Sách Sô-phô-ni.Livre de Sophonie.

        


      I. Tác giả.-- Nghĩa tên tác giả, Sô-phô-ni, là "Giê-hô-va đã giấu" (Thi Thiên 27:5; 83:3). Có lẽ Sô-phô-ni nhớ nghĩa đó khi chép 2:3. Sách nầy là thứ chín trong các sách tiểu tiên tri. Sô-phô-ni là tiên tri thuộc về đời vua Giô-si-a, là con trai Cu-si, cháu Ghê-đa-lia, chắt A-ma-ria, chít Ê-xê-chia (Sô-phô-ni 1:1). Ấy tỏ ra Sô-phô-ni thuộc một gia đình có danh tiếng, dầu không chắc Ê-xê-chia đó là vua Giu-đa vì không nói vậy (so Châm Ngôn 25:1; Ê-sai 38:9). Nếu Sô-phô-ni thật thuộc dòng vua, thì lời đoán phạt "các con trai của vua" có nghĩa sâu nhiệm hơn. Sô-phô-ni ở xứ Giu-đa, và dường như theo "nơi nầy" (1:4) tại Giê-ru-sa-lem, lại cũng vì biết rõ địa dư của thành nữa (1:10,11). Không biết Sô-phô-ni hành chức bao lâu, song giống A-mốt, dường như ngắn, và khi đã làm xong phận sự lại trở về đời tư mình, dầu có lẽ cứ lo đến những vấn đề cải cách (II Các vua 23:2).
       II. Niên hiệu. -- Sô-phô-ni hành chức trong phần đầu đời trị vì của Giô-si-a. Trong Sô-phô-ni 21:13-15 dự ngôn về Ni-ni-ve bị phá diệt (625 T.C.), vậy chép trước năm đó; trong 1:4-6 ngăm đe "trừ diệt phần sót lại của Ba-anh, các tên của thầy cả và thầy tế lễ nó," được ứng nghiệm bởi Giô-si-a chừng năm 621 T.C. (II Các vua 23:4,5). Sự cải cách của vua Giô-si-a khởi đầu từ năm thứ XII đời trị vì, và được xong năm XVIII. Vậy, Sô-phô-ni khi tố cáo những lối thờ tượng thì dọn dường cho cuộc phục hưng của Giô-si-a, và dường như cộng tác với vua trong 6 năm đó. Theo truyền khẩu Do thái, thì có tiên tri Giê-rê-mi hành chức tại các đường cái và các chợ, với nữ tiên tri Hun-đa trong trường học đạo tại Giê-ru-sa-lem, cùng làm với Sô-phô-ni. Trật tự của sách trong các sách tiểu tiên tri, và những lời trích từ Giô-ên, A-mốt, và Ê-sai đều tỏ ra thời Sô-phô-ni hành chức trong 1:1 là đúng. Chắc Sô-phô-ni có công lớn trong cuộc cải cách đời Giô-si-a.
       III. Tài liệu.-- Phần lớn của sách làm tiểu dẫn cho phần tổng kết lớn lao dưới quyền Ðấng Mê-si (1:2-3:8; 3:9-20).
       1. Sự ngăm đe đoán phạt (1:2-7); các án phạt đó sẽ đổ trên ai (1:8-11). Ngày của Ðức Giê-hô-va đến gần và kinh khiếp, không thể tránh khỏi (1:12-18). Tiếng gọi dân tộc bội đạo đến sự ăn năn, và gọi người nhu mì và công bình dùng các ơn để thoát khỏi ngày thạnh nộ (2:1-3). Duyên cớ là: những án phạt của Ðức Chúa Trời trên kẻ thù của Y-sơ-ra-ên hầu đến, là người Phi-li-tin người Mô-áp, Am-môn (phần sót lại của dân Chúa sẽ được xứ của ba dân tộc đó), Ê-thi-ô-bi và A-sy-ri sẽ trở nên hoang vu. "Vì Ngài sẽ làm các thần trên đất chịu đói (bằng cách hủy diệt những dân thờ chúng), và người ta ai nấy sẽ từ nơi mình thờ lạy Ngài" (2:4-15). Tiếng kêu gọi đó bị coi khinh, cả Giê-ru-sa-lem đã thấy các án phạt trên các nước lân bang mà không chịu cải cách sự ô uế mình, thì buộc Ðức Chúa Trời công bình phải hình phạt (3:1-7). Trong cả mọi sự đó, tên người Canh-đê, là người thi hành sự báo thù của Ðức Chúa Trời trên Giu-đa, không có nói đến như trong Giê-rê-mi, vì tiên tri nầy ở gần sự ứng nghiệm các lời tiên tri rõ ràng hơn.
       2. Sau sự sửa phạt, Giê-hô-va khuyên mời kẻ sót lại của Giu-đa tin kính chờ đợi Ngài vì Ngài sắp can thiệp cho Giu-đa và Giê-ru-sa-lem chống với các dân tộc nhóm họp nghịch cùng hai nơi đó (Xa-cha-ri 12:; 13:; 14:). "Những kẻ sót lại của Y-sơ-ra-ên sẽ không làm sự gian ác... Ðức Chúa Trời sẽ vui mừng cả thể vì cớ ngươi... và làm cho các ngươi nổi danh tiếng và được ngợi khen giữa mọi dân trên đất," nên "Chúng sẽ thảy đều kêu cầu danh Ðức Giê-hô-va và một lòng hầu việc Ngài" (3:8-20).
       Dầu trong sách có nhiều lời quở trách, ngăm đe, đoán phạt, nhưng ấy tỏ ra lòng yêu thương Ngài. Sách khởi đầu với sự khốn nạn, song tận cùng với lời ca hát; hai phần đầu đầy sự tối tăm buồn bực, phần cuối cùng chứa một bài ca yêu thương rất hay trong Cựu Ước.
       IV. Lời chìa khóa.-- Có ba:
       (1) "Ngày của Ðức Giê-hô-va", có bảy lần và bởi đó có thể học sách.
       (2) "Ở giữa" chép năm lần và trong 3:11 chép "khỏi giữa". Song chìa khóa nên chú ý là "lửa ghen". Có hai thứ ghen tương: một không nên quan thiệp với Ngài, là ghen tương thường nghi ngờ về sự bất trung và vẫn tìm kiếm chứng cớ đó. Nơi nào có sự ghen tương đó thì không khác gì địa ngục. Song ghen tương thứ hai là kết quả tự nhiên của sự yêu thương, và ấy là bổn tánh của sự ghen tương Ngài. Chúa yêu dân Ngài đến nỗi không thể dung chịu một kẻ ganh đua, và đòi dân mình phải hết lòng phục sự mình, nên bởi đó Ngài dùng hết cách để được như vậy, dầu phải đoán phạt ghê gớm đến đâu như trong sách Sô-phô-ni. Theo nghĩa ghen đó, nên xem 1:18, "cả đất nầy (Y-sơ-ra-ên) sẽ bị lửa ghen Ngài thiêu nuốt"; 3:8 "Vì cả đất (Các dân tộc ngoại bang) sẽ bị nuốt bởi lửa ghen ta", và thấy trong 3:17, "vì lòng yêu thương... Ngài sẽ nín lặng", tức lửa ghen Ngài bị tắt.
       V. Lối văn.-- Sô-phô-ni chép một cách hoạt động và như mô tả bức tranh. Tiếng Hê-bơ-rơ dùng là thuần túy, và không lộn tiếng Aramaique nào. Sô-phô-ni 2:14 hiệp với Ê-sai 34:11; Sô-phô-ni 2:15 với Ê-sai 47:8; Sô-phô-ni 3:10 với Ê-sai 18:1; Sô-phô-ni 2:8 với Ê-sai 16:6; Sô-phô-ni 1:5 với Giê-rê-mi 8:2; Sô-phô-ni 1:12 với Giê-rê-mi 48:11. Trong Rô-ma 15:6 dường như trưng dẫn đến Sô-phô-ni 3:9.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về sách Sô-phô-ni:
       Tiểu dẫn.-- Tiên tri nầy đồng thời với Giê-rê-mi, hành chức trong đời vua Giô-si-a. Ấy là thời phục hưng (II Các vua 22:); dầu vậy, Sô-phô-ni cũng chỉ tỏ ra mặc dầu có sự phục hưng bề ngoài của Giô-si-a (Giê-rê-mi 2:11-13), song vì phần đạo đức không tránh được cơn phu tù sắp đến.
       Sách chia làm bốn phần:
       (I) Sự xâm lấn hầu đến của Nê-bu-cát-nết-sa là quang cảnh ngày Ðức Giê-hô-va, 1:1-2:3.
       (II) Những lời dự ngôn về sự phán xét trên mấy dân tộc kia 2:4-15.
       (III) Tình hình đạo đức của Y-sơ-ra-ên khiến cơn phu tù phải đến, 3:1-7.
       (IV). Sự phán xét các dân, sau đó có lời phước hạnh của nước Ðấng Mê-si, 3:8-20.
       1:7.-- Xem bài "Ngày của Ðức Giê-hô-va."
       3:9.-- Trong sách Sô-phô-ni, sự trở lại đạo của "các dân" được nói khác với trật tự tiên tri thông thường; tại đó, phước lành của Y-sơ-ra-ên và sự thiết lập nước xảy ra trước các dân ngoại trở lại đạo. Xem lời chua Xa-cha-ri 12:1; và 12:8. Song khúc nầy tỏ chứng cớ rõ ràng lúc nào các dân ngoại sẽ trở lại Ngài. Ấy là sau sự đánh phá các dân ngoại. So Ê-sai 11:9 với thượng hạ văn; Ða-ni-ên 2:34-35; Thi Thiên 2:5-8; Công vụ các sứ đồ 15:15-17; Khải Huyền 19:19-20:6.
       3:15.-- "Ở giữa". Ấy với mấy khúc khác trong các sách tiên tri (xem bài Nước, lời chua Xa-cha-ri 12:8) không thể chỉ về sự gì xảy ra khi Ðấng Christ giáng lâm lần thứ nhứt, vì thượng hạ văn tỏ ra rất rõ như vậy. Trật tự ngược thật đúng. Xem lời chua Ê-sai 11:.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.