Si-na-i. Sinai (có lẽ thuộc về Sin, thần mặt trăng).

       


      Tên nầy có lẽ ra từ một gốc có nghĩa là "chiếu sáng" bằng tiếng Sy-ri, và trong tiếng Ba-by-lôn có danh từ Sinu là mặt trăng. Ðồng vắng Sin (Xuất Ê-díp-tô ký 16:1; 17:1; Dân số ký 33:11) ở giữa núi Si-na-i và kênh Suez, và chắc đã đặt tên theo "ánh sáng rực rỡ" của phần trắng núi đó. Song tại núi Si-na-i, "cảnh trạng của sự vinh quang Ðức Giê-hô-va nơi đỉnh núi; trước mặt dân Y-sơ-ra-ên khác nào như đám lửa hừng (Xuất Ê-díp-tô ký 24:17); thấy vậy, sự vinh quang của Ðức Giê-hô-va cứ nhuộm những mỏm núi Jebel Mủsa (núi Môi-se) bằng màu đỏ như lửa, phản chiếu từ thứ đá hồng sa, rất lâu trước khi bóng ngã trên đồng bằng phía dưới. Trong Cựu Ước, Si-na-i được nói đến như là đồng vắng và núi 35 lần. Trong 17 câu, chính đồng vắng và núi đó được gọi là "Hô-rếp" hoặc "hoang vu". Trong các sách khác Ngũ Kinh, ngoài Phục truyền luật lệ ký, Si-na-i là tên thường dùng, dầu cũng chép tên Hô-rếp (Xuất Ê-díp-tô ký 3:1; 17:6), chỉ về cả "Núi của Ðức Chúa Trời" và đồng vắng Rê-phi-đim, chừng 32 cây số ở phía Tây Bắc.
       Môi-se chạy trốn đến Ma-đi-an (hoặc "xứ trống không") ở phía Ðông bán đảo Si-na-i (Dân số ký 22:4,7; 25:; 31), và khi Môi-se chăn bầy đến núi Hô-rếp (Xuất Ê-díp-tô ký 3:1), thì đến phía Tây của đồng vắng. Theo Phục truyền luật lệ ký 1:2, thấy từ Hô-rếp đến Ca-đe Ba-nê-a, bởi đường núi Sê-i-rơ, phải mất 11 ngày, đường dài chường 232 cây số, dầu Y-sơ-ra-ên, với bầy súc vật, đờn bà và con nít, mất 16 ngày. Si-na-i cũng được mô tả cách xa Ai-cập "ba ngày đường" nơi đồng vắng (Xuất Ê-díp-tô ký 5:3). Josèphe nói rằng núi Si-na-i "cao nhứt cả vùng" và lại nữa "là núi cao nhứt cả xứ, và chẳng những người khó trèo lên, vì cao, song cũng vì có nhiều vực sâu thẳm; thật thế, ta không thể nhìn mà không mỏi mắt và ngoài ra, còn không thể trèo được vì cớ tiếng đồn rằng Ðức Chúa Trời ngự tại đó."
       Chắc trong đời Josèphe, người ta cho núi Si-na-i là một trong các đỉnh ở khối đá cát lớn gọi là et-Tur. Ðỉnh cao nhứt là Jebel Kâtarin, cao hơn mặt biển chừng 2.500 thước. Ở Ðông Bắc đỉnh đó có Jebel Mủsa (2.250 thước), là đỉnh, đầu thấp hơn, song còn trông rõ hơn, vì cánh đồng bằng gọi là er Râhah ("rộng rãi") ở phía Tây Bắc. Ðồng bằng nầy chừng 6 cây số bề dài và 2 cây số bề rộng, như vậy theo Robinson, có thể đóng trại ở chơn núi rộng đủ cho số người phỏng đoán được (Xuất Ê-díp-tô ký 19:2).
       Si-na-i là núi thánh, vì tại đó được ban cho Mười điều răn, và nơi chơn núi giao ước khiến Y-sơ-ra-ên thành một dân tộc có Ðức Chúa Trời làm Vua được chuẩn y (Xuất Ê-díp-tô ký 20:1-24:8). Hết cả bộ luật lệ chép ở trong trong Xuất Ê-díp-tô ký 20: đến Dân số ký 10: được ban hành ở trên hoặc ở chơn núi Si-na-i, tùy theo sự tuyên độc nhiều lần (Xuất Ê-díp-tô ký 24:12; 31:18; 34:2; Lê-vi ký 1:1; 16:1; 25:1; 26:46; 27:34; Dân số ký 1:1; 9:1). Jebel Musa có hai đỉnh chính, đỉnh Ðông Bắc nay có nhà thờ ở trên, còn đỉnh kia, có những hẻm núi chia thành nhiều mỏm, nay có một viện tu ở phía Bắc, và gọi là Râs es-Safsâfeh hoặc "đỉnh liễu." Ở phía Bắc viện tu có một đỉnh núi thấp hơn gọi là Jebel ed Deir ("núi của viện tu"). Trong viện tu có một thư viện rất giá trị, có nhiều bản thảo nhiều nhứt bằng tiếng Hy-lạp, A-ra-bi, một số khác bằng tiếng Syriaque và Ê-thi-ô-bi. Tại đây, năm 1844 và 1859, Tischendorf tìm được bản Tân Ước gọi là Codex Sinaiticus, có độ 400 S.C.. Cũng ở đây, năm 1892, nữ sĩ Lawis đã tìm ra bản thảo chép các sách Tin lành bằng tiếng Syriaque cổ, và có lẽ viết vào thế kỷ thứ V S.C.. Dầu không thể nói đúng Môi-se đã lên đỉnh nào, song thật các đỉnh nói trên cao hơn các núi ở đồng vắng Si-na-i, hoặc xứ Ma-đi-an, vì cả đến núi Jebel Serbal, 32 cây số ở phía Tây núi Si-na-i, là dãy có nhiều mỏm, chạy dài 5 cây số, cũng chỉ cao 1840 thước mà thôi. Ðức Chúa Trời đã vài lần giáng lâm trên núi Si-na-i: trước hết Ngài hiện đến ở trong bụi gai đang cháy (Xuất Ê-díp-tô ký 3:4); qua 600 năm, tiên tri Ê-li trốn đến núi nầy, Chúa hiện đến cùng ông trong một cơn bão gió (I Các vua 19:). Theo chỗ tương truyền thì có khi thấy các đám mây thình lình họp lại và ở đó hàng mấy ngày (Xuất Ê-díp-tô ký 24:15), có thể bao phủ các đỉnh núi rất cao. Những người Hê-bơ-rơ đã đến núi Si-na-i tháng thứ ba sau khi bỏ Ai-cập, độ cuối tháng năm (Xuất Ê-díp-tô ký 19:1), và ngày thứ ba có "sấm vang, chớp nhoáng, một áng mây mịt mịt ở trên núi" (câu 16). Kinh Thánh thường nói đến sự oai nghi, hiển hách của Chúa khi Ngài truyền luật pháp (Phục truyền luật lệ ký 33:2; Các quan xét 5:5; Thi Thiên 68:8,17; Ha-ba-cúc 3:3).
       Tân Ước so sánh giao ước Chúa truyền ở núi Si-na-i khác xa ơn điển Ngài ban cho. Vậy biết ơn điển đời Tân Ước thắng hơn Luật pháp Cựu Ước (Ga-la-ti 2:24-25; Hê-bơ-rơ 12:18-29).
       Tiến sĩ Scofield chú thích về Si-na-i.
       Xuất Ê-díp-tô ký 19:1.-- Xem bài Luật pháp, phần dưới.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.