Si-lô . Silo.

       

      I. Si-lô được dùng một lần chỉ tên người trong một đoạn rất khó là Sáng thế ký 49:10. "Cây phủ việt chẳng hề dời khỏi Giu-đa, kẻ lập pháp không dứt khỏi giữa chơn nó, cho đến chừng Ðấng Si-lô hiện tới, và các dân vâng phục Ðấng đó." Giả thử lối dịch đó là đúng thì ý nghĩa chữ là "bình an" hoặc thái bình, và ngụ ý đến Sa-lô-môn, là người có tên đồng nghĩa, hoặc ngụ ý đến Ðấng Mê-si người ta đang chờ đợi là Ðấng trong Ê-sai 9:6 được gọi một cách rõ ràng là Chúa bình an. Xem bài Mê-si. Dầu vậy có các lời giải nghĩa khác về khúc nầy, một nói rằng ấy là thành có tên đó. Xem bài Si-lô II. Có thể dịch là "cây phủ việt chẳng hề dời khỏi Giu-đa, cây gậy của kẻ cai trị cũng không dứt khỏi giữa chơn nó, cho đến chừng Ngài tới Si-lô." Trong trường hợp nầy, lời ngụ ý đến Giu-đa làm quân tiên phong đi ra trận (Các quan xét 1:1,2; 20:18; Dân số ký 2:3; 10:14), và cứ thế mãi cho đến chừng Xứ Hứa cho đã chinh phục được, và Hòm Giao ước sẽ được đặt cách nghiêm trang tại Si-lô.
       Sau đó, lời giải nghĩa tốt hơn hết có lẽ là "Sự yên nghỉ." Như vậy, đọc là "Cây phủ việt chẳng hề lìa khỏi Giu-đa,... cho đến chừng sự yên nghỉ đến, và các dân vâng phục Ðấng đó," ấy chỉ về Ðấng Mê-si, ra từ chi phái Giu-đa. Lối dịch nầy đáng chú ý vì đã được Gesenius chứng nhận.
       Một sự giải nghĩa thứ ba về Si-lô quyết rằng ấy không phải là tên người, bởi các học sĩ Do-thái, dường như sách Targum của Jonathan, cắt nghĩa rằng Si-lô chỉ có nghĩa là "con người," tức "con của Giu-đa" (chỉ về Ðấng Mê-si), bởi sự giả định chữ Shỵl là con. Dầy vậy, không có chữ nào như vậy trong tiếng Hê-bơ-rơ. Nếu bản Hê-bơ-rơ có hiện nay là đúng, thì sự dịch Si-lô là tên thành chắc đúng hơn cả. Song vì trong các thời trước đã có nhiều lối đọc khác nhau, nên lối đọc đúng thật khó giải quyết.
       Mặc dầu người ta nhận sự cắt nghĩa nào, cũng phải nhớ rằng ấy là lời tiên tri quan hệ đến sự giáng sanh của Ðấng Christ, vì các vua dòng Hê-rốt, dầu thuộc đế quốc La-mã, song cai trị xứ Giu-đê như vừa là thổ dân, vừa là quan La-mã, đứng trước và sau Ðấng Christ giáng sanh (so Ma-thi-ơ 2:22). Sau A-chê-la-u thì đế quốc La-mã lần thứ nhứt sai một quan Tổng đốc đến cai trị tỉnh Giu-đê.
       II. Từ Shalah nghĩa là "yên nghỉ." Là nơi mà Y-sơ-ra-ên đã tới địa vị yên nghỉ, chính Ðức Chúa Trời ở giữa vòng họ (Thi Thiên 132:14). Si-lô là thành của Ép-ra-im, "ở phía Bắc Bê-tên, và ở phía Ðông đường cái đi từ Bê-tên ngược lên Si-chem, và ở phía Nam Lê-bô-na" (Các quan xét 21:19). Ðúng như vậy, du khách ngày nay từ Giê-ru-sa-lem đi về phía Bắc nghỉ đêm tại Beitin tức Bê-tên xưa; ngày hôm sau vào khoảng chừng mấy giờ, rẽ về phía tay phải thì tới Seilủn, tiếng A-rạp chỉ về Si-lô; sau đi qua một dòng nước hẹp, dẫn đến con đường chính, bỏ ib Lebbân, tức Lê-bô-na trong Kinh Thánh, về phía tay trái, cứ đi thẳng "đường cái" tới Nâblus tức Si-chem xưa.
       Si-lô là một trong các nơi thánh sớm nhứt của người Hê-bơ-rơ. Hòm giao ước đã giữ lại ở Ghinh-ganh trong kỳ chinh chiến tấn tới (Giô-suê 18:1), được từ đó dời đi khi dân xứ Ca-na-an đã chinh phục, tới Si-lô và ở đó từ cuối đời Giô-suê cho đến đời Sa-mu-ên độ 300 năm (Giô-suê 18:10; Các quan xét 18:31; I Sa-mu-ên 4:3). Tại đây, Giô-suê dùng thăm mà chia đất ở tả ngạn sông Giô-đanh ra từng phần (Giô-suê 19:51). Trong sự phân chia đó, Si-lô thuộc Ép-ra-im (Giô-suê 16:5). Vào hồi người Bên-gia-min bị ngăm đe tuyệt diệt, xảy ra việc những con gái của Si-lô, theo lễ hằng năm của Ðức Giê-hô-va, đi ra nhảy múa, thì nhơn đó người Bên-gia-min có dịp bắt những gái trẻ đó về làm vợ (Các quan xét 21:19-23). Ði bộ chừng 15 phút thì thấy một suối nước, muốn tới phải qua một trũng hẹp; nước đó chảy vào giếng, rồi từ đó tới hồ chứa để bầy chiên và đàn bò có thể uống. Chắc các con gái đã tới đây, và các khán giả đứng từ trên các núi cao có thể thấy những gái trẻ nhảy múa. Dầu cảnh thì không đáng chú ý, song địa thế ở riêng biệt rất thích hợp với sự thờ phượng và sự học hỏi về tôn giáo. Tại đây, có những mộ bằng đá đẽo chắc đó để những hài cốt của mấy người nhà Hê-li. Tại đây, Hê-li đoán xét Y-sơ-ra-ên và chết vì buồn khi mất hòm giao ước. Cũng là nơi An-ne cầu nguyện và Sa-mu-ên được lập trong Hội mạc và được kêu gọi hành chức tiên tri (I Sa-mu-ên 1:; 2:; 3:). Những cách cư xử vô đạo của các con Hê-li khiến cho mất hòm giao ước khi đem ra trận chống với người Phi-li-tin, và Si-lô từ đó không có giá trị nữa. Si-lô trong lịch sử Do-thái là một thí dụ rõ ràng về sự phẫn nộ của Chúa (Giê-rê-mi 7:12).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.