Sách Ma-thi-ơ. Évangile selon Matthieu.

       


      Sách Tin lành theo Ma-thi-ơ được chép bởi Sứ đồ nầy; ấy hiệp với toàn thể các góa phụ Hội Thánh xưa.
       I. Tiếng dùng chép sách.-- Mỗi văn sĩ đầu tiên nói đến Ma-thi-ơ chép sách Tin lành đều chứng rằng Ma-thi-ơ viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ tức là tiếng Sy-ri Canh-đê hoặc gọi là Aramaique dùng trong xứ Pha-lê-tin thế kỷ I S.C.. Song có người tin rằng Irénée, Origène, Eusèbe và Jérôme thật chỉ về một sách khác, là sách Tin lành theo người Hê-bơ-rơ cũng gọi là sách Tin lành của 12 Sứ đồ mà các tín đồ Giu-đa đều tin có dùng. Vậy không quyết định chắc chắn được, chỉ biết mỗi văn sĩ đầu tiên hay dùng sách Tin lành Ma-thi-ơ bằng tiếng Hy-lạp, bởi đó có thể biết đúng Ma-thi-ơ bằng tiếng Hy-lạp là thuộc đời các Sứ đồ và Hội Thánh từ đó dùng đến luôn. Vấn đề Ma-thi-ơ vốn chép bằng tiếng Sy-ri, Canh-đê, hoặc tiếng Hy-lạp không quan hệ lắm, vì như có hiện nay bằng tiếng Hy-lạp là nhờ Hội Thánh Sứ đồ đầu tiên công nhận.
       II. Lối văn.--
             1. Ma-thi-ơ dùng thành ngữ "để cho ứng nghiệm lời Chúa đã dùng đấng tiên tri mà phán" (1:22; 2:15), và trong 2:5 và mấy câu sau thì vắn tắt (2:17; 3:3; 4:14; 8:17; 12:17; 13:14, 35; 21:4; 26:56; 27:9).
             2. Trưng dẫn Ðấng Mê-si là "Con vua Ða-vít" chép trong sách nầy 8 lần, trong Mác và Lu-ca 3 lần.
             3. Giê-ru-sa-lem được gọi là "thành thánh" (4:5; 24:15; 27:53).
             4. Thành ngữ "sunteleia tôn aiônôn" dùng 5 lần (13:39, 40, 49; 24:3; 28:20) và chỉ một lần trong Hê-bơ-rơ 9:26, quốc văn dịch là "tận thế" song đúng hơn theo Thayer là "sự đầy trọn thời đại" tức trước khi Ðấng Christ tái lâm.
             5. Thành ngữ "nước thiên đàng" dùng độ 33 lần; song các sách khác hay dùng "nước Ðức Chúa Trời", cũng tìm trong sách nầy nữa.
             6. "Cha ở trên trời" dùng độ 22 lần và vì không giải nghĩa thì ấy chỉ về lối người Do-thái thường nói về sách Tin lành nầy.
       III. Ðược công nhận.-- Người ta ai nấy đều công nhận thuộc Kinh Thánh; song trước có một ít người tự hỏi về hai đoạn đầu.
             1. Mọi bản viết tay và các bản sao đều có hai đoạn nầy; và các giáo phụ Hội Thánh thế kỷ thứ II và III có trích dẫn.
             2. Tài liệu hai đoạn tự nhiên có vì chép cho người Do-thái trước nhứt.
             3. Bắt đầu đoạn 3 là tùy theo 2:23; và 4:13 trưng dẫn 2:23).
             4. Lối văn và thành ngữ trong hai đoạn nầy giống như dùng trong các đoạn sau. Origène đầu thế kỷ thứ III viết sách Tin lành Ma-thi-ơ là thứ nhứt trong bốn sách Tin lành mà Hội Thánh Ðức Chúa Trời dưới trời công nhận không bàn cãi gì. Irénée, Tertullien, Clément ở Alexandrie với bản Muratorian, v.v..., đều làm chứng sách Ma-thi-ơ thuộc Kinh Thánh.
       IV. Niên hiệu và nơi chép.-- Theo lời truyền khẩu phổ thông trong Hội Thánh xưa, sách Ma-thi-ơ chép trước ba sách Tin lành khác và vì đặt đứng đầu tỏ ra là thật vậy. Irénée (độ 175 S.C.) viết rằng Ma-thi-ơ chép lúc Phi-e-rơ và Phao-lô tại La-mã, 60-70 S.C.. Eusèbe viết là khi Ma-thi-ơ lìa Pha-lê-tin để sang ngoại quốc. Clément ở Alexandrie viết rằng các trưởng lão từ khi lập Hội Thánh đều làm chứng "Hai sách Tin lành chép gia phổ Chúa (Ma-thi-ơ và Lu-ca) được chép trước nhứt". Ấy trái với thuyết Ma-thi-ơ và Lu-ca về phần sử ký có nhờ sách Mác nhiều mà chép. Một điều chắc chắn là Ma-thi-ơ được chép trước khi Giê-ru-sa-lem bị phá đổ, (năm 70 S.C. xem 24:15). Vậy thì, niên hiệu hiệp lẽ hơn cả là sách Ma-thi-ơ tiếng Hy-lạp chép trong khoảng 60-70 S.C., lúc Ma-thi-ơ tại xứ Pha-lê-tin. Song nhà thần học Zahn định có sách Ma-thi-ơ bằng Aramaique chép tại xứ Pha-lê-tin từ năm 62 S.C., và bằng tiếng Hy-lạp từ 85 S.C..
       V. Nội dung và đặc điểm.-- Ma-thi-ơ 1: và 2: luận rất kỹ về việc Chúa Jêsus giáng sanh. Ðó là sự chính Ma-thi-ơ nghe biết. Ma-thi-ơ 3: và 4: chép những việc Giăng Báp-tít giảng đạo, Chúa Jêsus chịu báp-têm và thử thách luôn với việc kêu gọi bốn Sứ đồ. Ðó dường như là tiếp nhận ý do Phi-e-rơ bảo cho Mác chép. Ma-thi-ơ 4:12-16:20 chép việc Chúa Jêsus giảng đạo ở Ga-li-lê cũng lãnh ý của Mác. Duy Ma-thi-ơ 5:-7: chép lời dạy dỗ quí báu ở trên núi thì sách Mác không có. Từ Ma-thi-ơ 16:21 đến cuối sách đều chép việc Chúa Jêsus chịu khổ, chịu chết. Trong đó cũng chép việc Chúa hóa hình (Ma-thi-ơ 17:1-8) giảng luận các dấu hiệu về ngày Chúa tái lâm như tận thế (Ma-thi-ơ 24:), đặt các thí dụ (Ma-thi-ơ 20:1; 21:33; 22:1; 25:1, 14) và có lời quở trách người Pha-ri-si (Ma-thi-ơ 23:).
       Ma-thi-ơ chép việc không theo thứ tự trước sau của thời gian, chia ra từng việc mà chép đâu, như lời dạy dỗ trên núi, nếu xét theo Lu-ca đã chép (Lu-ca 6:20-49; 11:2-4; 12:22-34), thì biết không phải lời Chúa phán trong một lúc; thế mà Ma-thi-ơ chép gồm vào một chỗ. Có nhiều thí dụ chắc cũng không phải Chúa phán trong một lúc; thế mà Ma-thi-ơ chép gồm cả vào trong đoạn 13. Những lời Chúa sai phái 12 Sứ đồ (Ma-thi-ơ 10:), phần nhiều giống với Lu-ca 9:1-6; 10:1-12; 12:1-12, 51-53; 14:25-27. Những chỗ đó chừng không nói cả một lúc. Vả, trong sách Ma-thi-ơ quen trích dẫn lời của Cựu Ước, chứng tỏ rằng Chúa Jêsus đã làm ứng nghiệm rồi: Ma-thi-ơ 2:17, 23; 4:14; 8:17; 12:17; 13:35 đều đúng như Ma-thi-ơ 5:17 chép Chúa Jêsus phán: "Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay lời tiên tri; ta đến không phải để phá, song để làm cho trọn". Ðó là một lệ nói ra để suy ra chỗ khác vậy. Lại có vài việc chỉ riêng sách Ma-thi-ơ chép thôi, như Ma-thi-ơ 2: và 9:27-33; 12:22; 14:28-31; 17:24-27; 27:19, 24 đều là những việc mà sách Tin lành khác không có.
       VI. Mục đích chép sách.-- Sách Tin lành nầy có đủ chứng cớ tỏ ra tác giả, là môn đồ Chúa và người Do-thái, chép để cho người tín đồ Do-thái khắp thế gian biết "Jêsus ở Na-xa-rét" thật là Ðấng Mê-si của Cựu Ước, là Vua mình.
             1. Trong sách trích dẫn độ 70 lần tiên tri Cựu Ước.
             2. Thường lấy phương pháp quen dùng của người Do-thái mà cắt nghĩa lời tiên tri.
             3. Nói luật lệ người Do-thái đã được trọn trong Ðức Chúa Jêsus; nhưng không có chua nghĩa và cắt nghĩa những luật lệ đó. Tác giả dầu là môn đồ người Do-thái song không theo phái Giu-đa nào. Như chép việc bác sĩ đến thờ lạy "Vua dân Do-thái" tức Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 2:1-2); việc chữa đầy tớ quản cơ (Ma-thi-ơ 8:5), cũng nói sẽ có nhiều người từ muôn dân làm môn đồ được vào nước thiên đàng (Ma-thi-ơ 8:11; 21:43; 28:19).
       Tiến sĩ Scofield viết tiểu dẫn sách Ma-thi-ơ nầy:
       Tác giải.-- Người chép sách Tin lành thứ nhứt, như hết thảy đồng ý, là Ma-thi-ơ cũng gọi là Lê-vi, một người Do-thái ở xứ Ga-li-lê làm người thâu thuế dưới quyền đế quốc La-mã áp chế. Bởi đó, Ma-thi-ơ là người bị ghen ghét và mang tiếng xấu.
       Niên hiệu.-- Ấy có nhiều lời bàn đến song không có lý cớ chắc chắn nào mà bác bỏ được niên hiệu theo lời truyền khẩu là 37 S.C..
       Ðại đề.-- Ðại cương và mục đích của sách tỏ ra ở câu đầu sách. Ma-thi-ơ là sách "gia phổ" Ðức Chúa Jêsus; con cháu Ða-vít và con cháu Áp-ra-ham" (1:1). Ấy liên lạc Chúa ngay với hai giao ước rất quan hệ trong Cựu Ước: Giao ước với Ða-vít về chức Vua, và với Áp-ra-ham về lời hứa (II Sa-mu-ên 7:8-16; Sáng thế ký 15:18).
       Vậy Ma-thi-ơ chép về hai mặt đặc sắc đó của Chúa Jêsus. Theo thứ tự chỉ trong câu thứ nhứt, Ma-thi-ơ viết trước nhứt về Vua, Con của Ða-vít; kế đến, Con của Áp-ra-ham, vâng phục cho đến chết, theo hình bóng về Y-sác (Sáng thế ký 22:1-18; Hê-bơ-rơ 11:17-19).
       Song le, điều đặc sắc quan hệ nhứt trong Ma-thi-ơ về Ðấng Christ là Vua lập bởi giao ước "Nhánh công bình" (Giê-rê-mi 23:5; 33:15). Ma-thi-ơ chép gia phổ Ngài; sự giáng sanh tại làng Bết-lê-hem, thành Ða-vít, hiệp với lời Mi-chê (5:2); chức vụ của người dẫn đường cho Chúa hiệp với Ma-la-chi (3:1); chức vụ của chính Vua; Ngài bị Y-sơ-ra-ên chối bỏ; và những lời dự ngôn về sự tái lâm Chúa bằng quyền phép và vinh hiển lớn.
       Chỉ bây giờ (26:-28:) Ma-thi-ơ mới trở lại giao ước trước, và chép sự chết hy sinh của Con Áp-ra-ham.
       Ấy nhứt định mục đích và phân tích sách Ma-thi-ơ. Sách Ma-thi-ơ là Tin lành riêng cho dân Y-sơ-ra-ên; và như lưu truyền ra từ sự chết của Ðấng Christ, thì là Tin lành cho cả thế gian.
       Sách Ma-thi-ơ chia làm ba phần lớn:
       I. Chúa Jêsus Christ là Con của Ða-vít, sanh ra là Vua dân Do-thái được tỏ ra cho dân Y-sơ-ra-ên và bị chối bỏ, 1:1 -- 25:46. Phần nầy chia ra mấy phần nhỏ:
             1. Gia phổ theo hoàng tộc và sự sanh của Vua, 1:1-25.
             2. Kỳ thơ ấu và mờ ám của Vua, 2:1-23.
             3. Nước "đến gần", 3:1 -- 12:50.
             4. Những sự mầu nhiệm về nước, 13:1-52.
             5. Chức vụ của Vua bị chối bỏ, 13:53 -- 23:39.
             6. Lời hứa của Vua sẽ trở lại bằng đại quyền, đại vinh, 24:1 -- 25:46.
       II. Sự hy sinh và sự phục sanh của Chúa Jêsus Christ, Con Áp-ra-ham, 26:1 -- 28:8.
       III. Chúa phục sanh làm chức vụ cho các người thuộc Ngài, 28:9-20.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.