Sê-sa. César.

        



      Là tên của một ngành của nhà hoặc họ Julia tại La-mã. Theo Phiny, người thứ nhứt mang danh đó được gọi như vậy vì quod cxso mortux matris utero natus fuerit (nghĩa là, người được sanh ra từ bụng dạ nứt bể ra của mẹ mình đã qua đời). Dầu danh Sê-sa có từ 501 T.C., song chưa được nổi tiếng khắp cả cho đến chừng Caius Jules Cxsar mang tên đó, là người ngang hàng với Alexandre le Grand và Napoléon, vì là một trong ba người chinh chiến rất lạ lùng mà thế giới văn minh đã tạo nên. Khi Jules Cxsar bị ám sát năm 44 T.C., trong tờ chúc thơ của người xin Octavius, cháu mình, sau là hoàng đế Au-gút-tơ, giữ lấy danh hiệu đó. Ti-be-rơ, nối ngôi Au-gút-tơ, và Caligula, Claudius, và Néron, kế tiếp theo nhau, đều được xưng bằng danh hiệu của nhà độc tài lớn đó bởi tông tộc; về sau có bảy hoàng đế tiếp nối là: Galba, Othon, Vitellius, Vespasien, Titus, Domitien và Nerva, cũng lấy danh đó, nên người ta thường nói về mười hai Sê-sa. Vì vốn là danh của một nhà chinh phục có thế lực, và sau là danh hiệu của một số hoàng đế kế tiếp nhau, nên danh Sê-sa trở nên một hình bóng và kiểu mẫu của quyền hành chính chung và vẫn dùng theo ý đó khi luận về quyền công dân và quyền tôn giáo (so Ma-thi-ơ 22:17-21; Mác 12:14,16,17; Lu-ca 20:22,24,25).
       Trong Tân Ước nói đến mấy hoàng đế có danh hiệu Sê-sa là:
       1. Sê-sa Au-gút-tơ.-- Hoàng đế La-mã thứ nhứt (Lu-ca 2:1). Trong năm 43 T.C., Au-gút-tơ được đặt làm một chấp chính quan trọng tam đầu chế thứ hai, chung với Marc Antoine và Lépidus. Vì không đủ tài nên Lépidus bị ép phải từ chức; và sau sự thất trận của Antoine tại Actium (31 T.C.), Au-gút-tơ cai trị một mình trên đế quốc La-mã, và được xưng bằng danh hiệu hoàng đế. Sau đó, vì cớ chiếu chỉ của Au-gút-tơ khi Giô-sép và Ma-ri đi lên thành Bết-lê-hem để khai tên vào sổ, lúc đó Chúa Jêsus giáng sanh. Dầu Au-gút-tơ không ưa người Do-thái, song vì chính trị thì làm ơn cho người Do-thái, và truyền phải dâng của lễ hằng hiến tại Ðền thờ Giê-ru-sa-lem, bằng tiền của mình. Hoàng đế là bạn của Hê-rốt, và nhận rằng Hê-rốt là một liên minh có giá trị của mình. Sê-sa-rê Phi-líp và Sê-sa-rê gần mé biển được xây bởi Hê-rốt, vì lòng tôn trọng hoàng đế. Au-gút-tơ chết năm 14 S.C., thọ 67 tuổi.
       2. Ti-be-rơ Sê-sa.-- Hoàng đế La-mã thứ II (Ma-thi-ơ 22:17; Mác 12:14; Lu-ca 3:1; 20:21,22; Giăng 19:12), sanh năm 42 T.C., là con nuôi, con riêng của vợ Au-gút-tơ, và cũng là con rể người nữa. Ti-be-rơ có một tính khí buồn thảm và sầu bi, và để phần lớn của đời mình trị vì tình nguyện lưu đày ở đảo Capri. Trong đời Ti-be-rơ, xứ Giu-đê được cai trị bởi Valérius Gratus và Bôn-xơ Phi-lát. Có một hồi, Ti-be-rơ đuổi hết những người Do-thái khỏi thành La-mã, sau thu lại chiếu chỉ đó, và lập lại vì cớ sự nghiêm khắc của quan tổng đốc các tỉnh. Hê-rốt An-ti-ba xây thành Ti-bê-ri-át, trên bờ biển Ga-li-lê, để tôn trọng Ti-be-rơ. Người chết một cách nhanh chóng bởi tay Caligala 37 S.C..
       3. Cơ-lốt.-- Hoàng đế La-mã thứ IV. Người yếu, tánh hay thay đổi, cháu của Ti-be-rơ. Người được tôn làm hoàng đế hơi trái với ý muốn mình, và để quyền thật mình trong tay những kẻ vô lương tâm. Hê-rốtạ c-ríp-ba I đã ở thành La-mã, và dự lễ đăng quang của hoàng đế bởi đó được ban cho cả xứ Pha-lê-tin bởi sự biết ơn. Khi khởi đầu cuộc trị vì, thì Cơ-lốt làm ơn cho người Do-thái ở thành A-léc-xan-tri trong đặc ơn trước mình song về sau, người đuổi hết thảy những người Do-thái khỏi thành La-mã (Công vụ các sứ đồ 18:2), Cơ-lốt chết năm 54 S.C., năm thứ XIV đời trị vì.
       4. Néron.-- Hoàng đế thứ V (Công vụ các sứ đồ 25:12,21; 26:32; Phi-líp 4:22). Người là con nuôi của hoàng đế trước là Cơ-lốt, và muốn làm cho địa vị mình được vững vàng thì đánh thuốc độc anh cùng cha khác mẹ mình là Britannicus. Néron là con quỉ dâm dục và gian ác, dầu có lẽ người ta nói quá đáng về các tội ác người. Trong năm thứ X đời Néron trị vì, 64 S.C., có một cơn hỏa tai phát khởi tại La-mã, lan rất rộng và thiêu hủy 3 trong số 14 quận mà thành chia ra. Người ta tin, dường như không đủ chứng cớ rõ, rằng chính vua Néron là người gây nên hỏa tai, vì đó nguy đến tính mạng. Ðể tránh tội, Néron tố cáo gian cho các tín đồ Ðấng Christ đã gây mồi lửa, và giết chết nhiều người cách hung dữ. Lời truyền khẩu thêm rằng Phao-lô và Phi-e-rơ đều bị tử hình lúc đó. Néron là con sư tử trong II Ti-mô-thê 4:17. Thấy rằng mình bị quân lính bỏ, và chắc sau sẽ bị giết, thì Néron lo trước về số phận. Giống như vua Sau-lơ, Néron thử tự tử, không xong, thì được một người hầu hạ mình kết liễu vụ tàn sát đó. Néron chết năm 68 S.C., hưởng thọ 32 tuổi và trị vì 14 năm. Xem bài Néron.
       5. Titus, con của Vespasien, hoàng đế La-mã thứ X. Năm 66 S.C., Vespasien, được phái đến xứ Pha-lê-tin để dẹp yên cuộc nội loạn của người Do-thái, và Titus cùng đi theo. Năm 69 S.C., khi Vespasien vội vàng từ xứ Giu-đê về thành La-mã để giữ vững chức hoàng đế, thì để lại Titus chỉ huy đạo binh, và Titus hãm thành Giê-ru-sa-lem 70 S.C.. Titus trở nên hoàng đế năm 79 S.C., chết năm 81 S.C., hưởng thọ 40 tuổi.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.