Cũng như Ê-phê-sô, Si-miệc-nơ là thành trọng yếu ở Tiểu A-si. Thành nầy ở trên bờ biển Ionie, ở đầu một vịnh ăn sâu vào nội địa 48 cây số, nên có một hải cảng rất kín đáo. Ở phía Bắc thành Ê-phê-sô, Si-miệc-nơ được Alexandre le Grand và Antigonus làm cho tăng thêm phần thẩm mỹ và được gọi là "thành đẹp đẽ." Nay, Si-miệc-nơ hẳn còn phồn thịnh, vẫn giữ tên đó, và được gọi là "Paris ở Ðông phương," có nền thương mại lớn, dân số là 200.000 người.
Ðạo Chúa Jêsus đầu tiên lập Hội Thánh tại đó, tức là một trong bảy Hội Thánh như có chép trong Khải Huyền 1:11; 2:8-11. Polycarpe chịu tử vì đạo dưới đời Marc Aurèle năm 167, tức 86 năm sau khi tin Chúa, là giám mục của Hội Thánh đó, có lẽ là "thiên sứ của Hội Thánh Si-miệc-nơ." Ðó hiệp với lời Chúa Jêsus ngụ ý đến sự bắt bớ. Những thuộc tánh của "Ðấng chết rồi mà đã sống lại" sẽ yên ủi Si-miệc-nơ trong cơn bắt bớ. Người ta tin rằng thần tượng Dionysus tại Si-miệc-nơ đã bị giết rồi lại sống; trái với lời phù ngôn giả dối đó, có danh hiệu của Ðấng Christ, "Ðấng trước hết và Ðấng sau cùng" (Khải Huyền 2:8). Sự chết của Ngài như là cửa sự sống, đối với dân sự Ngài cũng vậy. Dầu gặp sự "thử thách," sự "nghèo khổ", song thật ra hội Si-miệc-nơ "giàu có" về ơn điển (trái với Lao-đi-xê giàu có theo mắt mình và thế gian, song nghèo trước Ðức Chúa Trời). Những kẻ xưng mình là Do-thái song thật là "hội quỉ Sa-tan" đã nói phạm thượng cùng Ðấng Christ là "Ðấng đã bị treo lên." Khi Polycarpe, chịu tử vì đạo, các người Do-thái đó kêu với người ngọai xin cho thú dữ xé; quan trấn thủ không chịu, song không thể ngăn cản sự cuồng tín của quần chúng, để họ trói Polycarpe vào một cọc; chính những người Do-thái, tự tay mình chất những khúc củi thành đống mà thiêu người. Rạp hát mà Polycarpe bị thiêu ở trên một đồi ngảnh về hướng Bắc, là rạp hát lớn nhứt trong Tiểu A-si. Một bức thơ luân chuyển từ Hội Thánh Si-miệc-nơ mô tả sự tử vì đạo của Polycarpe thuật lại rằng: khi người ta giục Polycarpe chối Chúa, thì người đáp: "Trải 86 năm tôi đã hầu việc Chúa, và Chúa chẳng hề làm hại tôi, tôi nỡ nào phạm thượng với Vua và Cứu Chúa của tôi." Sa-tan, kẻ kiện cáo, bắt nhiều tín đồ Hội Thánh Si-miệc-nơ bỏ tù, và "bị hoạn nạn trong mười ngày," là một hạn ngắn (Sáng thế ký 24:55; Dân số ký 11:19); trái lại sự vui mừng sau được vĩnh viễn (nhiều tín đồ làm mồi cho thú dữ, và bị giết thiêu, vì cớ họ không chịu dâng hương cho các thần của vua); thật là một sự yên ủi êm dịu vậy. Mười là số các quyền lực thế gian dấy nghịch cùng Hội Thánh (Khải Huyền 13:1). Chúa hứa ban "mũ triều thiên của sự sống" (so Gia-cơ 1:12), "mũ triều thiên công bình" (II Ti-mô-thê 4:8), và "mũ triều thiên vinh hiển" (I Phi-e-rơ 5:4) cho những kẻ nào "trung tín cho đến chết." Chép về mũ triều thiên của sự sống nhắc lại hết năm hành chức, theo bia khắc cổ, các thầy tế lễ tại Si-miệc-nơ thường nhận một mũ như thế.
Si-miệc-nơ nghĩa là "một dược," khi bị tán ép đến chết thì tỏa ra mùi hương thơm. Sự trung tín của hội Si-miệc-nơ được thưởng vì chơn đèn không bị cất đi, nên người Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay gọi là "Si-miệc-nơ bất trung." Chỉ hai hội Si-miệc-nơ và Phi-la-đen-phi không bị Chúa quở trách.