Sạch và không sạch . Cequi est souillé et ce qui est pur.

       



      Sạch và không sạch cũng như nói thánh thiện và không thánh thiện. Kinh Thánh thường dùng những tiếng đó để phân biệt người và súc vật (Lê-vi ký 11:-15:; Dân số ký 19:; Phục truyền luật lệ ký 14:). Ở trước cơn Nước lụt cũng đã có cách phân biệt đó rồi (Sáng thế ký 7:2). Người sau giải thích hai nghĩa nầy không khỏi có sự lộn xộn (Công vụ các sứ đồ 10:14).
       I. Cựu Ước nói về sự không sạch.-- Theo lệ thông thường trong Do-thái-giáo, hễ cái gì không sạch thì không thể dâng làm tế lễ cho Ðức Chúa Trời (Ê-xê-chi-ên 22:26; 44:7,9; Ê-sai 52:1). Người không sạch và chỗ đất không sạch không thể làm việc tôn giáo. Ngoài xứ Pha-lê-tin gọi là Xứ Thánh, mọi nơi khác đều là chỗ đất không sạch cả (Lê-vi ký 7:26; II Các vua 5:17; Ô-sê 9:3). Về luật lệ không sạch, nên chia làm năm phần mà bàn:
       1. Nam nữ không sạch.-- Người Do-thái cho rằng sau khi nam nữ mắc sự không sạch, tất phải tắm rửa, đến tận chiều tối mới sạch (Lê-vi ký 15:18). Phàm những lúc phải giữ sạch sẽ đặc biệt, không nên gần nữ sắc. Khi chiến tranh cũng nên giữ lễ nầy (I Sa-mu-ên 21:5; II Sa-mu-ên 11:11); vì họ coi chiến tranh là việc tôn giáo. Kẻ mới cưới được miễn đi lính một năm; tức là theo nghĩa đó (Phục truyền luật lệ ký 24:5). Người bị bịnh bạch trược là không sạch, sau khi lành rồi, đến ngày thứ tám, nên làm lễ sạch mình. Người nào di tinh cũng bị kể là không sạch, nên giặt áo và tắm rửa, đến chiều tối mới khỏi bị ô uế (Lê-vi ký 15:1-7). Ðờn bà sanh đẻ là rất không sạch: sanh con trai thì không sạch đến bảy ngày; qua ba mươi ba ngày thì mới sạch; sanh con gái thì gấp đôi. Ðến kỳ đã sạch, nên đi dâng của lễ để làm lễ sạch mình (Lê-vi ký 12: so Lu-ca 2:22-24). Người nam, người nữ không đổi áo mặc lẫn nhau cũng gốc từ ý nầy (Phục truyền luật lệ ký 22:5). Những vật chảy ra từ người ta cũng là đồ không sạch (Phục truyền luật lệ ký 23:12-14). Cấm thầy tế lễ mặc áo lông vì áo lông dễ ước mồ hôi, mà mồ hôi cũng là vật chảy ra từ người ta (Ê-xê-chi-ên 44:17,18).
       2. Trong huyết không sạch.-- Người Do-thái cho huyết là sự sống của loài vật (Phục truyền luật lệ ký 12:23); huyết có thể làm cho muôn vật sanh ra không sạch (Phục truyền luật lệ ký 22:8). Vậy, nên cấm ăn thú vật chết ngột và súc vật bị loài thú cắn chết (Ê-xê-chi-ên 4:14; Xuất Ê-díp-tô ký 22:31; Lê-vi ký 17:15; 22:8). Người nào không kiêng thế tức là không sạch (I Sa-mu-ên 14:33; Ê-xê-chi-ên 33:25). Phụ nữ thấy kinh nguyệt tức bị ô uế trong bảy ngày. Nếu người nam cùng nằm với, cũng sẽ bị ô uế bảy ngày. Sau khi lành bịnh lưu huyết được bảy ngày, phải nên giặt áo tắm rửa (Lê-vi ký 15:19-30). 
       3.Ðồ ăn không sạch.-- Từ lâu lắm, người Do-thái đã chia động vật ra làm thứ sạch và thứ không sạch (Sáng thế ký 7:2; 8:20). Lê-vi ký 11: và Phục truyền luật lệ ký 14: cũng luận kỹ về sự đó. Trong sách chỉ nói những loài vật không móng rẽ, nhơi lại là sạch, loài cá có vây, có vảy là sạch, những thứ chim nào là sạch. Lại nói trong những côn trùng hay bay, và đi bốn cẳng, con nào có cẳng đặng nhảy trên đất thì có thể ăn được. Con ngoài ra đều nên coi là vật không sạch, có luật cấm cả.
       4. Xác chết không sạch.-- Người Do-thái coi xác chết là không sạch (A-ghê 2:13), vì cớ họ cho thây xác có năng lực yêu thuật. Xương người và mồ vô chủ cũng thuộc về không sạch. Phàm ai rờ đến thây người chết thì bị ô uế đến bảy ngày (Dân số ký 19:11). Xác chết ở đâu, hễ ở đó màn trại và đồ dùng không che đậy thì cũng bị kể là không sạch. Vậy, sau khi ra trận, quân lính nên làm lễ sạch mình (Dân số ký 31:19-24). Nhưng trong Dân số ký 9:6-12 chép có người rờ xác chết thì bị ô uế, thế mà vẫn giữ lễ Vượt qua đó là điều đáng lạ thôi. Kẻ đã chết, dầu người bà con cũng coi là không sạch (Ô-sê 9:4). Trong Cựu Ước có nói không nên làm lễ tang đối với người chết một cách đặc biệt, vì ngăn ngừa khỏi xảy ra điều không hay ở trong đó (Phục truyền luật lệ ký 14:1; Lê-vi ký 19:28).
       5. Bịnh phung không sạch.-- Người phương Ðông coi kẻ mắc bịnh phung là rất không sạch. Họ nói nên để cho sạch chớ không nên chữa thuốc. Ðối với bịnh đó, nên khám nghiệm thế nào, ở Lê-vi ký 13: đã nói kỹ rồi. Kẻ mắc bịnh phung bị đuổi ra ngoài xã hội (so II Các vua 7:3). Nơi nào có thành thì không để cho kẻ phung vào nhà hội, nơi nào không có thành, thì nhà hội đặt riêng một chỗ cho kẻ phung nhóm. Sau khi lành bịnh phung, cần theo lệ làm lễ sạch mình (Lê-vi ký 14:).
       II. Tân Ước luận về không sạch.-- Người do-thái câu nệ giữ theo lời truyền khẩu, cẩn thận làm lễ sạch mình, Chúa Jêsus cho rằng họ có làm trái lời phán dạy của Ðức Chúa Trời, nên hằng cãi lẫy với thầy dạy luật. Ngài phán: tuân theo điều răn của Chúa mới gọi là sạch (Mác 7:1-8; Lu-ca 11:38,39; Ma-thi-ơ 15:2-11). Môn đồ còn nhiều người chưa hiểu (coi Công vụ các sứ đồ 10:14), nên vẫn có ý chấp nê giữ lệ cấm (Công vụ các sứ đồ 15:29). Riêng Phao-lô tin chắc rằng "chẳng có vật gì vốn là dơ dáy" (Rô-ma 14:14; I Cô-rinh-tô 6:13; Cô-lô-se 2:16, 20-22; Tít 1:15). Ðó là chữa ngay từ lòng người ta (Công vụ các sứ đồ 21:26; Rô-ma 14:20). Chúa Jêsus cũng vậy (Mác 1:44). Vì lẽ sạch mình là nghi văn bề ngoài; còn cái điểm cần yếu hơn hết là cốt ở lòng thành kính bề trong. Vậy nên Hội Thánh sau không cần phải làm lễ đó nữa.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.