Sách Ô-sê. Livere d'Osée.

        

      I. Tên.-- Tên Hê-bơ-rơ là hoshẽa' là tên thường đặt, nghĩa là "giúp đỡ", từ một động từ có nghĩa là "sự cứu rỗi". Theo Dân số ký 13:8,16 "Hô-sê" vốn là tên của Giô-suê, con trai Nun, cho đến Môi-se đổi và thêm thành Yehòshua', tức "Giê-hô-va là sự cứu rỗi". Ô-sê cũng là tên của vua cuối cùng nước phía Bắc (II Các vua 15:30), tên của quan cai con cháu Ép-ra-im trong đời Ða-vít (I Sử ký 27:20), và một quan trưởng trong đời Nê-hê-mi (Nê-hê-mi 10:23).
       II. Chức vụ.--
             1. Nơi.-- Ô-sê là một tiên tri, con trai Bê-ê-i. Dầu trong sách không nói rõ, nhưng chắc vì nói đến nhiều nơi và những biến động cùng các tiểu ti, tỏ ra chẳng những Ô-sê hành chức trong nước phía Bắc, song đó cũng là nơi quê hương của người. Ô-sê nói đến xứ Ga-la-át (6:8; 12:11), Mích-ba (5:1), Tha-bô (5:1), Si-chem (6:9), Ghinh-ganh và Bết-A-ven (4:15; 9:15; 10:5,8,15; 12:12). Cũng nói đến Li-ban cực bắc (14:5,8) một cách thân mật đến nỗi phải quyết định Ô-sê rất quen biết. Vậy, có thể gọi Ô-sê là tiên tri Y-sơ-ra-ên phía Bắc, như Ê-sai là tiên tri nước Giu-đa phía Nam.
             2. Thời gian.-- Chỉ trong 1:1 chép trực tiếp về thời gian của chức vụ Ô-sê, tức có lời Ðức Giê-hô-va phán cùng Ô-sê: "Về đời Ô-xia, Giô-tham, A-cha, Ê-xê-chia, là các vua của Giu-đa, và về đời Giê-rô-bô-am, con trai Giô-ách, vua Y-sơ-ra-ên." Chắc chức vụ Ô-sê không trải qua trọn đời trị vì các vua đó, vì từ lúc Ô-xia khởi trị vì đến lúc Ê-xê-chia bắt đầu trị vì là chừng 52 năm, và Giê-rô-bô-am II lên ngôi mấy năm trước Ô-xia. Khi xét kỹ sách thì thấy Chúa nhờ Ô-sê ngăm đe rằng: "Còn ít lâu nữa, ta sẽ báo thù cho huyết của Gít-rê-ên, nơi nhà Giê-hu" (1:4). Giê-rô-bô-am là chắt của Giê-hu, và con Giê-rô-bô-am là Xa-cha-ri kế tiếp cha, chỉ trị vì sáu tháng và là vua cuối cùng của nhà Giê-hu. Vậy, có thể quyết định Ô-sê bắt đầu hành chức vụ ít lâu trước Giê-rô-bô-am băng (743 T.C. theo Mới và 773 theo Ussher). Vì thấy dầu Chúa ngăm đe "sẽ dứt nước của nhà Y-sơ-ra-ên" (1:4), nhưng ấy chưa xảy ra trước Ô-sê thôi hành chức vụ, và ấy mới được ứng nghiệm 722 T.C., theo Mới và Ussher, trong năm thứ VI vua Ê-xê-chia trị vì. Tóm lại, dầu không dám nói đúng năm nào Ô-sê khởi sự và hết chức vụ, nhưng có thể quyết định đã thấy mấy vua lên ngôi và băng, và cũng đồng thời với tiên tri A-mốt trong đời trị vì của Giê-rô-bô-am II, tại nước Y-sơ-ra-ên, và Mi-chê trong nước Giu-đa.
             3. Lấy vợ.-- Về Ô-sê "lấy một người vợ gian dâm" (1:2), từ xưa người ta không cùng một ý với nhau. Ấy có ý hình bóng chỉ về Giê-hô-va quan thiệp với dân đi sai lạc của Ngài; nhưng ấy có phải là một thực sự hay chỉ là hình bóng? Có người nói là hình bóng không phải thực sự, bởi vì:
                   a) Chắc Ðức Chúa Trời không thể nào truyền cho tiên tri cưới vợ xấu hổ như thế, là điều có thể giảm bớt ảnh hưởng tiên tri đối với phần tốt trong dân sự.
                   b) Luật Môi-se cấm thầy tế lễ "cưới kỵ nữ hay là kẻ dâm ô làm vợ" (Lê-vi ký 21:7), và dầu tiên tri không bị bó buộc theo luật lệ nghiêm nhặt của thầy tế lễ, nhưng cũng thuộc hạng người thánh, nên chắc Ngài không thể truyền làm điều trái vậy.
                   c) Nếu thật có công việc như chép trong Ô-sê 1:2-9, cần phải trải qua mấy năm mới thành, bởi thế mất sự dạy dỗ của hình bóng đó. Trái lại, có người khác nói ấy là thực sự, và coi mạng lịnh Chúa trong 1:2 truyền Ô-sê "hãy đi, lấy một người vợ gian dâm" là một người mà tiên tri trước đã cưới, song nàng đã thất tiết cùng chồng và bị để. Vì Chúa chỉ dẫn, nên tiên tri lại tái hôn cùng nàng từ cuộc đời xấu hổ, và cho nàng được như địa vị trước. Như vậy, chỉ bóng về Ðức Chúa Trời sẵn sàng lập lại và ban ơn cho dân sự bội đạo, thờ hình tượng và phạm tội, là Y-sơ-ra-ên.
       III. Tài liệu.--
             1. Phương diện lịch sử.-- Sách Ô-sê đứng đầu các sách tiên tri nhỏ; chẳng những theo sự sắp đặt, song cũng theo trật tự của thời gian. Lúc Ô-sê khởi hành chức, nước Bắc hưởng sự thịnh vượng là kết quả những sự thắng trận của Giê-rô-bô-am II nên bị cám dỗ suy đồi phạm tội. Tiên tri A-mốt tỏ ra và quở trách những sự tội lỗi về mặt xã hội, song Ô-sê thấy sâu xa hơn và tỏ ra mọi tội ác và tật xấu của dân tộc là do một nền tảng tức sự thờ hình tượng và sự bội đạo của Chơn Thần. Vậy, Ô-sê lấy hình bóng kỵ nữ mô tả sự thờ Ba-anh trong khắp xứ đã làm cho dân chối bỏ sự thờ Ðức Giê-hô-va của dân tộc. Ấy vì vợ A-háp là Giê-sa-bên đã dẫn sự thờ đó từ quê hương mình. Tên Ba-anh đó vốn chỉ có ý Chúa và Chủ nên dễ cám dỗ Y-sơ-ra-ên "chẳng có lẽ thật, chẳng có nhơn từ, cũng chẳng có sự nhìn biết Ðức Chúa Trời" (4:1); kết quả như Phao-lô mô tả trong Rô-ma 1:28 "Tại họ không lo nhìn biết Ðức Chúa Trời nên Ðức Chúa Trời đã phó họ theo lòng hư xấu đặng phạm những sự chẳng xứng đáng". Cả Ô-sê và A-mốt nói rõ những người thờ hình tượng đó "đem lòng mê đắm không biết chán mà phạm hết mọi điều ô uế" (Ê-phê-sô 4:19; so Ô-sê 1:14; A-mốt 2:7). Vì cớ cội rễ tội lỗi đó sâu lắm, nên khi Giê-rô-bô-am băng, có sự suy đồi mau chóng và sự đổ nát không sửa lại được, và trong 21 năm có 6 vua kế tiếp nhau trên ngôi cho đến nước Y-sơ-ra-ên sụp đổ. Ô-sê sống trong phần lớn kỳ bối rối đó, nên trong sách nghe tiếng vang của những biến động trong kỳ đó xảy ra.
             2. Cách chia sách.-- Có thể chia làm hai phần lớn: 1:-3: và 4:-14:, mà Ô-sê chép trong thời gian khác nhau của chức vụ mình. Ðoạn 1: thuộc về đời trị vì của Giê-rô-bô-am trước nhà Giê-hu bị phá đổ (1:4). Ba đoạn đầu bày tỏ chìa khóa của sách, vì sự không trung tín của Y-sơ-ra-ên đối với Ðức Chúa Trời, trong cả sử ký dân tộc đó được khắc vào lương tâm (4:1-5:7; 6:4-7:16; 8:-11:); và tỏ ra cần phải sửa phạt dân Ngài, nhưng dạy dỗ cách nóng nảy về sự yêu thương không tắt được của Ðức Giê-hô-va đối với dân sai lạc Ngài (6:1-3; 12:-14:). Tài liệu của sách không gồm lại những bài phân biệt rõ, nhưng dường như Ô-sê lúc gần cuối đời mình có tóm tắt lại sự dạy dỗ mình mà chép. Trái với ý đó, vì cớ nhiều sự mới về sử ký thái cổ được tỏ ra, có lẽ một ngày kia sẽ có thể thấy trật tự theo niên đại.
             3. Những sự dạy dỗ.-- Trong phần thứ nhứt ba đoạn đầu, tiên tri dạy: Ðúng như một vợ đã gả cho chồng yêu mình, hưởng ơn bảo hộ trong gia đình và nhờ chồng được mọi sự mình cần, cũng vậy, dân Y-sơ-ra-ên mà Ðức Giê-hô-va đã chọn và dắt đem vào xứ "đượm sữa và mật", đã từ nơi chính Ngài hưởng mọi thứ ơn phước. Dầu vậy, bởi cách cư xử Y-sơ-ra-ên dường như chứng rằng được bởi những tà thần Ba-anh, ấy giống một vợ tư thông với người khác: và thờ những tà thần Ba-anh mà cứ nhận những phước ấy, thì chẳng khác người kỵ nữ nhận tiền công mình.
       Bởi cớ đó, trong đoạn 2: Ðức Giê-hô-va nhờ tiên tri phán ba điều Ngài sẽ làm, mỗi lần bắt đầu bằng chữ "vậy nên" tức là ba bậc sự sửa phạt của Ngài (2:6,9,14). Trước hết trong bậc thứ nhứt (2:6), tiên tri lấy gai gốc rấp đường đến nỗi không thể theo tình nhơn mình nữa, ấy chắc nghĩa bóng dạy rằng: Y-sơ-ra-ên sẽ có hạn hán, hay mất mùa, hay tai hại nào khác trong xứ đến nỗi tỏ rõ nhờ sự thờ tà thần Ba-anh là vô ích, và Y-sơ-ra-ên "không biết lệ thờ thần của xứ" nữa (II Các vua 17:26). Song Y-sơ-ra-ên trở lại thờ Ðức Giê-hô-va để được thạnh vượng về phần vật chất không phải xứng đáng và không phải là điều Chúa đòi. Trong bậc thứ nhì (2:9), vì chỉ lấy môi miệng và lễ nghi bề ngoài thờ Ðức Giê-hô-va, thì Ngài sẽ lấy lại lúa mì rượu mới, và dầu, khiến cho họ nghèo túng như trước, dứt các sự vui vẻ, lấy áo tang mặc thay thế áo lễ đẹp đẽ. Bởi thế, những tình nhơn bỏ nàng, tay chính chồng đè nặng trên nàng, như vậy, nàng còn lại gì? Trong bậc thứ ba (2:14), trả lời có gì còn lại. Ðứng trong địa vị khó khăn, mất phước cả, không thể tự giúp, dân Y-sơ-ra-ên mới thông hiểu Ðức Giê-hô-va đã cất hết tất nhiên cũng có thể ban cho hết, nên mình phải nhờ sự thương xót và sự yêu thương của Ngài mà thôi. Ở đây, ý tưởng tiên tri mặc lấy tiếng chỉ về thời hứa cưới gả giống lúc dân Y-sơ-ra-ên lập giao ước cùng Ngài. Bởi vậy, Y-sơ-ra-ên phải bắt đầu một lần mới, cư xử như trước trong đồng vắng hằng ngày nhờ cậy Ðức Giê-hô-va, và khởi một hành trình mới để cho sự khó khăn bối rối sanh ra một hy vọng mới. Mọi sự thờ thần Ba-anh đã làm cho mình xấu hổ, thì từ nay trở đi, Y-sơ-ra-ên chỉ nhờ Ðức Giê-hô-va là Ðấng làm Nguồn mọi sự tốt lành, chẳng những chỉ ban phước vật chất, song giống như chồng cho mình mọi sự ước ao.
       Ô-sê không tỏ ra mọi sự thay đổi đó sẽ xảy ra cách nào, nhưng trong đoạn thứ ba cứ mô tả phần cuối cùng của sự sửa dạy Ngài. Y-sơ-ra-ên giống như một vợ ăn ở riêng, không hưởng những đặc ơn của một vợ và không thể thờ hình tượng, dường như chỉ về thời Y-sơ-ra-ên bị tan lạc ngoại quốc, dầu không thể cứ thờ phượng Ngài theo lệ luật như trước, nhưng đã thật thoát khỏi sự thờ hình tượng.
       Trong ba đoạn đầu, tiên tri nói đến Giu-đa nữa: như 1:6 có ý Y-sơ-ra-ên sẽ bị cất đi hết và 1:7 có ý Giu-đa sẽ khỏi số phận đó; trong 1:11 dự ngôn về Y-sơ-ra-ên và Giu-đa sẽ hiệp nhau; và 3: nói "trong ngày sau rốt", Y-sơ-ra-ên sẽ tìm được Ðức Chúa Trời mình, ấy chỉ về cả Y-sơ-ra-ên gồm lại Giu-đa. Vì cả Y-sơ-ra-ên vốn là vợ Ngài, nên sau khi bị tan lạc và thâu họp lại từ giữa các dân ngoại như ngày nay, thì sẽ dự phần về sự vinh hiển cuối cùng của Ðấng Mê-si và Vua mình, và bởi thế II Sa-mu-ên 7:16 được ứng nghiệm.
       Phần thứ hai, từ đoạn 4:-14:, dường như thuật lại lịch sử lúc đó của nước Y-sơ-ra-ên lần nữa, khi tay cầm quyền của Giê-rô-bô-am không còn nữa, nước suy đồi mau chóng, và có mấy quan tướng cướp chính quyền đến nỗi suốt cả xứ nghe tiếng sầu não, tiếng vang ra của sự cường bạo; và khó phân biệt mỗi tiếng than thở, mỗi tiếng quở trách thật thuộc về cuộc nào. Bởi thế, những đoạn nầy như mô tả một chiêm bao bối rối, đáng kinh khiếp mà Y-sơ-ra-ên phải trải qua cho đến khi dân A-sy-ri xông vào thì dân Y-sơ-ra-ên mới tỉnh thức, song sau phải bị đày. Có khi chép A-sy-ri hoặc Ai-cập riêng (5:13; 8:9,13; 9:6; 10:6; 14:3), khi khác chép chung (7:11; 9:3; 11:5,11; 12:2), nhưng tỏ rõ Y-sơ-ra-ên đã mất tinh thần độc lập, và vì tội lỗi trở nên cứng cỏi và ích kỷ. Dầu Y-sơ-ra-ên có ý nhờ hai đế quốc trên, nhưng tiên tri tỏ ra về sau sẽ thêm sự khốn khó cho mình (xem 5:13; 8:9; 7:11; 12:1). Sách Các vua và những đài kỷ niệm A-sy-ri xưa làm chứng lúc đó các vua Y-sơ-ra-ên phải nhờ sự thương xót của hai đế quốc đó. Thật ra, vì vua Ô-sê nhờ Ai-cập quá lẽ thì cuối cùng nước Y-sơ-ra-ên bị phá đổ (II Các vua 17:4). Bởi đó, trong đoạn 14: thì đặt lời ăn năn trong miệng Ép-ra-im rằng: "A-sy-ri sẽ không giải cứu chúng tôi, chúng tôi sẽ không cỡi ngựa chiến nữa," vậy chỉ về cường quốc ngoại bang làm cho Y-sơ-ra-ên mất sự độc lập.
       Ðọc hết phần thứ hai (4:-14:), thấy có cảm tưởng buồn thảm, vì đầy một giọng quở trách và án phạt. Dầu vậy, Ô-sê không phải là một tiên tri thất vọng; vì thật ra, đúng nhằm lúc mà nói theo loài người không có sự trông cậy gì, thì hy vọng của tiên tri vụt nổ ra. Nhưng hy vọng đó sanh ra, không phải vì điều nào mà tiên tri thấy trong địa vị dân mình, nhưng được gây nên và nâng đỡ bởi đức tin vững vàng mình trong sự yêu thương vô hạn của Ðức Giê-hô-va. Vậy, Ô-sê khuyên dân Y-sơ-ra-ên phải ăn năn trở lại cùng Ðức Giê-hô-va (14:1-3), đừng nhờ ai ngoài Ngài, và lấy lời nói bóng mô tả Ðấng Mê-si (câu 4-6) với phần thưởng cho người nào ngồi dưới bóng Ngài (câu 7-8). Cuối cùng, Ô-sê kết luận những kẻ công bình sẽ bước đi trong đường lối ngay thẳng của Ngài còn những kẻ phạm phép thì vấp ngã trong đó.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về sách Ô-sê:
       Tiểu dẫn.-- Ô-sê là đồng thời với A-mốt trong nước Y-sơ-ra-ên, và với Ê-sai và Mi-chê trong nước Giu-đa. Chức vụ Ô-sê cứ tiếp nối sau khi nước Y-sơ-ra-ên ở phía Bắc bị bắt làm phu tù bởi A-sy-ri (II Các vua 15:29). Lối văn của Ô-sê là thình lình bóng bẩy, và ví dụ:
       Y-sơ-ra-ên là vợ thất tiết của Ðức Giê-hô-va, bị để, song cuối cùng sẽ được tinh sạch và lập lại. Ấy là sứ mạng đặc biệt của Ô-sê, có thể tóm tắt lại bằng hai tên "Lô-Am-mi" (1:9) nghĩa là "chẳng phải là dân ta nữa" và "Am-mi" nghĩa là "dân ta" (2:1). Y-sơ-ra-ên chẳng những chỉ bội đạo và phạm tội, -- có chép như thế nữa, -- nhưng tội lỗi Y-sơ-ra-ên là vì mất sự giao thông cao thượng vốn có.
       Sách chia ra ba phần lớn:
       I. Vợ mất sự tiết nghĩa (1:1-3:5):
             1. Phép cưới hình bóng: Gít-rê-ên sanh ra (1:2-5).
             2. Lô-ru-ha-ma sanh ra (1:6-7).
             3. Lô-am-mi sanh ra (1:8-9).
             4. Ơn phước tương lai và sự lập lại Y-sơ-ra-ên (1:10-11).
             5. Sự sửa phạt Y-sơ-ra-ên tà dâm (2:1-13, so II Các vua 17:1-18).
             6. Y-sơ-ra-ên, vợ tà dâm, sẽ được lập lại (2:14-23).
             7. Sự yêu thương vô hạn của Ðức Giê-hô-va: nước tương lai của Ða-vít (3:1-5).
       II. Dân sự phạm tội (4:1-13:8):
             1. Sự kiện cáo chung (4:1-5).
             2. Sự cố ý dốt nát của Y-sơ-ra-ên (2:6-11).
             3. Sự thờ phượng của Y-sơ-ra-ên (2:12-19).
             4. Ngài xây mặt khỏi Y-sơ-ra-ên (5:1-15).
             5. Tiếng của dân sót lại trong những ngày sau rốt (6:1-3 so Ê-sai 1:9; Rô-ma 11:5).
             6. Giê-hô-va đáp lời (6:4-13:8).
       III. Ơn phước và vinh hiển cuối cùng của Y-sơ-ra-ên (13:9-14:9).
       1:9.-- "Dân ta" là một danh từ trong Cựu Ước dùng riêng về Y-sơ-ra-ên là dân tộc; chẳng hề dùng về các tổ phụ: Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. (Xem Ma-thi-ơ 2:6).
       1:10.-- Trong sách Ô-sê "Y-sơ-ra-ên" chỉ về mười chi phái họp thành nước phía Bắc để phân biệt với "Giu-đa" (gồm có chi phái Giu-đa và Bên-gia-min), họp thành nước phía Nam cứ trung tín với nhà Ða-vít (xem I Các vua 12:1-21). Lời hứa trong câu 10 nầy đang chờ sự ứng nghiệm. Xem bài Y-sơ-ra-ên (Sáng thế ký 12:2-3; Rô-ma 11:26).
       2:2.-- Sự dạy dỗ rõ trong khúc nầy là Y-sơ-ra-ên là vợ của Ðức Giê-hô-va (xem 2:16-23), nay bị bỏ song sau được lập lại. Không nên lẫn lộn sự quan thiệp nầy với sự quan thiệp giữa Hội Thánh và Ðấng Christ (so Giăng 3:29; Ê-sai 54:5; Rô-ma 7:4; Khải Huyền 19:7, v.v...). Cả hai sự quan thiệp đó đều thật trong sự mầu nhiệm của Ba Ngôi Chơn Thần. Tân Ước nói về Hội Thánh là nữ đồng trinh gả cho một chồng (II Cô-rinh-tô 1:1-2); song không thể nào nói về một vợ gian dâm được lập lại bởi ơn điển. Bấy giờ, Y-sơ-ra-ên sẽ là vợ được tha thứ và lập lại của Ðức Giê-hô-va, và Hội Thánh là vợ trinh khiết của Chiên Con (Giăng 3:29; Khải Huyền 19:6-8); còn Y-sơ-ra-ên là vợ dưới đất của Giê-hô-va (Ô-sê 2:23) và Hội Thánh là vợ mới trên trời của Chiên Con (Khải Huyền 19:7).
       13:9.-- Lời đáp lại của Ðức Giê-hô-va cứ tiếp nối đến hết sách, song đến câu 9 thay đổi thành lời khuyên bảo và lời hứa.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.