Sách Sa-mu-ên I, II. Deux livres de Samuel.

       



      Hai sách I, II Sa-mu-ên vốn là một quyển: lối văn, ý nghĩa và mạch lạc thông suốt nhau. Bắt đầu từ bản Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ in năm 1516-1517 S.C., tại Venise mới chia sách Sa-mu-ên ra làm hai quyển: I, và II. Ðó là theo cách chia trong bản Kinh Thánh bằng hai thứ tiếng La-tinh đời xưa truyền lại vậy. Bản La-tinh đời xưa cho sách Sa-mu-ên và các Các-Vua là "quốc thư," chia là bốn quyển. Nay gọi tên là Sa-mu-ên, vì cớ trong sách từ 1:-16: đều chép về việc Sa-mu-ên, song cũng chưa thiết đáng bằng đặt tên là sách "quốc thư."
       I. Sự thực trong sách.-- Sách Sa-mu-ên chép về lịch sử từ khi Sa-mu-ên sanh ra đến khi vua Ða-vít gần nguy, tức khoảng năm 1070-970 T.C..
       Phần thứ nhứt luận về việc Sa-mu-ên và Sau-lơ (I Sa-mu-ên 1:-15:); chia làm ba khúc: 
       (1) Chép về Sa-mu-ên thơ ấu, về Hê-li suy kém, và về Hòm giao ước bị bắt (I Sa-mu-ên 1:-7:1). 
       (2) Chép về Sa-mu-ên làm quan xét, về sự thắng hơn người Phi-li-tin, về sự xức dầu cho Sau-lơ làm vua, và về việc cảnh cáo dân chúng (I Sa-mu-ên 7:2-12:). 
       (3) chép về Sau-lơ làm vua và về Sau-lơ bị Chúa bỏ (I Sa-mu-ên 13:-15:).
       Phần thứ hai luận về cơn hưng thạnh của Ða-vít (I Sa-mu-ên 16:-II Sa-mu-ên 5:3); chia làm ba khúc: 
       (1) Chép khi Ða-vít làm tôi vua Sau-lơ (I Sa-mu-ên 16:1; 21:1). 
       (2) Chép khi Ða-vít chạy trốn (I Sa-mu-ên 21:2-II Sa-mu-ên 1:). 
       (3) Chép Ða-vít làm vua tại Hếp-rôn (II Sa-mu-ên 2:1-5:3).
       Phần thứ ba luận về Ða-vít làm vua nhứt thống (II Sa-mu-ên 5:4-24:); cũng chia làm ba khúc: 
       (1) Chép việc vua Ða-vít trị vì (II Sa-mu-ên 5:4-10:) 
       (2) Chép vua Ða-vít phạm tội, tai vạ xảy ra (II Sa-mu-ên 11:-20:). 
       (3) Phụ lục (II Sa-mu-ên 21:-24:).
       Nếu đem chỗ chép việc vua Ða-vít sắp qua đời ở I Các vua 1:1-2:11 phụ vào sách II Sa-mu-ên thì việc vua Ða-vít sẽ đầy đủ cả đầu đến cuối.
       II. Nguyên văn của sách.-- Trong Cựu Ước, nguyên văn sách Sa-mu-ên rất là phiền phức bề bộn. Nó giống sách Ê-xê-chi-ên và sách Ô-sê. Vì sách nầy là bản cũ hơn hết trong bộ Kinh Thánh bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Nguyên bản bằng tiếng Hê-bơ-rơ mà nay giữ được cách khi mới chép nguyên thư đã hơn ngàn năm rồi. Từ lớp nầy qua lớp khác, chép đi truyền lại, bèn nhiều lầm lẫn. Nếu muốn khảo chứng nguyên văn, thì phải căn cứ vào bản nào tốt nhứt. Mà bản tốt nhứt không gì hơn bản Septante do 70 bác sĩ biên tập. Vì bản nầy dịch theo nguyên văn tiếng Hê-bơ-rơ chép từ khoảng 300 T.C.. Có thể căn cứ vào đó để tra xét.
       III. Soạn giả và niên hiệu.-- Giống như hết thảy mọi sách lịch sử trong Cựu Ước, trừ ra Nê-hê-mi, I, II Sa-mu-ên không nói đến tên trước giả. Vì sự chết của Sa-mu-ên có thuật lại trong I Sa-mu-ên 25:1, thì tên của sách không cốt chỉ rằng Sa-mu-ên đã chép ra, dầu có người tưởng có lẽ Sa-mu-ên đã chép 24 đoạn đầu. Có người khác nhờ I Sử ký 29:29 dường như nói I và II Sa-mu-ên viết bởi "Ðấng tiên kiến Sa-mu-ên, tiên tri Na-than, và Gát," song xét kỹ thấy câu đó có nói: "chép trong sách của Sa-mu-ên" chớ không phải "bởi" Sa-mu-ên. Theo ý Théodore Athanasius và Grégoire, có lẽ là một học sanh tại trường tiên tri Sa-mu-ên mở ra đã thâu lại từ các cuốn sách có hồi bấy giờ. Lại nữa, trong sách Apocryphe, IIMacc 2:13, chép "Nê-hê-mi thâu lại công việc của các vua và tiên tri."
       Song chúng ta có thể quyết rằng I, II Sa-mu-ên đã được sắp đặt sau sự phân rẽ của mười chi phái (975 T.C.), như nói trong I Sa-mu-ên 27:6, "Bởi cớ ấy Xiếc-lác thuộc về vua Giu-đa cho đến ngày nay," vì chẳng hề có lần nào chép Sau-lơ, Ða-vít hay Sa-lô-môn là vua Giu-đa, và trước nước Y-sơ-ra-ên chia làm hai, các vua thường gọi là vua Y-sơ-ra-ên (I Sa-mu-ên 13:1; 15:1; II Sa-mu-ên 5:17; 8:15; I Các vua 2:11 v.v.).Ta cũng có thể quyết sự sắp đặt không sau cuộc cải cách trong đời vua Giô-si-a, vì cả I, II Sa-mu-ên không nói đến Luật pháp và chỉ chép đến Môi-se hai lần (I Sa-mu-ên 12:6,8). Bởi đó, dường như hai sách được soạn trước cuộc cải cách đó, lúc Y-sơ-ra-ên suy đồi về sự giữ Luật pháp. Sau-kỳ phu tù, Môi-se lại trở nên là người trung ương trong vòng sự sống của người Do-thái tin kính, và sách Ngũ kinh càng được giữ nghiêm nhặt hơn. So Phục truyền luật lệ ký 12:13,14; Lê-vi ký 17:3,4; Xuất Ê-díp-tô ký 20:24, tại đó chép phải dâng của lễ trước cửa hội mạc, với những câu trong I và II Sa-mu-ên, tại đó nói sự xây bàn thờ dâng của lễ tại Mích-ba, La-mã, Bê-tên, v.v. (I Sa-mu-ên 7:9,10,17; 9:13; 10:3; 14:35; II Sa-mu-ên 24: câu 18,25). Vậy ta có thể quyết chắc hai sách Sa-mu-ên được sắp đặt trong khoảng từ thời Rô-bô-am trị vì đến thời cải cách của vua Giô-si-a.
       IV. Giá trị lịch sử.-- Vậy, có thể quyết chắc, nguyên sách Sa-mu-ên vốn không phải ra từ tay một người và không phải làm trong một lúc. Nó dẫu thành một cuốn sử ký, song vẫn còn là một sách chứa tài liệu sử ký. Cho nên nói đến sử sách Y-sơ-ra-ên, người ta coi có một sách khác thường. Những điều chép trong đó đều là chơn tượng bấy giờ của Sa-mu-ên, Sau-lơ, và Ða-vít. Ấy là một sách trọng yếu hơn hết về việc sử ký trong Cựu Ước. Sách nầy có ba điều phát minh về sự thực tôn giáo Y-sơ-ra-ên và cuộc tấn tới của lý tưởng, ta càng nên để ý đến. Vậy, một nhà học sĩ phê bình rằng: "Sách Sa-mu-ên chép từ đầu đến cuối bao gồm 500 năm." Thế là tôn giáo của người Y-sơ-ra-ên, trải qua các tiên tri dẫn dắt, đã bước vào thời kỳ tấn tới mau chóng vậy. So sánh I Sa-mu-ên 12:21; 26;19; 3:1; 9:7-10; 10:5; 19:13; 23:6-12; II Sa-mu-ên 7:22 thì tự khắc có thể lấy làm chứng Ðức Chúa Trời. Vậy, hai sách Sa-mu-ên há chẳng phải là sách đáng quí báu trong các lịch sử về tôn giáo, về xã hội, và về chánh trị của Y-sơ-ra-ên sao?
       V. Ðại ý sách.-- Sách Sa-mu-ên chẳng những chỉ chép gốc tích một việc thôi đâu, lại còn có nghĩa thứ hai trọng yếu hơn nữa là cốt lấy tôn giáo để dạy dỗ người. Sách nầy, ở trong Kinh điển Hê-bơ-rơ, được liệt vào hàng các sách tiên tri. Từ đã lâu, sách nầy được nêu làm sách tiên tri rồi. Xét: Sách A-mốt và Ê-sai đều đem việc ở đời bấy giờ mà phát minh ý chỉ Ðức Chúa Trời để kêu gọi lòng độc giả. Sách Sa-mu-ên cũng giống ý thế, song vẫn dùng những việc đã qua. Vậy nên những điều tiên tri đem ra dạy người dầu là việc lịch sử, song chỗ đáng để ý là việc tôn giáo mà nói ra đều có ý kiến tôn giáo cốt để làm cho tăng tiến phần đạo đức về tôn giáo. Vậy thì, sách nầy là Món triết học lịch sử của tiên tri, người Y-sơ-ra-ên nên để ý đến.
       VI. Ðược công nhận.-- Sách I, II Sa-mu-ên được công nhận thuộc Cựu Ước của người Do-thái và chính Chúa Jêsus cũng phán đến (Ma-thi-ơ 12:1-4 so với Công vụ các sứ đồ 3:24 và Hê-bơ-rơ 11:32).
       VII. Những điều đặc biệt.--
             A. Về I Sa-mu-ên.-- những điều sách nầy phụ thêm cho từ vựng tôn giáo, thần học, và từng trải điều đáng chú ý:
                   1. Sách nầy có danh dự vì lần thứ nhứt chép và dùng danh hiệu oai nghi "Ðức Giê-hô-va vạn quân" (1:3). Ấy là lần thứ nhứt trong số 281 lần Kinh Thánh chép đến tên và danh hiệu đó bày tỏ Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên là Chúa của các Cơ binh trên trời và dưới đất.
                   2. Tên của Ðấng Mê-si lần thứ nhứt tìm thấy tại đây, một người đờn bà có danh dự đã dùng trước nhứt (2:10): "Ðấng chịu xức dầu của Ngài," theo nghĩa văn tự "Ðấng Mê-si của Ngài," theo bản Septante "Ðấng Christ của Ngài."
                   3. Sách nầy chép điều thứ nhứt trong 5 điều quí báu của Cựu Ước: a) Lời của Ðức Giê-hô-va, 3:1. b) Sự cứu chuộc, Thi Thiên 49:8; Thi Thiên 72:14. c) Sự chết của các thánh đồ, Thi Thiên 116:15. d) Miệng có trí thức, Châm Ngôn 20:15. đ) Các tư tưởng của Ðức Chúa Trời, Thi Thiên 139:17.
                   4. Tại đây, lần thứ nhứt thấy chữ Y-ca-bốt, "thiếu sự vinh hiển" (4:21) và Ê-bên-Ê-xe, "hòn đá của sự giúp đỡ" (7:12), cũng có lời "nguyện vua vạn tuế." (I Sa-mu-ên 10:24).
                   5. Tại đây, thấy nói đến tên căn nguyên của các tiên tri để nhận biết, rất lâu trước khi gọi bằng tiên tri, là "đấng tiên kiến" (9:9). Ấy là một tên gợi ý, chỉ về những người có ơn nhận biết và phân biệt, cả sự hiện thấy của Ðức Chúa Trời.
                   6. Ấy chỉ rằng Sa-mu-ên là người thứ nhứt trong dòng sang trọng của các tiên tri, chép sách (3:20 với Công vụ các sứ đồ 3:24; và 13:20), và chỉ lần thứ nhứt có trường của các tiên tri, có lẽ là một học hiệu sáng lập bởi Sa-mu-ên (10:5; 19:20).
                   7. Sự dạy dỗ trong sách về Thánh Linh là quan hệ. Ðức Thánh Linh được thấy là: a) Tác giả và nguồn gốc của sự tái sanh và của lòng mới (10:6,9), như b) Tác giả của cơn thạnh nộ thánh và công bình (11:6). c) Ðấng cảm động lời khôn ngoan và ban sự mạnh bạo (16:13 với 18 "ăn nói khôn ngoan"). d) và Ðấng gìn giữ chúng ta khỏi điều ác (16:14).
             B. Về II Sa-mu-ên:
                   1. Lần thứ nhứt trong Kinh Thánh người cai trị được so sánh với người chăn chiên như trong 5:2 "người sẽ chăn dân sự ta."
                   2. Ða-vít là người thứ nhứt tả một vua là "kẻ chịu xức dầu của Ðức Giê-hô-va," là một danh có ý cao thượng về chức vị vua (xem I Sa-mu-ên 24:6 với II Sa-mu-ên 1:14,16,21; 2:4,7; 3:39; 5:3,17; 19:10; 22:51).
                   3. Truyện xảy ra kể trong 7:1-17 dạy rằng ý định tốt lành của ta cũng cần phải đem cho Chúa chuẩn y, một bài học không chỗ nào trong Kinh Thánh dạy rõ hơn. Bao lần ta giống Na-than trong 7:3 làm sai lầm.
                   4. Sách có hai ví dụ đáng chú ý: a) Về người ích kỷ (12:): b) về người bị đày đi (14:1-20).
                   5. Trong sách nầy (23:2), Ða-vít xưng mình đã được soi dẫn mà chép các Thi Thiên đến nỗi nói "Lời của Ngài ở nơi lưỡi miệng" mình.
       Tiến sĩ Scofield viết tiểu dẫn chi I Sa-mu-ên như sau nầy:
       Sách nầy chép về lịch sử riêng của Sa-mu-ên, quan xét sau cùng. Sách thuật lại sự thiếu thốn về đạo đức của chức tế lễ dưới Hê-li, và về các quan xét khi Sa-mu-ên thử làm chức vị đó thành cha truyền con nối (I Sa-mu-ên 8:1). Trong chức vụ tiên tri, Sa-mu-ên rất trung tín, và từ người bắt đầu dòng tiên tri chép sách. Từ đó, tiên tri, chớ không phải thầy tế lễ, được tỏ rõ trong Y-sơ-ra-ên. Trong sách nầy, thần quyền như hành động bởi các quan xét, tận cùng (8:7), và dòng các vua bắt đầu với Sau-lơ.
       Sách chia làm bốn phần: I. Sự tích Sa-mu-ên cho đến sự chết của Hê-li, 1:1-4:22; II. Từ sự cướp lấy Hòm giao ước cho đến sự xin một vua, 5:1-8:22; III. Ðời Sau-lơ trị vì cho đến sự kêu gọi Ða-vít, 9:1-15:35; IV. Từ sự kêu gọi Ða-vít đến sự chết của Sau-lơ, 16:1-31:13.
       I Sa-mu-ên 16:21.-- So I Sa-mu-ên 17:55,56. Trật tự của các biến động là: (1) Ða-vít, người gảy đờn hay là và chiến sĩ mạnh bạo đánh nhau với sự tử và gấu (I Sa-mu-ên 17:34,36), được một trong các tôi tớ của Sau-lơ biết, và Ða-vít được đem đến trước mặt vua để gảy đờn (I Sa-mu-ên 16:17,18). (2) Ða-vít trở về Bết-lê-hem (I Sa-mu-ên 17:15.) (3) Ða-vít được sai tới trại quân của Sau-lơ, và làm trọn chiến công lớn mình (I Sa-mu-ên 17:17,18). (4) Lời Sau-lơ hỏi (I Sa-mu-ên 17:55,56) tỏ rằng vua chỉ quên tên cha của Ða-vít -- chắc không phải là sự lạ về một vua Ðông phương.
       I. Sa-mu-ên 31:3.-- So II Sa-mu-ên 1:10; 21:12. Trật tự là: (1) Sau-lơ bị "bắn trúng" làm cho trọng thương, có thể coi là bị giết bởi người Phi-li-tin; (2) để tránh sự hấp hối, hoặc sự sỉ nhục của kẻ thù, Sau-lơ (sấn mình trên mũi gươm" và kẻ cầm binh khí tưởng Sau-lơ đã chết, thì tự tử; (3) song Sau-lơ chưa chết thì chống giáo mình đứng dậy, tìm được một người A-ma-léc xin người đó giết mình.
       Tiến sĩ Scofield viết tiểu dẫn cho sách II Sa-mu-ên như sau nầy:
       I Sa-mu-ên chép về sự khuyết điểm của người trong Hê-li, Sau-lơ và cả Sa-mu-ên, thì II Sa-mu-ên cũng vậy, chép về sự lập lại trật tự bởi sự tôn Ða-vít, vua của Ðức Chúa Trời, lên ngôi. Sách cũng thuật sự lập nơi trung ương chính trị của Y-sơ-ra-ên tại Giê-ru-sa-lem (II Sa-mu-ên 5:6-12), và trung ương tôn giáo tại Si-ôn (II Sa-mu-ên 5:7; 6:1-17). Khi hết cả mọi sự sắp đặt như vậy rồi, Giê-hô-va lập giao ước lớn với nhà Ða-vít (7:8-17), từ đó trở đi, mọi lẽ thật về nước được mở mang. Ða-vít trong "lời sau hết" (23:1-7) mô tả nước ngàn năm bình an còn phải có.
       Sách II Sa-mu-ên chia làm bốn phần: I. Từ sự chết của Sau-lơ cho đến sự xức dầu của Ða-vít trên Giu-đa, tại Hếp-rôn, 1:1-27. II. Từ sự xức dầu tại Hếp-rôn cho đến sự lập Ða-vít làm vua trên cả Y-sơ-ra-ên thống nhứt, 2:1-5:25. III. Từ sự chiếm lấy Giê-ru-sa-lem cho đến sự phản loạn của Áp-sa-lôm, 6:1-14:33. IV. Từ sự phản loạn của Áp-sa-lôm cho đến sự mua đất xây Ðền thờ, 15:1-24:25.
       II Sa-mu-ên 6:3.-- Truyện xe mới của Ða-vít và kết quả là một điều minh chứng rõ rệt về lẽ thật thuộc linh nầy: phước lành không theo, mặc dầu có ý định tốt nhứt như trong sự hầu việc Ðức Chúa Trời, trừ khi sự hầu việc đó được thi hành theo đường lối của Ðức Chúa Trời. Ấy là một điểm luôn luôn thất bại. Ðức Chúa Trời đã chỉ bảo rõ hòm giao ước nên đem đi thế nào (Dân số ký 4:1-15), song Ða-vít theo lối người Phi-li-tin gởi về trả (I Sa-mu-ên 6:7,8). Hội Thánh cũng đầy những đường lối của người Phi-li-tin để hầu việc Ðấng Christ, so I Cô-rinh-tô 1:17-31; II Cô-rinh-tô 10:4,5; cũng xem I Sử ký 15:2.
       II Sa-mu-ên 13:37.-- Xem I Sa-mu-ên 27:8. Ða-vít, trong những năm lưu lạc, đã loán đến Ghê-su-rơ phá hủy xứ nầy, và lẽ cố nhiên cũng đem theo Ma-a-ca, là con gái vua xứ Ghê-su-rơ. Từ nàng sanh ra Áp-sa-lôm, và trong con đó có huyết người nữ Bédouins mọi rợ lẫn với huyết của người cha đã làm tướng một nhóm người mạnh dạn (II Sa-mu-ên 3:3; 23:8-39), và là người chỉ có sự yêu thương của Chúa có thể quản trị (II Sa-mu-ên 22:36). Trong Áp-sa-lôm, Ða-vít đã gặt chính điều mình đã gieo.
       II Sa-mu-ên 14:24.-- Ðức Chúa Trời không dạy Ða-vít tha tội như thế. Những người học luật tưởng rằng tội cố ý của Áp-sa-lôm là do ở sự khoan dung quá đỗi về phần Ða-vít mà ra. Không có sự mật thiết như thế trong Kinh Thánh. Dường như thà Ða-vít lần nầy tiếp đãi Áp-sa-lôm thân mật, thì có lẽ sự phản nghịch không có xảy ra.
       II Sa-mu-ên 18:18.-- Bia nói đến đây chắc đã lập lên trước khi Áp-sa-lôm sanh con. So II Sa-mu-ên 14:27. Một phương diện khác là các con của Áp-sa-lôm chết non. Chúng không được nói đến trong các gia phổ.
       II Sa-mu-ên 24:9.-- So I Sử ký 21:5. Lực lượng tổng cộng của Y-sơ-ra-ên (nước phía Bắc) là 1.100.000 và của Giu-đa là 500.000 người. Số thật sắp đặt ra trận bấy giờ là: Y-sơ-ra-ên 800.000 và Giu-đa 470.000 người.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.