Si-môn. Simon.

      



      I. Theo bản Mỹ thì Gia-cơ dùng tên Hê-bơ-rơ là Symeon, song dịch ra tiếng Hy-lạp là Si-môn (Công vụ các sứ đồ 15:14), để chỉ về Sứ đồ Phi-e-rơ. Xem bài Phi-e-rơ.
       II. Cha của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt (Giăng 6:71; 12:4; 13:2,26).
       III. Si-môn gọi là Xê-lốt, một trong 12 Sứ đồ (Lu-ca 6:15; Công vụ các sứ đồ 1:13). "Xê-lốt" nghĩa là "sốt sắng"; chắc về sự tôn trọng Luật pháp, và thần quyền của dân Y-sơ-ra-ên. Trong Ma-thi-ơ 10:4 cũng gọi là Si-môn, là người Ca-na-an (ấy không chỉ về dân tộc, song dịch từ chữ cananaios, tiếng Canh-đê cũng đồng nghĩa với tiếng Hy-lạp Xê-lốt). Eusèbe từ Hégésippe viết Si-môn nầy là con Cơ-lê-ô-ba, nối chức Gia-cơ làm giám mục Hội Thánh Giê-ru-sa-lem, là hội đã dời sang Pella. Si-môn chịu tử vì đạo năm 120 tuổi, dưới đời Trajan, 107 S.C..
       IV. Một em của Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 13:55; Mác 6:3). Xem bài Anh em Chúa.
       V. Si-môn, là "người phung" đã được sạch bởi Chúa Jêsus. Tại nhà người ở Bê-tha-ni, đang khi Chúa ngồi ăn, thì Ma-ri đến xức dầu cho chơn Ngài (Ma-thi-ơ 26:6; Mác 14:3; Giăng 12:1-8). Người có lẽ là cha của Ma-thê, Ma-ri và La-xa-rơ. Có lẽ một thời gian Si-môn đi khỏi nhà vì cớ bịnh phung, nên trong Lu-ca 10:38 gọi là nhà của Ma-thê, không nói đến người trong Giăng 11:, trừ Mác 14:3.
       VI. "Người Pha-ri-si," trong nhà người nầy, một người đờn bà phạm tội song đã được tha, xức dầu chơn Chúa Jêsus. Vì cớ không có lòng nhơn từ, ngu dốt và kiêu ngạo, Si-môn tự nghĩ thầm: "Nếu người nầy là đấng tiên tri chắc biết người đờn bà rờ đến mình đó là ai, cùng biết ấy là người đờn bà xấu nết." Ðấng Christ tỏ ra sự thông biết Ngài bởi trả lời những tư tưởng chưa tỏ ra của Si-môn, tỏ ra sự thánh khiết Ngài không hề bị ô uế bởi người đờn bà rờ đến, song trái lại làm cho người nên thánh bởi sự rờ đến Ngài, tỏ quyền tài phán Ngài như là Ðấng lớn hơn "tiên tri", bởi sự biện bạch cho người đờn bà, mà lên án Si-môn (Lu-ca 7:36-50; 18:9-14). Trong ví dụ người mắc nợ được tha 500 đơ-ni-ê yêu chủ nợ hơn người khác mắc nợ chỉ 50 đơ-ni-ê và được tha, Ðấng Christ tỏ ra tình yêu thương đằm thắm và tỏ ra bởi sự biết mình được tha thứ; còn người Pha-ri-si nầy thiếu kém sự yêu thương vì tưởng mình chỉ cần đến Chúa tha ít thôi. Nơi nào có ít hoặc không có sự yêu thương, thì chắc nơi đó cũng ít hoặc không cảm biết cần được tha thứ (điều đó hiệp với "Ðức tin" người đờn bà, câu 50) được tỏ ra. Tội lỗi đờn bà nầy nhiều, song đã được tha; không phải vì sự yêu thương của nàng: chữ "vì" trong câu 47 là hiển nhiên, người đờn bà đã yêu mến nhiều bởi vì nàng đã được tha thứ nhiều, và cảm biết nhiều về sự được tha tội.
       VII. "Người thành Sy-ren," là "cha A-léc-xan-đơ và Ru-phu" (là hai người được tín đồ thành La-mã biết, Rô-ma 16:13, là những người Mác đã chép sách cho), bị bắt phải vác cây thập tự sau Ðấng Christ tới Gô-gô-tha, khi chính Chúa đã không mang nổi (Giăng 19:17; Mác 15:21; Lu-ca 23:26). Ấy là một sự xấu hổ đáng tôn trọng.
       VIII. "Người thợ thuộc da" ở thành Gióp-bê, mà Phi-e-rơ ở tại nhà người khi nhận lời mời của Cọt-nây (Công vụ các sứ đồ 9:43; 10:6,17,32).
       IX. Si-môn làm nghề phù phép đã khiến cho dân thành Sa-ma-ri lấy làm lạ lùng: "Chính người là quyền phép Ðức Chúa Trời, tức là quyền phép như thường gọi vậy." Josèphe thuật lại rằng Si-môn là đồ dùng của Phê-lít để dụ dỗ Drusilla bỏ chồng mình là Azizus, vua Emesa. Người dường như nghe Phi-líp giảng Tin lành mà tin đạo. Chắc Si-môn có sáng kiến tưởng rằng nếu chịu lễ báp-têm ắt sẽ thông công với một thần có quyền phép, như vậy có thể làm các phép lạ lớn hơn trước nên người xin Phi-líp làm lễ báp-têm cho. Sau, Si-môn thấy quyền phép lạ lùng về sự ban Ðức Thánh Linh xuống bởi sự đặt tay của Phi-e-rơ và Giăng, thì có ý đem tiền đến mà mua đặc ơn đặt tay trên ai thì nấy nhận lãnh Ðức Thánh Linh. Phi-e-rơ nghiêm nghị quở trách: "Tiền bạc ngươi hãy hư mất với ngươi" (I Cô-rinh-tô 6:13; Cô-lô-se 2:22); "ngươi chẳng có phần hoặc số," v.v... so I Phi-e-rơ 1:4; "cơ nghiệp" lòng ngươi chẳng ngay thẳng trước mặt Ðức Chúa Trời" (tức chỉ về những nguyên nhân và kết quả). Vậy, "hãy ăn năn điều ác mình... hầu cho ý tưởng của lòng ngươi đó họa may được tha cho," tỏ rằng tội lỗi người có thể không được tha thứ (Ma-thi-ơ 12:31). "Vì ta thấy ngươi đương ở trong mật đắng và ở trong xiềng tội ác," (Hê-bơ-rơ 12:15). Si-môn nín chịu lời quở mắng mà xin Sứ đồ cầu nguyện thế cho hầu chẳng mắc phải những điều Phi-e-rơ nói đó (Công vụ các sứ đồ 8:-9:24). Si-môn sợ hình phạt, không phải là ghét tội cũng không có chứng cớ tỏ sự ăn năn giống Pha-ra-ôn vậy (Xuất Ê-díp-tô ký 8:8).
       Truyền khẩu trong Hội Thánh nói Si-môn trở lại nghề thuật sĩ và trở nên kẻ luôn luôn phản kháng Phi-e-rơ, theo Sứ đồ từ nơi nầy sang nơi khác, tìm dịp phản đối song chỉ thất bại. Chính Si-môn nầy đã giúp đỡ trong sự khởi xướng thuyết Trí huệ giáo.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.