Sam-sôn. Samson (mặt trời nhỏ, có lẽ kẻ hủy diệt).

       



      Sam-sôn là con trai một người Ðan, tên là Ma-nô-a, sanh ra tại Xô-rê-a trong giới hạn miền Nam địa phận của Ðan, gần xứ người Phi-li-tin, và có thiên sứ báo trước cho cha mẹ biết về Sam-sôn ra đời, và công nghiệp sau của người. Sam-sôn là người Na-xi-rê từ thuở sanh ra, dao cạo sẽ không đưa qua đầu người, người cũng chẳng uống rượu hay là vật chi say. Chừng nào Sam-sôn còn phục theo những sự kiêng kỵ đó, thì có Thần Chúa giáng trên, và có sức lạ đến nỗi làm được những chiến công lớn nghịch cùng người Phi-li-tin (Các quan xét 13:1-24).
       I. Quan xét thứ XIII.-- Sam-sôn làm quan xét trải qua 20 năm (15:20; 16:31), dường như hạn chế trong miền của người Ðan, gần xứ Phi-li-tin. Do-thái và Ðan, có lẽ cả Y-sơ-ra-ên, bấy giờ đều phục tòng người Phi-li-tin (13:1,5; 15:9-11): "Ngươi há chẳng biết rằng dân Phi-li-tin là chủ chúng ta ư" (15:11). Có lẽ 20 năm Sam-sôn làm quan xét cũng gồm lại trong 40 năm của người Phi-li-tin cai trị. Vào lúc có thiên sứ báo trước cho mẹ người (13:5), những người Phi-li-tin cai trị, và vì cớ người chưa khởi hành chức quan xét trước khi tới 20 tuổi, vậy thời gian Sam-sôn làm quan xét hiệp với 20 năm sau khi người Phi-li-tin cai trị. Dầu vậy, người Phi-li-tin không ngừng sự cai trị cho đến chừng Sa-mu-ên làm quan xét, và hòm giao ước được đem về (I Sa-mu-ên 7:1-14). Như vậy, sự cuối cùng chức quan xét của Sam-sôn phải gặp sự khởi đầu chức của chức quan xét của Sa-mu-ên, và sự bắt hòm giao ước trong đời Hê-li chắc phải xảy ra trong đời Sam-sôn. Vậy, có sự tương hiệp các thời gian Sam-sôn và Sa-mu-ên như sau nầy: 
             (1) Dân Phi-li-tin đều tỏ rõ trong cả hai. 
             (2) Cả hai đều là người Na-xi-rê (I Sa-mu-ên 1:11); những chiến công lớn của Sam-sôn có lẽ đã cảm động An-ne hứa nguyện. A-mốt (2:11,12), cũng nói đến hai người, chỉ một chỗ khác nói đến những người Na-xi-rê trong Cựu Ước là Ca Thương 4:7 (bản Anh). 
             (3) Ðền thờ của Ða-gôn cũng được nói đến trong cả hai (I Sa-mu-ên 5:2; Các quan xét 16:23). 
             (4) Cả những quan trưởng Phi-li-tin nữa (I Sa-mu-ên 7:7; Các quan xét 16:8,18,27).
       II. Tạm giải cứu Y-sơ-ra-ên.-- Sam-sôn dấy dân sự từ chỗ phục tòng hèn hạ, và bởi những trận đánh từ hồi từ lúc trên kẻ thù khởi sửa soạn cho Y-sơ-ra-ên được thắng trận cuối cùng dưới Sa-mu-ên, "Sau nó sẽ bắt đầu giải cứu Y-sơ-ra-ên" (13:5) tỏ rằng sự giải cứu kết thúc trong đời quan xét kế vị người (I Sa-mu-ên 7:1-13). "Ðức Giê-hô-va ban phước cho" Sam-sôn từ hồi còn trẻ (Các quan xét 13:24); hình bóng về Chúa Jêsus (Lu-ca 2:52 so 1:80; Giăng Báp Tít người Na-xi-rê của Tân Ước). "Thần của Ðức Giê-hô-va cảm động Sam-sôn rất mạnh" (Các quan xét 13:25; 14:6,19; 15:14), tỏ ra là Ðấng ban sức cho người. Sam-sôn không phải cao lớn giềnh giàng như vài người Phi-li-tin (I Sa-mu-ên 17:); sức lực của người không phải là sức tự nhiên, song là thuộc linh; thắt chặt với sự trung tín giữ lời hứa nguyện Na-xi-rê. Có một bài học cho Y-sơ-ra-ên, là sức mạnh của dân cốt ở sự phân rẽ khỏi điều ô uế của hình tượng mà dâng mình hoàn toàn cho Ðức Chúa Trời; không có kẻ thù nào dám chống trả với họ trong lúc họ còn trung tín với Ngài, song một khi họ đã lìa bỏ Ngài tìm những sự mê đắm của thế gian thì sức của họ mất đi và hết thảy những kẻ thù nghịch sẽ thắng hơn họ (I Sa-mu-ên 2:9). Những sự sa ngã của Sam-sôn cũng như của Y-sơ-ra-ên, nhờ thiên cơ lạ lùng của Ðức Chúa Trời, đều được Ngài dùng để làm cho Sa-tan và đại biểu nó thất bại, và ban phước cho kẻ Ngài lựa chọn. Sam-sôn giết con sư tử tại Thim-ma, và bởi sự cám dỗ vợ Sam-sôn là người Phi-li-tin, họ đã giải được câu đố; sau đó có 30 cái áo dài Sam-sôn giết 30 người Phi-li-tin, làm giải thưởng câu đố. Câu đố của Sam-sôn: "Của ăn từ giống ăn mà ra (có khi thây chết ở phương Ðông khô đi không hư), và vật ngọt từ giống mạnh (Ma-thi-ơ 12:29) mà ra," ấy là chìa khóa của lịch sử Sam-sôn, và của thời đại chúng ta hiện nay. Sự hung dữ của Sa-tan như sư tử, sự khôn khéo như người nữ xấu nết, là hai điều trở ngược lại trên nó, ấy để làm cho các ý định ngọt ngào và nhơn lành của Chúa được tỏ ra đối với kẻ được Ngài lựa chọn. Mất vợ, Sam-sôn lấy những bó đuốc buộc vào đuôi chó rừng để báo thù, người Phi-li-tin đốt người nữ và cha nàng trong lửa; sau đó, Sam-sôn đánh và giết nhiều người Phi-li-tin tại Ê-tam. Kế đó, nhận quyền phép Ðức Thánh Linh lần nữa, thì Sam-sôn với một hàm lừa (vì người Phi-li-tin không cho người Y-sơ-ra-ên có khí giới sắt) (I Sa-mu-ên 13:19) giết 1000 người Phi-li-tin. Bởi đó, Sam-sôn được lập làm quan xét trong kỳ người Phi-li-tin hà hiếp ("nhằm thời kỳ dân Phi-li-tin quản hạt Y-sơ-ra-ên," Các quan xét 15:20).
       III. Mấy sự dạy dỗ đáng chú ý.-- 
             (1) Sam-sôn được cha mẹ lo trước khi người sanh ra. Một bài cầu nguyện rất hay trong Cựu Ước là bài của Ma-nô-a xin Chúa chỉ dẫn sự nuôi dạy con trẻ hãy còn ở trong lòng mẹ (13:8). 
             (2) Vì tư dục, Sam-sôn mất cả sự tin kinh và sự tự trọng; và tư dục cất Thần của Ðức Chúa Trời khỏi Sam-sôn, là sức mạnh trai tráng người. 
             (3) Sam-sôn bỏ luật cấm mình lấy người nữ thờ hình tượng làm vợ (Xuất Ê-díp-tô ký 34:15,16; Phục truyền luật lệ ký 7:3). 
             (4) Bị cắt tóc là dấu người Na-xi-rê biệt mình riêng cho Chúa tức bỏ sự hiệp một với Ðức Chúa Trời, nên Sam-sôn mất sức lực mình, "nhưng người chẳng biết Ðức Giê-hô-va đã lìa khỏi người" (16:20). 
             (5) Bởi sự cầu nguyện, Sam-sôn được Chúa bổ sức lại, dầu chỉ để đoán phạt người Phi-li-tin (Các quan xét 16:28). Người Phi-li-tin nói rằng sự đắc thắng của họ trên Sam-sôn, "là kẻ phá hại xứ," là nhờ thần Ða-gôn của họ, như vậy, trêu chọc lòng kỵ tà của Ðức Chúa Trời về sự tôn trọng Ngài. Một đoàn dân Phi-li-tin, gồm những quan trưởng của họ, họp lại trong nhà, là một đại đình rất rộng, mái nhà có bốn trụ đỡ, hai trụ đỡ hai đầu, còn hai sát nhau ở giữa; có 3000 người nam nữ trên mái nhìn xem Sam-sôn làm trò. Sam-sôn xô cái nhà xuống, và "trong lúc chết, giết nhiều người hơn là giết trong khi còn sống." Sam-sôn làm hình bóng về Ðấng Christ (Cô-lô-se 2:15; Ma-thi-ơ 27:50-54); làm ứng nghiệm lời tiên tri của Gia-cốp về Ðan, chi phái Sam-sôn (Sáng thế ký 49:16,17); và làm dấu tỏ Y-sơ-ra-ên tạm thời lui đi, song khi đã ăn năn, thì sanh ra sự đắc thắng cuối cùng. 
             (6) Sam-sôn, người Na-xi-rê có sức mạnh phần xác thịt, sửa soạn đường cho Sa-mu-ên, người Na-xi-rê anh hùng thuộc linh, là người làm trọn sự giải cứu mà Sam-sôn đã bắt đầu.
             (7) Sam-sôn đã làm việc lớn bởi đức tin, là bí quyết thật của sức mạnh (Hê-bơ-rơ 11:32; Ma-thi-ơ 21:21).
       IV. Lời truyền khẩu.-- Người Phê-ni-xi đem sang nước Hy-lạp truyện Sam-sôn, thì người Hy-lạp đổi thêm vào truyện của thần tượng Hercule của họ. Những người viết truyện về Lycophron thêm vào những truyện Sam-sôn và Giô-na, và bởi đó làm cho thần Hercule ra từ bụng một quái vật ở giữa biển mà không có tóc mình. Hercule là "con của mặt trời" tại Ai-cập xưa, (shemesh, mặt trời, cùng gốc với chữ Sam-sôn). Ovide mô tả thói quen buộc đuốc vào đuôi hai chồn trong rập, để kỷ niệm một con chồn đã làm hại mùa màng bởi rơm đốt cháy. Hercule chết bởi tay vợ mình, song lỗi được chuộc bởi những sự đau đớn đã chịu, và cuối cùng được lên trời, sự vui vẻ và đóng trò của Hercule cũng hiệp với cảnh cuối cùng đời Sam-sôn. Có lẽ truyện đã lấy từ chi phái Ðan.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về Sam-sôn như sau nầy:
       Các quan xét 16:31.-- Tánh nết và công việc của Sam-sôn đều khó hiểu như nhau. Ðược báo trước bởi một thiên sứ (13:1-21), Sam-sôn làm người Na-xi-rê (Dân số ký 6:; Các quan xét 13:5) là người vẫn luôn luôn làm ô uế sự biệt riêng mình là người Na-xi-rê, bởi những sự ham muốn xác thịt. Ðược Ðức Chúa Trời kêu gọi làm quan xét Y-sơ-ra-ên, và nhận Ðức Thánh Linh cách lạ lùng, Sam-sôn không làm việc gì còn lại trong Y-sơ-ra-ên, và chết khi bị phu tù của những kẻ thù là người Phi-li-tin. Sự gì thật trong Sam-sôn là đức tin lớn của người đến Ðức Giê-hô-va trong một thời gian hồ nghi và bội đạo, và đức tin được Chúa tôn trọng (Hê-bơ-rơ 11:32).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.