Sách Xuất Ê-díp-tô ký,hoặc Sách Xuất Ai-cập Ký. Livre d'Exode.

       


      Sách nầy là lịch sử Y-sơ-ra-ên: 
             (1) bị làm tôi mọi, 
             (2) được chuộc; 
             (3) dâng mình về phần tôn giáo và chính trị cho Ðức Chúa Trời. Có hai phần riêng biệt. 
       (a) đoạn 1:-19:, lịch sử của sự giải phóng Y-sơ-ra-ên từ lúc ban đầu làm tôi mọi Ai-cập đến khi họ tới núi Si-na-i; 
       (b) đoạn 20:-40: -- sự ban luật pháp và tổ chức Y-sơ-ra-ên nên "một nước thầy tế lễ và một dân thánh." Hai phần, dầu khác nhau về lối và tài liệu, có sự liên hiệp chặt chẽ; sự thiết lập luật pháp trong phần thứ hai căn cứ trên những thực sự lịch sử thuật lại ở phần trên. Danh từ Xuất, tức Xuất Ai-cập, tức "đi ra," lấy từ bản Septante, và bản tiếng Hy-lạp của người Do-thái ở thành Alexandrie đã ở trong xứ mà chính người Y-sơ-ra-ên đi ra. Người Do-thái ở Pha-lê-tin đặt tên cho sách nhờ hai tiếng Hê-bơ-rơ ở đầu sách, Elleh Shemoth, "ấy là các tên." Sự phân biệt khỏi sách Sáng thế ký được tỏ bởi các hoàn cảnh khác nhau, nhờ đó mà tỏ ra Y-sơ-ra-ên lúc ban đầu như so sánh với cuốn sách Sáng thế ký. Bảy câu đầu là lời tiểu dẫn tóm tắt ôn lại những biến động trước và nói về tình hình hiện tại. Cuốn sách chép sự hoàn thành của Hội mạc. Các phần sách nầy có lẽ được viết trên giấy rời papyrus hoặc giấy da chiên (tùy theo một bảng khắc của Thothmès III, chiến trận của vua được chép trên giấy da và treo trong đền thờ thần Am-môn). Những chỗ đứt quãng trong truyện tích, và những sự lặp lại, hiệp với lý thuyết rằng có những phần khác hẳn nhau, soạn riêng biệt bởi Môi-se như các biến động xảy ra, và được đọc trước công chúng trong các thời gian nối tiếp nhau. Hết cả có thể thu lại thành một sách lúc gần mãn đời Môi-se trừ ra một vài lời thêm và giải nghĩa.
       Nếu không phải Môi-se là tác giả sách Xuất Ê-díp-tô ký thì có một điều rất khó giải nghĩa là: người chép dường như không biết sự lớn lao riêng của mình là người chủ động quan trọng nhứt. Người Ai-cập công nhận sự lớn lao của người (11:3), song tác giả trong lúc công nhận chức vụ lớn lao của Môi-se, chú ý đặc biệt về sự người thiếu tài phú bẩm tự nhiên, sự sơ xuất về tánh nết, và bởi đó có những sự ngăn trở chức vụ mình, và những sự hình phạt người chịu; sự vội vàng can thiệp giữa người Y-sơ-ra-ên và người Ai-cập, tội giết người, sự Y-sơ-ra-ên chối bỏ người làm kẻ cầm đầu, và sự lưu đày trong một khoảng quan hệ là 40 năm. Sau đến sự lưỡng lự vô tín khi nghe tiếng gọi của Ðức Chúa Trời, và sự cứng cỏi nói là tự mình không đủ tài mặc dầu có phép lạ làm cho người tin rằng ấy là quyền phép của Ðức Chúa Trời làm cho mình có thể làm được (3:10-13). Kế chính Chúa đến thăm người (có lẽ bất thường và giáng bịnh nguy hiểm) vì chểnh mảng không làm phép cắt bì cho con (4:24-26). Kế đến sự trách Ðức Giê-hô-va vì mình thất bại lời tâu đầu tiên với Pha-ra-ôn, điều đó đem sự cay đắng hơn nữa trên Y-sơ-ra-ên (5:20-23). Sự can đảm người trước Pha-ra-ôn chẳng bao giờ được khen. Không phải sự khôn ngoan, hoặc thấy trước của người, song là sự dẫn dắt của Ðức Chúa Trời được tỏ rất rõ suốt cả sách. Chiến trận thứ nhứt đánh là ở dưới quyền dẫn dắt của Giô-suê. Chỉ có một bước có thể nói là bởi sự khôn khéo người, ấy là sự tổ chức một đoàn quan xét giúp đỡ (18:), lại thuộc Giê-trô không phải Môi-se. Cũng những đức tánh đó thấy trong sách Ngũ kinh, sau người không thể giữ lòng tin quyết khi bị Mi-ri-am và A-rôn công kích (Dân số ký 12:); thái độ nóng nảy tại dòng nước Mê-ri-ba và tại Ca-đe, đập hòn đá cách vô lễ và bởi đó bị Ðức Chúa Trời loại bỏ khỏi xứ đã hứa. Nếu Môi-se thật là tác giả thì ta có thể trông đợi hết thảy mọi sự như thế, song không một tác giả nào khác lại làm thinh về tánh nết vĩ đại của Môi-se. Ấy hãy so sánh ba câu chót trong Phục truyền luật lệ ký thêm bởi người sửa lại đó thuật lại về sự chết của Môi-se. Thật ra, cả sách tỏ ra Môi-se là tác giả.
       Lại nữa, Xuất Ê-díp-tô ký được viết bởi một người quen biết những điều rất nhỏ mọn cả Ai-cập lẫn bán đảo Si-na-i. Ðường từ Ai-cập đến Hô-rếp được tả vẽ đặc sắc địa phương rất tinh tường của một người chứng kiến; không có người nào chứng kiến cuộc hành trình của Y-sơ-ra-ên ngoài Môi-se xem xét kỹ như vậy. Những phép lạ hiệp với nơi, thời gian, và hoàn cảnh đã xảy ra; mười tai vạ tỏ vẻ thuộc xứ Ai-cập, sự cung cấp đều cần dùng cho Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng có tương hiệp với những đặc sắc quốc gia của xứ. Canon Cook nói thật đúng rằng: "Ta thấy cõi thiên nhiên khắp cả, song cõi thiên nhiên trong cánh tay Ðấng Chủ tể."
       Chỉ có một người trong những hoàn cảnh của Môi-se có thể lấy đặc sắc địa phương mà mô tả sự lưu lạc trong đồng vắng tại núi Si-na-i. Cùng một lúc chính những sự phản đối về mấy điều trong các tiểu tiết của Môi-se về địa vị khác nhau của bán đảo ngày nay trong vài mặt, chỉ chứng quyết sự thái cổ và chơn thật của lời chép người. Ðồng vắng ngày nay thật không thể nào có thể cung cấp sự cần dùng cho chừng đó khách, cũng không phải là lời đủ đáp lại sự phản đối đó mà nói rằng ấy là Ðức Chúa Trời xen vào mà nuôi nấng họ. Về những sự can thiệp bởi Chúa lo liệu chỉ hạn chế trong các dịp đặc biệt. Thường thường, tùy theo lối Ðức Chúa Trời đối đãi với con cái Ngài thì họ thường nhờ những nguồn lợi tự nhiên.
       Các bảng khắc trong cả Ai-cập và bán đảo, rất sớm vào hồi Snefru, dòng vua thứ III, ba dòng vua tiếp theo, và dòng của Hatasu, vợ góa của Thothmès II (chết đuối trong Biển Ðỏ) mô tả những sự thắng trận trên Mentu, những người ở trên núi của bán đảo, và các bộ lạc khác ở đó. Ấy tỏ rằng bấy giờ thật có một dân tộc lớn như vậy đến nỗi họ có thể chống với đạo binh Ai-cập. Những người Ai-cập thành công trong sự khai mỏ đồng bóng láng tại Sarbet el Khadim và Mughara, tại đó có nhiều bảng khắc cổ. Những suối và giếng nước vào hồi đó còn giữ cẩn thận, hầu cho có thể mở cuộc giao thông với các người kiều ngụ tại đó. Bảng khắc về mỏ vàng tại gần Dakkeh nói đến một giếng sâu chừng 60 thước, đào bởi lệnh của Seti I và Ram-se II. Những cây cối cũng được gìn giữ và trồng cây mới. Song từ khi người Ai-cập mất quyền thì người A-rạp trải các đời đốn cây, nên mất mua nhờ đó xứ được phì nhiêu.
       Những sự giống nhau không định trước giữa địa vị hiện tại của bán đảo và truyện kể trong Xuất Ê-díp-tô ký chứng quyết sự đúng và chơn thật của sách. Xuất Ê-díp-tô ký mô tả nước thiếu mà nay không tìm đâu được, nước dư dật trong các nơi còn có suối, và có dấu tích một chỗ xưa rất nhiều nước, và những đường đi mà lương thực không tìm được. Bánh ma na tự nhiên nhứt trong mùa mưa, song không đủ để nuôi ngoài phép lạ của Chúa. Những đoàn du mục hãm đánh Y-sơ-ra-ên đúng các nơi họ bị đánh, tùy theo địa phương tỏ ra hiện nay. Truyền khẩu không thay đổi của người Do-thái, mà Xuất Ê-díp-tô ký nói đến, chứng quyết sách là thật vì cớ vô số sự thuận hiệp chép trong sách.
       Xem bài: Hội Mạc, vì tại đó tỏ ra sách là chơn thật.
       Trong sách có vài hình bóng về Ðấng Christ như Môi-se (Phục truyền luật lệ ký 18:15), A-rôn (Hê-bơ-rơ 4:14-16), chiên con lễ Vượt qua (Xuất Ê-díp-tô ký 12:46; Giăng 19:36; I Cô-rinh-tô 5:7,8), ma na (Xuất Ê-díp-tô ký 16:15; I Cô-rinh-tô 10:3), hòn đá tại núi Hô-rếp (Xuất Ê-díp-tô ký 17:6; I Cô-rinh-tô 10:4), hòm bảng chứng (Xuất Ê-díp-tô ký 37:1; Rô-ma 3:25; Hê-bơ-rơ 4:16), Hội mạc (Xuất Ê-díp-tô ký 40). Lại Giăng 1:14 chép rằng, "ở giữa chúng ta," theo nguyên văn là "hội mạc ở giữa chúng ta."
       Xét: ý biên tập sách nầy không phải chỉ chú trọng về mặt lịch sử, song cốt tả kỹ Ðức Chúa Trời bấy giờ cai trị dân Ngài thế nào. Nói trắng ra, thì Ðức Chúa Trời là Ðấng Toàn năng; muôn vật đều phải vâng theo mạng lịnh Ngài. Vua xứ Ai-cập kia há không đáng chịu Ngài cai trị? Chúa là Ðấng thành thực: Ngài hứa với Áp-ra-ham ban xứ Ca-na-an cho dòng dõi người làm sản nghiệp, thì lời hứa đó đời đời không thay đổi. Chúa là Ðấng ban ơn: đã giúp dân về mặt dẫn dắt dạy dỗ, lại ban cho dân cơm áo và đồ dùng hằng ngày. Chúa là Ðấng Chí thánh: hễ Ngài ban ra luật lệ và điều răn thì dân của Ngài đáng nên kính cẩn tuân theo. Chúa là Ðấng kỵ tà: quyết không cho phép dân lựa chọn tôn vinh thần nào khác. Chúa là Ðấng lập giao ước: muốn người Y-sơ-ra-ên thờ Ngài làm Chúa, lại càng muốn họ làm dân lựa chọn của Ngài.
       Phàm người tin đạo Ðấng Christ đều ưa đọc sách nầy, vì lối văn bề ngoài sách Xuất Ê-díp-tô ký kể hết được truyện cũ của Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ai-cập, mà kỳ thực bề trong là: người Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ai-cập, trải qua đồng vắng, ví như Hội Thánh ở thế gian, rồi sau có thể lên xứ Ca-na-an ở trên trời.
       Tiến sĩ Scofield viết tiểu dẫn cho Xuất Ai-cập Ký như sau:
       Xuất Ai-cập, tức "đi ra," thuật lại sự cứu chuộc dòng dõi Áp-ra-ham khỏi làm tôi mọi xứ Ai-cập, và bày tỏ, bằng hình bóng, mọi sự cứu chuộc. Bởi thế, đặc biệt là sách của sự cứu chuộc. Song vì mọi sự cứu chuộc có quan thiệp với Ðức Chúa Trời, sự quan thiệp đó được tỏ ra bằng sự thờ phượng, thông công, và hầu việc, vậy Xuất Ai-cập, trong sự ban bố luật pháp và sự lo liệu về con sinh và chức tế lễ, chẳng những trở nên sách cứu chuộc, song bởi hình bóng cũng về những điều kiện mà mọi sự quan thiệp với Ðức Chúa Trời nhờ đó mà có.
       Nói rộng nghĩa, sách nầy dạy rằng sự cứu chuộc là cần thiết cho bất cứ sự quan thiệp nào với Ðức Chúa Trời thánh; và dạy rằng dầu là một dân được cứu chuộc cũng không thể giao thông với Ngài nếu không luôn luôn được tẩy sạch mọi sự ô uế.
       Trong sách Xuất Ê-díp-tô ký, Ðức Chúa Trời, trước có quan thiệp với dân Y-sơ-ra-ên chỉ bởi giao ước Ngài lập với Áp-ra-ham, nay đem họ đến cùng chính Ngài như một dân tộc bởi sự cứu chuộc, đặt họ dưới giao ước của Môi-se, và ngự giữa họ trong đám mây của sự vinh hiển. Thơ Ga-la-ti cắt nghĩa sự liên lạc luật pháp với giao ước của Áp-ra-ham. Trong các điều răn, Ðức Chúa Trời dạy dỗ Y-sơ-ra-ên những sự công bình Ngài đòi. Sự từng trải dưới mười điều răn cho Y-sơ-ra-ên biết về tội; và sự lập chức tế lễ và của lễ (đầy dẫy những hình bóng quí báu về Ðấng Christ) ban cho dân tội lỗi một con đường tha tội, tinh sạch, lập lại để thông công, và thờ phượng.
       Sách Xuất Ê-díp-tô ký chia làm ba phần lớn: 
             (I) Y-sơ-ra-ên trong xứ Ai-cập (1:-15:); 
             (II) Từ Biển Ðỏ đến núi Si-na-i (16:-18:); 
             (III) Y-sơ-ra-ên tại núi Si-na-i (19:-40:).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.