I. Tác giả.-- Là người thứ mười một tùy theo trật tự của mười hai tiên tri nhỏ. Trong lời tiên tri người thì được gọi là con trai Ba-ra-chi, và cháu của Y-đô, như ở trong sách E-xơ-ra (5:1; 6:14) người được gọi là con trai của Y-đô. Lẽ tự nhiên có thể giả định, vì chính tiên tri nói đến tên cha mình, mà sách E-xơ-ra chỉ nói đến Y-đô, tỏ rằng Ba-ra-chi đã chết sớm, và không còn vòng xích nào xen vào giữa hai ông cháu đó. Xa-cha-ri, giống Giê-rê-mi và Ê-xê-chi-ên trước người, vừa là thầy tế lễ, vừa là tiên tri. Người dường như đã hành chức hồi còn nhỏ tuổi (Xa-cha-ri 2:4); và được sanh ra tại Ba-by-lôn; tại đó người trở về với đoàn phu tù thứ nhứt dưới quyền Xô-rô-ba-bên và Giê-sua. Nhằm tháng thứ tám trong năm thứ II đời Ða-ri-út (độ 520 T.C.) Xa-cha-ri hành chức cách công khai lần thứ nhứt. Trong chức vụ đó, người đồng làm việc với tiên tri A-ghê. Cả hai tiên tri đều có mục đích lớn ở trước mặt mình; cả hai đều để hết nghị lực mà xây cất Ðền thờ thứ hai. Ta thấy sự xây cất lại Ðền thờ một phần lớn là do ảnh hưởng của họ. Không thể nào không thấy căn nguyên chức tế lễ của Xa-cha-ri có quan hệ lắm trong các cảnh ngộ như thế, để làm trọn phận sự đặc biệt đã giao phó cho người. Nền móng Ðền thờ thật đã được lập, song chỉ có thế thôi (E-xơ-ra 5:16). Vì từ lúc khởi công đã gặp nhiều sự phản đối nên người Do-thái ngã lòng không thể làm xong việc xây Ðền thờ và dầu có bức thơ của Ða-ri-út tới cho phép xây và hứa bảo hộ, nhưng họ không để hết tâm trí mà làm việc. Vào hồi đó không còn người nào xứng hiệp thúc dân sự dấy lên, vì lòng họ đã nguội lạnh, hơn một người hiệp phép tắc của tiên tri với sự sốt sắng và những lời truyền khẩu của một chi họ thầy tế lễ. Có chép: "Ấy vậy, các trưởng lão của dân Giu-đa bắt tay cất lại Ðền thờ; công việc được may mắn, y lời tiên tri của tiên tri A-ghê và của Xa-cha-ri, con trai của Y-đô" (E-xơ-ra 6:14). Nếu có thể tin những truyện về sau của người Do-thái, thì Xa-cha-ri giống như A-ghê, là nhân viên trong Nhà Hội Lớn; và cũng chép các Thi Thiên hát trong Ðền thờ thứ nhì: là Thi Thiên 137:; 146:-148:, theo bản Septante; Thi Thiên 125:; 126: theo bản Peshito, và Thi Thiên 111: theo bản La-tinh. Có lẽ các Thi Thiên đó cũng hát lúc làm lễ Khánh thành các vách tường Giê-ru-sa-lem dưới Xô-rô-ba-bên.
Trong sách Xa-cha-ri chép chỉ giúp ta ít trong sự quí chuộng tánh nết người. Song le, tại đó có thể nhận xét vài chỗ tỏ ra Xa-cha-ri đã học ở Ba-by-lôn. Xa-cha-ri dựa theo phép tắc của các tiên tri trước mình, và chép lại những câu văn. Dường như Giê-rê-mi là người Xa-cha-ri ưa thích hơn hết; nên bởi đó mới có tục ngữ Do-thái rằng: "Thần của Giê-rê-mi ở trong Xa-cha-ri." Song về những sự đặc biệt của lời tiên tri, thì Xa-cha-ri gần Ê-xê-chi-ên và Ða-ni-ên hơn. Giống hai tiên tri đó, Xa-cha-ri ưa các sự hiện tượng; giống hai tiên tri đó, Xa-cha-ri dùng các tượng trưng và nghĩa bóng hơn là những hình rõ rệt và các lối nói bóng thêm nghĩa và sự tốt đẹp cho những lời tiên tri sớm hơn; giống như hai tiên tri đó, Xa-cha-ri ngắm xem các thiên sứ phục sự trước Ðức Giê-hô-va và làm trọn lời truyền bảo Ngài trên đất. Trong các tiên tri chỉ có Xa-cha-ri nói đến Sa-tan. Không thể nghi ngờ được trong các điều đặc sắc nầy có một vài là do sự học vấn nhận được ở xứ Canh-đê. Song nói cách chung, lối văn của Xa-cha-ri là tinh sạch và thoát khỏi cách lạ lối văn của người Canh-đê.
II. Nội dung sách.-- Sách Xa-cha-ri có thể chia làm hai phần: 1:-8: là phần trên; 9:-14: là phần dưới.
Phần trên là lời tiên tri của Xa-cha-ri. Vài câu đầu là lời đánh thức dân Y-sơ-ra-ên; dường như nhờ tiên tri trước của A-ghê, nói tổ tiên phải chịu khổ sở vì lìa bỏ Chúa, nên khuyên họ phải thật lòng trở về cùng Ngài. Dưới đó, tác giả thuật ra mười sự hiện thấy mà mình đã thấy (1:-6:).
1. Ban đêm, thấy bốn người cỡi ngựa (1:7-17). Thiên sứ cầu nguyện Chúa cho thành Giê-ru-sa-lem, Chúa hứa lại ban ơn thương xót thành.
2. Thấy bốn cái sừng (1:18-19). Bốn cái sừng đó là bốn kẻ thù nghịch làm tản lạc dân Y-sơ-ra-ên.
3. Lại thấy bốn người thợ rèn là những tay làm kinh động bốn quân nghịch (1:20,21).
4. Thấy người cầm dây đo (2:1-5). Thành Giê-ru-sa-lem có đông cư dân và súc vật lắm; Ðức Chúa Trời sẽ vùa giúp và bênh vực cho. Ngài sẽ ngự giữa vòng dân Ngài; sẽ có nhiều nước thật lòng trở về cùng Ngài (2:6-13).
5. Thầy tế lễ của Giê-hô-sua đứng trước mặt thiên sứ Ðức Giê-hô-va và Sa-tan đối địch người (3:) Chúa quở trách Sa-tan, sai Giê-hô-sua lột bỏ áo bẩn, và mặc áo đẹp đẽ làm hình bóng về sự từ bỏ tội lỗi cho dân, và hứa dòng dõi Ða-vít sẽ giáng lâm.
6. Ðầy tớ Ðức Giê-hô-va là Chồi mống dấy lên (3:8-10).
7. Thấy bảy cái đèn bằng vàng (4:). Bảy cái đèn chỉ về bảy mắt của Ðức Chúa Trời. Lại có hai cây Ô-li-ve chỉ về hai người chịu xức dầu: một là Xô-rô-ba-bên; một là Giê-hô-sua, tức là Vua và Thầy tế lễ: có ý là hai đàng giúp đỡ lẫn nhau, (so Khải Huyền 11:3,4).
8. Thấy một cuốn sách bay (5:1-4); hễ ai trộm cắp hoặc thề gian sẽ bị dứt đi theo cuốn sách đó.
9. Thấy một người đờn bà ngồi giữa ê-pha, chỉ về Ba-by-lôn sẽ bị tai vạ hình phạt (5:5-11).
10. Thấy bốn cỗ xe ra từ giữa hai hòn núi bằng đồng (6:1-8), thấy Chúa đi tuần khắp thế gian. Lại nói làm mão vàng cho Giê-hô-sua, tỏ ra đền Chúa sẽ nên trọn (6:9-15).
Tổng ý mười sự hiện thấy kể trên là Ðền thờ sẽ được xây lại, kẻ thù địch phải diệt, phu tù được tha về, tội lỗi được xóa. Thần linh của Chúa đầy dẫy Thầy tế lễ và Vua ở giữa vòng họ.
Tiến sĩ Scofield lấy đoạn 7:và 8: làm phần riêng và đặt lời đầu đề: Sứ mạng từ Ba-by-lôn; vấn đề về các lễ kiêng ăn (7:1-3); lời Chúa đáp: a) lễ Kiêng ăn chỉ là bề ngoài; họ nên nghe lời các tiên tri đã khuyên (7:4-7); b) vì cớ nào lời cầu nguyện họ không được nhậm (7:8-14); c) Chúa không đổi ý định ban phước cho Y-sơ-ra-ên trong nước (8:1-8); d) Dân sự hãy nghe hai đấng tiên tri của sự lập lại, tức A-ghê và Xa-cha-ri (8:9-19); đ) Giê-ru-sa-lem sẽ còn làm nơi trung tâm của tôn giáo Ngài trên đất (8:20-23).
Phần dưới (9:-14:) phải chăng ra từ ngoài bút của Xa-cha-ri; nhiều thuyết bàn nói phân vân, song không có chứng cớ chắc chắn. Có thuyết nói trong phần nầy có xen lời ghi chép của Giê-rê-mi và Ô-sê. Duy từ 9:-14: nầy đại khái là do một hoặc hai người khác chép ra sau Xa-cha-ri, khó dò xét được, nhưng thật có một thứ văn chắp nối trộn lộn. Ở 9:1-11:3 nói kẻ thù địch chịu sửa phạt thế nào, người Y-sơ-ra-ên phục hưng thế nào. Xem xét 11:4-7; 13:7,8,9 nói về thí dụ, có phân biệt gương tốt và gương xấu. Ðến đoạn 12:-14: thì đồng ý nói ba tiên tri Sô-phô-ni, Ê-xê-chi-ên, và Giô-ên: thảy đều nói người ngoại bang sẽ muốn diệt thành Giê-ru-sa-lem, Chúa sẽ giữ gìn thành đó mà diệt mọi kẻ thù địch.
Xa-cha-ri làm tiên tri, biết phán đoán phải trái rành rẽ lắm, tự cảm biết Chúa bảo rõ mình coi vua và thầy tế lễ làm trung tâm điểm của nước. Các tiên tri khác hay nói quân thù địch phải đổ huyết và nhà ở bị phá hủy. Xa-cha-ri ít nói đến điều đó, nhưng thích nói về sự bình an, về nước được phục hưng, về tội bị tiêu diệt, về Thần Linh Chúa dường như đi khắp thế giới. Xa-cha-ri chẳng những khuyên dân xây Ðền thờ mà lại khẩn khoản đem các món đạo đức và chơn lý thuộc linh dạy dỗ những người xây đền, khiến họ hiểu biết một cách thông suốt nữa. Xa-cha-ri cũng nói tiên tri kỹ hơn về Ðấng Mê-si (3:8; 6:12; 9:9; 11:12; 12:10; 13:1,6,7).
Về phần dưới nầy (9:-14:), Scofield chia và đặt đầu đề như sau nầy: Gánh nặng nghịch cùng các thành xung quanh xứ Pha-lê-tin (9:1-8; xem lời chua về câu 8 ở dưới); Chúa Jêsus Christ được tỏ ra là Vua khi Ngài giáng thế lần thứ nhứt (câu 9); sự giải cứu Giu-đa và Ép-ra-im trong tương lai, và nước lan rộng khắp thế gian (9:10-17); sự bổ sức cho Giu-đa và Ép-ra-im trong tương lai (10:1-8); Y-sơ-ra-ên tan lạc và được nhóm lại (10:9-12), sự giáng thế lần thứ nhứt và sự chối bỏ Ðấng Mê-si, với kết quả: là sự thạnh nộ (11:1-6); có sự thạnh nộ đó vì bỏ Ðấng Mê-si (11:7-14); Con thú và sự phán xét nó (11:15-17); Giê-ru-sa-lem bị vây bởi Con thú và cơ binh nó (12:1-3; xem Khải Huyền 19:19-21); sự vây: Giu-đa được bổ sức; Chúa giải cứu (12:4-9); Ðức Thánh Linh được đổ ra; Ðấng bị đâm được tỏ ra cho dân sót lại đã được cứu (12:10), sự ăn năn của dân sót (12:11-14); dân sót ăn năn quay về thập tự (13:1); hình tượng và tiên tri giả không còn (13:2-5; xem Ê-sai 2:18; 10:11); sự giảng đạo cho Y-sơ-ra-ên sau khi Ðấng Christ tái lâm (13:6,7); Tóm lại: Kết quả của sự xâm lăng của dân ngoại dưới quyền Con Thú (13:8,9); tóm tắt những biến động lúc Chúa lấy vinh hiển mà tái lâm: a) Ha-ma-ghê-đôn (14:1-3); b) sự tái lâm trong vinh hiển thấy được: địa dư xứ Pha-lê-tin được đổi (14:4-7; xem câu 4,10). c) Con sông của nơi thánh (14:8; so Ê-xê-chi-ên 47:1-12; Khải Huyền 22:1-2); d) nước được lập trên đất (14:9-15). đ) sự thờ phường và sự thuộc linh của nước (14:16-21).
Tiến sĩ Scofield chú thích về Xa-cha-ri như sau:
Tiểu dẫn.-- Xa-cha-ri, giống A-ghê, là tiên tri cho dân sót trở lại sau 70 năm. Có nhiều hình bóng trong Xa-cha-ri, song những khúc khó hiểu nầy có thể giải nghĩa dễ dàng trong ánh sáng của toàn thể lời tiên tri quan thiệp với nhau. Những khúc lớn về Ðấng Mê-si, khi so sánh với các lời tiên tri khác về nước, là hoàn toàn rõ rệt. Cả ha sự giáng lâm của Ðấng Christ là ở trong lời tiên tri của Xa-cha-ri (Xa-cha-ri 9:9 với Ma-thi-ơ 21:1-11 và Xa-cha-ri 14:3,4). Hơn A-ghê và Ma-la-chi, Xa-cha-ri bày tỏ tâm trí của Ðức Chúa Trời về các cường quốc ngoại bang ở xung quanh dân sót lập lại. Chúa đã ban phép tắc cho các cường quốc đó (Ða-ni-ên 2:37-40), và sẽ đòi họ phải đối nại với Ngài; sự thử, bao giờ cũng vậy, là cách họ đối đãi với dân Y-sơ-ra-ên. Xem Sáng thế ký 15:18, lời chua 3, câu 6; Xa-cha-ri 2:6.
Cho nên, sách Xa-cha-ri chia làm ba phần lớn:
(I) Những sự hiện thấy hình bóng trong ánh sáng của sự trông cậy về Ðấng Mê-si, 1:1-6:15.
(II) Sứ mạng từ Ba-by-lôn, 7:; 8:;
(III) Ðấng Mê-si bị chối bỏ về sau được quyền phép 9:-14:.
Xa-cha-ri 1:8.-- "Người" (câu 8) là "chúa tôi" "thiên sứ nói cùng tôi" (câu 9), và "thiên sứ của Ðức Giê-hô-va" (câu 10,11). "Người" đó "đứng trong những cây sim" (câu 8). Tiên tri nói cùng người rằng "Hỡi Chúa tôi" (so Sáng thế ký 19:2), song khi "người" trả lời thì tiên tri nhận biết mình đã nói với một thiên sứ -- "thiên sứ nói cùng tôi" (câu 9). Trong câu 10 người của sự hiện thấy lại là "người đứng trong những cây sim." Trong câu 11 người đó được gọi "thiên sứ của Ðức Giê-hô-va," là và với người đó những (kẻ cỡi) "ngựa hồng, ngựa xám và ngựa trắng" nói: "Ta đã đi lại trải qua...," v.v.. Kế đến (câu 12) "Thiên sứ của Ðức Giê-hô-va (tức "người," "chúa tôi," "thiên sứ nói cùng tôi") cầu thay cho xứ chống với một thế gian sung sướng. Niên hiệu của sự cầu thay là mãn 70 năm phu tù của Do-thái.
Xét chung (câu 8-17), sự hiện thấy thứ nhứt của Xa-cha-ri tỏ ra Do-thái trong sự tan lạc; Giê-ru-sa-lem ở dưới quyền sở hữu của kẻ thù; và các dân ngoại không lo đến thành đó. Ðịa vị hiện nay hẳn còn tiếp (1909 S.C.), và lời Ðức Giê-hô-va đáp cho sự cầu thay của thiên sứ cứ qua tới thời chót của sự cai trị bởi dân ngoại, khi "Ðức Giê-hô-va sẽ còn yên ủi Si-ôn," (câu 16,17; Ê-sai 40:1-5).
1:18.-- Sừng là hình bóng về vua dân ngoại. Xem bài Sừng.
1:20.-- Về nghĩa bóng thợ rèn đây, xem bài Thợ Mộc.
2:1.-- Giống như trong Xa-cha-ri 1:8-11, "người" trong câu 1 là "thiên sứ nói cùng tôi" của câu 3. Dây đo (hoặc cây sậy) được dùng bởi Ê-xê-chi-ên (Ê-xê-chi-ên 40:3,5) là hình bóng về sự sửa soạn xây cất thành và Ðền thờ trong thời của nước. Ðây cũng có nghĩa đó, như thượng hạ văn (câu 4-13) tỏ ra. Vấn đề sự hiện thấy là sự lập lại dân tộc và thành. Lời tiên tri nầy chưa được ứng nghiệm bằng cách nào. Trật tự là:
(1) Chúa trong sự vinh hiển tại Giê-ru-sa-lem, câu 5 (so Ma-thi-ơ 24:29,30);
(2) sự lập lại Y-sơ-ra-ên, câu 6;
(3) sự phán xét của Ðức Giê-hô-va trên các dân tộc, câu 8, "sau sự vinh hiển" (Ma-thi-ơ 25:31,32);
(4) phước lành đầy trọn của đất trong nước, (câu 10-13).
3:1.-- Nghĩa sự hiện thấy thứ 5 nầy, xem bài Trở Lại.
3:10.-- Nghĩa "trong ngày đó" xem bài nước.
4:2.-- Nghĩa bóng chơn đèn và cây ô-li-ve, xem bài Ô-li-ve.
5:1.-- "Cuốn sách" trong hình bóng Kinh Thánh, có nghĩa là lối viết hoặc của Ðức Chúa Trời hoặc của người (E-xơ-ra 6:2; Giê-rê-mi 36:2,4,6 v.v. Ê-xê-chi-ên 3:1-3, v.v.). Sự hiện thấy thứ 8 của Xa-cha-ri là sự quở trách tội lỗi bởi lời Ðức Chúa Trời. Hai tội nói đến thật là sự phạm đến cả hai bảng luật pháp. Trộm cắp là bỏ qua quyền lợi của người lân cận; thề là bỏ qua sự tôn kính mà Ðức Chúa Trời đòi. Như vậy bao giờ luật pháp cũng chỉ có thể rủa sả (câu 3; Ga-la-ti 3:10-14).
5:6.-- Trong sự hiện thấy về ê-pha, phần tử địa phương và tiên tri có thể phân biệt. Những phần tử là: một ê-pha hoặc sự đo lường; một đờn bà trong ê-pha; một khối gắn miệng ê-pha nhốt người đờn bà, và hai đờn bà có cánh cò chỉ có một phận sự là cất ê-pha và người đờn bà vào xứ Ba-by-lôn (Si-nê-a). Ðiều làm hình bóng như vậy là "trong cả đất" (câu 6).
Theo nghĩa bóng, "vật đo" (hoặc "chén") chỉ về cái gì đã đến sự đầy trọn, đến nỗi Ðức Chúa Trời phải phán xét điều đó (II Sa-mu-ên 8:2; Giê-rê-mi 51:13; Ha-ba-cúc 3:6,7; Ma-thi-ơ 7:2; 23:32). Người đờn bà, theo nghĩa xấu về luân lý, bao giờ cũng làm hình bóng, mặt tôn giáo, về điều gì ở ngoài địa vị mình. Người "đờn bà" trong Ma-thi-ơ 13:33 có quan thiệp với lẽ đạo, một phạm vi cấm không cho phép (I Ti-mô-thê 2:12). Tại Thi-a-ti-rơ, người ta cho phép một đờn bà dạy dỗ (Khải Huyền 2:20). Mặt Hội Thánh bội đạo của Ba-by-lôn được chỉ bóng bởi một đờn bà không tiết nghĩa, đầy dẫy sự ham muốn và sung sướng của thương mại (Khải Huyền 17:1-6; 18:3, 11-20).
Sự ứng dụng hẹp về sự hiện thấy thứ 9 của Xa-cha-ri bởi thế được tỏ ra. Người Do-thái bấy giờ ở trong xứ đã bị bắt làm phu tù tại Ba-by-lôn. Bề ngoài, họ đã bỏ hình tượng, song họ đã học trong Ba-by-lôn sự ham muốn tư lợi không thể thỏa lòng (Nê-hê-mi 5:1-9; Ma-la-chi 3:8), là tinh thần thương mại đến cực độ mà Y-sơ-ra-ên vốn như dân chăn nuôi không có, song từ đó trở đi là đặc tánh của họ suốt các đời. Những điều đó không nên có trong dân và xứ của Ðức Chúa Trời. Về phần hình bóng, Ngài đoán xét họ như thuộc về Ba-by-lôn, và sai họ đến đó xây một đền thờ -- vì họ không thể có phần gì về đền thờ Ngài. "Ðờn bà" là "để đặt vào chỗ nó (câu 11). Ấy là sự phán xét đạo đức của Ðức Giê-hô-va trên những sự thuộc Ba-by-lôn trong xứ và dân của chính Ngài.
Về phần tiên tri, sự ứng dụng cho Ba-by-lôn của sách Khải Huyền thì được tỏ ra. Hội Thánh dân ngoại bấy giờ cũng bằng lòng mọi sự gian ác của người giàu, về phần lẽ đạo chỉ là sự "lộn xộn" như tên chỉ ra, và bại hoại đến nơi trung tâm bởi thương mại, giàu có và sung sướng, thì sa vào sự phán xét của Ðức Chúa Trời (Khải Huyền 18:).
6:1.-- Muốn giải nghĩa sự hiện thấy thứ 10 của Xa-cha-ri phải nhờ phép tắc của lời tuyên ngôn ở câu 5. Ðiều được chỉ bóng bởi bốn cỗ xe với những ngựa không phải là bốn cường quốc của Ða-ni-ên, song là "bốn gió trên trời" ra từ nơi mà chúng nó đứng trước mặt Chúa của khắp đất (câu 5). Những "gió" đó là thiên sứ (Lu-ca 1:19; Hê-bơ-rơ 1:14), và rất tự nhiên được giải nghĩa là bốn thiên sứ của Khải Huyền 7:1-3; 9:14,15. Ấy cũng có một chức vụ đối với đất, và giống với chức vụ "bốn gió" của Xa-cha-ri 6:1-8, tức sự phán xét. Biểu hiệu (xe cộ và ngựa) hiệp hoàn toàn với ý đó. Bao giờ trong biểu hiệu Kinh Thánh, xe cộ và ngựa cũng chỉ về quyền phép của Ðức Chúa Trời về sự phán xét đối với đất (Giê-rê-mi 46:9,10; Giô-ên 2:3-11; Na-hum 3:1-7). Vậy, sự hiện thấy nói về những sự phán xét Chúa trên các dân tộc ngoại bang phía Bắc và phía Nam trong ngày của Chúa (Ê-sai 2:10-22; Khải Huyền 19:11-21).
6:11.-- "Ðội mũ triều thiên trên đầu Giê-hô-sua," xem nghĩa bóng trong bài Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm.
7:2.-- "Những người," tức thuộc phu tù tại Ba-by-lôn. Chức việc của những người Do-thái làm phu tù đó có quan thiệp với một ngày kiêng ăn lập bởi người Do-thái để kỷ niệm sự phá diệt Giê-ru-sa-lem, cả thảy đều do chính ý muốn họ; và không nhờ quyền phép của lời Ðức Chúa Trời. Lúc khởi đầu chắc có sự ăn năn chơn thật trong sự giữ ngày đó; nay điều đó đã trở nên chỉ một lễ bề ngoài thôi. Những Người Do-thái bị tan lạc muốn bỏ lễ nầy, song phải xin phép các thầy tế lễ. Cả vấn đề, giống nhiều trong lẽ đạo Ðấng Christ giả mạo của tân phái; là ngoài Kinh Thánh thêm vào, chiếu lệ, và vô ích. Ðức Giê-hô-va nhơn dịp mà gởi một sứ mạng của Ngài cho dân tan lạc. Sứ mạng đó chia làm năm phần:
(1) Sự kiêng ăn của họ chỉ là một hình thức của tôn giáo; thật ra họ nên chú ý đến sách "tiên tri trước" (câu 4-7; so Ê-sai 1:12; Ma-thi-ơ 15:1-10);
(2) họ biết được tại sao trong 70 năm cầu nguyện không được đáp lời (câu 8-14; so Thi Thiên 66:18; Ê-sai 1:14-17);
(3) ý định không thay đổi của ?Ðức Giê-hô-va, và phước lành của Y-sơ-ra-ên trong nước (Xa-cha-ri 8:1-8; so một trật tự giống thế trong Ê-sai 1:24-31 với 2:1-4);
(4) Những sứ giả của phu tù được khuyên nên nghe các tiên tri trong "những ngày đó" tức A-ghê, Xa-cha-ri, và Ma-la-chi, và nên làm công bình; như thế hết thảy mọi sự kiêng ăn và tiệc sẽ trở nên sự vui vẻ và mừng rỡ (câu 9-19);
(5) họ được vững tâm rằng Giê-ru-sa-lem dầu vậy sẽ là nơi trung ương tôn giáo của trái đất (câu 20-23; so Ê-sai 2:1-3; Xa-cha-ri 14:16-21).
8:3.-- Tóm tắt sự nên thánh, xem bài Sự Nên Thánh.
8:6.-- "Dân sót lại" trong câu 6,11,12 chỉ về dân sót của Giu-đa từ Ba-by-lôn về, và giữa vòng họ Xa-cha-ri đang nói tiên tri. Xem Rô-ma 11:5, lời chua.
8:14.-- Tóm tắt sự ăn năn, trong Cựu Ước. Xem bài Sự Ăn Năn.
8:23.-- Về những ngày đó, xem bài Nước.
9:8.-- Dường như đây chỉ về sự tiến lên và trở về của Alecxandre (câu 13) sau trận Issus, là người đã bắt phục các thành nói trên trong câu 1-6, và sau nữa trở về nước Hy-lạp và không làm hại Giê-ru-sa-lem. Song ý nghĩa lớn hơn tập hợp về những ngày sau rốt còn tương lai (Công vụ các sứ đồ 2:17, lời chua), như khúc chót của câu 8 tỏ ra, vì có nhiều kẻ hà hiếp đã đi qua Giê-ru-sa-lem từ đời Alecxandre.
9:9.-- Những biến động tiếp theo sự tỏ ra nầy về Ðấng Christ như Vua được thuật lại trong các sách Tin lành. Ðức tin thật của đoàn dân kêu lên: "Hô-sa-na" được chép trong Ma-thi-ơ 21:11, và Chúa Jêsus không bị lừa gạt chút nào bởi sự đón tiếp dường như là Vua, vì Ngài khóc về Giê-ru-sa-lem, và báo trước về sự hủy diệt thành hầu đến (được ứng nghiệm năm 70 S.C.; Lu-ca 19:38-44). Chính đoàn dân đó khỏi ít lâu kêu la: "Hãy đóng đinh nó trên thập tự!"
9:10.-- Sau khi đã giới thiệu Vua trong câu 9, câu 10 và các câu sau ngưỡng trông đến sự tận thế và nước. Trừ câu 9, thời đại hiện nay không thấy trong Xa-cha-ri.
10:1.-- "Mưa cuối mùa." Xem bài Thánh Linh.
10:4.-- Thì là thuộc tương lai "Ðá góc nhà sẽ ra từ nó (Giu-đa) Xuất Ê-díp-tô ký 17:6; I Phi-e-rơ 2:8, lời chua), đinh ra từ nó (Ê-sai 22:23,24), cung chiến trận ra từ nó," v.v.. Cả quang cảnh là thuộc những biến động tụ họp xung quanh sự giải cứu dân Do-thái trong xứ Pha-lê-tin trong thời có sự xâm lấn phía Bắc dưới quyền "Con Thú" (Ða-ni-ên 7:8; Khải Huyền 19:20), và "Ha-ma-ghê-đôn," (Khải Huyền 16:14; 19:17). Sự giải thoát sau cùng hoàn toàn được hiệu nghiệm bởi sự tái lâm của Chúa (Khải Huyền 19:11-21), song trước Ngài thêm sức mạnh cho Y-sơ-ra-ên bị áp bức quá đỗi (Mi-chê 4:13; Xa-cha-ri 9:13-15; 10:5-7; 12:2-6; 14:14). Có thể có sự ứng nghiệm trước trong những sự đắc thắng họ Macchbées, Kinh Thánh không chứng quyết hoặc chối cãi.
11:7.-- Quan cảnh thuộc về sự giáng lâm thứ nhứt. Tốt đẹp và Dây buộc -- Nghĩa văn tự là "duyên tốt và sự hiệp một;" thứ nhứt, chỉ về thái độ của Ðức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên Ngài, khi sai Con Ngài (Ma-thi-ơ 21:37); thứ nhì, chỉ về mục đích Ngài hội hiệp Giu-đa và Ép-ra-im lại lần nữa (Ê-xê-chi-ên 37:15-22). Ðấng Christ, khi Ngài giáng thế lần thứ nhứt, đến với ơn điển (Giăng 1:17) để làm cho hiệp một (Ma-thi-ơ 4:17), và bị bán lấy 30 miếng bạc (Xa-cha-ri 11:12,13). "Vẻ đẹp" (tức duyên tốt) bị "chặt ra từng khúc" (câu 10,11) có nghĩa rằng Giu-đa bị từ bỏ cho sự hủy diệt nói trước trong câu 1-6, và ứng nghiệm năm 70 S.C.. Sau sự nộp Chúa lấy 30 miếng bạc (câu 12,13) "Dây buộc" (tức sự hiệp một) đứt ra (câu 14), chỉ về sự từ bỏ, tạm thời; mục đích hội hiệp Giu-đa và Y-sơ-ra-ên. Trật tự của Xa-cha-ri 11: là,
(1) cơn giận nghịch với xứ (câu 1-6), được ứng nghiệm trong sự hủy diệt Giê-ru-sa-lem sau khi Ðấng Christ bị bỏ (Lu-ca 19:41-44);
(2) duyên cớ cơn thạnh nộ đó là vì bán và chối bỏ Ðấng Christ (câu 7-14);
(3) Sự dấy lên của "hình tượng kẻ chăn chiên," Con Thú (Ða-ni-ên 7:8; Khải Huyền 19:20) và sự hủy diệt nó (câu 15-17).
11:11.-- Thí dụ Cựu Ước. Xem bài Thí Dụ.
11:11.-- "Con chiên rất khốn nạn," tức "phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ơn điển" (Rô-ma 11:5); những người Do-thái đó không chờ đợi sự tỏ ra của Ðấng Christ trong sự vinh hiển, song tìm Ngài khi Ngài đến lần thứ nhứt và từ đó trở đi. Về họ, Kinh Thánh chép là "chiên nghe theo ta," và "biết." Ðây không phải là phương diện đoàn thể dân ngoại hoặc Hội Thánh dân ngoại: chỉ là các tín đồ ra từ Y-sơ-ra-ên trong thời đại nầy. Về mặt đoàn thể, Hội Thánh không có ở trong lời tiên tri Cựu Ước (Ê-phê-sô 3:8-10).
11:15.-- Ðây chỉ về Con Thú. Xem bài Con Thú.
12:1.-- Gánh nặng. Xem bài Nước.
12:8.-- Tóm tắt về Nước trong Cựu Ước. Xem bài Nước.
Xa-cha-ri 13:8.-- Xa-cha-ri 13: nay trở về đề mục của Xa-cha-ri 12:10. Những câu 8,9 trưng dẫn về sự đau khổ của dân sót lại (Ê-sai 1:9; Rô-ma 11:5) có trước cơn tranh chiến lớn. Xa-cha-ri 14: là sự ôn lại cả vấn đề. Trật tự là:
(1) sự nhóm họp các dân, câu 2 (xem "Ha-ma-ghê-đôn," Khải Huyền 16:14; 19:11, lời chua;
(2) sự giải cứu câu 3;
(3) sự trở lại của Ðấng Christ trên núi Ô-li-ve và sự thay đổi về hình thức của quang cảnh, câu 4-8;
(4) sự lập nước, và phước lành đầy đủ trên đất, câu 9-21.
14:4.-- Núi Ô-li-ve chia làm hai. Xem bài Ô-li-ve.
14:9.-- Sự đáp lại cuối cùng bài cầu nguyện trong Ma-thi-ơ 6:10. Xem bài Nước.