I. Con trai Hê-mô, người Hê-vít. Vì Si-chem điếm nhục nàng Ði-na, nên cả họ bị Si-mê-ôn và Lê-vi giết chết (Sáng thế ký 33:19; 34:2-26; Giô-suê 24:32; Các quan xét 9:28).
II. Một người Ma-na-se, thuộc họ Ga-la-át (Dân số ký 26:31).
III. Một người Ga-la-át, con trai Sê-mi-đa (I Sử ký 7:19). Ðây chép là Sê-kem.
IV. Một thành quan hệ ở miền trung ương xứ Pha-lê-tin. Theo ý nghĩa gốc của tiếng Hê-bơ-rơ là "vai" chỉ rằng nơi đó ở trên một núi hoặc sườn đồi nào; và ý đó hiệp với Giô-suê 20:7 chép Si-chem ở trên núi Ép-ra-im (so I Các vua 12:25), và Các quan xét 9:9 chép ở dưới đỉnh núi Ga-ri-xim thuộc về dãy Ép-ra-im. Tên đó hiện nay, Nâbủlus, là một tên hư đi từ chữ Neapolis, là thành tiếp nối Si-chem cổ, và chính Vespasien đã đặt tên mới đó. Trên các đồng tiền còn lại thì gọi là Flavia Neapolis. Nơi có thành là một chỗ đẹp hơn hết. Thành đó nằm ở trong một trũng có che phủ bởi núi Ga-ri-xim phía Nam và Ê-banh phía Bắc. Chơn hai núi đó, từ chỗ thành bắt đầu, không xa nhau 500 thước. Ðáy trũng là độ 550 thước cao hơn mặt biển, và đỉnh núi Ga-ri-xim còn cao hơn 250 thước nữa.
Nơi có thành ngày nay cũng là nơi có thành của người Hê-bơ-rơ xưa, ở đúng trên đỉnh núi có nước chảy bốn phía; các suối chảy từ nhiều nguồn tại đó, xuống những dốc đối ngang trũng, tràn ra trên đồng xanh, và có sự phong phú khắp nơi. Các nhà du lịch thường thi nhau dùng ngôn ngữ để tả vẽ cảnh ở đây khi vào mùa Xuân hoặc đầu mùa Hạ họ thình lình tới thiên đàng nầy của Xứ Thánh. "Cả trũng" theo lời Robinson, "đầy những vườn rau cỏ, hoặc vườn cây ăn quả đủ thứ, có các suối nước tưới và tỏa ra ở khắp tứ phía, chảy về hướng Tây trong các dòng nước mát mẻ. Thình lình ở trước có một cảnh đẹp thần tiên. Trong cả xứ Pha-lê-tin không có nơi nào so sánh được. Tại đây ở dưới bóng một dãy cây dâu, trên sườn núi, ta có thể cắm trại qua đêm... Hôm sớm sau tiếng hót của chim họa mi và các giống chim khác ở các vườn xung quanh đó đánh thức ta dậy."
Trong Kinh Thánh có nhiều khúc nói về Si-chem, và tỏ nơi đó quan hệ với lịch sử người Do-thái là dường nào! Áp-ra-ham, trong cuộc di cư thứ nhứt đến xứ đã hứa, cắm trại và lập một bàn thờ dưới cây dẻ bộp (hoặc cây thông) của Mô-rê tại Si-chem. "Bấy giờ, người Ca-na-an ở trong xứ," và lẽ tự nhiên miền đó, nếu không phải là thành, thì đã thuộc quyền sở hữu của thổ dân đó (xem Sáng thế ký 12:6). Khi Gia-cốp tới đây, sau cuộc hành trình đến xứ Mê-sô-bô-ta-mi (Sáng thế ký 33:18; 34:). Si-chem là một thành Hê-vít mà Hê-mô cha của Si-chem là người đứng đầu. Vào hồi đó, tổ phụ mua một phần đồng ruộng của quan trưởng đó, và sau để lại cho con là Giô-sép (Sáng thế ký 43:22; Giô-suê 24:32; Giăng 4:5). Ðồng ruộng chắc ở trên đồng bằng phì nhiêu của Mukhna, và giá trị còn lớn hơn vì cớ giếng Gia-cốp đã đào để khỏi phải nhờ người lân cận mà lấy nước. Sự lăng nhục nàng Ði-na, con gái của Gia-cốp, sự chiếm lấy thành Si-chem và tàn sát hết thảy nam đinh trong thành bởi Si-mê-ôn và Lê-vi, là biến động thuộc về thời nầy (Sáng thế ký 34:1). Cây dẻ bộp mà Áp-ra-ham đã thờ phượng Chúa còn sống trong đời Gia-cốp (Sáng thế ký 35:1-4). "Cây dẻ bộp bia đá tại Si-chem" (Các quan xét 9:6), là nơi người Si-chem tôn A-bi-mê-léc làm vua, có lẽ tỏ rõ sự tôn kính của người Hê-bơ-rơ xưa đối với các dấu chơn các tổ phụ họ trong Xứ Thánh là thế nào. Trong sự phân chia xứ, Si-chem trúng nhằm phần đất của Ép-ra-im (Giô-suê 20:7), song được ban cho người Lê-vi và trở nên một thành ẩn náu (Giô-suê 20:7; 21:20-21). Cũng có sự quan hệ khác, vì là cảnh tượng tuyên bố Luật pháp lần nữa khi nghe những lời chúc phước trên núi Ga-ri-xim và lời rủa sả trên Ê-banh, và dân sự cúi đầu xuống công nhận Ðức Giê-hô-va là Vua, là Quan trưởng cai trị họ (Phục truyền luật lệ ký 27:11; Giô-suê 9:33-35). Tại đây, Giô-suê nhóm hiệp dân sự ít lâu trước khi người qua đời, và giảng giải những lời khuyên dạy sau cùng (Giô-suê 24:1,25). Sau khi Ghê-đê-ôn chết, A-bi-mê-léc, con hoang của người, xui giục người trong thành Si-chem nổi loạn và tôn mình làm vua (Các quan xét 9:). Báo thù lại sự trục xuất mình, sau cuộc trị vì là ba năm, A-bi-mê-léc hủy phá thành, và để làm dấu về số phận đó thì người rắc muối xuống đất (Các quan xét 9:34-45). Chẳng bao lâu, thành được lập lại, vì ta thấy nói đến trong I Các vua 12: rằng hết thảy người Y-sơ-ra-ên nhóm lại tại Si-chem, và Rô-bô-am, con kế tự của Sa-lô-môn, đến đó để khánh thành làm vua. Cũng tại chỗ nầy, mười chi phái bỏ nhà Ða-vít và để lòng trung tín với Rô-bô-am (I Các vua 12:16), dưới đời người cai trị, Si-chem có một thời làm Kinh đô của nước vua đó. Từ thuở khởi nguyên người Sa-ma-ri, lịch sử Si-chem kết hiệp với lịch sử của dân sự Si-chem và núi thánh họ là Ga-ri-xim (Xem bài Sa-ma-ri).
Si-chem trong Tân Ước là thành Si-kha ở Giăng 4:5; gần đó Cứu Chúa đã nói chuyện với người đờn bà Sa-ma-ri tại giếng Gia-cốp. Trong Công vụ các sứ đồ 7:16, Ê-tiên nhắc lại cho những kẻ nghe mình rằng mấy người trong tổ phụ (có ý chỉ Giô-sép như ta thấy trong Giô-suê 24:32, và tiếp theo, có lẽ có lời truyền khẩu về các con trai khác của Gia-cốp) được chôn tại Si-chem.
Dân cư ở Nâbulus nay gồm có 5.000 người, trong số đó có 500 tín đồ Hội Thánh Hy-lạp; 150 người Sa-ma-ri, và ít người Do-thái. Sự ghen ghét giữa người Sa-ma-ri và người Do-thái hẳn còn như ở trong đời Ðấng Christ. Những người Hồi giáo, lẽ tất nhiên thường ở đông. Giếng Gia-cốp và mộ của Giô-sép được chỉ ra ở lân cận thành. Giếng Gia-cốp cách xa phía Ðông thành 2.400 thước, gần đường cái. Có khi giống đó gọi là Bir Es-Samariyeh, "giếng của người đờn bà Sa-ma-ri." Giếng sâu 25 thước; có hồi chỉ có ít nước, có hồi khô cạn hết. Giếng nầy hoàn toàn đục trong đá vững chắc hình tròn, đường kính độ 3 thước, cạnh giếng thì nhẵn và đều. Giếng nầy chắc đúng như trong đời Ðấng Christ. Mộ của Giô-sép nằm ở phía Bắc giếng cách xa 400 thước, đúng cửa xuống trũng giữa Ga-ri-xim và Ê-banh. Ấy là mộ có hàng rào vuông, tường quét vôi trắng, song có điều đặc biệt là mộ để tréo không để song hành như thường. Một cột sần sùi dùng làm bàn thờ, ám khói đen bởi lửa ở đầu và chơn mộ. Trên các tường có những lớp vôi cát, mà người Hê-bơ-rơ khắc chữ, và bên trong có đầy tên những người đến viếng bằng tiếng Hê-bơ-rơ, A-rạp và Sa-ma-ri. Ngoài ra, không có gì đáng chú ý. Lời truyền khẩu ở địa phương đó về mộ, cũng như về giếng, đã bắt đầu từ thế kỷ thứ IV rồi.