Sô-đôm. Sodome.

        


      Thành xây ở đồng bằng, phía Nam chỗ của dân Ca-na-an ở (Sáng thế ký 10:19; 13:10). Ðồng bằng đó gối vào sông Giô-đanh, rất màu mỡ. Lót chọn và dời đến ở tại Sô-đôm (Sáng thế ký 13:10,11), dầu là nơi mang tiếng xấu. Về sau, khi vua Ê-ram đánh Sô-đôm, Lót và tài sản bị cướp phá hết, may có Áp-ra-ham cứu cho (Sáng thế ký 14:). Lót dẫu đau thương vì người Sô-đôm (II Phi-e-rơ 2:7), Áp-ra-ham dầu cầu nguyện cho người Sô-đôm, song rút lại trong thành không có được mười người công bình (Sáng thế ký 18:20-32), cuối cùng bị Ðức Chúa Trời giáng diêm sanh và lửa để hủy diệt hết, chỉ Lót và hai con gái được thoát khỏi (Sáng thế ký 19:24,25). Kinh Thánh thường nói đến tai nạn đó để răn dạy kẻ ác (Phục truyền luật lệ ký 29:23; Thi Thiên 107:34; Ê-sai 1:9; 13:19; Giê-rê-mi 49:18; 50:40; Ca Thương 4:6; A-mốt 4:11; Sô-phô-ni 2:9; Lu-ca 10:12; 17:29; Rô-ma 9:29; II Phi-e-rơ 2:6; Giu-đe 7).
       Hai chữ "Sô-đôm" có ý là trái nghịch, gian trá, cùng chỉ về thành Giê-ru-sa-lem, nước Do thái, thờ hình tượng, làm điều ác (Ê-sai 1:10; 3:9; Giê-rê-mi 23:14), lại chỉ bóng về thành mà Chúa bị đóng đinh vào thập tự giá nữa (Khải Huyền 11:8). Nhưng thực ra người Do-thái đã lìa bỏ Chúa, phạm tội còn nặng hơn Sô-đôm (Ê-xê-chi-ên 16:46-52). Chúa Jêsus có phán: Nếu coi khinh đạo Tin lành, "đến ngày phán xét, thì Sô-đôm và xứ Gô-mô-rơ sẽ chịu đoán phạt nhẹ hơn thành ấy" (Ma-thi-ơ 10:14,15; 11:23,24).
       Nay không biết đúng thành Sô-đôm ở đâu. Có hai lý cớ Sô-đôm ở phía Bắc Biển Chết:
       (1) Từ một nơi gần Bê-tên, Áp-ra-ham và Lót có thể thấy cả đồng bằng sông Giô-đanh (Sáng thế ký 13:3 và 10). Dầu vậy, cũng phải cẩn thận khi giải nghĩa chữ "khắp"
       (2) Kết-rô-lao-me đến từ phương Nam đã đánh dân A-mô-rít ở Hát-sát-sôn-Tha-ma, tức Ên-Ghê-đi, trước khi bị ngăn cản bởi vua Sô-đôm cùng đồng minh. Ấy là một thực sự dường như tỏ ra gặp nhau ở giữa Ê-Ghê-đi và cực bắc Biển Chết.
       Trái lại có ba cớ quan hệ về Sô-đôm ở cực nam Biển Chết:
       (1) Vì chỉ tìm thấy nhiều nhựa chai ở cực nam Biển Chết.
       (2) Dần dần nước Biển Chết bao phủ các thành, nên các thành có thể ở phía cực nam, vì nước ở vùng đó chỉ sâu từ 60 phân đến 6 thước song ở phía cực bắc, nước sâu từ 200 đến 300 thước. Về phương diện địa chất, đất ở phía cực nam Biển Chết có thể mới có mấy ngàn năm.
       (3) Xoa, một trong năm thành (Sáng thế ký 13:10) ở cực nam Biển Chết.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.