khác.
2. Luận về Y-sơ-ra-ên.-- Ê-sai nói Ðức Chúa Trời là Chúa của Y-sơ-ra-ên; Y-sơ-ra-ên là dân của Ngài. Thế không phải nói Chúa chẳng phải là Chúa của muôn người đâu, song ý nói Chúa lựa riêng Y-sơ-ra-ên làm con dân Ngài. Như vậy thì người Y-sơ-ra-ên phạm tội sánh với dân ngoại, lại càng nặng hơn nhiều lắm; "Vì lời nói, việc làm của họ nghịch cùng Ðức Chúa Trời, và trêu chọc con mắt uy nghiêm của Ngài" (Ê-sai 3:8). Dầu hằng dâng của lễ. Song họ lại làm điều dữ, chẳng những mang tội với người ta, lại còn mang lỗi khinh lờn Ðấng Thánh nữa (Ê-sai 1:4; 30:9). Vâng mạng Chúa sai, Ê-sai cảnh cáo người Y-sơ-ra-ên quyết phải bị bắt làm phu tù (Ê-sai 6:11), nên ông hằng khuyên vua và dân chỉ nhờ cậy Chúa, và tin rằng dẫu khó tránh khỏi sự nguy hiểm bị bắt làm phu tù, song còn thoát được cái tội lìa bỏ Chúa (Ê-sai 28:16; 30:15).
3. Luận về Ðấng Mê-si.-- Khi vâng mạng Chúa sai, Ê-sai vẫn biết dân Y-sơ-ra-ên ắt sẽ bị bắt làm phu tù, và biết dân còn sót lại sẽ được trở về nước cũ (Ê-sai 6:11-13). Vậy nên ông hằng trông mong có một vua công bình lên ngôi Ða-vít, khiến cho dân Do-thái được phục hưng; thành Giê-ru-sa-lem trở nên kinh đô thánh của muôn nước (Ê-sai 9:1-7; 11:1-9; 32:1-8).
II. Ðoạn 36 đến 39.-- Phần nầy nói về lịch sử, có hai đại ý giống với II Các vua 18:20:
1. Luận về vua A-si-ri đánh lấy thành bền vững của Giu-đa Ê-xê-chia đem vàng bạc đút lót; vua A-si-ri bèn giải vây mà đi. Người Giu-đa không biết thế là quốc sỉ, trở đặt tiệc ăn mừng. Ðối với việc đó, Ê-sai rất không đẹp lòng (Ê-sai 22:1-4). Không bao lâu A-si-ri lại đem quân đến Giê-ru-sa-lem; Ê-sai ân cần yên ủi Ê-xê-chia rằng vua A-si-ri quyết không thể đánh được thành nầy. Rồi lời đó quả được ứng nghiệm (Ê-sai 36:37).
2. Luận về sự Mê-rô-đắc xui Ê-xê-chia dấy lên phản nghịch A-si-ri, tức là năm 702 T.C. (Ê-sai 38:39).
III. Ðoạn 40 đến 66.-- Vì phần ba nầy gồm lời tiên tri riêng, có người tưởng không phải là Ê-sai chép, song chép bởi một, hoặc vài người trong dân Giu-đa bị bắt làm phu tù ở Ba-by-lôn, chừng vào khoảng từ năm 549 đến 538 T.C.. Trái lại, khi chú ý tra xét, ta thấy có nhiều cớ chứng thực rằng 27 đoạn cuối nầy là do Ê-sai chép. Những cớ ấy như sau nầy:
1. Lời truyền khẩu của người Do-thái và Hội Thánh đều làm chứng cả sách do Ê-sai chép (tham khảo Ma-thi-ơ 3:3; Lu-ca 4:17; Công vụ các sứ đồ 8:28; Rô-ma 10:16,20).
2. Những ý ăn hiệp nhau và liên lạc 27 đoạn nầy với các đoạn ở trên.
3. Suốt cả sách những tiếng dùng cũng giống nhau.
4. Lời văn cao trọng riêng của 27 đoạn nầy cũng có dùng trong những đoạn trên.
5. Chỉ có tên một tác giả thôi.
6. Những lời tiên tri về Ðấng Mê-si đều chứng quyết Chúa soi bảo, nên trừ bỏ những cớ nói rằng không phải là tiên tri Ê-sai chép.
7. Trong cả sách vẫn để thấy cả đặc tánh của Ê-sai.
1. Luận Chúa tất dùng vua Si-ru khiến người Y-sơ-ra-ên trở về đất cũ (Ê-sai 40:48). Ðoạn 40 nói Chúa yên ủi dân Ngài, sẽ làm trọn lời hứa, vì Ngài là Ðấng Toàn năng, không chỗ trách được. Ðoạn 41 nói Si-ru nhờ Chúa giúp đỡ, đã được phát đạt, rất có ích cho người bị bắt làm phu tù, có thể không sợ sệt vậy. Ðoạn 42 nói đầy tớ Chúa rất khiêm nhường, ắt làm cho kẻ bị tù được ra khỏi ngục. Ðoạn 43 nói kẻ bắt làm phu tù, tức là dân lựa chọn của Chúa, cuối cùng sẽ được giải cứu mà về nước cũ và nước Ba-by-lôn sẽ bị nghiêng đổ. Ðó là nhờ ơn Chúa, chớ không phải vì việc làm lành của kẻ bị bắt làm phu tù. Ðoạn 44 nói dân được trở về, ắt có người các nước tình nguyện theo về với Chúa. Lại nói hình tượng là hư không giả dối, chỉ Ðức Chúa Trời mới cứu được dân Ngài. Ðoạn 45 nói Si-ru sẽ cai trị các nước (1-8), thứ nói Chúa cho Si-ru dấy lên, và chớ ghen ghét họ vì không phải là người trong đạo Do-thái (câu 9-12); sau nói dân Chúa trở về đất cũ; muôn nước sẽ phục Chúa là Ðấng Toàn năng. Ðoạn 46 nói hình tượng của Ba-by-lôn không tự cứu mình được; Chúa, từ trước đến sau, bao giờ cũng cứu dân Ngài. Ðoạn 47 nói Ba-by-lôn sẽ bị Chúa phạt. Ðoạn 48 nói lòng dân cứng cỏi, không rõ cái ý chịu thử rèn và không theo điều răn của Chúa.
2. Luận về tôi tớ của Chúa và vinh quang của Si-ôn (Ê-sai 49:55). Phần nhỏ nầy có chỗ khác với phần nhỏ trên. Phần nhỏ trên thường nói về sự vua Si-ru được lựa chọn, Ba-by-lôn bị nghiêng đổ. Phần nhỏ nầy nói Tôi tớ Chúa sẽ ra, Si-ôn sẽ trở nên vinh hiển. Những chỗ như 49:1-6; 50:4-9; 52:13; 53:12 là luận về tôi tớ của Chúa, và thật mô tả Ðấng Christ. Bản Cựu Ước tiếng Canh-đê (Targums) của người Do-thái chép Tôi tớ đó là Ðấng Mê-si của mình. Tiên tri Xa-cha-ri cho rằng "Ðầy tớ là Chồi mống" (Xa-cha-ri 3:8; Giê-rê-mi 23:5-8). Những chỗ như 49:14-26; 51:17; 52:12; 54:; là luận về vinh hiển của Si-ôn. Ý nói, trong ngày đó, Si-ôn như con lạc mất, như vợ bị bỏ, khó được yên ủi trong lòng. Nhưng Si-ôn lúc sau như người đờn bà có chồng, có con, thường được vui vẻ, sung sướng. Phần nhỏ nầy lại có những lời rất tốt như ở 50:1,2,3; 51:1-16; 55:; tức là khuyên dân thực lòng trở về cùng Chúa.
3. Luận về người Do-thái tin đạo chơn thật ắt có phước, kẻ bội nghịch ắt bị rủa sả (Ê-sai 56:66). Như Ê-sai 56:1-8 nói không cứ ai, hễ biết giữ đạo, vâng mạng Chúa, ắt được ơn Ngài. Ê-sai 56:1; 57:2 nói những quân tham nhũng, gieo sự nguy hiểm cho dân, đều đáng chịu sửa phạt. Ê-sai 57:3-13 nói những kẻ bội nghịch, tin dị đoan, ắt gặp hoạn nạn. Ê-sai 57:14-21 nói Ðấng Chí cao sẽ ở với kẻ khiêm nhường hạ mình. Ðoạn 58 nói đã kiêng ăn và giữ ngày thánh mà còn có ý tranh cạnh giả dối, thì không được Chúa đẹp lòng tiếp nhận. Ðoạn 59 nói tội lỗi của người Do-thái; lại nói ắt có Cứu Chúa giáng lâm cai trị vì Si-ôn và vì những người biết hối tội trong họ Gia-cốp. Ðoạn 60; 62; nói Si-ôn lập lại ngày càng thạnh vượng. Những người nào trong dân Chúa biết làm theo chơn lý mà phải tản lạc ở các nước cũng sẽ được về đất cũ. Lại nói ánh sáng của Hội Thánh chiếu khắp muôn dân khiến họ thành tâm trở về cùng Chúa. Ðoạn 63:1-6 nói Cứu Chúa giáng lâm, đại thắng mọi quân nghịch. Ðoạn 63:7; 64:12 nói dân nhờ ơn xưa, tự nhận tội mình. Ðoạn 65; 66; nói những người chơn thật tin Chúa ắt ở đất thánh đời đời mà hưởng hạnh phước trời mới, đất mới. Còn kẻ bội nghịch đạo thật thì bị hủy diệt!
Những lời tiên tri trong ba phần chính kể trên đều là lời của tiên tri, trước nói cho những người bị bắt làm phu tù, sau cũng cho các tín đồ Ðấng Christ nữa. Vì trong bọn bị bắt đó có người tuyệt vọng, cho rằng Chúa không soi xét việc họ, không gỡ oan cho họ (Ê-sai 40:27). Lại nói Chúa bỏ họ, quên họ (Ê-sai 49:14). Vì vậy, tiên tri phải nghĩ cách để yên ủi họ. Nhưng yên ủi thế nào đây? Nếu chỉ dùng lời ngon ngọt, thì không đủ khiến người ta tin được! Nếu chuyên dùng lời trách bảo, thì có khi họ không chịu! Vậy phải dùng cách khiến cho nhơn dân biết lời Chúa đều thực và đúng hết, và biết dân Y-sơ-ra-ên là khí cụ Chúa muốn dùng. Như vậy, phàm kẻ thất vọng vẫn có thể giữ được ý muốn thờ phượng Chúa. Về nghĩa đó có ba ý:
a) Nói Chúa là Ðức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên. Tiên tri nói: Chúa là Ðấng có một không hai (Ê-sai 43:10; 46:9). Muôn vật đều do Ngài dựng nên (Ê-sai 42:5; 45:7,12,18). Chúa là đầu tiên và cuối cùng (Ê-sai 41:4; 46:6; 48:12), không ai so sánh với Ngài được (Ê-sai 40:18; 46:5); Ngài sửa trị mọi sự và muôn vật (Ê-sai 40:12-14); muôn người đều chịu Ngài cai trị (Ê-sai 40:15-17,22-24). Từ ban đầu Ngài sắp đặt mọi việc của muôn đời (Ê-sai 41:4). Si-ru được lựa riêng, làm nên trọn cái ý thánh của Chúa từ xưa đến rày đã định cứu giúp dân Ngài (Ê-sai 45:13). Vì Ðức Chúa Trời là Ðấng công bình, hay cứu giúp, dầu tạm nổi giận, nhưng sau ắt thương xót dân Ngài, ban ân huệ đời đời (Ê-sai 54:8). Ngài sẽ yên ủi người ta như cha mẹ yên ủi con, và ấy là tại trong Giê-ru-sa-lem mà người ta sẽ được yên ủi (Ê-sai 66:13). Ôi, như vậy thực rõ rệt được lòng của Chúa dùng để thương xót, yên ủi dân Y-sơ-ra-ên.
b) Nói Y-sơ-ra-ên là sứ giả của Chúa. A-mốt thấy Y-sơ-ra-ên nhiều lần phạm tội cùng Ðức Chúa Trời, thì nói: Ở trước mặt Chúa, người Y-sơ-ra-ên không khác gì người Phi-li-tin và người Sy-ri (A-mốt 9:7,8). Còn Ê-sai thì nói: Chúa coi Y-sơ-ra-ên là quí báu, Ngài sẽ khiến dòng dõi họ đến từ bốn phương (Ê-sai 43:4,5,6). Lại nói: Chúa cứu dân Y-sơ-ra-ên. Vì họ là sứ giả của Ngài, có thể lãnh đem muôn vạn người trở lại cùng Ngài (Ê-sai 42:19; 43:10; 44:8). Sau khi người Y-sơ-ra-ên được Ðức Thánh Linh cảm động, người nước khác cũng muốn tự xưng là người Y-sơ-ra-ên (Ê-sai 44:3,4,5).
c) Nói dân ngoại cũng có thể làm dân Chúa. Tiên tri nói: Người Do-thái sẽ được xưng là thầy tế lễ của Chúa, sẽ được xưng là chức dịch của Ngài (Ê-sai 61:6). Song vua Si-ru theo ý chỉ Chúa, khiến người Do-thái trở về thành Giê-ru-sa-lem, chẳng những họ được ích lợi mà lại khiến người các phương Ðông Tây đều biết ngoài Ðức Chúa Trời, không có thần nào khác. Lại nói: Chúa ở trong người Do-thái, ngoài ra không có thần nào khác (Ê-sai 45:6,14-17). Các dân ở hải đảo đều ngửa trông Chúa, nhờ cậy quyền năng lớn lao của Ngài (Ê-sai 51:5). Chúa ắt khiến Y-sơ-ra-ên làm sự sáng của dân ngoại, đem ơn cứu rỗi của Chúa ban cho đến cùng trái đất (Ê-sai 49:6). Như vậy, thì đền thờ Chúa sẽ xưng là đền thờ cầu nguyện của muôn dân (Ê-sai 56:7). Phàm người có huyết khí sẽ sấp mình thờ lạy ở trước mặt Chúa (Ê-sai 66:23). Ðó là đại ý trong phần thứ ba nói Chúa yên ủi những kẻ bị bắt làm phu tù.
Trong vòng các đấng tiên tri chép sách Ê-sai được kể là người trọng nhứt. Lời ông chép bao gồm nhiều ý tiên tri hơn và tỏ ra ông thật là tiên tri của sự cứu chuộc. Trong phần Kinh Thánh chép về luật pháp, ta không thấy sách nào bày tỏ ân điển rõ hơn sách nầy. Dầu Hội Thánh Tân Ước không được tỏ ra (Ê-phê-sô 3:3-10), nhưng vì Ngôi vị và sự đau thương, với ơn phước do nơi Ngài mà dân ngoại nhận lãnh, thì Ðấng Mê-si được bày tỏ rất rõ ràng.
Trừ lời làm chứng cho người đồng thời với mình ra, là những lời chứng gồm các lời răn bảo về sự đoán phạt giáng trên các dân tộc lớn trong ngày ấy, thì những sứ mạng tiên tri của Ê-sai gồm bảy luận đề lớn:
I. Y-sơ-ra-ên bị đày, và Chúa đoán phạt những kẻ hà hiếp dân ấy.
II. Dân Y-sơ-ra-ên ở Ba-by-lôn về.
III. Ðấng Mê-si được bày tỏ trong sự Ngài hạ mình (Ê-sai 53).
IV. Những ơn phước của dân ngoại.
V. Ðấng Mê-si được bày tỏ trong ngày phán xét ("Ngày báo thù của Ðức Giê-hô-va", Ê-sai 34:8).
VI. Chồi công bình của Ða-vít trị vì trong thời đại của nước Chúa.
VII. Trời mới và đất mới.
Sách Ê-sai chia làm hai phần lớn:
1. Nhìn và thời kỳ dân Ngài sẽ bị đày làm phu tù (1:1; 39:8). Câu chìa khóa là (1:1-2).
2. Nhìn vào thời kỳ dân Ngài bị đày trở về (40:1; 66:24). Câu chìa khóa là (40:1,2). Hai phần lớn nầy cũng chia ra phần nhỏ.
Theo Giám mục Ussher, những sự xảy ra, ngoài lời tiên tri, chép trong sách nầy gồm 62 năm.
Về phần lớn thứ hai của sách Ê-sai, Tiến sĩ Scofield viết: Hai câu đầu đoạn 40 sách Ê-sai là câu chìa khóa mở phần lớn thứ nhì của sách nầy. Ðại ý cốt yếu của phần nầy là sự thương khó của Ðức Chúa Jêsus Christ đi trước sự vinh hiển trong nước Ða-vít. (Xem bài Ðấng Christ, về sự thương khó, Sáng thế ký 4:4; Hê-bơ-rơ 10:18; về sự vinh hiển; II Sa-mu-ên 7:8-15; Xa-cha-ri 12:8). Vì dân Y-sơ-ra-ên phải hội hiệp trở lại cùng Chúa, và trở nên trung tâm điểm, của xã hội theo sự tổ chức mới khi nước Chúa thành lập, thì phần lớn trong Ê-sai nầy gồm có những lời tiên tri quan hệ về những biến động ấy. Vì thấy rất rõ ràng những sự thương khó của Ðấng Christ về việc cứu chuộc (Ê-sai 53), nên tiên tri chịu cảm động và trong phần nầy ông chép nhiều lời khuyên hãy tin Chúa (Ê-sai 44:22,23; 55:1-3).
Tiến sĩ Scofield viết: Dầu có người nói trong phận sự lớn thứ hai nầy lời văn khác với lời văn ở phần trên, song không lấy gì làm lạ, vì đầu đề cũng thay đổi nữa. Một đấng tiên tri, là người ái quốc, chắc tự nhiên không thể vui mừng khôn xiết khi chép về tội lỗi và sự lưu đày của dân mình, như khi mô tả sự cứu chuộc, phước hạnh và quyền năng của dân mình Giăng 12:37 là trích ở Ê-sai đoạn 53 và 6, cũng có chép lời của Ðấng tiên tri Ê-sai.