Sách Mác. Évangile selon Marc (sách Tin Lành).

     


      Ðây là những điều đặc biệt trong sách Mác, sách thứ hai và ngắn nhứt trong bốn sách Tin lành.
       I. Những nguồn gốc của sách.--
             1. Nội chứng.-- Như đã nói trong bài Mác, theo lời truyền khẩu sách nầy chép các điều Phi-e-rơ dạy hơn các Sứ đồ khác. Vả, lại có những sự đặc biệt trong sách nầy chỉ có thể giải nghĩa rằng Phi-e-rơ đã cai quản việc chép. Dầu phần nhiều sách Mác nầy chép như các sách Tin lành khác, nhứt là Ma-thi-ơ nhưng vì thêm nhiều thiệt sự, ấy làm chứng là nhờ một người độc lập đã từng thấy. Bởi thế, sách Mác tỏ ra Phi-e-rơ vốn làm nghề tầm thường (1:16, 20), và thuộc thành Ca-bê-na-um (1:29); Mác chép Lê-vi là "Con của A-phê" (2:14), Phi-e-rơ là tên Ðấng Christ đặt cho Si-môn (3:16), và Bô-a-nẹt là tên hiệu Ngài đặt thêm cho hai môn đồ khác (3:17); Mác chép dường như có một đoàn thể môn đồ khác số đông hơn là 12 Sứ đồ (3:32; 4:10, 36; 8:34; 14:51-52); nhờ Mác ta mới biết tên Giai-ru (15:22), danh từ "thợ mộc" chỉ về Chúa (6:3), và người đờn bà ở Sy-rô-phê-ni-xi thuộc về dân tộc Hy-lạp (7:26); Mác chép "Ða-ma-cu-tha" thay cho "Ma-ga-đan" của Ma-thi-ơ (Ma-thi-ơ 15:39 so Mác 8:10); và chép tên Ba-ti-mê (10:46); chỉ một mình Mác chép "Chúa cấm không cho ai được đem đồ gì đi ngang qua Ðền thờ" (11:46), và Si-môn, người Sy-ren là cha của A-léc-xan-đơ và Ru-phu (15:21). Hết thảy những điều kể trên tỏ ra nguồn gốc sách Mác khác với Ma-thi-ơ và Lu-ca, và vì không có lời truyền khẩu khác nên tự nhiên ai nấy cùng nhận là từ Phi-e-rơ.
             2. Ngoại chứng.-- Tóm tắt lời các giáo phụ Hội Thánh đầu tiên làm chứng sau nầy: Papias (Tiểu A-si chừng 125 S.C.) Mác chép đúng những lời nhờ Sứ đồ giảng về lời phán và việc làm của Ðấng Christ vì chính mình không nghe hay thấy. Justin Martyr (Pha-lê-tin và phía Tây chừng 150 S.C.) dường như hiệp ý trên. Irénée (Tiểu A-si và Gaule chừng 175 S.C.). Mác, môn đồ và kẻ thông dịch của Phi-e-rơ đã chép cho ta những sự mà Phi-e-rơ giảng. Sau Phi-e-rơ nhờ Ðức Thánh Linh giảng Tin lành, Mác chép sách Tin lành khi Phi-e-rơ biết thì không ngăn trở. Terlullien (Bắc Phi chừng 207 S.C.), nói về hai sách Tin lành bởi Sứ đồ và bởi hai đồng bạn của Sứ đồ, ấy gồm lại sách Tin lành Mác là của Phi-e-rơ song Mác thông dịch. Origène (Alexandrie chừng 240 S.C.) sách Tin lành thứ hai là Mác chép mà nhờ Phi-e-rơ chỉ dẫn Eusèbe (Sê-sa-rê chừng 325 S.C.) dầu Phi-e-rơ không chép một sách Tin lành, nhưng vẫn có người nói người phó cho Phi-e-rơ là Mác đã chép những bài của Phi-e-rơ về những việc Chúa Jêsus làm; vậy Mác chép song thật là Phi-e-rơ làm chứng về mình. Jérôme (phía Ðông và Tây chừng 350 S.C.) vì anh em tại La-mã xin, nên Mác đã chép sách Tin lành nhờ những lời đã nghe Phi-e-rơ dạy. Khi Phi-e-rơ nghe thì chịu và cho phép đọc trong các nhà thờ. Mác là trưởng lão thứ nhứt của Hội Thánh Alexandrie, dầu mình không thấy nhưng đã chép những lời giáo sư mình làm chứng cho. Vậy, thấy các giáo phụ Hội Thánh trong thế kỷ II, III, IV có ý chung là Mác đã chép Tin lành song phần nhiều là theo lời Phi-e-rơ dạy.
       II. Mác quan thiệp với Ma-thi-ơ và Lu-ca.-- Về đầu đề nầy cho đến ngày nay có ba phương diện được hết sức bênh vực:
             a) Sách Mác là sách Tin lành gốc còn các sách Ma-thi-ơ và Lu-ca nhờ đó mà chép:
             b) Mác gồm tóm hai sách kia nên vì đó chép sau; và
             c) Mác chép từ sách Ma-thi-ơ và làm một vòng xích liên lạc giữa Ma-thi-ơ và Lu-ca. Chỉ cần so thì đủ biết ba phương diện đó phản đối nhau. Hãy xét nội dụng của sách mới có thể biết Mác chép thứ nhứt, hoặc chép sau cùng, hoặc chép giữa. Nay xin quay đến những thiệt sự và nhờ những sự mâu thuẫn dạy cho cái gì xứng đáng làm "lẽ minh bạch của nội dung".
       Sách Mác chép ít việc xảy ra không chép trong Ma-thi-ơ và Lu-ca. Có những lời nói giống nhau với hai sách kia, và có khi có lời đặc biệt từ hai sách kia giống như dùng trong cùng một truyện đó chép bởi Mác. Về mặt khác, có nhiều dấu tỏ ra Mác là sách biệt lập.
       Ức thuyết hiệp với thiệt sự nhứt là dầu tài liệu chung cho cả ba sách Tin lành, hoặc cho hai sách, do ở sự dạy dỗ từ miệng các Sứ đồ, mà cả ba người có ý làm ra một lối chung, nhưng Mác chép sách mình như là lời chứng biệt lập về lẽ thật, không phải thâu góp. Lời truyền khẩu chứng rằng Mác chép theo sự thuận hiệp của Phi-e-rơ, còn phần nhiều tài liệu do Phi-e-rơ. Chắc như thế, vì trong sách Mác tỏ ra lời làm chứng của một người đã từng thấy. Như Mác chép những công việc và điệu bộ của Ngài (7:33; 9:36; 10:16), mắt Ngài nhìn để xem xét (5:32) cầu nguyện (6:41; 7:34), công nhận (3:34), yêu thương (10:21), răn dạy (10:23), nổi giận (3:5), đoán xét (11:11). Chúa Jêsus đói (11:12), tìm nơi nghỉ riêng (6:31), dựa gối mà ngủ trên thuyền (4:38), Ngài thương xót dân đông (6:34), lấy làm lạ vì người không tin (6:6), thở dài về sự buồn bực và đui mù (7:34; 8:12), v.v...; Mác tỏ ra Chúa thường làm phép lạ ngay (1:31; 2:11; 3:5), có khi dần dần hoặc khó (1:26; 7:32-35; 9:26-28), và một lần không làm vì cớ lòng người không tin (6:6). Có khi Mác tỏ ra người ta chịu cảm động về việc Chúa làm thế nào, đem người ốm đến cho Ngài chữa (1:32), tỏ lòng lạ lùng về quyền phép Ngài (1:22; 2:12), v.v.... Ấy chú trọng thật là người đã từng thấy làm chứng, không cần phải nhờ sách khác.
       III. Sách nầy nhất là cho các dân ngoại.-- Sách Mác ít trưng dẫn Cựu Ước. Không có lần nào chép danh từ luật pháp. Gia phổ Chúa đã bỏ sót. Những vấn đề rất hay cho người Do-thái cũng bỏ nữa, như: Lời trưng dẫn về luật pháp và Cựu Ước (Ma-thi-ơ 12:5-7), những lời suy gẫm về những câu hỏi, đòi xem dấu của người Pha-ri-si và thầy thông giáo (Ma-thi-ơ 12:38-45), thí dụ về con vua (Ma-thi-ơ 22:1-14), những lời tố giác thầy thông giáo và người Pha-ri-si (Ma-thi-ơ 23:). Có khi chép lời giải nghĩa mà người Do-thái không cần: như Giô-đanh là một con sông (1:5 với Ma-thi-ơ 3:6), người Pha-ri-si "hay kiêng ăn" (2:18; so Ma-thi-ơ 9:14) và mấy tục lệ khác của họ được mô tả (Mác 7:1-4 so Ma-thi-ơ 15:1-2); như "bấy giờ không phải mùa vả" tức là kỳ của lễ Vượt Qua (11:13 so Ma-thi-ơ 21:19); như đều không tin quan hệ nhứt của phe Sa-đu-sê (12:18); như núi Ô-li-ve "đối ngang Ðền thờ" (13:3 so Ma-thi-ơ 24:3); như người Do-thái ăn bánh không men trong lễ Vượt Qua (Mác 14:1, 12 so Ma-thi-ơ 26:2, 17), và những lời giải nghĩa khác mà người Do-thái không cần (15:6, 16, 42 so Ma-thi-ơ 27: 15, 27, 57). Khi suy xét về những câu đó, không còn nghi ngờ gì sách Mác dùng thứ nhứt cho các dân ngoại bang.
       IV. Niên hiệu chép sách.-- Ấy không chắc chắn. Dường như không chép trước khi trưng dẫn Mác trong thơ Ê-phê-sô (4:10), vì ở đó chỉ nói Mác là người thân thuộc của Ba-na-ba như là sự quan hệ nhứt. Cô-lô-se chép độ 62 S.C.. Về mặt khác, sách Mác chép trước khi Giê-ru-sa-lem bị tàn phá (13:13, 24-30, 43,v.v...). Vậy, chắc Mác chép giữa 63 và 70 S.C..
       V. Nơi chép.-- Cũng không rõ. Clément, Eusèbe, Jérôme và Épiphanius tỏ ý chép tại La-mã, hiện nay cũng có nhiều người hiệp Chrysostome có ý chép tại thành Alexandrie. Nếu thật những tín đồ La-mã ở Sê-sa-rê và An-ti-ốt xin Mác chép sách mình, thì dễ hiểu đến thời các giáo phụ kể ở trên có thể sai lầm và tưởng chép tại La-mã. Theo ý nầy thì sách Mác được chép tại Sê-sa-rê chừng 60 S.C..
       VI. Tiếng dùng trong nguyên văn.-- Mác dùng tiếng Hy-lạp thông thường của đời đó, khắp chỗ trong thế giới Hy-lạp -- La-mã cũng hiểu. Thật là tiếng phổ thông trong dân chúng. Tự vựng cũng tránh những lời dùng riêng trong các trường học hoặc những tiếng thô tục ngoài phố. Trong cả sách bằng nguyên văn Hy-lạp, Mác dùng độ 1.330 chữ khác nhau: 60 tên riêng, 79 riêng của Mác. 
       VII. Ðược công nhận.-- Hết thảy lời làm chứng xưa công nhận sách Tin Lành Mác đã chép là thuộc Kinh Thánh như còn đến ngày nay, và về phần sử ký không có sự gì đáng ngờ cả. Vì phần nhiều sách Mác cũng có chép trong các sách Tin lành khác, nên các giáo phụ xưa trưng dẫn ít. Song Justin Martyr trưng dẫn 9:44, 46, 48; 12:30 và 3:17. Irénée trưng dẫn cả lời đầu và lời cuối; ấy là quan hệ, vì cớ người luận đến 12 câu cuối trong sách thật là Mác chép không (16:9-20). Có nhà khảo cứu các bản cũ nói hai bản rất cũ thiếu 12 câu nầy, song tin rằng đến hết thế kỷ thứ I, trưởng lão Ariston là môn đồ Thánh Giăng mà Papias nói đến, đã thêm vào. Vì có quyền phép Sứ đồ Giăng như thế, nên công nhận cũng thuộc Kinh Thánh. Trừ ra vài câu cuối cùng đó, ai nấy công nhận sách Tin lành Mác là thuộc Kinh Thánh.
       VIII. Lối văn.-- Mục đích người chép sách Mác là đặt trước mặt ta một bức tranh linh hoạt vẽ những công việc Chúa Jêsus đã làm ở thế hạ. Thể văn viết hiệp với ý nầy. Mác thường dùng thì hiện tại rất nhiều; và thêm nhiều chi tiết rất tỉ mỉ, rất đúng. Hết thảy đều thêm sức cảm động và hoạt động cho bức tranh tả đời sống Chúa ta. Về mặt khác, có khi những thiệt sự không sắp đặt theo thứ tự. Vì vắn tắt nhiều nên có khi sách nầy tối nghĩa hơn các sách Tin lành khác (1:13; 9:5, 6; 4:10-34). Có nhiều đặc điểm về lối văn, như:
             1. Có dùng chữ "eutheõs" dịch tức thì 41 lần.
             2. Thỉnh thoảng dùng chữ La-tinh.
             3. Dùng chữ Aramaique mà cắt nghĩa cho các độc giả là người ngoại bang như Bô-a-nẹt (3:17), Bê-ên-xê-bun (3:22), Ta-la-tha-Cu-mi (5:41), Co-ban (7:11), géhenne nghĩa là địa ngục (9:43), Ba-ti-mê (10:46), A-ba (14:36), Gô-gô-tha (15:22).
             4. Có lời và câu ít khi dùng đến.
             5. Có khi chép ý hai lần song dùng lối khác (1:42; 2:5; 8:15; 14:68, v.v...).
             6. Dùng hai lần một lời để làm cho rõ hơn, như 2:15, 19,v.v....
             7. Dùng chữ "eperõtãn" nghĩa là hỏi 25 lần; Mác có chép 19 phép lạ và chỉ 4 thí dụ so với Ma-thi-ơ chép 21 và 15 với Lu-ca 20 và 19. Vậy, Mác chép rõ việc làm hơn lời phán của Chúa.
       IX. Tài liệu.-- Mác bày tỏ Chúa Jêsus là đầy tớ của Ðức Giê-hô-va để cho tín đồ ngoại bang biết. Vậy, Mác sắp đặt tài liệu mình theo ý đó, Ðấng Christ là Vua là lẽ thật các Sứ đồ biết trước hết. Chỉ sau khi Chúa đã phục sanh cắt nghĩa Kinh Thánh thì các Sứ đồ mới hiểu Ngài là Ðầy tớ đau khổ tả trong Ê-sai 53:, ấy thấy trong bài giảng Phi-e-rơ cốt cho người La-mã là người ngoại bang (Công vụ các sứ đồ 10:). Mác cũng chép như thế trong sách Tin lành mình.
       Ðầu đề 1:1.
             1. Giăng Báp-tít dọn đường, 1:2-8 so Ê-sai 40:3 và Ma-la-chi 3:1.
       2. Chúa biệt mình ra để chết thay ta và nhận lãnh Ðức Thánh Linh, 1:9-13 so Ê-sai 42:1.
       3. Sự tôn trọng Ngài, chức vụ tại xứ Ga-li-lê, 1:14-8:30 so Ê-sai 43:-53:12.
             a) Trong nhà Hội: thời gian dân sự rất vui nghe Ngài, đến nỗi làm cho những người Pha-ri-si trong giáo Do-thái ghét bỏ Ngài, 1:14-3:6.
             b) Ngoài nhà Hội: Chúa lấy thí dụ dạy dân sự, chọn và dạy 12 Sứ đồ, và lời làm chứng rất quan hệ của Sứ đồ về Ngài, 3:7-8:30.
       4. Sự hèn hạ của Ngài, chức vụ phần nhiều ngoài xứ Ga-li-lê, 8:31-15 so Ê-sai 52:13-53:9.
             a) Tại phía Bắc, báo trước về sự chết Ngài, 8:31-9:29.
             b) Ði đường đến Giê-ru-sa-lem và thập tự, qua xứ Ga-li-lê (9:30-50), xứ bên kia sông Giô-đanh (10:1-45), xứ Giu-đê (10:46-51).
             c) Sự vào thành Giê-ru-sa-lem cách trọng thể (11:1-11).
             d) Tại Giê-ru-sa-lem và các miền xung quanh, những người đứng đầu phản đối Ngài (11:12-12:44), nói trước Giê-ru-sa-lem bị tàn phá (13:), Ngài sửa soạn chịu chết (14:1-42), Ngài bị nộp, lên án, bị đóng đinh, và chôn trong mộ người giàu (14:43-15:).
       5. Sự đắc thắng Ngài, sự phục sanh: Ðoạn 16: so Ê-sai 53:10-12. Những đoạn sau trong Ê-sai thì tả ra trong sách Công vụ các sứ đồ và phần đầu sách Công vụ các sứ đồ có lẽ Lu-ca nhờ Phi-e-rơ hoặc Mác nhiều.
       Nói cách chung, bố cuộc sách Mác theo thứ tự thời gian, song có khi tài liệu thu lại theo đề mục. Vì muốn tỏ ra Ngài là Ðầy tớ, Mác dường như không chép gia phổ Ngài và đời sống thơ ấu Ngài. Vậy, sách Mác là lịch sử về chiến tranh của Chúa Jêsus nghịch cùng tội lỗi và sự dữ trong thế gian khi Ngài còn là một Người ở giữa loài người. Như có người nói có thể dùng lời của Phi-e-rơ trong Công vụ các sứ đồ 10:38 làm khẩu hiệu.
       X. Những lẽ đạo cốt yếu.--
             1. Ngôi vị Ðấng Christ. Trước nhứt là Ngôi vị Ðấng Christ, tức là Ðấng Mê-si, Con Ðức Chúa Trời, Tác giả (căn nguyên) của Tin lành. Nửa phần trên của sách (1:-8:30) tận cùng bằng sự xưng nhận Chúa là Ðấng Mê-si; nửa phần dưới bằng lời chứng quan hệ nhứt: Chúa là Con Ðức Chúa Trời. Lời mở đàng cả hai phần đó là Chúa Cha xưng Chúa là Con yêu thương của Ngài (1:11; 9:7). Chúa được tỏ ra là Con độc nhứt trong 12:6; 13:32; là Con Người, tức thật là người (4:38; 8:5; 14:34) là người trọn vẹn vì hoàn toàn vâng phục Ðức Chúa Trời (10:40; 14:36). Ðầu nhơn loại (2:10, 28), Ðấng Mê-si chính vị và Vua (1:1; 14:62) -- còn là Ðầy tớ mọi người (10:44), là Con mà cũng là Chúa Ða-vít (12:37). Vì Ngài là Con độc nhứt, ấy cắt nghĩa mọi sự khác về Ngài: quyền phép, biết hiện tại (2:5, 8; 8:17) tương lai (8:31; 9:39; 14:27; 13:), trổi hơn mọi người, hoặc bạn hữu (1:7; 9:3), hoặc kẻ thù (12:34) và các vị trổi hơn nhơn loại, hoặc lành (13:32) hoặc dữ (1:13, 32; 3:27).
             2. Ba Ngôi.-- Chúa Cha phán trong 1:11; 9:7; được nói đến trong 13:32 và Chúa cầu nguyện với trong 14:36. Sự phân biệt thường giữa Cha với Ðấng Christ và với ta được thấy trong 11:25; 12:6 và 13:32. Có chép về Ðức Thánh Linh trong 1:8, 10, 12; 3:29 và 13:11. Câu cuối cùng cũng chỉ về Ngôi vị Ðức Thánh Linh.  
             3. Sự cứu chuộc.-- Về sự cứu chuộc, Con là sứ giả cuối cùng của Ðức Chúa Trời (12:6); Ngài ban sự sống mình làm giá chuộc nhiều người (10:45). Huyết Ngài đổ ra như vậy là huyết của giao ước (14:24), vậy Ngài phải chết cách hoàn toàn, gồm lại sự dứt thông công với Ðức Chúa Trời. Từ lúc ban đầu Ngài đã biết mọi sự trước mặt mình chỉ bởi thế mới cắt nghĩa được lễ báp-têm Ngài (1:5, 11; 2:20). Song sự ghê gớm của sự chết đó vẫn ở trên Ngài, nhứt là từ núi Hóa hình (10:32; 14:33-36), sự chết đó là phương pháp Ðức Chúa Trời cho loài người được cứu chuộc: Chúa phó sự sống Ngài (10:45). Ðiều kiện của người là ăn năn và tin cậy (1:15; 2:5; 5:34, 36; 6:5; 9:23; 16:16), dầu Chúa cũng ban phước nhỏ hơn ngoài đức tin người (1:23-26; 5:1-20; 6:35-43). Quyền phép của đức tin, trong ý muốn Ðức Chúa Trời, là vô hạn (11:25); đức tin dẫn người làm theo ý muốn Ðức Chúa Trời, và chỉ người như thế mới là anh em thật của Ðấng Christ (3:35). Sự cứu chuộc là cho cả dân ngoại và người Do-thái (7:24-30). 
             4. Những lời tiên tri. -- Ấy tìm trong 8:34-9:1 và 13:; 8:38 có dự ngôn về ngày Chúa sẽ lấy vinh quang tái lâm với các thánh đồ; 9:1 có dự ngôn về Chúa khỏi sáu ngày đem ba sứ đồ cùng lên núi thì Ngài hóa hình trước mặt họ; và 13: -- môn đồ hỏi, Ngài phán tiên tri nhứt về Ðền thờ Giê-ru-sa-lem bị hủy phá (1-5), những dấu hiệu mở mang về đời nầy trước khi Chúa tái lâm (5-13), dự ngôn về cơn đại nạn (14-23 so Ma-thi-ơ 24:15; Thi-thiên 2:5; Khải-huyền 7:14), Chúa lấy vinh hiển tái lâm (24-27 so Ma-thi-ơ 24:29-31); cây vả làm thí dụ (28-33 so Ma-thi-ơ 24:32-33; Lu-ca 21:29-31) và tín đồ hãy chực sẵn đợi chờ Chúa tái lâm (31-37).
       Tiến sĩ Scofield viết tiểu dẫn cho sách Mác:
       Tác giả. -- Người viết sách Tin Lành thứ hai, Mác cũng gọi là Giăng, là con một bà Ma-ri chép trong Tân Ước, và cháu của Ba-na-ba. Mác là một người đồng làm việc với các sứ đồ, và có nói đến trong thơ Phao-lô và sách của Lu-ca (Công-vụ các Sứ-đồ 12:12,25; 15:37,39; Cô-lô-se 4:10; II Ti-mô-thê 4:11; Phi-lê-môn 24). 
       Niên hiệu.  -- Mỗi người ước định khác nhau giữa khoảng 57-63 S.C..
       Ðại đề. -- Ðại cương và mục đích của sách nói rõ trong tài liệu. Trong đó, Chúa Jesus được coi là Người làm công có quyền cao cả, hơn chỉ là một Giáo sư duy nhất. Ấy là sách Tin Lành của "Ðầy tớ và Chồi mống" của Ðức Giê-hô-va (Xa-cha-ri 3:8), như Ma-thi-ơ là sách Tin Lành của "Nhánh Công bình cho Ða-vít" (Giê-rê-mi 33:15).
       Khắp cả sách, tính cách Con thành nhục thể làm đầy tớ được tỏ ra. Câu chìa khóa là: "Vì Con Người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta" (10:45). Chữ đặc biệt là "tức thì", một tiếng của đầy tớ dùng. Không có gia phổ, vì có ai chép gia phổ đầy tớ để làm gì? Tính cách đặc biệt của Ðấng Christ trong sách Mác được tỏ ra trong Phi-líp 2:6-8.
       Song đầy tớ hèn hạ nầy đã từ bỏ "hình như Ðức Chúa Trời" của chính Ngài và "trở nên như một người", dầu vậy, "cũng là Ðức Chúa Trời cao cả" (Ê-sai 9:6) như Mác tuyên bố rõ ràng (1:1); và vì cớ đó có những việc lớn lao theo sau và tỏ ra chức vụ Ngài có thật. Như xứng hợp với Ðầy tớ của Tin Lành, Mác chuyên chép về công việc hơn là lời phán.
       Sự sửa soạn lòng tốt nhất để học sách Mác là tâm niệm đọc chung với Ê-sai 42:1-21; 50:4-11; 52:13-53:12; Xa-cha-ri 13:8; Phi-líp 2:5-8.
       Mác chia làm năm đại đoạn.
       I. Chúa tỏ ra hai mặt Ðầy-tớ-Con, 1:1-11.
       II. Ðầy-tớ-Con bị thử lòng trung tín, 1:12-13.
       III. Ðầy-tớ-Con làm việc, 1:14-13:37.
       IV. Ðầy-tớ-Con "vâng phục cho đến chết", 14:1-15:47.
       V. Chức vụ của Ðầy-tớ-Con đã sống lại, nay được tôn lên rất quyền phép, 16:1-20.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.