Sách Nê-hê-mi. Livre de Néhémie.

         

      I. Tác giả.-- Chẳng những câu đầu sách chép tác giả là Nê-hê-mi (1:1), nhưng suốt cả sách Nê-hê-mi dùng "tôi" mà nói, trừ:
             1. Khi chép những yết thị hoặc trích lại một phần (10:1; 12:26).
             2. Khi bất thường, giữa bài thuật lại công việc thuộc tôn giáo của E-xơ-ra trước mặt quan tổng trấn và mấy nhà cầm quyền khác, thì chép tên Nê-hê-mi (8:9); và
             3. Khi đã nói đến đời Ða-vít, A-sáp và đời Xô-rô-ba-bên thì cũng tiếp đến đời Nê-hê-mi (12:47). Trong phần ba nầy tác giả dùng ngôi thứ ba thì phải lẽ hơn dùng ngôi thứ nhứt; vả lại, cả khúc nầy nói về những việc xảy ra trong 12 năm đầu mà Nê-hê-mi hành chức tại Giê-ru-sa-lem lần thứ nhứt, song chép sau khi Nê-hê-mi từ triều vua Ba-tư về.
       Hết thảy đều công nhận Nê-hê-mi chép phần rất lớn sách. Bài cầu nguyện 9:4-38 trong bản Septante có "E-xơ-ra nói" đứng đầu, và trong bài cũng có chứng cớ là E-xơ-ra nói. Chức tổng trấn của Nê-hê-mi trong 8:9 và 10:1 chắc hiệp với chức tổng đốc trong E-xơ-ra 2:63 và trấn thủ trong A-ghê 1:1. Nhưng vì dùng "chúng tôi" trong 10:30, 32, 34 gợi ý tác giả được mục kích các việc xảy ra. Nê-hê-mi 12:1-26 chép kỹ tên họ các thầy tế lễ và người Lê-vi cùng về với Xô-rô-ba-bên. Trong đó nói đến tên Gia-đua (Nê-hê-mi 12:22). Xét: Gia-đua làm thầy tế lễ nhằm lúc Alxandre de Grand đến thăm viếng thành Giê-ru-sa-lem chừng vào 332 T.C.. Bây giờ vào lúc vua Ða-ri-út thứ III đương trị vì vào khoảng 335-331 T.C.. Chắc có người, sau nhờ các sổ công xen tên nầy vào, nhưng có thể quyết rằng cả sách là bởi Nê-hê-mi chép.
       II. Tài liệu.-- Phần lớn lịch sử chép trong sách vào khoảng độ 12 năm, tức từ năm thứ XX đến XXXII đời vuaạ t-ta-xét-xe Longimanus (445-433 T.C.). Cả sách phác cho biết tình cảnh của Giê-ru-sa-lem và của những kẻ bị phu tù trở về trong đời Nê-hê-mi, cũng nói về chánh phủ Ba-tư thế nào, và địa vị của xứ Giu-đa nữa. Những giấy má phụ thêm cũng cho biết thêm về thời Xô-rô-ba-bên, và về sổ ghi các gia phổ và dòng dõi kế tiếp của các thầy tế lễ cho đến hết đế quốc Ba-tư. Trong sách tả vẽ hai phe bắt đầu dấy lên giữa người Do-thái:
             1. Một phe thật sốt sắng về tôn giáo.
             2. Một phe đồng hóa với người ngoại bang; và bày tỏ cái mầm càng ngày càng lớn lên trong lịch sử Do-thái các đời sau. Sách Nê-hê-mi như sách E-xơ-ra tả rõ sự ghen ghét cay đắng giữa người Do-thái và người Sa-ma-ri mỗi lúc một tăng thêm, cả về phần tôn giáo lẫn chánh trị. Sách nầy cũng tỏ ra những điều lập ra trong gia đình người Do-thái.
       Sách nầy cho biết mấy điều quan hệ về sử ký:
       a) Truyện xây sửa và khánh thành vách tường (3:; 12:), chỉ rõ hơn các chỗ khác trong Kinh Thánh, địa dư hình thể Giê-ru-sa-lem.
       b) Số những kẻ phu tù về với những kẻ lãnh tụ từ đời Xô-rô-ba-bên đến Nê-hê-mi (tổng cộng chỉ có 42.360 người nam thành nhơn và 7.337 tôi tớ) chép trong đoạn 7:66-67 tỏ ra cách trung tín sự yếu hèn của dân tộc Giu-đa chẳng bằng với lúc chỉ một nước Giu-đa có 470.000 người cầm gươm (I Sử ký 21:5).
       c) Số các kẻ lãnh tụ, thầy tế lễ, người Lê-vi và những người đóng ấn trong giao ước, tỏ ra tinh thần ái quốc với những thói quen trong vòng những phu tù từ các đời trước truyền lại. Vậy, trong Nê-hê-mi 7:7 chép tên 12 vị lãnh tụ khiến cho dân Y-sơ-ra-ên có cảm tưởng mình làm đại biểu cho 12 chi phái như có tỏ ra bởi danh từ "những người nam của dân Y-sơ-ra-ên."
       d) Những tin tức khác trong sách là về các công nghệ gia truyền của mấy họ thầy tế lễ, tức "thợ hòa hương", "thợ vàng"; có lẽ là tổ những kẻ đổi bạc trong Ðền thờ sau (Giăng 2:14-15), nơi có vườn vua mà Sê-đê-kia chạy trốn qua đó (3:15 so II Các vua 25:4), và những sổ ghi chép công điền.
       III. Lối văn.-- Về tiếng dùng và lối văn thì sách Nê-hê-mi giống hai sách Sử-ký và sách E-xơ-ra. Nê-hê-mi chép mấy tiếng chỉ thấy trong ba sách đó, như: metziltaim, "chập chỏa", iggartha, "bức thơ", chỉ chép trong ba sách trên và Ê-xơ-tê; và birah chỉ cung điện và Ðền thờ chỉ chép trong bốn sách trên và Ða-ni-ên, v.v.. Song lối văn Hê-bơ-rơ đại để đúng giống như các sách khác chép đồng thời.
       IV. Công nhận.-- Sách Nê-hê-mi vẫn được dự phần trong Cựu Ước, không ai chối cãi được; nhưng người Hê-bơ-rơ gồm lại làm một với sách E-xơ-ra dưới đầu đề sách E-xơ-ra; và theo Jérôme, các tín đồ Hy-lạp và La-tinh xưa đặt tên là sách thứ hai của E-xơ-ra. Tân Ước không trích lời nào trong sách Nê-hê-mi. Nê-hê-mi và Ma-la-chi, dưới E-xơ-ra, là những người sắp đặt và làm xong sách Cựu Ước, đều chép thêm những lời Chúa soi dẫn mình như đóng ấn cho cả Cựu Ước được trọn vẹn.
       A. Phái bảo sách Nê-hê-mi là chép theo trong nhựt ký của Nê-hê-mi.
             1. Nê-hê-mi 1:1-7:5 trong sách thường thấy có chữ "tôi". Ví bằng không phải chính Nê-hê-mi làm ra, thì sao lại xưng là "tôi"?
             2. Nửa trên Nê-hê-mi 7:6-73 chép kỹ những người cùng về với Xô-rô-ba-bên, cũng tiếp nối với Nê-hê-mi 7:5 nói kiểm được phổ hệ, hơi giống với E-xơ-ra 2:.
             3. Nê-hê-mi 11: nói kỹ người ấy là người đã bắt thăm và được ở tại Giê-ru-sa-lem. Chỗ nầy chiếu ứng với Nê-hê-mi 7:. Có người nói I Sử ký 9: cũng là theo trong nhựt ký Nê-hê-mi mà chép ra.
             4. Nê-hê-mi 12:27-43 chép kỹ lúc làm lễ khánh thành vách thành. Cũng như phần thứ nhứt, hằng xưng là "tôi" (Nê-hê-mi 12:31, 38, 40).
             5. Nê-hê-mi 13:4-31 kể sự tích trong 12 năm, cũng nói về việc đến thành Giê-ru-sa-lem lần thứ hai.
       B. Phái nói sách Nê-hê-mi không phải chép trong nhựt ký của Nê-hê-mi.
             1. Nửa dưới Nê-hê-mi 7:73 đến việc ở Nê-hê-mi 10:39 cắt hẳn biệt riêng với việc ở Nê-hê-mi 11:. Vậy biết không phải là chép theo nhựt ký Nê-hê-mi. Duy phần nầy kể rõ mọi việc bây giờ, có manh mối, không rối lẫn, tỏ ra tác giả sách nầy chắc được mục kích các việc xảy ra.
             2. Nê-hê-mi 12:1-26 chép kỹ tên họ các thầy tế lễ và người Lê-vi cùng về với Xô-rô-ba-bên. Trong có nói đến tên Gia-đua (Nê-hê-mi 12:22). Xét: Gia-đua làm thầy tế lễ nhằm lúc A-léc-xan-đơ thứ I đến thành Giê-ru-sa-lem, chừng vào năm 332 T.C.. Bấy giờ vào lúc vua Ða-ri-út thứ III (Codomannus vua Ba-tư) đương trị vì, chừng vào khoảng năm 335-331 T.C..
       Tiến sĩ Scofield chú thích về ách Nê-hê-mi như sau:
       Tiểu dẫn.-- Sau 14 năm khi E-xơ-ra đã trở về Giê-ru-sa-lem, Nê-hê-mi cũng dẫn một đoàn về (444 T.C.) và tu bổ lại vách tường và quyền chính. Sách nầy chép những việc đó. Có thể chia làm 8 đại đoạn:
       I. Ði đường về Giê-ru-sa-lem, 1:1-2:20.
       II. Xây cất vách tường, 3:1-6:19.
       III. Tu bộ dân, 7:1-73.
       IV. Cơn phục hưng, 8:1-11:36.
       V. Tu bộ thầy tế lễ và người Lê-vi, 12:1-26.
       VI. Khánh thành vách tường, 12:27-43.
       VII. Lập lại sự thờ phượng trong Ðền thờ, 12:44-47.
       VIII. Lập lại trật tự luật pháp, 13:1-31. Tình hình đạo đức thời đó được chép rõ bởi tiên tri Ma-la-chi. Sách nầy có nhiều truyện về đức tin cá nhơn hành động theo lời Chúa đã chép (1:8-9; 13:1). Ấy là nguyên lý của II Ti-mô-thê 2:.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.