Si-ôn. Sion (núi có ánh mặt trời).

       


      1. Là một trong mấy núi trên có xây thành Giê-ru-sa-lem. Lần thứ nhứt nói đến trong Kinh Thánh như là một đồn lũy của người Giê-bu-sít. Ða-vít chiếm được đồn lũy nầy và đổi tên là thành của Ða-vít (II Sa-mu-ên 5:6-9; I Sử ký 11:5-7). Ðây là truyện Ða-vít chiếm lấy đồn của người Giê-bu-sít thế nào: Từ lâu năm, Y-sơ-ra-ên không thể chinh phục đồn lũy đó vì đứng bên núi phía Ðông có khe Kít-rôn, Tây và Nam thì có trũng Hin-nôm. Vì ở trên đồn, người Giê-bu-sít thiếu nước, phải nhờ một suối ở phía Ðông gần khe Kít-rôn, bấy giờ gọi là Ê-rô-ghên, trước là Ghi-hôn, sau là Si-lô-ê, nay là Suối Nữ đồng trinh. Muốn từ đồn lũy tới suối đó, người Giê-bu-sít phải nhờ một đường ngầm dưới đất giấu kín từ suối dài 21 thước rưỡi, sau đục trong đá thẳng dọc lên cao 16 thước thì tới trung tâm của thành. Vậy, khi Ða-vít vây đồn, như mấy câu trên nói, vua nghe về đường giấu kín đó thì hứa cho người nào chiếm được thành làm trưởng và làm tướng. Chắc Giô-áp đã do đường đó liều mình chiếm lấy đồn của người Giê-bu-sít vậy. Theo Josèphe, chắc là A-rau-na, người Giê-bu-sít sau khi Ða-vít lấy được thành, được ơn trước mặt vua và có một sản nghiệp lớn trong một tình thế như vậy, đã tiết lộ sự bí mật của đường đó (so II Sa-mu-ên 24:18-24). Ða-vít thỉnh hòm giao ước tới đây, và từ hồi đó núi trở nên thánh (II Sa-mu-ên 6:10-12). Sau Sa-lô-môn dời hòm giao ước tới Ðền thờ mà vua đã xây trên núi Mô-ri-a (I Các vua 8:1; II Sử ký 3:1; 5:2). Theo hai khúc sau đây thì Si-ôn và Mô-ri-a là hai đỉnh khác hẳn nhau. Về vấn đề núi gọi là Si-ôn, xin xem bài Giê-ru-sa-lem.
       2. Sau sự xây cất Ðền thờ trên núi Mô-ri-a và sự dời hòm giao ước đến đó, thì tên Si-ôn còn gồm cả nghĩa chỉ về Ðền thờ (Ê-sai 8:18; 18:7; 24:23; Giô-suê 3:17; Mi-chê 4:7). Ấy là tùy theo thực sự trong Cựu Ước chép đến Si-ôn từ độ 100 đến 200 lần, mà núi Mô-ri-a chỉ chép một lần (II Sử ký 3:1), hoặc rất nhiều là hai lần (Sáng thế ký 22:2).
       3. Si-ôn cũng thường khi dùng để chỉ về cả thành Giê-ru-sa-lem (II Các vua 19:21; Thi Thiên 48:; 69:35; 133:3; Ê-sai 1:8; 3:16; 4:3; 10:24; 52:1; 60:14).
       4. Trong đời họ Macchabées, có sự phân biệt giữa núi, trên có xây Ðền thờ với thành Ða-vít (I Macchabées 7:32,33).
       5. Cũng chỉ về Giáo hội và chính thể của người Do-thái (Thi Thiên 126:1; 129:5; Ê-sai 33:14; 34:8; 49:14; 52:8).
       6. Chỉ về cõi trời nữa (Hê-bơ-rơ 12:22; so Khải Huyền 14:1).
       Tiến sĩ Scofield chú thích về Si-ôn:
       I Sử ký 11:5.-- Hê-bơ-rơ: đồn lũy.
             (1) Si-ôn; Ðồn lũy xưa của người Giê-bu-sít, là nơi cao phía Tây Nam trong Giê-ru-sa-lem, Kinh Thánh gọi là thành Ða-vít, được quan thiệp với dòng vua Ða-vít cả về lịch sử lẫn tiên tri (I Sử ký 11:7; Thi Thiên 2:6; Ê-sai 2:3). Lời nầy nhiều lần dùng cả về thành Giê-ru-sa-lem được coi là thành Ðức Chúa Trời (Thi Thiên 48:2,3), nhứt là trong các khúc chỉ về thời đại nước tương lai (Ê-sai 1:27; 2:3; 4:1-6; Giô-ên 3:16; Xa-cha-ri 1:16,17; 8:3-8; Rô-ma 11:26). Trong Hê-bơ-rơ 12:22, Si-ôn được dùng hình bóng chỉ về trời.
             (2) Trong Phục truyền luật lệ ký 4:48, tên đó là một mỏm ló ra, hoặc một đỉnh núi Hẹt-môn.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.