Sông Ni-lơ. Nil.

        


      Là sông lớn nhứt của Ai-cập, bằng tiếng Hê-bơ-rơ thường gọi là Si-ho nghĩa là "đục" (Ê-sai 23:3); Sáng thế ký 15:18 gọi là "Sông Ai-cập". Nước sông Ni-lơ chia làm hai nhánh tại Khartum: trắng và lam (fleuve blanc et fleuve bleu). Nhánh trắng khởi đầu nguồn từ hồ Victoria Neanza từ miền trung ương Phi Châu; nhánh lam phát nguyên từ phía Nam của đường xích đạo tức là xứ Abyssinie. Xứ Ai-cập ít mưa mà nếu không có sông Ni-lơ thì toàn xứ sẽ trở nên một dãy đất trơ trọi, và không gì mọc lên được. Khoảng mùa Hạ, mùa Thu, nước lụt lên đầy dẫy có khi gọi là biển (Na-hum 3:8) cuốn cả những loài sinh vật đến. Sau khi nước xuống, đất lại càng màu mỡ tốt hơn; bấy giờ cư dân mới đi gieo giống. Mùa màng tốt hay xấu theo vụ nước lên lớn hay nhỏ. Ngày nay, nước Anh lập một đập (barrage) rất lớn để cho nước sông Ni-lơ điều hòa. Trong đời Pha-ra-ôn, người Ai-cập chia năm canh nông ra làm ba phần đều nhau: kỳ nước lụt, từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 10; kỳ mùa đang lớn lên, từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 2; kỳ mùa gặt, từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 6. Chúng ta không thể nhứt định chiều dài của sông Ni-lơ. Từ ngã ba 2 nhánh sông trắng và lam, người ta đo ngược lên, không theo đường thẳng, song theo đường uốn khúc, dài chừng 6.500 cây số. Có lẽ là sông dài nhứt thế gian. Sông có danh tiếng về bảy nhánh, đời đế quốc La-mã đếm được 11 nhánh, song chỉ có 7 nhánh chính. Những đài kỷ niệm và những truyện kể lại tỏ ra sông Ni-lơ của Ai-cập trong thời cổ trên bờ có lau và sậy, có nhiều chim trời, còn ở trên mặt đất có hoa sen thơm ngát. Ngày xưa chắc quang cảnh trên sông đẹp đẽ và có vẻ rộn rịp hơn ngày nay. Ðủ các kiểu thuyền bè qua lại, có những vườn chung quanh, một trại mùa Hạ, từ những chiếc thuyền lớn (galère), có buồm vuông lớn, trắng hoặc màu sắc khác nhau, rất nhiều bơi chèo, cho đến những thuyền nhỏ bằng cây papyrus, lướt trên mặt nước đem những kẻ tìm thú vui chơi nơi nào họ muốn săn bắn, hoặc ném lao vào những đám sậy có chim trời đậu, hay dấn mình vào sự săn hà mã và những cá sấu rất nguy hiểm.
       Nay tại sông Ni-lơ không còn thấy sậy và những cây sống dưới nước, cây papyrus rất danh tiếng hầu tiệt hẳn, cả đến những hoa sen cũng không còn, trừ ra trên những bãi đồng lầy gần Ðịa Trung Hải. Sự khác hẳn giữa sông Ni-lơ ngày nay và đời xưa là bởi có nhiều nhánh sông bị lấp, và sự thay đổi chính về phương diện trồng trọt là kết quả của những hồ thả cá bị tiêu hủy và những ống dẫn nước, và vì đó sự đánh cá cũng suy kém.
       Sông Ni-lơ luôn hiện trước mặt ta trong lịch sử xứ Ai-cập. Những con trai Hê-bơ-rơ mới sanh bị liệng xuống đó, trong một sông ngòi nào đó, người ta đã thả rương mây trong có Môi-se nằm, và công chúa Pha-ra-ôn thấy khi xuống tắm. Khi những tai vạ giáng xuống thì con sông thánh, nơi dân Ai-cập nương tựa, và những nguồn nước biến thành huyết cả. Người ta tưởng rằng bảy năm mất mùa đói kém trong đời Giô-sép chắc là vì cớ sông Ni-lơ thiếu nước vậy.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.