I. Ðây là nơi người Y-sơ-ra-ên đóng trại khi đi qua sông Giô-đanh để bắt đầu chiếm lấy phía Tây xứ Pha-lê-tin, ở trên đồng vắng Mô-áp, phía Ðông sông Giô-đanh, đối ngang Giê-ri-cô (Dân số ký 22:1; 25:1). Trong Dân số ký 33:49 gọi chỗ nầy là A-bên Si-tim. Tại Si-tim có nhiều biến động. Ðang khi dân Y-sơ-ra-ên đóng trại tại đó, Ba-la-am thử rủa sả họ (22:-24:), dân sự phạm tội với những con gái Mô-áp và Ma-đi-an tại Ba-anh Phê-ô và kết quả là có tai vạ (25:), có sự tu bộ dân sự lần thứ hai (26:), và dịp tiện để ban hành luật về cơ nghiệp cho các con gái (27:1-11), Giô-suê được công khai xưng là người nối nghiệp cho Môi-se (12-23), có luật pháp về của lễ thiêu hằng hiến và lời hứa nguyện (28:-30:), có chiến trận với 5 chi phái Ma-đi-an ở miền lân cận, vì cớ họ thử lập mưu dụ dỗ Y-sơ-ra-ên sa vào tội thờ hình tượng bại hoại tại Ba-anh Phê-ô (31:), Ru-bên và Gát, theo lời nài xin của họ, nhận được cơ nghiệp ở bên Ðông sông Giô-đanh (32:), Môi-se tả vẽ sự hành trình và chỗ đóng trại từ khi ra khỏi Ai-cập cho đến sông Giô-đanh (33:). Tại đây cũng lo về sự chiếm xứ Ca-na-an: vì cớ biến động mới xảy ra, thì có lời truyền khẩn cấp phải đuổi dân Ca-na-an và hủy phá các bàn thờ và thần tượng của chúng; cũng lo về phân chia đất, và có một ban được cử ra để trông nom việc chia cho các chi phái; lại truyền để riêng các thành cho người Lê-vi, và sáu cái làm thành ẩn náu để cho những kẻ vô ý sát nhơn (33:50-35:). Lần nữa có vấn đề sắp đặt các cơ nghiệp cho các con gái (36:). Kế đó, Môi-se giảng bài từ biệt (xem Phục truyền luật lệ ký). Giô-suê nhận lấy chức vụ trọng thể, và Môi-se lên núi Nê-bô và chết tại đó. Sau khi Môi-se qua đời, Giô-suê sai hai người do thám đi từ Si-tim để xem xét và trình lại về đồn lũy Giê-ri-cô (Giô-suê 2:). Sau Y-sơ-ra-ên dời trại quân khỏi Si-tim và sắp đặt đi qua sông Giô-đanh (3:).
II. Một trũng khô và trụi, tại đó chỉ có cây Si-tim mọc (Giô-suê 3:18). Nếu tiên tri có ý chỉ về trũng đặc biệt nào, chắc là đồng bằng A-ra-ba xung quanh Biển Chết (so Ê-xê-chi-ên 47:1-12). Tiên tri đặt tên đó từ nơi đóng trại Y-sơ-ra-ên tại Si-tim, và chọn làm hình bóng vì nước biển đó không có sanh vật nào, và miền Nam, chỉ là những hòn đá hoang vu và dốc muối. Sau Giê-hô-va đã đoán phạt mọi dân tộc, nước Ðức Chúa Trời sẽ thịnh vượng và các nước thế gian trở nên hoang vu (Giô-ên 3:9-21). Các núi Giu-đa sẽ "nhỏ rượu ngọt ra; sữa chảy ra từ các đồi, hết thảy các khe Giu-đa sẽ có nước chảy. Một cái suối sẽ ra từ nhà Ðức Giê-hô-va và tưới trũng Si-tim (so với Khải Huyền 22:1,2).
Tiến sĩ Scofield chú thích về gỗ Si-tim:
Xuất Ê-díp-tô ký 26:15.-- Ý bóng của các tấm ván rõ ràng chỉ về Ðấng Christ. Gỗ acacia, mọc ở nơi đồng vắng, là một hình bóng xứng đáng chỉ về Nhân tánh Ðấng Christ như "một cái rễ ra từ đất khô" (Ê-sai 53:2). Nắp thi ân bằng vàng, hình bóng Ðức Chúa Trời được tỏ ra, chỉ về vinh hiển Thần tánh của Ngài. Như ứng dụng cho cá nhơn tín đồ thì ý nghĩa của các tấm ván kém phần rõ ràng. Sự quan thiệp có thể tìm thấy trong Giăng 17:21-23; Ê-phê-sô 1:4,6; I Giăng 4:13. Chỉ như thấy "ở trong Ngài", các tấm ván mới có thể chỉ về tín đồ. Theo quan điểm đó, hình bóng rất đẹp. Ở trong thế gian, song đã được phân rẽ với thế gian bởi bạc của sự cứu chuộc (Ga-la-ti 1:4; Xuất Ê-díp-tô ký 30:11-16; 38:25-27), như các tấm ván của Ðền Tạm được phân rẽ khỏi đất bởi những lỗ mộng bằng bạc, và được hiệp một bởi cây "xà ngang" (câu 28), chỉ cả về một sự sống (Ga-la-ti 2:20) và một Thánh Linh (Ê-phê-sô 4:3). "Cả cái nhà... sắp đặt cách hẳn hoi, để làm nên một đền thờ thánh trong Chúa" (Ê-phê-sô 2:21).