Từ tiếng Ba-tư Kohr, "mặt trời", cũng như tên Pha-ra-ôn từ chữ phrah, "mặt trời". Người sáng lập ra đế quốc Ba-tư (Ða-ni-ên 6:28; 10:1,13; II Sử ký 36:22,23). Theo truyền khẩu thì Si-ru là con của Mandane, con gái của Astyages, vua cuối cùng nước Mê-đi, gả cho Cambyses, một người Ba-tư thuộc họ Achaemenidae. Vua Astyages, vì cớ chiêm bao, bảo Harpagus, người cận thần, phải giết con trai là Si-ru; song người chăn bò mà Harpagus giao đứa nhỏ cho lại nuôi con đó. Khi con đó lớn lên thì những đặc sắc tỏ thật thuộc về dòng vua. Khi Astyages nghe Si-ru còn sống, thì tức giận mà giết thịt con trai Harpagus dọn tiệc cho người ăn. Muốn báo thù, Harpagus giúp đỡ Si-ru tại Pasargadae, gần Persopolis, 559 T.C., để đánh bại và truất ngôi Astyages, và tự tôn mình làm vua của cả Mê-đi và Ba-tư. Sau đó, vua Si-ru chinh phục Croesus (546 T.C.), và thêm xứ Ly-đi vào đế quốc mình. Năm 538 T.C., thì vua chiếm Ba-by-lôn bởi cách tháo nguồn sông Ơ-phơ-rát chảy trong một kinh khác, và vào thành bởi lạch sông khô cạn trong khi người Ba-by-lôn còn đang yến tiệc như trong Ê-sai 21:5; 44:27; Giê-rê-mi 50:38; 51:57 đã nói trước. Theo Herodotus thì cuối cùng Si-ru bị chết tại trận đánh với người Pasargadae.
Trong Ða-ni-ên 5:31, khi Ba-by-lôn sụp đổ, chép: "Rồi Ða-ri-út là người Mê-đi được nước, bấy giờ tuổi người độ sáu mươi hai." Trong Ê-sai 13:17; 21:2 giống Ða-ni-ên chứng quyết về phần người Mê-đi hủy diệt nước Ba-by-lôn. Ða-ni-ên 6:28 liên lạc cả hai: "Ða-ni-ên cứ được thạnh vượng như vậy trong đời Ða-ri-út và Si-ru là người Ba-tư". So Giê-rê-mi 51:11,28. Vì nhường chỗ thứ nhứt cho người Mê-đi như chép: "...Luật của người Mê-đi và người Ba-tư, không thể thay đổi được" (Ða-ni-ên 6:12), cũng tỏ ra người Mê-đi nguyên là đứng đầu. Song những câu: "Ða-ri-út là người Mê-đi được nước" (5:31), và "Ða-ri-út, con vua A-suê-ru (cũng một tên với Cyaxares và Xerxes), về dòng Mê-đi... được lập làm vua trị nước người Canh-đê" (9:1), đều tỏ rằng Si-ru là vua chính thống và người chinh phục, còn Ða-ri-út làm vua phụ dưới người. Có lẽ Ða-ri-út nầy đã đại biểu của dòng vua người Mê-đi, không biết có phải là một với Astyages hoặc người nối ngôi là Cyaxares II, và Si-ru tưởng rằng có lợi hơn thì cho người dự phần quyền của vua để làm vững sự hiệp một của hai dòng vua và hòa hiệp với người Mê-đi. Xem bài Ða-ri-út.
Ða-ri-út cai trị làm phó vương ở Ba-by-lôn từ 538 đến 536 T.C. khi Si-ru cai trị từ đó một mình; bởi đó E-xơ-ra (1:1) nhìn nhận năm vua Si-ru bắt đầu cai trị tại Ba-by-lôn là năm thứ nhứt của sự trị vì người trên cả đế quốc, dầu người đã làm vua Ba-tư 20 năm trước. II Sử ký 36:22 cũng vậy. Những lời tiên tri Ê-sai nói rằng sự chiếm thành Ba-by-lôn là bởi vua Si-ru chớ không phải vua Ða-ri-út; Ê-sai 44:27,28; 45:1 chép về Si-ru rằng: "Nó là người chăn chiên của ta (Ðức Giê-hô-va)..., là người chịu xức dầu của Ngài," làm hình bóng về Ðấng Mê-si, Vua thật, Mặt trời công bình (Ma-la-chi 4:2), và Ðấng Cứu Chuộc dân Ngài khỏi Ba-by-lôn bí mật.
Si-ru đã được lớn lên và dạy dỗ trong chủ nghĩa độc thân thuần túy như là người Ba-tư, dường như định sẵn để ghét những hình tượng người Ba-by-lôn và làm ơn cho Do-thái giáo. Ðạo Zoroastre (bái hỏa giáo) chừng vào chính lúc đó cải cách lại sự thờ lạy cõi thiên nhiên chung của người Ba-tư, và nhận mặt trời hoặc lửa như chỉ là hình bóng của Thần duy nhứt. Trong chiếu chỉ của vua Si-ru ban ra cho người Do-thái được lập lại từ Ba-by-lôn, thì Si-ru tỏ sự quen biết rõ những lời tiên tri của Ê-sai và Giê-rê-mi về mình, mà vua chắc đã nghe đấng tiên tri Ða-ni-ên, về sự đoán phạt Bên-xát-sa: "Giê-hô-va đã ban các nước thế gian cho ta, và chính Ngài có biểu ta xây cất cho Ngài một đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, trong xứ Giu-đa... là Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên" (E-xơ-ra 1:2).
Thánh Kinh Tự điển của Smith xuất bản viết: "Sự sụp đổ của Sạt-đe và Ba-by-lôn là khởi điểm của sự hoạt động ở Âu Châu; sự khởi đầu của mỹ thuật và triết lý Hy-lạp; và là nền tảng của lập hiến đế quốc La-mã, đồng thời với sự đắc thắng của dòng giống Aryens ở phương Ðông." Si-ru làm đại biểu cho sự tập trung và trật tự ở phương Ðông, như Alexandre đại biểu cho cá nhơn và sự độc lập ở phương Tây. Cả hai có một ảnh hưởng quan hệ lớn trên lịch sử thế gian và Hội Thánh, và Si-ru lập lại dân Do-thái là một điểm lớn trong sự mở mang phương pháp cứu chuộc trọng thể và cuối cùng của Ðức Chúa Trời! Xenophon bày tỏ lòng nhơn đạo của Si-ru. Vì cớ lòng mộ đạo Zoroastre, thì Si-ru ghen ghét sự thờ hình tượng và các lẽ xấu hổ đó, chỉ tôn kính một "thần lớn Ormuzd" mà dân Ba-tư xưa thờ lạy, nên Si-ru chịu cảm động lo đến những sự đau đớn của người Do-thái là người theo một tôn giáo hầu giống tôn giáo mình. Ấy là một cớ Si-ru lập lại dân Do-thái. Si-ru nhận biết "Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ở trên trời" (E-xơ-ra 1:2; theo nguyên văn), và xưng Ngài là một với Giê-hô-va của người Do-thái, với những quà lễ từ trước mình để dùng trong việc thờ Ngài, đều hiệp với tín ngưỡng Ba-tư xưa. Sự lấy những khí dụng bằng vàng từ kho mà cho (1:5-11; 6:5), sự cho phép dùng tiền huê lợi của vua mà xây lại Ðền thờ (6:4), và truyền cho các tùy tùng phải "tiếp trợ họ bằng vàng, bạc, của cải và súc vật" (1:4) đều hiệp với những đặc tánh rộng rãi của Si-ru vậy.
Tiến sĩ Scofield chú thích về Si-ru như sau nầy:
Ða-ni-ên 5:31.-- Cùng với Si-ru khi người lên cầm quyền thì hoàn toàn có đế quốc Ba-tư, là đế quốc thứ II trong các cường quốc thế gian (Ða-ni-ên 2:39; 7:5). Trong sự hiện thấy của Ða-ni-ên về đế quốc nầy nhằm "năm thứ III, đời vua Bên-xát-sa" (Ða-ni-ên 8:1-4), thì quyền của nước Mê-đi thuộc Ða-ri-út được thấy như là cái sừng ngắn trong hai sừng của chiên đực; còn quyền của nước Ba-tư thuộc Si-ru, dưới vua đó quyền của nước Mê-đi Ba-tư được vững vàng, được thấy như là cái sừng "cao hơn", "mọc lên sau". Dưới Si-ru, là người được đặt tên bởi tiên tri hơn một thế kỷ trước khi sanh ra (Ê-sai 44:28-45; 1-4), người Do-thái sót lại bắt đầu trở về xứ Pha-lê-tin (E-xơ-ra 1:1-4). Xem Ða-ni-ên 11:2.
Ê-sai 45:1.-- Chỉ có lần nầy chép danh từ xức dầu cho một người ngoại bang. Nê-bu-cát-nết-sa được gọi là "đầy tớ" của Ðức Giê-hô-va (Giê-rê-mi 25:9; 27:6; 43:10). Ðó, giống như tiếng chỉ định "người chăn chiên của Ta" (Ê-sai 44:28), cũng như danh từ của Ðấng Mê-si, tỏ rằng Si-ru là một sự ngoại trừ rất lạ, người ngoại bang hình bóng về Ðấng Christ. Các điểm là:
(1) cả hai đều là người chinh phục mà những kẻ thù của Y-sơ-ra-ên không thể chống cự (Ê-sai 45:1; Khải Huyền 19:19-21);
(2) cả hai đều là người lập lại thành thánh (Ê-sai 44:28; Xa-cha-ri 14:1-11);
(3) bởi cả hai người mà danh của Chơn Thần Ðộc Nhứt được cả sáng (Ê-sai 45:6; I Cô-rinh-tô 15:28).
Ê-sai 44:28.-- So I Các vua 13:2 nói đến tên Giô-si-a 300 năm trước khi người sanh ra.
Ê-sai 41:2.-- Ðây dường như trưng dẫn về Si-ru, là người đắc thắng và quyền người thêm lên mau chóng bởi sự định trước của Ðức Chúa Trời. Câu 5-7 mô tả kết quả quyền bính nước Ba-tư trên các dân tộc. Họ giục lòng nhau và (câu 7) làm những thần tượng mới. Ðến câu 8 tiên tri phán với Y-sơ-ra-ên. Vì là Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đã dấy Si-ru lên, nên phải trông đợi sự tốt lành không phải sự dữ từ Si-ru (câu 8-20). Câu 21-24 là một lời đố thách khinh dể những hình tượng mà các dân tộc đang nhờ cậy.