Sem, các tiếng nói. Langa ges Sémitiques.

        



            (1) Những thành ngữ "họ hàng Sem" và "các tiếng nói Sem" là nhờ lời trưng dẫn của Sáng thế ký 10:21-31. Sau đó, vì hai thành ngữ đó không đúng lắm nên đã dẫn đến sự thử thay thế bằng những thành ngữ khác, như là các tiếng Á tây, hoặc Sy-rô-A-rạp, là thành ngữ cuối cùng rất may vì lập tức bày ra trước ta hai thái cực địa dư của ngữ tộc đó. 
             (2) Không thể nào tả đúng địa giới những diện tích chiếm cứ bởi các chi phái dùng thứ tiếng hay gọi là các thổ ngữ Sem. Theo cách chung, miền cao nguyên xứ Arménie có thể lấy làm giới hạn phía Bắc, sông Tigre và những dãy núi ở bên kia sông làm giới hạn phía Ðông, và Biển Ðỏ, Ðông phương và mấy phần xứ Tiểu A-si làm giới hạn phía Tây. 
             (3) Những thứ tiếng nói của ngữ tộc Sem lớn được thấy dùng trong các nơi sau đây ở trong diện tích kể trên. Dọc theo bờ Ðịa trung hải, và giữa các chi phái trong xứ Ca-na-an, có thể nói là nơi căn nguyên của tiếng dùng trong Cựu Ước được công nhận; trong số đó rải rác mấy di tích của tiếng người Phi-ni-xi. Tại miền Nam, giữa sự ở biệt lập của xứ A-ra-bi, còn giữ được một thổ ngữ dùng trong một thời kỳ sau lan rất rộng đến nỗi vượt qua các thứ tiếng đồng loại trong giới hạn có nói tiếng đó. 
             (4) Những phần đặc biệt của chữ viết tiếng Sem đã gây một ảnh hưởng rất lớn trên các văn chương đó. Giống các thứ tiếng khác, chỉ có thứ tiếng nầy phần nhiều chia làm từng vần một. Có một sự đặc biệt chính khác của ngữ tộc Sem nầy là không có (trừ ra các tên riêng) các chữ kép mà thứ ngữ tộc đồng loại nhờ để có sự sanh hoạt và sự khác nhau.
       I. Tiếng Hê-bơ-rơ. -- Thời kỳ mở mang.-- 
             (5) Tiếng Hê-bơ-rơ là một ngành của ngữ tộc hay gọi là Sem và đã lan tràn trên một phần lớn phía Tây nam Á châu. Ở phương Bắc, (Aram, là tên chỉ xứ Sy-ri, Mê-sô-bô-ta-mi và Ba-by-lôn), trong miền lân cận các chi phái căn nguyên khác nhau vì phần nhiều làm chủ bởi sự chinh phục, thổ ngữ Sem trở nên khó hiểu hơn và tánh cách chung giảm phần tinh sạch và rõ ràng. Trái lại, về phía Nam, những duyên cớ phản đối nhau giúp đỡ giữ gìn thổ ngữ đó tinh sạch. Tiếng Hê-bơ-rơ vốn có nhiều sự hiệp nhau với tiếng Aramaique hơn, ấy hiệp với truyện chép trong Kinh Thánh về các tổ phụ đến từ phương Ðông bắc, nói rõ hơn nữa, tức là từ phía Bắc Mê-sô-bô-ta-mi. 
             (6) Có hai vấn đề quan thiệp trực tiếp với những cuộc vận động sớm của các tổ phụ dân tộc Hê-bơ-rơ, sau được luận đến rất kỹ bởi nhiều nhà văn sĩ: thứ nhứt về các duyên cớ khiến chi họ của Tha-rê dời đổi về hướng Nam và Tây, và vấn đề thứ nhì về căn nguyên và tiếng nói của các chi phái tại xứ Ca-na-an hồi Áp-ra-ham vào đó. Kinh Thánh chỉ chép những dòng dõi kia của Sem là thuộc dòng A-bác-sát được chọn và dẫn bởi một đường không biết, và cuộc hành trình đó có kết quả rất quan hệ đối với lịch sử của thế gian, trong bậc tấn bộ thứ hai theo Kinh Thánh. Không có gì trái với tư tưởng rằng cuộc vận động của Tha-rê từ xứ U-rơ của người Canh-đê là vì cớ Ðức Chúa Trời gợi ý và cảm động người trong miền lân cận người Cút, là một dân có tư tưởng và thói tục khác hẳn. Kinh Thánh nói rõ những người mới đến và những thổ dân xứ Ca-na-an không gặp sự khó gì trong sự nói chuyện với nhau. Về căn nguyên những thổ dân người trước nhứt ở xứ Ca-na-an, lịch sử không chép rõ. Có người nói những cư dân rất sớm ở Tiểu A-si là dòng dõi Gia-phết, mà người khác quyết rằng các chi phái đó từ Lút, con thứ tư của Sem. 
             (7) Rawlinson và nhiều học giả có ý khác: Hoặc từ các đài kỷ niệm xưa, hoặc từ lời truyền khẩu, hoặc từ các thổ ngữ hiện nay nói bởi dòng dõi họ, ta được phép tin rằng vào một thời kỳ rất cổ, trước chưa có các dân tộc Sem hay Aryens nổi lên, đã có một dòng "Sy-the" lớn (tức Cham) chắc đã lan tràn Âu-châu, Á-châu và Phi-châu, nói tiếng chỉ giống ít nhiều về tự vựng, song về mấy tính cách của văn pháp và lối đặt câu thì giống nhau. Ấy phần nhiều dường như thuận hiệp với lịch sử chép trong Kinh Thánh (Sáng thế ký 9:18; 10:6, 15-20). Cũng không thể nhờ những sự giống nhau giữa tiếng nói của những dân cư Ca-na-an (dòng Cham) và tiếng nói của dòng dõi Sem để phản đối ý ở trên về căn nguyên của dân cư đó. "Nếu tra xét Sáng thế ký chép gì về nhân chủng học, thì sẽ thấy dầu Cham là em của Sem nên dòng dõi người và các dân tộc Sem là thân thuộc với nhau, nhưng dòng dõi Cham được mô tả là dân trước đã ở trong các xứ mà rồi sau giống Araméens chinh phục. Như vậy, Kinh Thánh (Sáng thế ký 10:6-20) nói nòi giống Cham chẳng phải là thổ dân vốn ở Ca-na-an với những thành giàu có và văn minh ở bờ biển mà thôi, song cũng phải là những đế quốc liệt cường của Ba-by-lôn và Ni-ni-ve, những nước của Sê-ba và Ha-vi-la giàu có trong xứ A-ra-bi, với nước Ai-cập lạ lùng. Có đủ chứng cớ tin rằng hết cả những dân tộc Cham nói các tiếng chỉ khác nhau như chi phái Sy-rô-A-ra-bi về thổ ngữ mà thôi." 
             (8) Có câu hỏi cũng quan thiệp với vấn đề trên: Có phải ngành Tha-rê của căn nguyên Sem học thuật viết chữ nơi người Phê-ni-xi, Ai-cập, hay A-si-ri không -- hay là thuật viết chữ được bày vẽ ra từ giữa chính mình? Xem bài Viết. 
             (9) Giữa các thổ ngữ A-ram và A-ra-bi, thổ ngữ Tha-rê chiếm phần ở giữa. Thổ ngữ đang xem xét đây thường được gọi là tiếng người Hê-bơ-rơ hơn là tiếng người Y-sơ-ra-ên. Có lẽ danh từ "Hê-bơ-rơ" nên được coi là chỉ về hết thảy các chi phái nói tiếng của Sem đã di cư từ miền bên kia sông Ơ-phơ-rát tới miền Nam. 
             (10) Có nhiều cớ, thảy đều rõ ràng và dễ hiểu, hiệp lại để ngăn trở biết rõ tiếng Hê-bơ-rơ thật thế nào trước khi thành hình chữ viết. Lối văn xuôi của văn chương Hê-bơ-rơ là dễ hiểu và đơn sơ, song hoạt bát và tả cảnh, và hiệp với đề mục có khi tôn lên rất cao. Song để được ý tôn cao như cần trong các bài thi ca, thì có dẫn vào nhiều thành ngữ mà ta không hay thấy trong văn chương xuôi của tiếng Hê-bơ-rơ. Về căn nguyên và sự thực hữu của các thành ngữ đó, ta phải trước hết quay về tiếng Aramaique. Song từ thời gian sớm nhứt có văn chương giữa vòng dân Hê-bơ-rơ cho đến 600 T.C., thì tiếng Hê-bơ-rơ vẫn được khỏi sự thay đổi cách đặc biệt. Từ năm 600 T.C. đó thổ ngữ Hê-bơ-rơ khởi sự nhường chỗ cho tiếng Aramaique.
       II. Tiếng Aramaique.-- Thời kỳ giáo khoa.
             (11) Tiếng thường gọi là tiếng Aramaique là một thổ ngữ của dòng Sem lớn; tên đó ra từ địa phận nói tiếng đó, A-ram tức cao nguyên hay miền núi (như Ca-na-an tức miền hạ lưu). A-ram thường được chia làm Ðông bộ và Tây bộ, những thổ ngữ của hai địa phận nầy được gọi là tiếng Canh-đê và tiếng Syriaque. Ðịa giới Ðông của ngữ tộc Sem không rõ, song có thể quyết rằng chi họ nầy sớm nhứt kiều ngụ trong miền thượng lưu sông Tigre, và từ đó chắc đã lan rộng ra các xứ miền Nam. 
             (12) Những khúc sớm nhứt bằng tiếng Aramaique, tìm thấy trong Ða-ni-ên 2:4-7:28; E-xơ-ra 4:8-6:18; 7:12-26; Giê-rê-mi 10:11. Tiếng Aramaique thường dùng trong vòng tín đồ và Hội Thánh thường được gọi là tiếng Syriaque -- là tiếng của Hội Thánh đầu tiên, như tiếng Hê-bơ-rơ và A-rạp là tiếng của Do-thái-giáo và Hồi-giáo. 
             (13) Thật là khó phân biệt giới hạn giữa tiếng nói của đời nầy với đời kia. Ấy thật càng khó hơn khi thử tìm giới hạn thôi dùng tiếng Hê-bơ-rơ và bắt đầu dùng tiếng Aramaique. 
             (14) Về phần chính của tiếng Aramaique -- thổ ngữ Tây bộ hoặc thổ ngữ Syriaque -- bản sớm nhứt là bản dịch Kinh Thánh gọi là Peshito, có lẽ thuộc về nửa thế kỷ thứ II S.C.. Thổ ngữ dân Sy-ri có lẫn nhiều chữ ngoài như A-rạp, Ba-tư, Hy-lạp và La-tinh, nhứt là Hy-lạp. 
             (15) Những câu tiếng Canh-đê trong Kinh Thánh thật rất quí vì soi sáng trên những tinh thần và phong tục Do-thái và nghĩa của những khúc rất mờ, cũng như có nhiều chỗ dịch rõ hơn từ nguyên văn. Song cũng có giá trị vì mấy lý cớ cao hơn tức sự giải nghĩa theo đạo Ðấng Christ bởi các tác giả về các khúc hay bị phản đối. Chưa có thể biết phần nào có giá trị trong văn chương sách Targums về thành ngữ tinh sạch và sự mở mang của trí khôn người Do-thái và phần nào lấy ra từ ngoài. Dầu vậy, sách Targums và các sách đồng loại có giá trị lớn về lẽ đạo và sự giải nghĩa; và một công việc tốt giống như thế cũng đã được làm ra bởi thổ ngữ tương tự là thổ ngữ Aramaique Tây bộ hoặc Syriaque. Từ thế kỷ thứ III đến thứ IX S.C., tiếng Syriaque, đối với phần lớn của Á Châu, là giống tiếng Hy-lạp Hê-lê-nít và tiếng La-tinh thời trung cổ trong phạm vi riêng mình tức là tiếng Hội Thánh dùng trong nơi đặt tên.
       Tiếng A-rạp.-- Thời kỳ phục hưng. 
             (16) Ta thấy xứ A-ra-bi là nơi đô hội các chi phái, chi phái đứng đầu chắc từ dòng Ích-ma-ên và các chi phái khác từ dòng Áp-ra-ham, đều liên lạc với nhau bởi kết liên, tiếng nói, lân bang, và phong tục. Các thổ dân vốn ở xứ A-ra-bi không còn nữa. Bán đảo A-ra-bi xưa ở trên đường đi của văn minh Cúc hồi trở lại về phía Ðông Bắc. 
             (17) Có chứng cớ bên trong tỏ ra tiếng A-rạp vào hồi mới hiện ra trong lịch sử thì lần lần được mở mang ở quê hương hẻo lánh và trơ trụi nhứt mình. Dân A-rạp chắc chắn có một nền văn chương trước khi Ma-hô-mết sanh ra (571 S.C.), và ấy được bày tỏ trong một tiếng có nhiều dấu đặc biệt về văn pháp. Những di tích sớm nhứt đáng tin của văn chương A-rạp chỉ bằng những khúc sách truyền cho đến ngày nay, là các bài đã soạn trước Hồi giáo. 
             (18) Về vấn đề của giá trị chữ A-rạp trong sự minh chứng có hai điều phán đoán khác nhau. Một là hết cả điều quí báu trong tự điển và các văn pháp khác nhau của ngữ tộc Sem đều được lẫn vào tiếng A-rạp. 
             (19) Một trường khác binh vực quan niệm khác hẳn. Họ quyết rằng vì cớ niên hiệu mới đây (khi so sánh với các tiếng khác thuộc ngữ tộc Sem), và vì cớ các di tích văn chương A-rạp còn lại thật ít quá, nên không thể nói tiếng A-rạp là tiêu chuẩn để được biết tiếng Hê-bơ-rơ. Về sự đầy đủ động tự, văn pháp, tư tưởng sâu nhiệm, các thứ văn chương khác nhau, tiếng A-rạp không thiếu gì. Song họ nói sự phong phú của tiếng A-rạp đó không phải hết thảy như là kim khí trong sạch, và các văn sĩ đó không chú ý về nghĩa gốc của các chữ. 
             (20) Nay đến một vấn đề quan hệ. Có phải lối viết được đặt ra bởi Môi-se và các người đồng thời, hay là người Hê-bơ-rơ từ nguồn nào được học biết lối viết. Không thể nghi ngờ người Y-sơ-ra-ên biết lối viết trong đời Môi-se. Song có nhiều quan niệm khác nhau về dân tộc nào trong dòng dõi Sem có thể kể là đã sáng kiến lối viết chữ. Xem bài Viết. Có một điều rất đặc biệt trong lịch sử của tiếng A-rạp. Cho đến một thời gian ngắn trước ngày Ma-hô-mết, thuật viết chữ A-rạp dường như chưa được nhiều người biết, ấy vì những người Himyarites giữ rất cẩn thận lối viết chữ riêng mình, tức là chữ "musnad" hay được nâng lên cao và không thể thông dụng. Có lẽ có mấy chi phái kia đã gần biết viết chữ, song thế kỷ thứ VII S.C., chữ Cufic (gọi như thế vì từ thành Cufa) dường như được thường dùng. Dường như người sáng kiến là Muramar-Ibn Murrat, một người ở Ba-by-lôn Irak. 
             (21) Vậy, khi so sánh các tiếng thuộc ngữ tộc Sem thì thấy mở mang đều nhau. Song trong các tiếng đó như có hiện nay chắc tiếng A-rạp là giàu nhứt. Dầu vậy, chắc tiếng Hê-bơ-rơ không kém tiếng A-rạp gì miễn là giống nó đã có một lịch sử từ lâu và thường được dùng.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.