Số các ngôi sao và những đám sao từ hồi rất sớm đã được người ta chú ý (Sáng thế ký 22:17; Ê-sai 13:10). Sao cày, sao rua, và cung huỳnh đạo được chỉ rõ (Gióp 9:9; 38:31,32), và các hành tinh được biết đến và đặt tên cho (II Các vua 23:5), có lẽ cũng chỉ đến những khí tượng hoặc sao chổi (Giu-đe 13); địa vị của mấy ngôi sao kia dùng chỉ niên hiệu, và trong Ai-cập, có 36 đám sao mọc liên tiếp để làm dấu từng khoảng mười ngày đều nhau trong một năm. Trong Y-sơ-ra-ên, các ngôi sao được công nhận là "công việc của ngón tay" Ðức Chúa Trời (Sáng thế ký 1:16; Thi Thiên 8:3), ở dưới quyền Ngài kiểm soát (Ê-sai 13:10; Giê-rê-mi 31:35).
Song giữa vòng người ngoại bang và người Y-sơ-ra-ên suy đồi xưa, thì các ngôi sao trở nên vật cho họ thờ lạy (Phục truyền luật lệ ký 4:9; II Các vua 17:16); bàn thờ được dựng nên và người ta xông hương cho các tinh tú đó (II Các vua 21:5; 23:5). Họ tin rằng các ngôi sao chẳng những có ảnh hưởng trong các phép tắc thường trong cõi thiên nhiên (so Gióp 38:31), song cũng ở trong các việc làm của người. Tín ngưỡng đó được truyền ra giữa vòng dân ngoại. Ðê-bô-ra có lẽ cũng nhờ một lời thông thường hồi đó, khiến nhớ lại những ý tưởng của dân ngoại, thì bà dùng thi ca mà tả các "ngôi sao cứ theo đường mình mà đánh Si-sê-ra" (Các quan xét 5:20); song Bertheau có lý mà tưởng rằng bà có ý nói về Chúa giúp đỡ (4:15), dường như trên trời, theo lời của bà, thì các ngôi sao bỏ đường thường mình mà đánh Si-sê-ra (so Thi Thiên 18:9). Các người ngoại cũng tin rằng các ngôi sao báo trước những điềm sẽ xảy ra, nên thường xem sao để biết trước (Ê-sai 47:13).
Có nói mấy sao trong Tân Ước:
(1) Sao mai (II Phi-e-rơ 1:19) có lẽ tả bóng về những điềm ngay trước Chúa Jêsus tái lâm; người khác tin là sự sáng Ðức Thánh Linh soi trong lòng tín đồ.
(2) "Ngôi sao mai" (Khải Huyền 2:28); và "sao mai sáng chói". (22:16) có lẽ đều chỉ về Ðấng Christ là Sứ giả cho dân Ngài về ngày vĩnh viễn.
(3) Xem bài "Ngôi sao của mấy thầy bác sĩ."