Sách Truyền đạo. Ecclésiaste.

       



      Nhan đề của sách nầy bằng tiếng Hê-bơ-rơ là Koheleth, một tên giống cái, có nghĩa là người nói cách công khai trong hội chúng và bởi đó dịch trong bản Septante là Ecclesiaste, được nhận trong bản Anh văn vậy. Koheleth là tên mà Sa-lô-môn tự nói về mình suốt cả sách. "Lời của người truyền đạo (Koheleth), con trai của Ða-vít, vua tại Giê-ru-sa-lem" (1:1), là người được sự khôn ngoan và giàu có lớn hơn hết thảy người tại Giê-ru-sa-lem (1:16; 2:7,9). Dường như có sự trái ngược vì người nam có tên giống cái như thế, song ấy tỏ ra tên đó vốn chỉ về chức, sau ứng dụng cho người hành chức đó. Có thể coi sách nầy như là chính Sa-lô-môn viết lúc già yếu; hoặc như lời, dầu không phải Sa-lô-môn thật nói, nhưng tóm tắt hoàn toàn đúng với sự từng trải người, đứng về phương diện mãn đời mà tỏ sự dạy dỗ lớn của đời mình như đã học, và những tình cảm mà người có thể suy tưởng khi ngó ngược lại đời quá khứ mình. Ðại đề của sách là sự hư không của mọi vật ở trên đất (1:2).
       Tánh cách lạ lùng của mấy câu trong sách nầy dẫn mấy người Do-thái xưa tự hỏi có nên cho vào số các sách công nhận của Cựu Ước. Song cuối cùng, ai nấy đều công nhận sách đáng được đặt vào Cựu Ước. Tân Ước không trích lại trực tiếp và cũng không ngụ ý đến sách nầy.
       Sách Truyền đạo tả nỗi lòng của một người giàu Do-thái (2:4-7). Người đó dầu giàu có lắm, song gặp nhiều sự buồn rầu, khổ sở, và thất vọng! Lúc nói ra các lời trong sách nầy chính là lúc đã già rồi. Coi 1:12-2:11 nói về khôn ngoan và vui sướng là gốc tánh mạng, thì những lời đó là nhớ mà thuật lại rồi. Chỗ nói về tình hình nước mình rất là thấm thía rõ ràng: nào kẻ cầm quyền không tốt, nào dùng người mà không phân biệt kẻ hay người dở (10:5,6,7), nào vua còn thơ ấu, nào các quan trưởng ăn từ lúc sáng (10:16), nào nơi công đàng có sự gian ác, chốn công đình có sự bất nghĩa (3:16), nào dân đau khổ phải chịu oan uổng không kêu đâu được (5:1,2), v.v.. Những lời nói đó thật như đuốc soi rõ, như số tính đúng vậy.
       Ðại ý của sách. Lối văn sách nầy có chỗ đặc biệt lạ lùng: đang hết sức tả một cảnh lo buồn, khổ sở, bỗng xoay ra êm ái, yên lành, lại có đủ tấm lòng tin tôn giáo. Dường như tác giả, trong khoảng nửa tin nửa ngờ, chưa thể quyết định được vậy.
       Quan niệm về thế giới. Tác giả dùng các phương pháp để khám rõ ý niệm và tôn chỉ của nhơn sanh, phần nhiều đặt ra thí dụ để làm chứng cho tỏ tường. Song muốn tìm lấy cái cứu cánh của sự sống mầu nhiệm huyền ảo, vẫn không thể được! Tác giả cho rằng dầu sao mặc lòng, người ta không thể dẫn đưa mình để tự đạt đến mục đích được. Nào ăn uống, nào vui sướng, thảy đều hư không cả! (2:24-26; 3:12,13; 5:17-19; 8:15; 9:7-10; 11:8,9,10; 12:1-8).
       Quan niệm về tôn giáo. Các tiên tri đời xưa hết lòng tin rằng Ðức Chúa Trời là Ðấng có nhơn cách. Tác giả dẫu tin đạo duy nhứt Thần, song kiến giải có khác với các tiên tri. Tác giả tin sâu rằng trong vũ trụ tất có Ðức Chúa Trời mà người Y-sơ-ra-ên vẫn tin, là Ðấng cai quản hết thảy sự vật. Ngài có đủ tài kinh luân, làm việc lạ lùng, mầu nhiệm (3:11,18; 6:12; 7:14; 8:17; 11:5). Người ta dầu hết lòng suy nghĩ đến cùng cực, vẫn không sao vượt ra ngoài khuôn vòng của Ngài được. Thế mới gọi là Ðức Chúa Trời sắp đặt từ trước. Vậy, sao người ta hay cãi trả với Ðấng Toàn năng? (6:10). Người Do-thái đều thiết tha trông mong Ðấng Mê-si đến vì Ngài có thể khiến người được hưởng hạnh phước bình yên hoàn toàn. Trong sách nầy không có hy vọng đó, duy có lặt lượm lấy vài điều của người trước kể lại, rồi đem lẽ tôn giáo tự nhiên mà xen vào đó thôi.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về sách truyền đạo như sau:
       Tiểu dẫn.-- Ðây là sách của người "dưới mặt trời" luận lý về sự sống; ấy là điều tốt nhứt người có thể làm được, với sự thông biết rằng có một Ðức Chúa Trời thánh, và Ngài sẽ đoán xét mọi sự. Câu chìa khóa là "duới mặt trời." "Ta thấy," "Ta nói trong lòng." Sự soi dẫn chép đúng điều chi xảy ra, song những kết luận và luận lý, sau hết đều là của người cả. Những câu kết luận đó đúng trong sự tuyên bố rằng chỉ là "hư không" về phương diện phán xét, phó sự sống mình cho mọi sự thuộc về đất, thì thật rất đúng. Song "kết luận" (12:13) là thuộc luật pháp, ngoài sự cứu chuộc đều tốt hơn hết loài người có thể làm, và không có trông đợi Tin lành. Sách Truyền đạo chia làm 5 phần: (I) Ðại đề, 1:1-3; (II) Ðại đề được chứng rõ, 1:4-3:22; (III) Ðại đề được tỏ ra trước ánh sáng những sự đau khổ của người, giả hình, không chắc chắn, nghèo và giàu, 4:1-10:20; (IV) Ðiều tốt hơn hết có thể được cho người xác thịt ngoài Ðức Chúa Trời, 11:1-12:12; (V) Ðiều tốt hơn hết để cho người dưới Luật pháp, 12:13,14.
       Truyền đạo 1:2.-- "Hư không" trong sách Truyền đạo, và thường dùng trong Kinh Thánh có nghĩa, không phải là sự kiêu ngạo điên cuồng, song sự trống rỗng, về kết quả cuối cùng của mọi đời sống phân rẽ khỏi Ðức Chúa Trời. Người ta sanh ra để lao lực, chịu đau khổ, từng trải ít điều vui sướng thoáng qua, không đáng gì đối với sự vĩnh viễn, vì phải bỏ mọi sự đó, và chết. Xem Rô-ma 8:20-22.
       Truyền đạo 9:10.-- Câu 10 không còn là một sự khải thị Ðức Chúa Trời về địa vị của người chết hơn là một lời kết luận nào khác của "người truyền đạo" (Truyền đạo 1:1) là một sự khải thị Chúa. Luân lý từ phương diện của người "dưới mặt trời," người xác thịt không thể thấy sự khác nhau giữa một người chết và một sư tử chết (câu 4). Một con chó sống còn tốt hơn hai vật chết đó. Không ai nên trích câu 2 như một sự khải thị Ðức Chúa Trời. Những luân lý đó của người, trừ ra sự soi dẫn của Ðức Chúa Trời, được chép bởi sự soi dẫn đúng như lời của Sa-tan (Sáng thế ký 3:4; Gióp 2:4,5, v.v.) được chép như vậy. Song sự sống và ý thức đó vẫn còn giữa sự chết và sự sống lại được chứng quyết trực tiếp trong Kinh Thánh (Ê-sai 14:9-11; Ma-thi-ơ 22:32; Mác 14:43-48; Lu-ca 16:19-31; Giăng 11:26; II Cô-rinh-tô 5:6-8; Phi-líp 1:21-23; Khải Huyền 6:9-11).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.