Nguyên bản Hê-bơ-rơ vốn gọi là "Pháp luật của các thầy tế lễ", sau lấy tiếng đứng đầu là Wayyikrã' mà nguyên bản Hy-lạp (Septante) dịch là Leuitikón tức là Léviticum theo bản Vulgate, ấy là theo tài liệu trong sách. Lê-vi ký là sách thứ ba của Ngũ-kinh Môi-se, là luật lệ mà "Ðức Giê-hô-va đã truyền cho Môi-se tại trên núi Si-na-i khi Ngài dặn biểu dân Y-sơ-ra-ên dâng của lễ mình cho Ðức Giê-hô-va trong Ðồng vắng Si-na-i (7:38). Chúa ban luật lệ nầy trong khoảng giữa ngày dựng đền tạm và ngày bỏ núi Si-na-i tức là giữa mồng một tháng giêng năm thứ II và ngày hai mươi tháng hai năm thứ II từ Xuất Ê-díp-tô (Xuất Ê-díp-tô ký 40:2, 17; Dân số ký 10:11).
Khi đã dựng Ðền tạm và cử thầy tế lễ lo việc bàn thờ rồi, bước thứ hai là phải mở và dọn đường đến cùng Ðức Chúa Trời. Ấy là mục đích chép các luật lệ trong sách Lê-vi ký nầy. Như Ðức Giê-hô-va nhờ Ðền tạm đến cùng Y-sơ-ra-ên, cũng vậy, Y-sơ-ra-ên nhờ của lễ đến cùng Ðức Giê-hô-va.
Ðể đến gần Ðức Giê-hô-va:
1. Phải dâng của lễ; bởi đó chép những luật về mấy thứ của lễ (1:-7:).
2. Phải nhờ thầy tế lễ mà Chúa đã phong chức cho, để dâng của lễ; bởi đó chép về A-rôn và các con được phong chức, và chép truyện về Na-đáp và A-bi-hu vì cớ trái lệ luật đến cùng Chúa thì bị chết thiêu (8:-10:).
3. Phải được thanh sạch và giữ cả phần lễ nghi và đạo đức, để được giao thông với Ðức Chúa Trời; bởi đó:
a) Chép những luật về đồ ăn không sạch, những tật bệnh với những sự của người nam và nữ làm cho ô uế, và chép về lễ làm cho cả dân sự được tinh sạch (11:-16:).
b) Dầu dường như cuối 26: là hết sách, nhưng có một đoạn phụ thêm về lời khẩn nguyện, thuế phần mười, và những điều biệt ra thánh cho Chúa (27:).
Thời lập pháp nầy là khi "Ðức Giê-hô-va từ trong hội mạc gọi Môi-se mà phán" (1:1); và nơi chỉ định trong mỗi phần lớn là tại núi Si-na-i trong đồng vắng (7:38 với 13:46; 14:8, 34; 16:1; 17:3; 18:3; 19:23; 4:12, 21; 8:17; 10:4; 25:1; 26:46; 20:22; 23:10; 24:10 và 27:34). Thỉnh thoảng chép lại một luật, song có sự can thiệp mới và một mục đích khác. Có khi cũng chép các biến động xảy ra xen vào giữa những luật lệ (8:; 9:; 10:1-7, 12:-20:; 21:24; 24:10-23). Bởi thế, đủ biết những điều lệ về sự thờ phượng và cách ăn ở của dân sự được chép ngay khi xảy ra, và không có ý sắp đặt theo trật tự.
Suốt cả sách, chỉ có một nơi thánh (19:21, v.v...) và một bàn thờ cho dân Y-sơ-ra-ên được công nhận (1:3; 8:3; 17:8-9). Và chỉ các con trai A-rôn hành chức tế lễ (1:5). Người Lê-vi chỉ được nói đến ít mà thôi (25:32-33). Những sự chép khác nhau về luật lệ trong Lê-vi ký và sách Phục truyền luật lệ ký có thể hiểu khi nhắc lại:
1. Lê-vi ký là một sách điều lệ cho các thầy tế lễ để chỉ cho biết phải làm thế nào những sự thuộc lễ nghi; còn sách Phục truyền luật lệ ký trước nhứt không phải là sách luật lệ song là một bài chung dạy dỗ dân sự về những bổn phận và khuyên phải trung tín. Vả lại, sách Phục truyền luật lệ ký không nói đến những sự riêng thuộc các thầy tế lễ.
2. Những luật lệ chép trong sách Lê-vi ký đã được nhận tại Si-na-i trọn một đời, trước những bài giảng tại Sít-tim bên kia sông Giô-đanh, chép trong sách Phục truyền luật lệ ký. Vậy, sách Phục truyền luật lệ ký có nhờ luật lệ chép trước trong sách Lê-vi ký. Ấy cũng theo trật tự đặt trong Kinh Thánh.
Những điều cốt yếu của luật lệ chép trong Lê-vi ký cũng được phản chiếu trong lịch sử của chức tế lễ nhà A-rôn sớm được công nhận. Theo chứng cớ đủ biết chỉ các con cháu A-rôn có thể lãnh chức tế lễ (Phục truyền luật lệ ký 10:6; Giô-suê 14:1; 21:4, 13 với I Các vua 2:26; Các quan xét 20:27-28; I Sa-mu-ên 1:3; 2:27-28; 14:3; 21:6 với I Sử ký 24:3; I Sa-mu-ên 22:10, 11, 20; 23:6; và II Sa-mu-ên 8:17 với E-xơ-ra 7:2 và I Sử ký 24:3). Nên chú ý: người Lê-vi là người kiều ngụ và hay phục tòng (Các quan xét 17:7-9; 19:1; I Sa-mu-ên 6:15; II Sa-mu-ên 15:24) chỉ có một đền cho Ðức Giê-hô-va (Các quan xét 18:31; 19:18; I Sa-mu-ên 1:7, 24; 3:3; 4:3), và một lễ cho Ðức Giê-hô-va trong đền tại Si-lô mà cả dân Y-sơ-ra-ên đến (Các quan xét 21:19; I Sa-mu-ên 1:3; 2:14, 22, 29).
Sự giải nghĩa.--
1. Luật lệ Lê-vi ký, dầu tạm thời, song là theo ý muốn Ðức Chúa Trời. Lê-vi ký là một bước tấn tới rất cần trong sự mở mang đạo thật. Trong Cựu Ước không đi qua bước đó. Trong những sự hiện thấy về tương lai của Cựu Ước, các tiên tri đứng đầu hàng cũng chép về Ðền thờ, các của lễ, các lễ thánh v.v.... Luật lệ chép trong Lê-vi ký về cách thờ phượng Chúa chỉ như cái vỏ ngoài bao một lớp thịt ở trong. Cho đến thời Tân Ước vỏ và thịt vẫn hiệp không phân rẽ. Song đạo Ðấng Christ là thứ nhứt bỏ vỏ ngoài đó sau khi thịt ở trong đã được chín, tức dạy rằng "Giờ... đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng" (Giăng 4:20-24). Vậy, phải nhớ dầu Lê-vi ký thật chép nhiều về luật lệ mà tín đồ Ðấng Christ nay không cần giữ nữa (Xem Công vụ các sứ đồ 10:15; 21:17; Rô-ma 14:1; I Cô-rinh-tô 19:9), song cũng có tư tưởng thuộc linh rất cao trọng nữa. Như 19:18 chép: "Hãy yêu thương kể lân cận ngươi như mình", và trong câu 33 kể cả "khách kiều ngụ" nữa mà chính Chúa Jêsus phán là điều răn thứ hai (Ma-thi-ơ 22:39). Lại như 19:17 chép: "Chớ có lòng ghen ghét anh em mình, chớ toan báo thù". Ấy thật giống đạo Ðấng Christ! Dầu Phao-lô bỏ hẳn bởi luật pháp có thể được cứu, song bày tỏ trong luật pháp có ý muốn của Ðức Chúa Trời (Rô-ma 8:3), và xưng rằng Chúa Jêsus được sai đến để cho những sự luật pháp đòi nơi tín đồ có thể được ứng nghiệm. Như trong Rô-ma 13:10 Phao-lô chép: "yêu thương là sự làm trọn luật pháp", và Rô-ma 7:2 "Luật pháp là thánh, công bình và tốt lành".
2. Luật lệ dọn đường giúp sự hiểu đạo Ðấng Christ, tức công việc ngôi vị và mục đích của Chúa Jêsus. Xuất Ê-díp-tô ký 25:8; 29:45; 40:34 chép có sự hiện diện Chúa trong Ðền thánh, ấy là tiên tri về Ðức Chúa Trời sẽ ngự trong Ðức Chúa Jêsus Christ (Giăng 1:14) sẽ ngự trong Hội Thánh bởi Ðức Thánh Linh (I Phi-e-rơ 2:5), và trong tín đồ (I Cô-rinh-tô 3:16; 6:19; II Cô-rinh-tô 6:16; Giăng 14:23). Nhờ những của lễ chép trong Lê-vi ký 1:-7:, và những mạng lệnh của ngày đại lễ chuộc tội (16:), ta có thể hiểu biết tính cách của tội lỗi, ân điển và sự tha tội. Chúa Jêsus, Phao-lô, và trước giả mấy sách Tân Ước khác, nhứt là thơ Hê-bơ-rơ, trích từ Lê-vi ký về chức thầy tế lễ, các của lễ, lễ chuộc tội, lễ Vượt qua, nghĩa của huyết, v.v... mà tỏ ra có nghĩa bóng thuộc linh cao trọng hơn. Phao-lô chép đúng khi nói sự công bình Chúa đã được nói trước chẳng những bởi các lời tiên tri và cũng bởi luật pháp nữa (Rô-ma 3:21). I Phi-e-rơ 1:16 trích Lê-vi ký 11:44 "Hãy nên thánh vì ta là thánh"; song sự thánh khiết trong Tân Ước không bị bó buộc về sự ăn uống, theo mùa và ở nơi nào (Giăng 4:20-24; Công vụ các sứ đồ 10:; 15:). Thi Thiên 89:15 chỉ về năm hân hỉ chép trong Lê-vi ký. Những Hình bóng trong Lê-vi ký dầu đã được trọn một phần rồi song đến "kỳ muôn vật đổi mới" (Ma-thi-ơ 19:28; Công vụ các sứ đồ 3:21), và kỳ "muôn vật được giải cứu khỏi làm tôi sự hư nát để dự phần trong sự tự do vinh hiển của con cái Ðức Chúa Trời" tức là "sự cứu chuộc thân thể chúng ta vậy" (Rô-ma 8:19, 23).
3. Luật lệ là giáo sư dẫn đến Ðấng Christ. Cuối cùng lễ nghi theo luật pháp cũng có mục đích che chở Y-sơ-ra-ên khỏi những sự sai lầm của dân ngoai. Ấy tỏ rõ trong luật pháp của sự thánh khiết (Lê-vi ký 18:3, 24; 19:26; 20:2, 22; 26:1), và hiệp với thời kỳ sơ học của Y-sơ-ra-ên trong Cựu Ước khi còn cần một giáo sư dẫn đến Ðấng Christ (Ga-la-ti 3:23; 4:1).
4. Ý nghĩa luật lệ về mặt trái. Chính luật lệ và điều răn là thánh khiết, công bình và tốt lành (Rô-ma 7:12), song vì xác thịt hay phạm tội, nên đã mất quyền năng mình (Rô-ma 8:3). Vậy, luật pháp là cớ phạm tội, và dẫn đến sự biết tội và thêm nữa (Rô-ma 3:20; 4:15; 5:20; 7:13). Ấy sẽ xảy ra tùy theo ý định Chúa, hầu cho những lòng ngay thẳng ước ao được tha thứ. Chắc thật, trừ ra những tiểu ti của luật pháp, không có gì tốt hơn để đánh thức trí khôn người nào chưa vâng phục những mạng lịnh Ngài. Về sự khỏi mắc lỗi đó, chỉ cần những tiểu ti của luật lệ để khiến người biết những sự thiếu thốn mình (Hê-bơ-rơ 7:-10:). Chỉ nhờ ân điển, Chúa tạm ưng thuận cho người lấy huyết dê đực, bò đực để chuộc tội; song lúc đó Ngài đã kể đến sự tha tội trong Ðấng Christ rồi (Rô-ma 3:25). Mọi của lễ trong Lê-vi ký 1:-7: không thể làm cho lễ chuộc tội trong Lê-vi ký 16: là thừa, và mọi người đem của lễ nầy cũng là người phạm tội nên rất cần phải nhờ Chúa tha tội cho mình. Chỉ Chúa Jêsus, là Thầy tế lễ và của lễ trọn vẹn, đã thành việc cứu chuộc cách trọn vẹn. Bởi đó, chỉ có thể bởi lòng tin đến Chúa Jêsus được xưng là công bình trước mặt Ðức Chúa Trời, chớ không phải bởi việc của luật pháp. Vì không được trọn vẹn và vì đánh thức người biết tội, nên luật pháp thúc giục người đến cùng Chúa Jêsus. Nhưng vì đã làm trọn những điều luật pháp đòi, Chúa Jêsus bởi Thần Ngài ban cho tín đồ có quyền hầu cho luật pháp với những sự đòi của nó không có thể ngăm đe nữa, song có ghi trong lòng. Bởi vậy, luật pháp Cựu Ước về phần tạm thời đã được ứng nghiệm, và cũng trở nên thừa sau khi đã được công nhận, gìn giữ, và bị bỏ qua.
Tiến sĩ Scofield viết về Lê-vi ký như sau nầy:
Tiểu dẫn.-- Lê-vi ký liên quan với Xuất Ê-díp-tô ký giống như các thơ tín liên quan với bốn sách Tin lành. Xuất Ê-díp-tô ký thuật lại sự cứu chuộc, và lập nền tảng của sự tẩy sạch, thờ phượng và hầu việc của dân sự đó. Trong Xuất Ê-díp-tô ký Ðức Chúa Trời phán ra từ núi mà cấm không ai được đến gần; trong Lê-vi ký Chúa phán ra từ Hội mạc là nơi Chúa ngự giữa dân sự Ngài, và tỏ cho biết những điều hiệp với sự thánh khiết Ngài để được gần Ngài và giao thông.
Lời chìa khóa của Lê-vi ký là "Thánh khiết", chép 87 lần; câu chìa khóa là 19:2.
Lê-vi ký chia ra 9 phần lớn:
1. Những của lễ, 1:-6:7.
2. Luật về của lễ, 6:8-7:38.
3. Dâng mình biệt riêng cho Chúa, 8:1-9:24.
4. Một gương răn dạy, 10:1-20.
5. Ðức Chúa Trời thánh khiết đòi dân sự phải sạch tội, 11:-15:.
6. Lễ chuộc tội, 16:-17:.
7. Những sự can thiệp của dân sự Ngài, 18:-22:.
8. Những lễ của Ðức Giê-hô-va, 23:.
9. Những sự dạy biểu và khuyên răn, 24:-27:.
1:2.-- Sự đặt tay trên con sinh nghĩa là công nhận và kể mình là một với của lễ mình. Ấy là hình bóng về tín đồ bởi đức tin nhận lấy và hiệp một với Ðấng Christ (Rô-ma 4:5; 6:3-11). Tín đồ được xưng công bình bởi đức tin và đức tin đó được kể là công bình cho người, ấy vì nhờ đức tin mà được hiệp một với Ðấng Christ, là Ðấng đã chết làm của lễ chuộc tội cho tín đồ (II Cô-rinh-tô 5:21; I Phi-e-rơ 2:24).
4:12.-- Cũng xem Xuất Ê-díp-tô ký 29:14; Lê-vi ký 16:27; Dân số ký 19:3; Hê-bơ-rơ 3:10-13. Khúc sau nầy giải nghĩa về "phải đem ra khỏi trại quân". "Trại quân" tức là giáo Do-thái: một tôn giáo gồm những nghi lễ bề ngoài. Chính mình Chúa Jêsus đã chịu khổ tại ngoài cửa thành (tức là giáo Do-thái về phần luật pháp và đạo đức) để lấy (hoặc bởi) huyết mình làm cho dân nên thánh (tức là biệt riêng ra cho Chúa) Hê-bơ-rơ 13:12. Ấy thế nào làm cho dân nên thánh hoặc biệt riêng ra? "Hãy ra ngoài trại quân (lúc đó là giáo Do-thái, nay là sự gì về tôn giáo chối Ngài là của lễ chuộc tội), đăng đi tới cùng Ngài" (Hê-bơ-rơ 13:13). Thân thể con sinh làm của lễ chuộc tội, "đốt đi bên ngoài trại quân", nghĩa bóng về phương diện nầy của sự chết Ðấng Christ. Vậy, thập tự giá trở nên một bàn thờ mới trong một nơi mới là nơi các người được chuộc nhóm họp như là tín đồ, tế lễ để dâng của lễ thuộc linh dầu trong mình không có công đức gì (Hê-bơ-rơ 13:15; I Phi-e-rơ 2:5). Những xác con sinh chuộc tội đó bị đốt đi bên ngoài trại quân, vì đầy dẫy tội lỗi và không xứng đáng trong một trại quân thánh. Trái lại, một trại quân không thánh thì không xứng đáng cho một của lễ chuộc tội thánh. Thân thể chết của Chúa chúng ta không đầy dẫy tội lỗi, dầu tạm đã mang tội lỗi ta (I Phi-e-rơ 2:24).
5:6.-- Trong câu nầy lễ mắc tội chỉ về sự thiệt hại của tội đó hơn là về chính tội -- ấy là một mặt về của lễ chuộc tội. Những quyền lợi của Chúa trong mỗi người đòi sự đó. Thi Thiên 51:4 tỏ ý đó cách trọn vẹn.
8:2.-- Các thầy tế lễ không phải tự biệt riêng mình ra cho Chúa, ấy là việc người khác, tức là Môi-se thế cho Ðức Giê-hô-va. Các thầy tế lễ chỉ dâng thân thể mình theo ý nghĩa Rô-ma 12:1.
11:2.-- Những điều lệ về đồ ăn của dân sự lập giao ước với Chúa phải coi thứ nhứt như về phần vệ sinh. Nên nhớ Y-sơ-ra-ên là một dân tộc sống dưới quyền Chúa cai trị. Như vậy, cần có luật của Chúa lo về phần xã hội cũng như lo về đời sống thuộc linh của dân đó. Nếu làm quá lẽ mà lấy mỗi lời trong điều lệ đó như có ý bóng, thì khó cắt nghĩa I Cô-rinh-tô 10:1-11 và Hê-bơ-rơ 9:23-24 một cách phải lẽ.
14:4.-- Hai con chim, một bị giết, một để sống nhúng trong huyết và thả đi, chỉ về hai mặt của sự cứu rỗi trong Rô-ma 4:25; "nộp vì tội lỗi chúng ta, và sống lại vì sự xưng công bình của chúng ta".
14:5.-- Chậu sành nghĩa bóng về nhơn tánh Ðấng Christ, như nước đang chảy, nghĩa bóng về Ðức Thánh Linh tức là "Thánh Linh sự sống" (Rô-ma 8:2): "về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng về phần linh hồn thì được sống" (I Phi-e-rơ 3:18).
16:18.-- Về phần thời đại đối với Y-sơ-ra-ên ấy còn thuộc tương lai; thầy cả thượng phẩm còn trong nơi chí thánh. Khi Chúa đi ra đến cùng dân sự xưa của Ngài thì dân đó mới tin Ngài mà được cứu (Rô-ma 11:23-27; Xa-cha-ri 12:10, 12; 13:1; Khải Huyền 1:7). Trong khi chờ đợi, các tín đồ của thời đại nầy như thầy tế lễ (I Phi-e-rơ 2:9) được vào nơi chí thánh có Chúa ngự (Hê-bơ-rơ 10:19-22).
17:11.-- a) Giá trị của "sanh mạng" bao nhiêu thì giá trị của "huyết" cũng bấy nhiêu. Bởi đó huyết Ðấng Christ có giá quí không kể được. Khi đổ ra thì Ðấng vừa là Ðức Chúa Trời vừa là người phó sự sống mình. "Vì huyết của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được" (Hê-bơ-rơ 10:4).
b) Chớ không phải huyết trong mạch con sinh, song huyết trên bàn thờ mới có linh nghiệm. Kinh Thánh không chép về sự cứu rỗi bởi sự bắt chước hay ảnh hưởng của sự sống Ðấng Christ, song chỉ chép về sự cứu rỗi được bởi sự sống phó đi trên cậy thập tự.