Sách Tin lành thứ ba nầy, khắp cả Hội Thánh chung đều công nhận là của "thầy thuốc yêu dấu", Lu-ca, bạn và là người đồng đi với Phao-lô.
I. Nội dung sách.-- Sách nầy từ 1:1-4 chép hết lời tựa, thì luận ngay đến việc Giăng Báp-tít, sự giáng sanh và thời thơ ấu của Chúa Jêsus. Lu-ca 1:5-2:52 là khúc Lu-ca chép riêng. Còn từ 3:1-6:19, Lu-ca theo trật tự sách Mác 1:1-3:19; song tăng thêm vài khúc giống với sách Ma-thi-ơ: như luận về Giăng Báp-tít, gia phổ Chúa Jêsus, Chúa Jêsus bị cám dỗ, phép lạ Si-môn bắt cá, người đờn bà có tội lấy dầu xức cho Chúa, v.v.. Lại có chép lời Chúa Jêsus riêng trong Lu-ca; Khúc cốt yếu hơn hết là truyện Chúa Jêsus ở Na-xa-rét (4:16-30). Lu-ca 6:20-8:3 không có trong Mác; song ở đó có một khúc về Chúa ở trên núi dạy dỗ như trong Ma-thi-ơ dầu không theo đúng thứ tự. Phép lạ chữa lành đầy tớ thầy đội và Giăng Báp-tít sai môn đồ hỏi Chúa đều theo sách Ma-thi-ơ 8:5-13; 19:23. Còn những việc sách Lu-ca chép riêng thì phép lạ con người đờn bà góa tại thành Na-in sống lại là cần yếu hơn, 7:11-18. Cũng có những việc Lu-ca bỏ sót không chép, như: Mác 6:45-8:26 và Ma-thi-ơ 14:22-16:12. Lu-ca 8:4-9:50 lại chép như trong Mác 4:1-9:40. Lu-ca 9:51 đến 18:14 không có trong Mác. Lu-ca 19:45-22:15 giống Mác lắm, song sót một hai việc, và thêm một hai việc như thí dụ người chủ giao bạc cho mười đầy tớ, việc Sê-sa, tên trộm cướp ăn năn, và hai môn đồ đến Em-ma-út. Còn như chép về Chúa Jêsus chịu thương khó và sống lại vẫn theo sách Mác, song không phải hoàn toàn vì có thêm vào và tìm chứng cớ khác.
Có thể chia sách Lu-ca như sau nầy:
1. Lời tựa (Lu-ca 1:1-4).
2. Ðời thơ ấu của Chúa Jêsus (Lu-ca 1:5-2:52).
3. Chúa Jêsus truyền đạo ở Ga-li-lê (Lu-ca 3:1-9:50).
4. Chúa Jêsus đi bộ đến thành Giê-ru-sa-lem và truyền đạo từ ngoài xứ Ga-li-lê trở đi (Lu-ca 9:51-19:28).
5. Việc trong vài ngày sau rốt khi Chúa Jêsus ở thành Giê-ru-sa-lem (Lu-ca 9:29-21:38).
6. Sự Chúa Jêsus bị hại và sống lại (Lu-ca 22:-24:).
II. Niên hiệu.-- Từ Công vụ các sứ đồ 1:1 "sách thứ nhứt ta" tỏ rất rõ sách Lu-ca chép trước Công vụ các sứ đồ nhưng không biết đúng bao lâu. Có lẽ chép tại Sê-sa-rê trong lúc Phao-lô bị cầm tù tại đó, năm 58-60 S.C.
III. Nơi chép.-- Nếu thời giờ trên là đúng thì sách chép tại Sê-sa-rê; song theo Jérôme thì chép tại A-chai; theo bản Syriaque, tại Alexandrie; theo Éwald tại La-mã, v.v.. Không thể biết đúng ở đâu.
IV. Nguyên gốc sách.-- Lời tựa trong bốn câu đầu sách mô tả mục đích của trước giả. Nên chú ý về mấy điều sau nầy: lúc Lu-ca chép có nhiều truyện thường kể về đời sống Chúa. Lu-ca tự xưng mình xứng đáng chép sách Tin lành vì "đã xét kỹ càng từ đầu mọi sự ấy". Ông không nói mình là "người chứng kiến từ lúc ban đầu", nhưng có lẽ Lu-ca đã thấy một phần công việc Chúa. Ý đời xưa, Lu-ca nhờ ảnh hưởng Phao-lô mà chép sách Tin lành mình, là do lời chứng của Irénée, Tertullien, Origène và Eusèbe. Hai giáo phụ đầu quyết định trong sách có Tin lành mà Phao-lô truyền ra. Origène đặt tên là "Tin lành mà Phao-lô trưng ra", chỉ về lời Phao-lô chép ở Rô-ma 2:16, "y theo Tin lành tôi" và Eusèbe nói lời Phao-lô trong II Ti-mô-thê 2:8, "theo như Tin lành của ta", chỉ về sách Lu-ca hiệp với ý của Jérôme. Theo lời lẽ ở tiểu dẫn thì trái với ý chỉ do ảnh hưởng một mình Phao-lô, vì "theo như các người chứng kiến... truyền lại cho chúng ta". Vậy, dường như Lu-ca tìm tin tức từ bốn phía, nhứt là nhờ các bài giảng của thầy mình là Sứ đồ Phao-lô, và Sứ đồ cũng nhờ những sự được biết bởi môn đồ mình là Lu-ca. Về vấn đề Lu-ca có nhờ hai sách Tin lành Ma-thi-ơ và Mác, cũng xem bài Tin lành.
V. Mục đích.-- Lu-ca gởi thơ cho Thê-ô-phi-lơ để cho "biết những điều mình đã học là chắc chắn" (1:4). Thê-ô-phi-lơ dường như sanh trưởng tại Ý-đại-lợi, có lẽ ngụ cư ở thành La-mã, khi xét truyện Phao-lô sang La-mã, các nơi mà một người Ý-đại lợi không biết thì mô tả rõ (Công vụ các sứ đồ 27:8, 12, 16), song khi đến Sicile và Ý-đại-lợi không mô tả gì nữa. Vậy, dường như Lu-ca trước hết gởi thơ cho độc giả ngoại bang; bởi thế trong sách thấy có hướng về tín đồ ngoại bang hơn là tín đồ Do-thái. Ý Lu-ca chẳng những đem Tin lành gởi cho một người trong dân ngoại, song cũng muốn gởi cho mọi tín đồ ở các nước. Vì vậy, trong sách ít dẫn dùng chữ và câu trong Cựu Ước luôn với lời các tiên tri. Lại có cắt nghĩa về thói tục Do-thái (Lu-ca 22:1). Tác giả đem danh từ Hy-lạp thay cho danh từ Hê-bơ-rơ, như dùng cái tên Xê-lốt để thay cho người Ca-na-an (Lu-ca 6:15; Công vụ các sứ đồ 1:13), lấy chỗ Sọ để thay cho Gô-gô-tha (Lu-ca 23:33). Lại hay dùng chữ Chúa thay cho chữ thầy, và dùng chữ Giu-đê để chỉ về toàn xứ Pha-lê-tin (Lu-ca 1:5; 7:17; 23:5; Công vụ các sứ đồ 2:9; 10:37; 1:29).
VI. Tiếng và lối văn.-- Ai nấy đều nhận nguyên văn sách Lu-ca chép bằng tiếng Hy-lạp. Dầu nhiều lần pha lối văn Hê-bơ-rơ, nhưng lối văn chương và tiếng kép Hy-lạp dùng nhiều lắm. Có nhiều tiếng chỉ một mình Lu-ca dùng, và nhiều chữ từ văn chương giáo khoa. Khi so sánh sách Lu-ca với sách Công vụ các sứ đồ thấy lối văn sách Công vụ các sứ đồ thuần túy hơn và thoát khỏi lối dùng văn Do-thái. Lu-ca giỏi về văn chương, cứ xem những việc thuật thì biết (như Lu-ca 7:37 thuật về người đờn bà phạm tội), duy những việc chép ra đó đều không phải có chính mắt tác giả đã thấy, nên không giống sách Mác có các trạng thái chính mắt trông thấy vậy. Sách Lu-ca chú ý đến nhiều việc lắm, như yêu thương phụ nữ, chăm lo việc nhà. Ta có thể nhờ những việc tác giả đã thuật mà thấy được ý đó. Trong sách Lu-ca cũng có những chữ thuộc y học và lại thuật cả những việc chữa trị bịnh nhân nữa. Có người nhặt những tiếng về y học Hy-lạp, thấy giống với chữ trong sách Lu-ca. Sách Lu-ca lại cũng có dẫn việc thiên sứ. Vài việc trên đây cũng có cả ở trong sách Công vụ các sứ đồ. Có người nói: Suốt cả sách Lu-ca không có việc giống nhau. Nói vậy không đúng.
VII. Sách công nhận.-- Justin Martyr trưng dẫn sách Lu-ca, và tác giả Clémentine Homélies cũng vậy. Các giáo phụ Hội Thánh đời các Sứ đồ làm thinh; song đó chỉ tỏ ra sách nầy được công nhận thuộc Kinh Thánh hơi muộn. Kết quả cuộc tranh luận của Marcion tỏ ra sách Tin lành Lu-ca đã được dùng trong Hội Thánh trước 120 S.C.. Có người nghi ngờ về hai đoạn đầu, song thật ra không có cớ phân biệt giữa hai đoạn đầu và các đoạn còn lại.
Tiến sĩ Scofield chú thích về sách Lu-ca như sau nầy:
Tiểu dẫn.-- Tác giả của sách Tin lành thứ ba nầy Phao-lô gọi là "thầy thuốc rất yêu dấu" (Cô-lô-se 4:14); và nhờ sách Công vụ các sứ đồ biết Lu-ca là bạn thường cùng đi với Phao-lô. Tổ tông Lu-ca là người Do-thái, song vì văn Hy-lạp viết rất đúng tỏ ra ông là từ người Do-thái đã bị tan lạc. Lời truyền khẩu nói Lu-ca là người Do-thái tại thành An-ti-ốt cũng như Phao-lô tại thành Tạt-sơ.
Niên hiệu.-- Lu-ca chép sách nầy giữa 63-68 S.C..
Ðại ý.-- Sách Lu-ca là Tin lành của Ðấng nên người mà tỏ bổn thể Chúa, như sách Giăng là Tin lành của Ðấng vốn là Chúa mà tỏ bổn thể người. Chữ chìa khóa là "Con Người", và câu chìa khóa "Bởi Con Người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất" (19:10). Hiệp với ý đó, Lu-ca kể những điều về Chúa Jêsus tỏ ra hoàn toàn Ngài đã là một người. Gia phổ của Chúa kể ngược trở lại đến thủy tổ A-đam, và kể rành mạch về mẹ Ngài, với sự giáng sinh, và thời thơ ấu của Ngài. Các ví dụ riêng của Lu-ca chép có mặt đặc biệt về tính cách người đang tìm kiếm. Dầu vậy, Lu-ca cẩn thận gìn giữ ý Chúa Jêsus vẫn là Chúa và Vua (Lu-ca 1:32-35). Vậy, Lu-ca là Tin lành của "Người tên là Chồi mống" (Xa-cha-ri 6:12).
Bố cục.-- Sách Lu-ca chia ra bảy phần lớn:
1. Tiểu dẫn, 1:1-4:
2. Những dây liên lạc Chúa với người, 1:5-2:52.
3. Báp-têm, gia phổ, và sự thử Chúa, 3:1-4:13.
4. Chức vụ Con người như là Tiên tri và Vua tại xứ Ga-li-lê, 4:14-9:50.
5. Hành trình Con người từ Ga-li-lê đến Giê-ru-sa-lem, 9:51-19:44.
6. Lần cuối cùng Con người tỏ mình là Vua dân Y-sơ-ra-ên, song bị chối bỏ và dâng mình làm của lễ, 19:45-23:56.
7. Phục sanh, chức vụ sau đó, và sự thăng thiên của Con người, 24:1-53.
1:3.-- "Từ đầu", nguyên văn Hy-lạp là "anothen", tức "từ trên cao"; cũng dịch vậy trong Giăng 3:31; 19:11; Gia-cơ 1:17; 3:15, 17. Không có chỗ nào khác "anothen" dịch là "từ đầu". Vậy, Lu-ca dùng "anothen" là quyết định sự mình biết về "mọi sự ấy", từ "các người chứng kiến từ lúc ban đầu" (1:2), cũng được chắc chắn bởi sự khải thị. Cũng thế, Phao-lô chắc đã nghe mười một sứ đồ thuật lại bữa ăn tối, song cũng được sự khải thị từ Chúa nữa (I Cô-rinh-tô 11:23), nên lời Phao-lô chép, giống sự biết của Lu-ca "từ trên cao", trở nên trực tiếp, chớ không phải chỉ nhờ truyền khẩu.
4:19.-- Khi so câu 18-19 trưng dẫn Ê-sai 61: 1-2, thấy Kinh Thánh thuật rất đúng, Chúa ngừng đọc ở chỗ "năm lành của Chúa" vì can thiệp với sự giáng lâm lần thứ nhứt và thời đại của ân điển nầy. Sáng thế ký 3:15; Công vụ các sứ đồ 1:11. "Ngày báo thù của Ðức Chúa Trời" (Ê-sai 61:2) can thiệp với sự tái lâm Chúa (Phục truyền luật lệ ký 30:3; Công vụ các sứ đồ 1:11), và sự phán xét.